Giới hạn của một ngày
Dẹp hết, đi lên núi. Dù sao thì mỗi năm tụi này vẫn còn làm
được một lần, vào dịp kỷ niệm ngày cưới. Tận cùng con đường, phải đậu xe ở bãi
qui định, từ đây chỉ còn những con đường mòn men triền núi, nhiều chỗ tuyết đấp
dày mấy tấc, có chỗ không dấu chân người.
Kẻ trước người sau, anh và tôi chống gậy lội qua những bãi
tuyết, những bãi bùn lầy do tuyết tan để lại, những bãi đá trơ ra sau khi bùn đất
bị cuốn đi, những bãi rêu pha giữa sắc xanh lơ và xanh biếc, những bãi hoa li
ti màu hồng trắng tím phớt vàng nhạt, hàng triệu đóa nở xen lẫn nhau tạo thành
những vệt màu lung linh vắt ngang lối mòn hoặc thòng xuống vách núi, hoặc len lỏi
giữa những tảng đá thành suối hoa.
Bầu trời rộng vô cùng. Trèo lên được một đỉnh núi, lại thấy một đỉnh núi khác trước mặt.
Nhìn quanh, núi vây bọc trùng điệp, thung lũng thăm thẳm, hồ nước xa xa, vọng
âm của tiếng thác gần nghe ù ù ầm ầm. Để bàn tay lên ngực nghe trái tim mình
cũng đập ầm ầm ù ù. Có lẽ ở độ cao mấy ngàn thước, tai mình nghe cái gì cũng ù
ù ầm ầm chăng?
Hình như Thiên thai
là đây. Một bụi dâu dại chi chít trái đang chín, vị ngọt ngọt chua chua, tuy trái
nhỏ xíu nhưng hái hết bụi này lại hiện ra bụi khác, trái nhiều hơn, và bụi khác
nữa, trái chín mùi hơn. Rồi hiện ra sau bụi dâu là khe nước trong veo róc rách
chảy. Nước ấy do tuyết trên đỉnh núi tan ra. Không biết làm sao tả được cảm
giác khi dòng nước ấy chảy vào cơ thể mình, lan tỏa cảm giác mát lạnh đê mê đến
tận cùng tứ chi, như sau cuộc ái ân.
Ở tảng đá này tôi ngồi lại, nhìn anh tiếp tục đi xuống thung
lũng để tìm đường leo lên sườn núi bên kia. Mấy năm trước tôi đã theo anh trèo
(trượt, bò) lên được ngọn núi đó và biết rằng bên sườn kia núi đó cũng giống
bên sườn này núi này. Đành rằng cũng có khác biệt chi tiết. Nhưng anh không lên
núi để tìm sự khác biệt. Anh muốn đi tới giới hạn. Tới sườn núi bên kia rồi
quay về chỗ đậu xe thì vừa lúc trời tối, và trọn vẹn một ngày. Hồi xưa (hồi hăm
mấy tuổi) anh thường cõng cái chăn và ít lương khô đi ròng rã cả tuần trong
núi, đến bốn năm chục tuổi vẫn còn leo núi được ba bốn ngày, đến tuổi sáu mươi
thì một ngày là giới hạn tối đa. Đó là cái giới hạn mà anh không muốn rút ngắn
nữa.
Bóng anh nhỏ dần, khi hiện khi khuất sau những tán cây mõm
đá, đến khi ra đến sườn núi trống thì chỉ còn là một hình thù nhỏ nhoi giữa bãi
tuyết trắng lóa, trông như một dấu chấm giữa trang giấy không có chữ. Đằng trước dấu chấm là câu gì thì ý nghĩa
cũng trọn vẹn rồi. Đằng sau dấu chấm có thể là bắt đầu của bất cứ câu chữ gì. Nếu
mình quyết định viết tiếp. Hay đi tiếp.
Anh dừng lại. Có thể
anh đang nhìn lên đỉnh núi này và thấy tôi ngồi đây. Tôi giơ tay cao vẫy
vẫy, nhưng biết anh khó nhận thấy vì tôi cũng không phân biệt được cử chỉ của
anh. Khoảng cách khiến tôi chỉ nhận ra anh như một chấm đen trên nền tuyết trắng.
Có thể anh dừng lại để nhìn lên ngọn núi kia và ước lượng sức mình, hay thời
gian. Tụi này đi không còn nhanh như mấy năm trước. Bây giờ là mấy giờ?
Anh không mang theo điện thoại, máy tính hay bất cứ đồ dùng
“hiện đại” nào. Một phần vì không thể đeo xách lòng thòng, lý do chính là không
cần dùng đến chúng. Dẹp hết, đi lên núi. Nghĩa là dẹp hết mọi ràng buộc với xã
hội nhân gian, về giữa thiên nhiên để tâm hồn cô độc. Anh cho rằng trong cô đơn
con người mới soi rọi được chính mình. Một mình trên đỉnh núi tuyết, chẳng những
không có đám đông vây quanh, mà không có cả phương tiện liên lạc với xã hội, người
ta cởi trói được trí tưởng tượng, suy nghĩ hoặc mơ mộng những điều khác hơn cơm
áo địa vị và hơn thua thành bại.
