Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ Tháng 7, 2008

internet đang làm gì cái đầu tôi?

Mấy ngày nay đọc. Hết ngồi đọc rồi nằm đọc, đọc sách giấy rồi đọc trên máy tính. Chủ nhật dẹp hết, nhảy xe đò đi Tân Tập chơi. Về nhà lại đọc tiếp, hết nằm lại ngồi, xong sách giấy lại mở máy tính ra. Không biết như vầy là sướng hay khổ? Đang đọc và đọc lại các tác giả nữ cùng thời. Hồi ở Bellingham, chủ yếu đọc trên mạng và sách điện tử. Về đây có sách giấy nên đọc sách giấy. Bỗng nhận ra cái truyện mình đã đọc trên mạng, có ghi lại ý kiến trong sổ tay rồi. Bèn coi lại ghi chép hồi đó, so với ghi chép mới đây, nhận ra hai cách cảm nhận khác nhau. Mình không ngạc nhiên vì ở thời điểm khác, không gian khác, tâm thế khác, đương nhiên sự cảm thụ có khác. Bữa nay đọc bài này , Internet đang làm gì não chúng ta? Google có đang khiến chúng ta ngu đi? Thấy tác giả có lý. Kinh nghiệm của ổng hoá ra nhiều người từng trải qua, trong đó có mình! May mà những cuốn sách mình cần đọc này chưa có trên internet nên mình không thể có chọn lựa khác. Nhưng tác giả thuộc loại già như mình. Những người lớn...

những vì sao

tôi đang nhớ những vì sao không phải tôi đang nhớ bầu trời có những vì sao có còn bầu trời nào có những vì sao?

dỗ mình

cái dằm xóc lâu ngày lặn vào tim bây giờ khượi lễ ra để cứu trái tim đớn đau này để chấm dứt đớn đau kia trái tim dẫu lành vẫn chai

nhớ bạn

Hình ảnh
Ngọc email cho biết hè này lại cùng gia đình Phượng đi chơi vùng Tây bắc, ngang qua nhà mình ở Bellingham, nhưng vì tắc đừơng kẹt xe sao đó nên không ghé. Uổng ghê, lúc này rau cỏ hoa trái đang tưng bừng! Nhớ hè năm ngoái các bạn qua chơi vui quá chừng. Mình đút lò nguyên một con cá hồi đãi bạn, ăn rồi ra vườn nằm võng. Giở album cũ ra coi hình còn thấy vui. Dán mấy cái hình lên cho Ngọc nhớ, năm sau phải ghé lại bằng được nghe! Đây là Ngọc giữa hoa trái vườn sau nè: Đây là Phượng đang lim dim: Và hai đứa nhỏ con của Phượng:

giá cải

Hình ảnh
Ông xe ôm chở mình hôm rồi kể là ông bị nhức đầu hoài, uống đủ thứ thuốc tây thuốc bắc thuốc nam không hết, cuối cùng đi "chụp xi ti" thì được giải thích là do ông ăn rau sống nên nhiễm giun sán, chúng "chạy" lung tung trong cơ thể ông, chạy cả lên... óc, khiến ông nhức đầu! Mình không biết thực hư ra sao, nhưng nghe cũng hơi sợ. Mình thích tự trồng rau ăn lấy cho tươi ngon, đã trồng (kể như) thành công cải non trong chậu treo ngoài hành lang. Cái bất tiện là hành lang giấc trưa nóng quá, và cải non cũng cần dinh dưỡng. Mình không muốn dùng phân hoá học, mà làm compost ở chung cư không ổn. Cho nên mình chuyển sang ăn giá cải thay vì cải non. Hột cải khi mới nảy mầm và mới có lá mầm thì không cần dinh dưỡng, chỉ cần nước. Mình thấy mầm nảy từ hột đậu xanh thì kêu là giá đậu xanh, từ hột đậu nành thì kêu là giá đậu nành, nên suy ra mầm nảy từ hột cải thì kêu là giá cải. Bèn gõ "giá cải" lên google để tìm thông tin, hoá ra người ta xài chữ "rau mầm...

