Tại sao không cần học lịch sử


Lần đầu tiên tôi gặp Stanley Karnow trong một hội thảo về chiến tranh ở một hội sách tổ chức tại thành phố Denver, Mỹ, năm 1997. Sau một giờ ngồi cạnh ông tôi chỉ có một ấn tượng: ông già này nói nhiều quá. Ông nói đủ thứ chuyện về Việt Nam, từ Võ Nguyên Giáp mà ông phỏng vấn ở Hà Nội cho đến Phạm Xuân Ẩn bạn ông ở Sài Gòn. Nói với một cái giọng “tao biết hết”. Thỉnh thoảng ông hỏi tôi về người hay việc gì đó, tôi thành thật nói tôi không biết, ông thở dài một cách đắc ý, nói ông biết lịch sử Việt Nam nhiều hơn cả người Việt.

Đương nhiên tôi tự ái, không thích nói chuyện nữa. Thực ra ai cũng có thể nói họ biết lịch sử Việt Nam nhiều hơn tôi. Nhưng ông này là ai mà tự cho mình biết lịch sử Việt Nam hơn cả người Việt! Có lẽ để chứng minh thẩm quyền trong vấn đề này, hôm sau ông tặng tôi cuốn sách “Vietnam – A History”. Ngay trên đầu bìa sách là tên ông, tác giả đoạt giải Pulitzer, cùng lời giới thiệu quyển sách này là sản phẩm kèm theo loạt phim về kinh nghiệm Mỹ của đài truyền hình PBS; và tôi nhớ ra  loạt phim này cũng đã được chiếu trên truyền hình Việt Nam nhiều năm trước, hình như dưới tựa “Việt Nam: một thiên sử truyền hình”.

Cuốn sách dày khiến tôi đọc cả tuần lễ. Quả thật có nhiều điều ông viết khiến tôi ngạc nhiên, có cả sự vỡ lẽ lẫn nghi hoặc, bất đồng. Dù sao lịch sử  cũng không phải là chuyên môn của tôi, và cuốn sách thực ra về sự can dự của Mỹ ở Việt Nam nhiều hơn về Việt Nam. Nỗi ấm ức của tôi lúc ấy là cuốn sách và bộ phim đó được coi là tài liệu tham khảo có uy tín đối với nhiều người trên thế giới muốn tìm hiểu về (chiến tranh) Việt Nam. Tôi ấm ức vì lúc ấy tôi còn quan niệm rằng lịch sử dân tộc mình, do dân mình làm ra, phải được dân mình viết ra, thì mới “chính danh” và  “có thẩm quyền”.

Bây giờ tôi nghĩ  lịch sử như câu chuyện quá khứ  được tái tạo theo nhận thức và lợi ích của mỗi tập thể hay cá nhân. Ngay cả khi các nhân chứng tường thuật sự việc đang xảy ra, như truyền hình trực tiếp, báo ngày,  blog chẳng hạn, thì mức độ “sự thật” hay “đáng tin” trong mỗi tường thuật không quan trọng bằng mức độ thuyết phục của mỗi tường thuật (và điều này phụ thuộc nhiều yếu tố: khả năng và phương tiện tường thuật, quan điểm và uy tín tác giả, tình huống và tâm trạng công chúng, v.v.) Khi sự việc xảy ra rồi, việc thuật lại căn cứ vào những nhân chứng và tường thuật “gần” sự kiện nhứt, là việc tái tạo hình ảnh quá khứ dựa theo những cái bóng được phản ảnh từ những góc chiếu khác nhau.

 Ở bậc học phổ thông tôi học sử không đến nỗi tệ lắm, vì thời đó học sử chỉ cần trí nhớ: vua nào lập ra triều đại nào, tướng nào đánh thắng trận nào, ngày tháng năm nào đánh đuổi sạch quân Thanh, ngày tháng năm nào ký hòa ước cắt đất cho Pháp. Những thông tin này chỉ cần học thuộc lòng, đọc một hai lần chưa thuộc thì đọc chín mười lần, không cần “thông minh” hay “năng khiếu” mới giỏi như đối với các môn toán, văn, nhạc… Bây giờ nếu cần trích dẫn hay tìm hiểu nhân vật hoặc sự kiện lịch sử nào, tôi đều phải tra cứu chứ không thể chỉ tin vào trí nhớ. Vả lại kiến thức lịch sử không tuyệt đối. Ngay cả kiến thức vật lý hay toán học cũng phải cập nhật, và khám phá mới luôn đặt nghi vấn về hiểu biết cũ, có khi phải đánh dấu hỏi một “chân lý” cả ngàn năm. 


Nghỉ dạy lâu rồi nên tôi không biết bây giờ học trò học sử như thế nào mà các nhà giáo dục kêu than quá chừng.  Tôi cũng không dám đề xuất cách thức hay nội dung dạy sử “mới lạ” hay ho nào cả. Đó là việc của bộ giáo dục và giáo viên môn sử. Nhưng nếu học sử theo kiểu thuộc lòng những tên tuổi năm tháng … thì không cần. Để làm gì? Trước sau gì mình cũng quên. Mà việc tra cứu khi cần thì quá dễ. 

Người ta, trừ trẻ em còn nhỏ quá, ai cũng có lúc nhận ra nhu cầu hiểu biết quá khứ của mình – cái mình riêng lẻ và cái mình tập thể. Nếu lúc đó quay đầu lại người ta nhìn thấy  một khoảng trống hay một hình ảnh lờ mờ thì thật khủng khiếp. Có lẽ bắt đầu tìm hiểu, hình dung, thậm chí tái tạo quá khứ  từ lúc đó cũng được . Dần dà tôi nhận ra lịch sử không chỉ ở trong sách sử - hay sách giáo khoa môn sử - mà ở khắp nơi,  trong cái còn lại và cái đã mất. Một cá nhân hiểu biết hay không hiểu biết về quá khứ của mình có vẻ không quan trọng bằng một xã hội cần bảo tồn ký ức tập thể về sự hình thành và phát triển của xã hội đó.  Phải chăng dạy lịch sử là cách mà xã hội đó làm cho các thành viên ý thức sự gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng, giữa hiện tại với quá khứ.

Có người còn hăng hái cho rằng hiểu biết lịch sử là cần thiết để định hướng cho tương lai. Tôi không bàn về tương lại. Tôi đang nghĩ là quá khứ dân tộc nào cũng có những kinh nghiệm vinh quang và tủi nhục, đau thương và bi phẫn, có sai lầm, hưng phế… Nếu bài học lịch sử không dẫn dắt người ta qua những kinh nghiệm đó để gắn bó với dân tộc mình và hiểu biết cảm thông với dân tộc khác, mà chỉ nhồi nhét kiến thức chết, thì đừng trách bọn trẻ - tụi nó biết cách nói không.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222