Ma không chồng


Nhân vật chính trong truyện Kiều là một sản phẩm hoàn mỹ của trí tưởng tượng đàn ông Nho giáo. Nàng đẹp theo kiểu “Mai cốt cách tuyết tinh thần”, tài theo kiểu “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Sau  khi miêu tả và ca ngợi tài sắc của nàng như  một siêu mỹ nhân với thiên tài xuất chúng, tác giả kết thúc phần giới thiệu nhân vật rằng “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, nghĩa là nàng sắp tới tuổi lấy chồng. 

Ừ, thì lấy chồng. Trong xã hội xưa, con gái sinh ra nuôi lớn lên là để gả chồng, chuốt trau tài sắc là để xứng đáng với trang nam tử sẽ là đấng ông chồng tương lai. Cho đến bây giờ vẫn còn những người con gái được nuôi dạy, và tự dạy mình, sao cho hấp dẫn đàn ông, sao cho lấy được tấm chồng phú quí,  rồi dù tấm chồng thế nào cũng phải làm sao cho giữ được chồng. Diễn biến truyện Kiều là những lãng mạn, đau đớn, tủi nhục, và tuyệt vọng của một người đàn bà cố gắng tìm cho mình một người chồng.

Có chồng để thân thể người đàn bà chỉ làm một chức năng tự nhiên là sinh đẻ con cái (cho một người đàn ông), chứ không phải làm đồ chơi xác thịt (cho nhiều người đàn ông). Tiếng than của Kiều trước mộ Đạm Tiên: “Đau đớn thay phận đàn bà!” thể hiện nỗi sợ hãi có cội rễ sâu xa hàng ngàn năm trong huyết quản, trong “gien” của phụ nữ. Cái “phận đàn bà” trong xã hội xưa là cái phận phụ thuộc, đồng nghĩa chữ sống với chữ tòng,  coi như may mắn phước đức nếu cả đời được tòng một ông chồng, và bất hạnh khủng khiếp nhứt là “thác xuống làm ma không chồng.”   

Nỗi ám ảnh làm “ma không chồng” khiến cho Thúy Kiều khi nghĩ đến người đàn ông vừa gặp gỡ là nghĩ đến “Trăm năm biết có duyên gì hay không?” Trong đêm tình tự đầu tiên, Thúy Kiều thăm dò  xuất thân của Kim Trọng “Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn”,  đồng thời biểu diễn tài thi họa ca ngâm cùng phẩm hạnh gia giáo  của mình, và ướm chừng “Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?” Sau  khi được Kim Trọng hứa “đem vàng đá mà liều với thân”, Thúy Kiều  yên tâm ra về nhưng rồi quyết định quay lại gặp Kim Trọng ngay để có sự cam kết cụ thể hơn:  bằng văn bản hẳn hoi, “Tiên thề cùng thảo một chương”.  Thúy Kiều “khôn ngoan, sắc xảo” ngay từ đầu đã tự chọn cho mình một tấm chồng,  đề cao “Đạo tòng phu lây chữ trinh làm đầu.”
 
Nhưng mà “muôn sự tại trời”. Trời kia đã sắp đặt một tình huống để Thúy Kiều có thể sớm nhận ra điều này: không nên tuyệt đối trông cậy vào kẻ khác, cho dù đó là người đàn ông lý tưởng và đã có lời cam kết, thề nguyền.  Ngay lúc cần sự che chở của người đó nhứt, lúc cha và em trai Thúy Kiều bị bắt, thì lại nhằm lúc Kim Trọng về quê. Chỉ còn lại ba  người đàn bà trong nhà, Kiều phải tự đứng ra giải quyết vấn đề. Bằng cách nào? Hỡi ơi, bằng cách tìm một người đàn ông khác mà cậy dựa. “Bán mình chuộc cha”  theo như đinh ninh ban đầu của Thúy Kiều là làm vợ lẽ một người đàn ông cung ứng được nhu cầu tiền bạc khẩn cấp của gia đình nàng lúc đó. Nếu Mã Giám Sinh là một đại gia chánh hiệu chứ không phải ma cô “đi dạo lấy người kiếm ăn” thì liệu Thúy Kiều có  thể“cam bề tiểu tinh” suốt đời?