xử đẹp

Hôm trước, đọc truyện ngắn Thời gian của Phạm thị Ngọc Liên, mình cảm hứng viết một cái truyện đặt tựa là "Tâm hồn", gởi cho Liên đọc chơi. Liên nói "truyện này có dính líu tới truyện của tui nên bà để tui xử." Liên xử nó bằng cách đăng trên một tạp chí tên là Thế giới văn hoá. Mình nhận được nhuận bút qua bưu điện, nhưng không được gởi tặng báo, nên chẳng biết mặt mũi cái truyện được in ra sao. Dù sao cũng cám ơn bạn mình đã xử đẹp, mình có 1,8 triệu bạc để xài! Cái truyện ngắn đó như vầy: tâm hồn Mồ mã trong nghĩa địa trên đồi khuất hẳn khi Trang ra đến con đường đất. Một kẻ lạ đón đầu Trang ở đó. Giữa trưa, Trang không nghĩ mình gặp ma, dù sự xuất hiện đột ngột của kẻ lạ khiến Trang súyt đứng tim. Trang trấn tĩnh, cho là mình đã mãi trầm tư, không để ý chung quanh nên bất ngờ, chứ không thắc mắc kẻ lạ đã từ ngóc ngách nào hiện ra. Mĩm cười, Trang nói: - Chào chị. - Chào chị. Kẻ lạ phản ứng y như thể nhái theo Trang. Tuy nhiên đôi mắt kẻ lạ nhìn chăm chú tìm kiếm...

vườn

Hình ảnh
Đi chơi vườn chị Tạ Lan vui quá. Đây là kiểu vườn mơ ước của mình, phần lớn cây cỏ rau trái không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, mình chịu khó trồng chúng một lần rồi chúng tự lo lấy về sau. Ví dụ quanh giếng nước này là lá lốt, rau răm, dấp cá, rau đay, lá dứa, khoai môn... Cả vạt xanh biếc này là rau đắng đất Quanh gốc cây này là mồng tơi, khoai báng, bồ ngót Ấy là nhìn xuống đất. Nhìn ngang thấy mía, chuối, đậu bắp. Nhìn lên thấy chùm ruột, xoài, ổi, thanh long... Chỗ nào cũng xanh um, rậm rạp, tưởng rừng hoang, vì dây leo, cây các loại mọc tưng bừng, chen chúc, nhưng hầu hết đều là những thứ ăn được - bảo đảm không hoá chất độc hại, không thuốc trừ sâu, thậm chí không cả phân bón hoá học, cho nên chất lượng cao, đừng hòng mua ở bất cứ siêu thị nào. Cắp rỗ đi một vòng, mình xin được món quà quê này.

trường Cần Giuộc

Hình ảnh
Đồng nghiệp rủ về thăm trường cũ. Học trò cũng rủ về họp mặt lớp của tụi nó. Chương trình của học trò hấp dẫn: có phần đi tàu vô rừng sác bắt cá bắt cua, có đi ra đảo thăm nhà cổ trăm cột... Nhưng các thầy cô sau khi lượng sức mình, nhắm không kham nổi cái khoản dang nắng trên sông từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nên cắt phần đi rừng sác. Các thầy cô chỉ đi thăm đồng nghiệp và trường cũ mà thôi, còn học trò mình thì để mình thăm vào dịp khác. Phải thông cảm các thầy cô, tuy không ai chịu mình già (thầy Tuấn mới 80 tuổi, cô Vấn chỉ 68 mà thôi), nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, cô Ly ngồi xe từ Chợ Lớn tới Cần Giuộc mà còn bị ói, thì nói chi đi tàu 5-6 tiếng đồng hồ. Mới đi một vòng quanh trường cũ mà vừa thấy cái ghế là ai nấy mừng húm. Trường cũ đây. Một dãy lớp học rệu rã đến nỗi các lớp trên lầu không thể sử dụng nữa, học trò chỉ học ở các phòng tầng trệt mà trần được chống thêm cột cho khỏi sập. Bên kia dãy lớp học này là một bức tường và bên kia bức tường là bãi tập trung rác của ch...

