Trà dư tửu hậu
Truyện ngắn
Bữa ăn được hẹn ở nhà hàng Sang lúc 8 giờ tối, “để được yên tĩnh chuyện trò sau khi phần lớn thực khách đã no nê ra về,” như lời Nguyên nói.
Triển hỏi: “Có những ai?”.
“Ông và nữ nhà văn X.”
Phản ứng của Triển ra sao không rõ, chỉ nghe tiếng xe cộ ù ù trong điện thoại. Nguyên hỏi: “Ông biết nhà văn X chứ?”
Thay vì nói “Không” một cách trung thực, Triển đáp: “ Lạ gì! Đấy là con của mụ bán cá ở chợ Lèo.”
Chợ Lèo ở đâu chẳng ai biết. Nghe nói thoạt kỳ thủy có một ông chủ tiệm chạp phô có thằng rễ chạy xe đò Vạn Tượng, đem về những mắm, đường, nếp, vải… đặc sản của nước Lào. Dân Lào ở thành phố này không đông, nhưng người từng làm ăn sinh sống bên Lào trở về thì nhiều, thỉnh thoảng nhớ hương vị một thời làm khách ở xứ người, họ đến tiệm chạp phô này để mua những món đặc sản không thể tìm được ở chợ thông thường. Cái tiệm chạp phô đó không nằm chơ vơ một mình; chung quanh nó có chừng mươi hàng quán khác và vài mươi cái sạp chỉ dọn ra rồi dẹp đi nội trong buổi sáng, bán những thứ tươi sống cho bữa ăn trong ngày của dân cư quanh vùng, như rau cải, tôm cá, gạo thịt … Nhiêu đó đủ gọi là chợ, chỉ không có tên chánh thức, gọi theo dân gian là chợ Lèo.
Bà bán cá ở chợ Lèo không có công lao gì đặc biệt, cá của bà có con sống, con chết, con ngáp ngáp. Tuy nhiên, bà có những thủ thuật trong nghề để bán hết cá, bất kể trạng thái sinh tồn của chúng, để kiếm sống. Bà cũng không hề biết là mình vừa được nhà phê bình Đình Triển nhắc tới tên trong cuộc hẹn hò ăn nhậu với quan chức Hoàng Đức Nguyên. Chúng ta nhờ tường thuật cuộc chuyện trò giữa hai người này mà biết câu chuyện có liên quan đến nữ nhà văn X. Trong một quyển sách được coi gần như là tự truyện, X đã ghi một dòng kínnh cẩn ở trang 5, rằng: “Sẽ không có quyển sách này, bởi vì cũng sẽ không có cả người viết này, nếu không có mẹ - người mẹ vĩ đại đã cam chịu ẩn mình trong lớp áo người bán cá ở chợ Lèo để nuôi dạy con được như ngày nay. Xin dâng tặng quyển sách này cho Người.”
Sự thực là X có một bà mẹ, như mọi người được sinh ra đời này. Bà mẹ của X từng bươn chải ở chợ để nuôi con, như vô số những bà mẹ Việt Nam thời nay và thời xưa. Bà mẹ X từng buôn bán nhiều thứ, kể cả hột xoàn, kể cả cá. Vì lý do tế nhị, hoặc đơn giản vì là nhà văn, X đã chọn chi tiết bán cá như biểu trưng cho đức nhẫn nại hy sinh của mẹ mình. Một kỷ thuật tương tự như truyền hình đưa hình ảnh người thật việc thật, nhưng có đạo diễn tí chút, sao cho có đầy đủ chi tiết rõ ràng về hình vóc tóc tai ai cũng nhận ra được, chỉ riêng nửa gương mặt thì bôi lem nhem có chủ ý. Và cùng lý do kỷ thuật đó, với quan điểm “ bảo vệ sự riêng tư cá nhân”, X đã hư cấu tên của cái chợ , mà không hề biết là ở đất Sài Gòn quả thật có một cái chợ được dân gian gọi là chợ Lèo.