Không nhứt thiết phải trèo lên tận đỉnh núi tuyết, ngồi
trong căn phòng đóng kín giữa thành phố rồi ngắt điện, tắt điện thoại, ngắt kết
nối internet thì cũng cách ly được với thế giới con người. Tôi từng làm vậy, và
cảm giác rất khác. Một nỗi lo âu mơ hồ, một nỗi bức bối khó hiểu, một sự ngột
ngạt tù túng, một thôi thúc vùng vẫy bứt
phá, một sức đè nén càng lúc càng nặng nề… khiến cho sự tự nguyện tách rời thế
giới con người là một trải nghiệm đau đớn mà tôi không muốn lập lại.
Đi tới một nơi trời cao đất rộng xa hẳn thị thành, một nơi
mình không phải nặn ra nụ cười xã giao để chào ai đó trên mỗi đoạn đường trăm
thước như trên lối đi dạo ở công viên gần nhà. Một nơi ta nhìn vào ta mới thấy
người, còn nhìn ra là trời cao thăm thẳm trên đầu và đất sâu thăm thẳm dưới
chân, ta nhận ra cái giới hạn của mình trong cái hình như vô hạn của tự nhiên.
Trong giới hạn một ngày, ta không trở thành thần tiên hay triết gia thấu đáo vũ
trụ, nhưng có thể nhìn ra chính mình, biết mình, thương mình hơn.
Cái chấm đen trên nền tuyết trắng lại di động, rồi dừng lại,
rồi đi tiếp, rồi ra khỏi tầm nhìn của tôi.
Tôi cố căng mắt nhìn chăm chú vẫn không thể thấy gì khác ngoài màu trắng
của tuyết và màu xám của đá. Nhớ có lần anh và tôi lạc nhau trong hội chợ. Chỉ
ngoảnh qua ngoảnh lại tôi không thấy anh nữa. Tôi dáo dác tìm anh trong đám
đông, dù biết anh không phải là trẻ con năm tuổi, anh không thể “lạc” cũng
không thể “bị” nguy hiểm gì ở chốn này, tôi vẫn càng lúc càng lo lắng hốt hoảng.
Tôi trở lại chỗ bắt đầu lạc nhau, đứng đó hy vọng anh cũng suy ra rằng phải trở
về chỗ đó tìm tôi. Và tôi đã đứng đó giữa rừng người qua lại có lẽ chừng năm
phút mà cảm giác như lạc mất anh và còn lại một mình khiến tôi mím chặt môi mà
vẫn không kềm được nước mắt. Về sau đi tới chỗ lạ hay đông người anh đều nắm
tay tôi. Anh nói hình ảnh tôi đứng giữa hội chợ lúc anh tìm gặp lại: cô đơn lạc lỏng không tả được và không quên được.
Ngồi một mình trên đỉnh núi nhìn bóng mình dài ra theo bóng
nắng xế, nghe gió ù ù ầm ầm qua tai, mắt chỉ nhìn thấy đá và tuyết, tôi thử
hình dung những nguy hiểm bất chợt: đất lở,
trời lạnh hơn, kẻ ác / thú dữ đột ngột xuất hiện tấn công… nhưng lòng
tôi vẫn bình an, chuyện rủi ro nếu phải xảy ra thì cứ xảy ra. Tôi không lo anh
đi lạc. Anh cũng không lo tôi ngồi một mình.
Về đến nhà trời đã tối, đã trễ giờ tôi thường thăm hỏi ba
tôi. Nên việc đầu tiên là tôi mở máy tính, nối mạng, mở Skype. Bên kia bờ Thái
Bình Dương, trong ngôi nhà nhỏ quen thuộc, em gái tôi nói khẻ “Ba đang ngủ”,
tôi cũng nói khẻ “Vậy để yên ba ngủ”. Vừa lúc đó ba tôi mở mắt ra. Tôi hỏi “Ba
khỏe không?” Em tôi phì cười: “Chín chục tuổi ngồi hoài một chỗ làm sao khỏe mà
hỏi?” Nhưng ba tôi mĩm cười nói “Khỏe”. Rồi ba ngủ tiếp, hay chỉ nhắm mắt lắng
nghe chị em tôi trò chuyện, về giá cả hôm nay (em mới đi chợ về), nhà A Khòn dối
diện nhà mình đang cất thêm lầu, vợ chồng bán than cải nhau tới khuya, con bé
bán trái cây dạo đang đẩy xe ngang qua. Thường
là vậy, không có gì khẩn cấp, quan trọng. Nhưng hôm nào mạng trục trặc, tôi bồn
chồn bứt rứt không ngủ được. Nỗi nhớ nhà, lo lắng vì xa cách người thân khiến
tôi vò võ. Hôm nào, như hôm nay, “Skype” xong với ba và em, tôi thấy lòng bình
an.
Ở phòng ngoài, anh cũng đang ngồi với cái máy tính nối mạng,
mặt mày mỗi lúc một đăm chiêu, cau có. Tôi không biết là do tin chiến sự ở
Trung Đông hay tin chính trị ở Washington D.C. Hay anh đang đọc email hối thúc về công việc.
Hay các diễn đàn nghề nghiệp anh tham gia đang nổi sóng gió. Hay anh đang nghiên cứu / phân tích / kiểm tra các luồng
thông tin rối rắm bề bộn về một vấn đề anh quan tâm. Tôi định nói anh đừng bận
tâm nữa, tối rồi, nhưng anh khoác tay như đuổi tà, cằn nhằn bảo để anh yên.
Nằm trên giường tôi nhìn ra, thấy anh ngồi đó cách mấy thước
mà cảm giác như anh lạc mất trong một thế giới nào đó. Tôi cầm cái Nexus 7 định
xem một cái phim mới tải về, nhưng rồi ngao ngán buông tay. Đây là giới hạn của
một ngày.