bí mật giữa tôi và thằn lằn đen

Hình ảnh
Mới nhận được phác thảo cái bìa cuốn chuyện bí mật giữa tôi và thằn lằn đen. Nghe nói tháng 8 sẽ xuất bản. Mừng quá!

đêm nay trăng tròn

(lại làm thơ) hất lại mái tóc mây trăng ngoảnh mặt đi (là tôi nhân cách hoá chơi) lừng lửng hiện ra sau toà cao ốc (chân trời không còn cây) mỗi lúc một lên cao (tất cả ồn ào inh ỏi vọng đến tầng mười chín là cùng) kiêu hãnh, ngao ngán, bao dung, cô độc, mệt, buồn (tôi đang trắc nghiệm mình ư?) trăng là trăng (thơ tôi là thá gì?)

tặng tôi

Hình ảnh
khoảnh khắc bình yên chờ hoa nở Tháng năm thanh thản quên tuổi mình

Những điều đang mất

chuyện cổ tích chỉ là một và tôi biết nguyên nhân: trẻ con ngày càng khôn hơn người lớn hoặc người lớn ngày càng ngu, tưởng trẻ con không cần sự ngây thơ, tính bản thiện, kết cục an lạc. mùi hương khói cũng là điều đang mất trong ngôi nhà được điều hoà không khí không lối siêu thoát cho khói hương và u hồn không lối thoát ra những nỗi buồn tôi cũng tự biết mình đang mất ở chung quanh và ở rất xa

bông bụp

Hình ảnh
Thỉnh thoảng đi ngang vườn Tao Đàn. Những ngày không có lễ hội, vườn không rào chắn, không bán vé, người ra vào tự do, cây cối cũng thanh thản. Gặp một luống bông bụp, mình chụp hình chơi.

Việt Linh

Buổi ra mắt quyển "Chuyện mình, chuyện người" của Việt Linh đông vui. Mười mấy năm qua mình vẫn thường xuyên đọc những bài "tạp bút" của chị trên các báo. Khi nghe chị in những bài báo đó thành sách, mình nghĩ rất may cho mình, vì sẽ đỡ tốn công tìm lại trong đống báo cũ những bài viết mà khi đọc mình đã nghĩ là sẽ dùng trong một cuốn sách về những người phụ nữ cùng thời (dự định). Vì vậy nên bỏ một ngày đọc lại hết cuốn sách và tiện tay viết luôn mấy cảm nghĩ, rồi cùng chồng đi chơi tuốt luốt một tháng trời. Hôm ở Campuchia mới về, nói chuyện điện thoại với chị Linh, mình nói mình có viết ra chút đồng cảm với chị, nhưng các báo mình quen cộng tác đều đã có bài giới thiệu sách chị rồi nên bài mình còn giữ nguyên trong máy. Chị bèn bảo gởi cho chị và cho Đức bên Phương Nam. Bữa nay thấy bài đăng trên báo Tiền Phong. Không kiếm được link trên mạng nên dán lại bài trong máy lên đây. “ Chuyện mình, chuyện người ” Tạp bút của Việt Linh NXB Trẻ, 2008 Chị không hề là người...

cầm tay

cầm tay đi qua những tháp đá rừng cây phố xá người xe băng qua đường xe sầm sầm lao tới ngón tay em bíu lấy bàn tay anh siết nhẹ đền đài nhà tiệm hàng quán sạp chợ cầm tay đi ngắm đôi lúc nhìn nhau mĩm cười (bạn nói thấy hai ông bà tình tứ đi đâu cũng cầm tay nhau khiến mình chợt ngượng rồi nghĩ thì có sao đâu)

sắc lá

Hình ảnh
Trên đá cái nhếch mép mấy trăm năm hả dạ đấng quân vương Mặt đá rễ cây choàng qua luồn xuống ăn sâu vào đất sắc lá xanh vô cùng