Tóm lại, Sài Gòn có chợ Lèo, chợ Lèo có bà bán cá, bà bán cá chợ Lèo bươn chải vất vả nuôi con, nhưng con của bà không phải nữ nhà văn X. Nhà văn này đã nổi lên trong giới cầm viết như một tác giả dũng cảm tự phơi bày mình, viết hết, viết tuồn tuột, với những chi tiết sống sượng động về chính cuộc đời mình sau hai mươi năm sống bằng viết lách mà bà miêu tả là “lăn lộn giữa chốn giang hồ gió tanh mưa máu”. Cuốn sách của nhà văn này có số lượng in ghi trên trang lưu chiểu là 1.000 bản, sau khi bày bán ở các nhà sách ba tháng thì không thấy nữa. Ví dụ sách bán hết thì trong một ngàn người đọc, không chắc có một người cất công tìm đến chợ Lèo hỏi thăm bà bán cá. Tuy nhiên mỗi ngày vẫn có vài trăm người đi chợ Lèo, và thường có vài chục người hỏi mua cá. Vài chục người mua cá đó không hề mua sách, bất kể sách gì. Nên nói chung, sự riêng tư của bà bán cá chợ Lèo vẫn còn nguyên vẹn, bà vẫn được yên thân bán cá mỗi ngày mưu sinh. Và được tha khỏi câu chuyện này.
Chúng ta nhảy thẳng vô bàn ăn để đỡ dài dòng.
Ngồi cạnh Nguyên là một thiếu phụ lộng lẫy. Vẻ ngoan hiền, nàng duyên dáng tiếp thức ăn cho Nguyên, thỉnh thoảng gắp cho nhà văn X ngồi bên cạnh. Triển ngồi đối diện nàng, nghĩa là cũng như nàng, ngồi giữa Nguyên và nhà văn X.
“Sang trọng không nhất thiết phải phản-đại-chúng.” Nhà văn X đang nói. “Tại sao cứ gắn đại chúng với rẻ tiền nhếch nhác? Trong một nền dân chủ thực sự, đại chúng sáng tạo ra giá trị xã hội. Và khi xã hội cùng nhau coi sạng trọng là giá trị thì sang trọng là giá trị. Ai cũng muốn sang trọng? Vấn đề là như thế nào là sang trọng? Thí dụ như …”
Lỗ tai Triển bắt đầu lùng bùng. Ông nhìn người đàn bà trẻ đẹp đối diện đang âu yếm chăm sóc Nguyên. Ánh mắt của ông do vậy bị lái trượt qua Nguyên. Đây là chân dung của một con chuột sa hủ nếp. Là đứa học dở nhất khóa, ra trường về chỗ ngon nhất, cưới vợ giàu nhất, rồi đời cứ thế lên hương, đi Nhật, Mỹ, Úc, Âu đều đều, lên chức đều đều, mà không ai biết nó làm cái gì, tài cán ra sao. Cả cái chuyện đàn bà mê nó, Triển cũng không thể nào hiểu nỗi. Cầm ly rượu giơ lên Triển bảo: “Uống!” Trong lúc Nguyên thong thả buông đũa cầm ly, nhà văn X tạm ngừng nói, và mỹ nhân hướng mắt về phía Triển, ông nói: “Chỉ có rượu mới giải được những câu đố của thế gian.”
Nhà văn X nhấn mạnh: “Chỉ có rượu ngon mới giải được...”
Triển trừng mắt nhìn bà nhà văn một cái, kiểu người lớn trừng mắt đe một đứa con nít hỗn hào nói leo. Rồi hướng về người đối diện ông bảo: “Người đẹp như bài thơ hay, xúc động lòng người mà không cần rổn rảng châu báu xiêm y…”
“Không xiêm y thì người đẹp nào cũng lồ lộ bấy nhiêu thôi.” Nhà văn X vừa nhai vừa nói, Nguyên bật cười ha ha, người đàn bà bên cạnh cười nhỏ nhẻ, kiểu e lệ ngượng ngùng. Triển không đặt ly xuống bàn sau khi uống cạn, vẫn cầm nó ngang trước mặt, tay trái vẫy bồi bàn. Ly được rót đầy, Triển uống một hơi, không mời mọc nói năng gì nữa. Tròng trắng con mắt ông vằn đỏ những đường gân máu chằng chịt như vết rạn của chén men sứ đời Minh.
(Sứ đời Minh là một đề tài độc đáo, ngày nay ít ai thực sự am hiểu, nhưng lại không liên quan đến cơn phẫn chí của nhà phê bình Đình Triển. Vả lại chuông điện thoại ai đó đang reo.)
“Anh đây, cưng. (…) Thế hả? (…) Anh cũng sắp xong, còn món tráng miệng thôi. (…) Triển vừa mới nhắc em đấy, hắn bảo em xúc động lòng hắn mà không cần xiêm y, ha ha ha (…) Đây, em nói trực tiếp với hắn.”
