Ngón tay trỏ

Ngón tay trỏ của tôi bị giập vì cánh cửa, tại sao và như thế nào thì tôi không giải thích được, vì tôi cũng không hiểu nỗi. Nhưng điều đó không quan trọng. Móng tay bầm tím, kẻ móng bị chảy máu một tí, tôi đã rửa sạch và băng lại. Một vết thương nhỏ, thực ra không đụng tới thì cũng chẳng đau đớn. Vấn đề là làm sao đừng đụng tới nó.
Một cái cớ hay để khỏi rửa chén. Khỏi cả làm vườn. Nói chung, những việc không thuộc loại phải làm ngay, hay người khác làm giúp được, thì tôi tự miễn cho mình đến khi … ngón tay lành. Những việc phải tự mình làm thì tôi cẩn thận dùng chín ngón tay, không chút khó khăn gì, đến nỗi vài tiếng đồng hồ sau là tôi quên béng ngón trỏ bị thương. Lúc đó ngón tay lại đụng chạm vô đâu đó, đau điếng.
Thế là não phát lệnh cảnh giác: coi chừng ngón tay trỏ. Khổ nỗi, khi gõ bàn phím, trong lúc chữ nghĩa trong đầu tuôn ra, chốc lát ngón trỏ lại tự động gõ xuống phím “của nó”. Mà tần số xuất hiện mấy mẫu tự N, H, U trong tiếng Việt hơi nhiều. Viết một cái email ngắn ngủn mà bị đau ba bốn lần. Chợt thấm thía câu chữ của Nguyễn Du tả nỗi lòng Kiều khi đàn: “nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Đầu ngón tay người ta nhạy cảm lắm, đau ở đó, bị giập hay “nhỏ máu”, là đau thấu tim.
Một phiền toái khác khi viết bằng máy tính mà không được dùng ngón trỏ là chính tả loạn cào cào. Cái đầu đã bảo ngón giữa gõ thế ngón trỏ, chỉ nhích thêm chút xíu, có vất vả gì cho cam. Mà trong đầu nghĩ chữ này lại đánh thành chữ khác. Phát điên được. Bèn tự miễn nốt việc viết lách. Vậy là hôm nay chỉ còn mỗi việc nằm khoèo ngắm ngón tay của mình.
Ngón trỏ bàn tay phải rất quan trọng. Đó là ngón tay bóp cò súng. Hồi chiến tranh, thanh niên đều đi lính, trong xóm tôi có một anh chàng được miễn quân dịch, cứ nhong nhong đi ghẹo gái. Nghe nói anh ta làm sao đó để chó cắn cụt ngón tay trỏ. Không có ngón tay để bóp có súng thì làm sao ra trận, làm sao chiến đấu. Hồi đó tôi thắc mắc là dùng ngón giữa để kéo cò không được sao? Tôi không biết là trong chiến tranh ranh giới sống chết rất mong manh và số phận mỗi người được định đoạt có khi bằng phản ứng tích tắc của bản năng sinh tồn. Ý chí và phán đoán của người lính hình như truyền thẳng từ đầu xuống ngón trỏ, chứ không phải ngón giữa hay ngón nào khác.
Ngón tay trỏ bộc lộ quyền lực. Nghề quản lý người khác, khiến họ làm việc theo lệnh của mình, kêu là nghề chỉ tay năm ngón. Tôi thử quan sát, thấy người dùng cả bàn tay để hướng dẫn công việc hay phương hướng cho người khác thường nhã nhặn hơn người dùng mỗi một ngón trỏ. Chẳng hạn ông chủ tiệm chạp phô hay đứng trước cửa hàng sai khiến người làm xếp dọn các thùng hàng. Ông chỉ xài có một ngón tay. Tay trái cầm cây quạt giấy phe phẩy liên tục, tay phải nắm lại chỉ chìa ra ngón trỏ. Ông trỏ vào ai là người đó méo mặt: “Thằng này! Vác cái thùng bia đó đem lại đây!” Ngón tay ông ta trỏ thay cho mọi tính từ miêu tả vật thể, địa điểm. Và đừng tốn thì giờ thương thuyết với một ngón tay.
Cô con gái ông thỉnh thoảng thay cha làm công việc quản lý. Cô trẻ, đẹp, giọng nói dịu dàng, bàn tay dịu nhễu vẫy vẫy: “Anh Tư ơi, làm ơn đem thùng bia này để qua đây.” Cô dùng cả bàn tay năm ngón trắng hồng hồng lật ngữa để chỉ thùng bia rồi cô lật úp bàn tay xuống vỗ nhè nhẹ trong không khí để hướng dẫn anh Tư hạ thùng bia đúng vị trí cô yêu cầu. Tôi nghĩ cô này ắt có học quản lý kinh doanh , ít nhứt cũng học qua khóa giao tiếp ứng xử. Có lần tôi dự thính một lớp giao tiếp, nghe giảng là bàn tay với năm ngón duỗi ra mang ý nghĩa mời mọc, khuyến khích, hổ trợ, tạo cảm giác tin cậy, thoải mái, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, hợp tác. Còn bàn tay với bốn ngón co lại, ngón trỏ chỉa ra bộc lộ uy quyền, sức mạnh, độc tài, cái tôi, tạo cảm giác răn đe, thô tục, cưỡng ép, chỉ trích, căng thẳng, bất bình.
Giáo sư hướng dẫn thảo luận vào trọng tâm: thái độ ứng xử nào trong giao tiếp mang lại hiệu quả tốt hơn cho công việc và cuộc sống con người. Thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng, trong từng tình huống nhỏ đều có thể nảy sinh những vấn đề lớn, và mỗi con người khác nhau đều có thể phản ứng bất ngờ với những tâm lý phức tạp. Không có gì khó cho bằng – theo đúc kết của vị giáo sư – hiểu được người khác và khiến cho người khác hiểu đúng mình. Ý nghĩa của mỗi hành vi hay biểu tượng có thể thay đổi theo thời và tùy nơi, khi văn hóa khác đi. Người tao không thể đơn giản học thuộc một bảng hành vi thái độ nên có hay nên tránh rồi theo đó mà cư xử. Cứ một tình huống giao tiếp với một con người cụ thể là một bài học / ứng dụng / kiểm nghiệm / đúc kết riêng cho mỗi người trong suốt quá trình sống của mình. Người xưa nói trong ba người đi chung (hay giao tiếp) có ít nhứt một người là thầy ta. Học được ít hay nhiều khiến cho người ta tưởng thành khác nhau.
Bây giờ trở lại ngón tay trỏ của tôi. Nó đang sưng vù. Người ta có thể sống trọn vẹn mà không có ngón trỏ không? Cái thằng trốn lính trong xóm ngày xưa nay đã là “ông Chín Ngón”, xem ra vợ con đề huề, làm ăn khấm khá, không có vẻ gì khuyết tật cả. Phải chăng ngón trỏ là thứ có cũng được mà không cũng được? Hà cớ gì cái ngón trỏ bị giập khiến tôi khó chịu vậy?
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222