Kiều được giáo dục rằng gởi thân được cho một người đàn ông là kể như giữ được “lòng trinh bạch”. Vì vậy nhắm mắt đưa chân theo Sở Khanh để trốn khỏi thanh lâu, hay quyến luyến Thúc Sinh để tính cuộc hoàn lương,  thà chịu đòn đau nát thịt để được làm vợ lẽ một người đàn ông hơn là trở lại lầu xanh, đều là những cố gắng để “có chồng” .  Nếu vợ cả là Hoạn Thư không làm cho Thúc Sinh và Thúy Kiều “nhìn chẳng được nhau”, dồn nàng đến cái thế đi tu cũng không xong, phải đưa chân vào một cuộc phiêu lưu khác,  liệu Thúy Kiều có được “vẹn chữ tòng”, đem cái thiên tài văn học  giá đáng Thịnh Đường” của nàng ép vô  khuôn phép” và “mối rường” nhà họ Hoạn?

Sa vào kỷ viện lần thứ hai, Kiều đã phẫn uất, đã cay đắng, đã chán chường, đã buông tay. “Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.” Từ đó “mắt xanh chẳng để ai vào” cho đến ngày gặp Từ Hải, “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”, và Kiều lại “mắc vòng tình ái”. Có một người chồng như Từ Hải thì “phận gái chữ tòng” không đến nỗi nào. Từ Hải tuy không lãng mạn như Kim Trọng vẽ tranh cho Kiều đề thơ, vò đầu quặn ruột thưởng thức tiếng đàn của Kiều. Nhưng Từ Hải cung cấp cho Kiều quyền lực để thực thi công lý theo ý nàng.

Giả sử  Hồ Tôn Hiến không lừa Thúy Kiều, Từ Hải không bị chết đứng giữa trận mạc, mà làm quan triều đình, đưa Thúy Kiều trở về cố hương trong “ngôi mệnh phụ đường đường”, coi như Kiều đạt mục đích kiếm được một tấm chồng xứng đáng để thực hiện đạo tòng phu. Phần còn lại của đời Kiều có lẽ sẽ như những người vợ khác, lo đẻ con và giữ chồng, như Hoạn Thư, như nàng Vân. Một chút tò mò: trong cuộc vinh qui giả tưởng ấy, Kiều sẽ đối diện với người-tình-đầu-trở-thành-em-rễ như thế nào? Thế nào thì cái kết thúc như vậy cũng sẽ xếp tác phẩm vô hàng trung bình thấp, chỉ có một giá trị là răn dạy phụ nữ thời xưa ráng kiếm chồng.

Nhưng truyện Kiều là một áng văn chương xuất sắc ở chỗ tác giả đã dựng nên tình huống để cho Kiều “giết chồng”. Giết chồng xong, Kiều dứt khoát không lấy chồng nữa. Không phải chê thổ quan nên không lấy, mười mấy năm sóng gió đời nàng, nào “ai cho kén chọn vàng thau”? Gieo mình xuống sông, Kiều biết rằng mình sẽ trở thành “ma không chồng”. Đó là một chọn lựa.

Thúy Kiều gặp lại Kim Trọng chỉ là màn vĩ thanh để thắt gút số phận những nhân vật có liên quan.  Từ chối ái ân với Kim Trọng, Kiều từ chối vai trò “chính thống” / truyền thống của người đàn bà thời xưa: làm vợ, làm mẹ. Cho dù tác giả đúc kết luân lý tác phẩm như thế nào, Thúy Kiều  là một người đàn bà nổi loạn, bứt phá xiềng xích tam tòng tứ đức. Cuộc sống thanh thản của Kiều từ tuổi băm mấy trở đi, “khi chén rượu khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”, sâu xa có thể “tại trời”, nhưng là kết quả trực tiếp của hai tâm hồn và tư tưởng lớn gặp nhau: Kim Trọng không nhìn Kiều trong cái “phận đàn bà” và Kim Trọng đối với Kiều không phải một ông chồng mà nàng phải khư khư giữ một chữ tòng. Trong tình bạn, họ bình đẳng.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

2222