Triển lè nhè “Chào bà chị.”
Bà chị vốn con nhà trâm anh, có một niềm tin hợp lý là nếu người đàn ông đang hẹn hò với một người đàn bà (có tình ý) thì không bắt ngay điện thoại vợ gọi, cũng không gọi vợ là cưng, và trò chuyện to tiếng, thân mật. Bà chị càng yên tâm khi nhận ra giọng một vị giáo sư và nhà phê bình có tiếng nghiêm túc, đồng thời là bạn của cả chồng lẫn vợ.
“Ông anh đừng có mượn rượu mà tung hê xiêm áo chị em chúng tôi đấy nhé.”
“Thưa bà, rượu khiến tôi không còn khả năng làm chuyện đó nữa.”
Trả điện thoại cho Nguyên, Triển đứng dậy đi tìm nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh của nhà hàng Sang quả thực sang trọng. Những cái bi đê trong phòng quí ông được phân cách bằng màn trướng buông hững hờ, vừa có vẻ riêng tư vừa không mất tính cộng đồng, “đàn ông với nhau”, quí ông đang đứng tiểu có thể trò chuyện với quí ông đang rửa tay bên kia trướng. Bồn cầu thì lại rất cách biệt, từng cái đặt trong buồng riêng, một khi cửa đóng kín thì không có mùi vị âm thanh gì thẩm thấu được những bức tường ốp cẩm thạch. Ngồi trong buồng tiêu mát rượi, yên tĩnh, và tiện nghi thoải mái, Triển nhắm mắt chán chường. Ổng chỉ bừng tỉnh khi suýt ngã chống vó xuống sàn.
Vừa đi ra vừa gài nút quần, Triển gặp Nguyên đang vừa rửa tay vừa ngắm mặt mủi trong gương. Cái mặt nó hồi nào giờ Triển ngó thấy là chỉ muốn đấm một cái. Bốn năm trong trường học và mười bốn năm trong trường đời, Triển vẫn chưa thực hiện được điều đó, nên khát vọng ấy săn cứng thành một cái gai lặn trong da thịt, nhói đau mỗi khi nghĩ tới. Đứng sau lưng Nguyên, Triển lừ lừ nói với cái mặt hồng hào phớn phở trong gương: “Ông biết tính tôi thẳng. Thế thì tôi nói thẳng nhé: Mụ nhà văn X này nói năng tươm tướp, viết lách lung tung, chả ra cái đách gì cả. Dù ông có cho tôi ăn nhậu ở nhà hàng Sang thế này, tôi cũng không đánh đỉ lăng xê mụ ấy đâu nhá!”
Cái mặt phớn phở trong gương toét một nụ cười tươi. “Tôi không nghĩ bà ấy cần ai lăng xê, tôi lại càng không quan tâm chuyện đó.”
“Thế thì…”
Triển gườm gườm nhìn Nguyên. Thằng này lắm âm mưu , thủ đoạn. Nghề của chàng. Có khi âm mưu bất thành, hắn cao đạo gạt bỏ nục tiêu không thể đạt, trí trá bằng bình phong hào sảng, ân tình, như “nhớ bạn rủ đi nhậu chơi thôi.”
“Thế thì ông đem mụ nhà văn X đến đây giới thiệu với tôi nhằm mục đích gì?”
Nguyên vẫn cười, giọng ôn tồn: “Tôi không đem bà ấy đến đây giới thiệu với ông. Cô bạn mới của tôi có đọc cuốn sách gì đó của bà ấy, cứ tròn xoe mắt ngưỡng mộ khi tôi bảo tôi có quen biết tác giả, và giới văn chương nói chung. Tôi đem bà ấy đến đây để chứng thực với cô nàng điều đó. Còn ông thì đương nhiên phải có mặt, vì tôi nói với vợ tôi là tôi đi nhậu với ông.”
Ở bên nhà vệ sinh dành cho quí bà, cô bạn của Nguyên cũng đang đứng trước gương, và nhà văn X đứng sau lưng đưa mắt vuốt ve làn da, khóe mắt, viền môi và những được cong khác trên thân hình vệ nữ của vị độc giả. Sự thèm muốn không che giấu trong ánh mắt bà nhà văn khiến cô gái cả thẹn. Bà đưa tay vuốt từ lưng xuống mông cô gái khen: “Em đẹp lắm.”
Cô gái rùng mình, môi mím nhẹ rồi nhếch lên, có thể gọi là một nụ cười bí hiểm: “Bà dễ thương ghê.”