Nhà má

Thưở má tôi còn sống, chúng tôi có một căn nhà nhỏ, vách ván, cửa gỗ, mái ngói. Nhà chỉ có một gian, có vách ngăn đôi, phía trước kê một bộ ván, một bộ bàn ghế và một tủ thờ, phía sau là buồng ngủ. Bếp là một cái chái nhỏ kê mấy ông đầu rau và một cái sóng chén cạnh một cái lu sành bự đựng nước mưa. Cách nhà mươi bước là một cái giếng, mọi việc rửa ráy tắm giặt đều trên một phiến đá rộng lát ở cạnh giếng. Không có cầu tiêu. Hồi nhỏ, tôi thường tè ngay bụi chuối cạnh lu nước, và ị ngay bên hè, vừa ị xong là con chó phèn đớp sạch. Người lớn tiêu tiểu ở đâu, tôi không biết. Nhà mới xây khi má tôi lấy chồng và hầu hết đồ đạc được sắm lúc đó. Tủ thờ chỉ có một tranh vẽ Phật Thích ca chứ không thờ ông bà vì hai bên nội ngoại đều còn mạnh giỏi. Hai bên vách treo mấy tranh giấy vẽ sự tích trầu cau và Trương Chi Mỵ Nương, kiểu tranh dân gian, khổ dài, mỗi sự tích được miêu tả trên ba hay bốn tấm, giống như bộ tranh tứ quí, màu sắc tươi tắn, nét vẽ chơn chất, dưới mỗi tranh có chữ miêu tả câu c...

kiến trúc

Hình ảnh
Thời Angkor Thom còn là nơi người ta sống, có lẽ nhà cửa dân chúng từa tựa như những mái tranh này. Thời Campuchia là thuộc địa, Tây đã tặng cho vua xứ đó cả một toà nhà Tây, đặt nằm chình ình trong hoàng cung. Thời toàn cầu hoá, casino mọc như nấm ở xứ chùa tháp, cái này nằm ngay sau cửa khẩu Mộc Bài. Thực ra ở Campuchia có nhiều kiến trúc đẹp. Cái nhà này là nhà hát trong Hoàng cung Nhà lồng chợ ở trung tâm Nam Vang đẹp vô cùng. Cái vòm bên trên trung tâm cao, thoáng và sáng sủa. Khu phố Tàu ở Nam Vang còn giữ được một số nhà xưa, người Hoa làm ăn ở đó cũng còn đông, khiến mình có cảm giác như ở Chợ Lớn Ấn tượng cuối cùng trước khi rời Campuchia là phi trường Siem Reap. Đây là phi trường đẹp nhứt mình từng qua.

đá và cây

Hình ảnh
Đá, theo quan niệm khoa học ngày nay không có sự sống, không sinh trưởng như cây. Cây ,là sinh vật, theo tín ngưỡng dân gian còn có cả linh hồn. Đứng thật gần đá, sờ mó cây, mình cảm thấy rõ cả đá và cây đều có hồn, cả đá và cây đều mang cả sự sinh diệt.

hình chụp ở Kampuchia

Hình ảnh
Từ cửa khẩu Mộc Bài đến Nam Vang: Ở Nam Vang lẫn ở Xiêm Riệp đều không có xe buýt và taxi (hoặc có mà ít đến nỗi mình không thấy) Phương tiện công cộng là xe ôm và xe túc túc, y chang xe lôi bên mình. Phía sau xe đeo bảng quảng cáo, từ phòng ngủ, rượu bổ, đến chính khách (trong cuộc vận động bầu cử đang diễn ra lúc mình ở đó) (mai tiếp - mới đi về, còn mệt quá!)