Lý Lan
Bữa ăn được hẹn ở nhà hàng Sang lúc 8 giờ tối, “để được yên tĩnh chuyện trò sau khi phần lớn thực khách đã no nê ra về,” như lời Nguyên nói.
Triển hỏi: “Có những ai?”.
“Ông và nữ nhà văn X.”
Phản ứng của Triển ra sao không rõ, chỉ nghe tiếng xe cộ ù ù trong điện thoại. Nguyên hỏi: “Ông biết nhà văn X chứ?”
Thay vì nói “Không” một cách trung thực, Triển đáp: “ Lạ gì! Đấy là con của mụ bán cá ở chợ Lèo.”
Chợ Lèo ở đâu chẳng ai biết. Nghe nói thoạt kỳ thủy có một ông chủ tiệm chạp phô có thằng rễ chạy xe đò Vạn Tượng, đem về những mắm, đường, nếp, vải… đặc sản của nước Lào. Dân Lào ở thành phố này không đông, nhưng người từng làm ăn sinh sống bên Lào trở về thì nhiều, thỉnh thoảng nhớ hương vị một thời làm khách ở xứ người, họ đến tiệm chạp phô này để mua những món đặc sản không thể tìm được ở chợ thông thường. Cái tiệm chạp phô đó không nằm chơ vơ một mình; chung quanh nó có chừng mươi hàng quán khác và vài mươi cái sạp chỉ dọn ra rồi dẹp đi nội trong buổi sáng, bán những thứ tươi sống cho bữa ăn trong ngày của dân cư quanh vùng, như rau cải, tôm cá, gạo thịt … Nhiêu đó đủ gọi là chợ, chỉ không có tên chánh thức, gọi theo dân gian là chợ Lèo.
Bà bán cá ở chợ Lèo không có công lao gì đặc biệt, cá của bà có con sống, con chết, con ngáp ngáp. Tuy nhiên, bà có những thủ thuật trong nghề để bán hết cá, bất kể trạng thái sinh tồn của chúng, để kiếm sống. Bà cũng không hề biết là mình vừa được nhà phê bình Đình Triển nhắc tới tên trong cuộc hẹn hò ăn nhậu với quan chức Hoàng Đức Nguyên. Chúng ta nhờ tường thuật cuộc chuyện trò giữa hai người này mà biết câu chuyện có liên quan đến nữ nhà văn X. Trong một quyển sách được coi gần như là tự truyện, X đã ghi một dòng kínnh cẩn ở trang 5, rằng: “Sẽ không có quyển sách này, bởi vì cũng sẽ không có cả người viết này, nếu không có mẹ - người mẹ vĩ đại đã cam chịu ẩn mình trong lớp áo người bán cá ở chợ Lèo để nuôi dạy con được như ngày nay. Xin dâng tặng quyển sách này cho Người.”
Sự thực là X có một bà mẹ, như mọi người được sinh ra đời này. Bà mẹ của X từng bươn chải ở chợ để nuôi con, như vô số những bà mẹ Việt Nam thời nay và thời xưa. Bà mẹ X từng buôn bán nhiều thứ, kể cả hột xoàn, kể cả cá. Vì lý do tế nhị, hoặc đơn giản vì là nhà văn, X đã chọn chi tiết bán cá như biểu trưng cho đức nhẫn nại hy sinh của mẹ mình. Một kỷ thuật tương tự như truyền hình đưa hình ảnh người thật việc thật, nhưng có đạo diễn tí chút, sao cho có đầy đủ chi tiết rõ ràng về hình vóc tóc tai ai cũng nhận ra được, chỉ riêng nửa gương mặt thì bôi lem nhem có chủ ý. Và cùng lý do kỷ thuật đó, với quan điểm “ bảo vệ sự riêng tư cá nhân”, X đã hư cấu tên của cái chợ , mà không hề biết là ở đất Sài Gòn quả thật có một cái chợ được dân gian gọi là chợ Lèo.
Tóm lại, Sài Gòn có chợ Lèo, chợ Lèo có bà bán cá, bà bán cá chợ Lèo bươn chải vất vả nuôi con, nhưng con của bà không phải nữ nhà văn X. Nhà văn này đã nổi lên trong giới cầm viết như một tác giả dũng cảm tự phơi bày mình, viết hết, viết tuồn tuột, với những chi tiết sống sượng động về chính cuộc đời mình sau hai mươi năm sống bằng viết lách mà bà miêu tả là “lăn lộn giữa chốn giang hồ gió tanh mưa máu”. Cuốn sách của nhà văn này có số lượng in ghi trên trang lưu chiểu là 1.000 bản, sau khi bày bán ở các nhà sách ba tháng thì không thấy nữa. Ví dụ sách bán hết thì trong một ngàn người đọc, không chắc có một người cất công tìm đến chợ Lèo hỏi thăm bà bán cá. Tuy nhiên mỗi ngày vẫn có vài trăm người đi chợ Lèo, và thường có vài chục người hỏi mua cá. Vài chục người mua cá đó không hề mua sách, bất kể sách gì. Nên nói chung, sự riêng tư của bà bán cá chợ Lèo vẫn còn nguyên vẹn, bà vẫn được yên thân bán cá mỗi ngày mưu sinh. Và được tha khỏi câu chuyện này.
Chúng ta nhảy thẳng vô bàn ăn để đỡ dài dòng.
Ngồi cạnh Nguyên là một thiếu phụ lộng lẫy. Vẻ ngoan hiền, nàng duyên dáng tiếp thức ăn cho Nguyên, thỉnh thoảng gắp cho nhà văn X ngồi bên cạnh. Triển ngồi đối diện nàng, nghĩa là cũng như nàng, ngồi giữa Nguyên và nhà văn X.
“Sang trọng không nhất thiết phải phản-đại-chúng.” Nhà văn X đang nói. “Tại sao cứ gắn đại chúng với rẻ tiền nhếch nhác? Trong một nền dân chủ thực sự, đại chúng sáng tạo ra giá trị xã hội. Và khi xã hội cùng nhau coi sạng trọng là giá trị thì sang trọng là giá trị. Ai cũng muốn sang trọng? Vấn đề là như thế nào là sang trọng? Thí dụ như …”
Lỗ tai Triển bắt đầu lùng bùng. Ông nhìn người đàn bà trẻ đẹp đối diện đang âu yếm chăm sóc Nguyên. Ánh mắt của ông do vậy bị lái trượt qua Nguyên. Đây là chân dung của một con chuột sa hủ nếp. Là đứa học dở nhất khóa, ra trường về chỗ ngon nhất, cưới vợ giàu nhất, rồi đời cứ thế lên hương, đi Nhật, Mỹ, Úc, Âu đều đều, lên chức đều đều, mà không ai biết nó làm cái gì, tài cán ra sao. Cả cái chuyện đàn bà mê nó, Triển cũng không thể nào hiểu nỗi. Cầm ly rượu giơ lên Triển bảo: “Uống!” Trong lúc Nguyên thong thả buông đũa cầm ly, nhà văn X tạm ngừng nói, và mỹ nhân hướng mắt về phía Triển, ông nói: “Chỉ có rượu mới giải được những câu đố của thế gian.”
Nhà văn X nhấn mạnh: “Chỉ có rượu ngon mới giải được...”
Triển trừng mắt nhìn bà nhà văn một cái, kiểu người lớn trừng mắt đe một đứa con nít hỗn hào nói leo. Rồi hướng về người đối diện ông bảo: “Người đẹp như bài thơ hay, xúc động lòng người mà không cần rổn rảng châu báu xiêm y…”
“Không xiêm y thì người đẹp nào cũng lồ lộ bấy nhiêu thôi.” Nhà văn X vừa nhai vừa nói, Nguyên bật cười ha ha, người đàn bà bên cạnh cười nhỏ nhẻ, kiểu e lệ ngượng ngùng. Triển không đặt ly xuống bàn sau khi uống cạn, vẫn cầm nó ngang trước mặt, tay trái vẫy bồi bàn. Ly được rót đầy, Triển uống một hơi, không mời mọc nói năng gì nữa. Tròng trắng con mắt ông vằn đỏ những đường gân máu chằng chịt như vết rạn của chén men sứ đời Minh.
(Sứ đời Minh là một đề tài độc đáo, ngày nay ít ai thực sự am hiểu, nhưng lại không liên quan đến cơn phẫn chí của nhà phê bình Đình Triển. Vả lại chuông điện thoại ai đó đang reo.)
“Anh đây, cưng. (…) Thế hả? (…) Anh cũng sắp xong, còn món tráng miệng thôi. (…) Triển vừa mới nhắc em đấy, hắn bảo em xúc động lòng hắn mà không cần xiêm y, ha ha ha (…) Đây, em nói trực tiếp với hắn.”
Triển lè nhè “Chào bà chị.”
Bà chị vốn con nhà trâm anh, có một niềm tin hợp lý là nếu người đàn ông đang hẹn hò với một người đàn bà (có tình ý) thì không bắt ngay điện thoại vợ gọi, cũng không gọi vợ là cưng, và trò chuyện to tiếng, thân mật. Bà chị càng yên tâm khi nhận ra giọng một vị giáo sư và nhà phê bình có tiếng nghiêm túc, đồng thời là bạn của cả chồng lẫn vợ.
“Ông anh đừng có mượn rượu mà tung hê xiêm áo chị em chúng tôi đấy nhé.”
“Thưa bà, rượu khiến tôi không còn khả năng làm chuyện đó nữa.”
Trả điện thoại cho Nguyên, Triển đứng dậy đi tìm nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh của nhà hàng Sang quả thực sang trọng. Những cái bi đê trong phòng quí ông được phân cách bằng màn trướng buông hững hờ, vừa có vẻ riêng tư vừa không mất tính cộng đồng, “đàn ông với nhau”, quí ông đang đứng tiểu có thể trò chuyện với quí ông đang rửa tay bên kia trướng. Bồn cầu thì lại rất cách biệt, từng cái đặt trong buồng riêng, một khi cửa đóng kín thì không có mùi vị âm thanh gì thẩm thấu được những bức tường ốp cẩm thạch. Ngồi trong buồng tiêu mát rượi, yên tĩnh, và tiện nghi thoải mái, Triển nhắm mắt chán chường. Ổng chỉ bừng tỉnh khi suýt ngã chống vó xuống sàn.
Vừa đi ra vừa gài nút quần, Triển gặp Nguyên đang vừa rửa tay vừa ngắm mặt mủi trong gương. Cái mặt nó hồi nào giờ Triển ngó thấy là chỉ muốn đấm một cái. Bốn năm trong trường học và mười bốn năm trong trường đời, Triển vẫn chưa thực hiện được điều đó, nên khát vọng ấy săn cứng thành một cái gai lặn trong da thịt, nhói đau mỗi khi nghĩ tới. Đứng sau lưng Nguyên, Triển lừ lừ nói với cái mặt hồng hào phớn phở trong gương: “Ông biết tính tôi thẳng. Thế thì tôi nói thẳng nhé: Mụ nhà văn X này nói năng tươm tướp, viết lách lung tung, chả ra cái đách gì cả. Dù ông có cho tôi ăn nhậu ở nhà hàng Sang thế này, tôi cũng không đánh đỉ lăng xê mụ ấy đâu nhá!”
Cái mặt phớn phở trong gương toét một nụ cười tươi. “Tôi không nghĩ bà ấy cần ai lăng xê, tôi lại càng không quan tâm chuyện đó.”
“Thế thì…”
Triển gườm gườm nhìn Nguyên. Thằng này lắm âm mưu , thủ đoạn. Nghề của chàng. Có khi âm mưu bất thành, hắn cao đạo gạt bỏ nục tiêu không thể đạt, trí trá bằng bình phong hào sảng, ân tình, như “nhớ bạn rủ đi nhậu chơi thôi.”
“Thế thì ông đem mụ nhà văn X đến đây giới thiệu với tôi nhằm mục đích gì?”
Nguyên vẫn cười, giọng ôn tồn: “Tôi không đem bà ấy đến đây giới thiệu với ông. Cô bạn mới của tôi có đọc cuốn sách gì đó của bà ấy, cứ tròn xoe mắt ngưỡng mộ khi tôi bảo tôi có quen biết tác giả, và giới văn chương nói chung. Tôi đem bà ấy đến đây để chứng thực với cô nàng điều đó. Còn ông thì đương nhiên phải có mặt, vì tôi nói với vợ tôi là tôi đi nhậu với ông.”
Ở bên nhà vệ sinh dành cho quí bà, cô bạn của Nguyên cũng đang đứng trước gương, và nhà văn X đứng sau lưng đưa mắt vuốt ve làn da, khóe mắt, viền môi và những được cong khác trên thân hình vệ nữ của vị độc giả. Sự thèm muốn không che giấu trong ánh mắt bà nhà văn khiến cô gái cả thẹn. Bà đưa tay vuốt từ lưng xuống mông cô gái khen: “Em đẹp lắm.”
Cô gái rùng mình, môi mím nhẹ rồi nhếch lên, có thể gọi là một nụ cười bí hiểm: “Bà dễ thương ghê.”
Lý Lan