Nhảy!

Người dẫn đường đưa cả đám đến một chỗ. Ông dừng lại, bước sang một bên, đưa mắt nhìn khắp mọi người rồi bảo : Nhảy!
Tôi chưng hửng nhìn phía trước, không thấy tường rào hay hầm hố gì cả.
Tôi nhìn người hướng dẫn, đương nhiên tôi muốn hiểu đúng: ổng bảo nhảy tức là nhảy, hay chỉ là một kiểu đùa hay chơi chữ hay trắc nghiệm phản ứng / trí thông minh của tụi này. (“Tụi này” gồm một chục người của nhóm đi bộ qua núi có hướng dẫn.) Người hướng dẫn là nhân viên của lâm viên quốc gia. Hầu hết các đường mòn (trail) trong các lâm viên được coi là an toàn, có bản đồ, mạnh ai nấy đi, chẳng ai cần ai hướng dẫn.
Nhưng nếu mình không phải người địa phương ngày ngày lững thững đi theo lối mòn, giáp một vòng quen thuộc để trở lại chỗ cũ, không cần khám phá gì hết; mà là người ở xa cả ngàn cây số tìm đến để xem cái thác nổi tiếng đep, cái hố sâu bí hiểm, cái cây một ngàn tuổi, phiến đá khổng lồ, góc rừng nhà thơ nọ đã sống nhiều năm trong một cái chòi… thì có người hướng dẫn và bạn đồng hành, chẳng phải thú vị hơn đi mình ên, lơ ngơ láo ngáo, có khi trượt chân lọt xuống hố không ai hay để kéo lên.
Vì vậy tôi có mặt trong đám mươi người đi theo người dẫn đường, một ông già gân râu mép trắng như cước, còn tóc thì là ẩn số dưới cái nón rộng vành kiểu nón hướng đạo sinh. (Ông không bao giờ giở nón ra). Nhưng không cần thấy tóc cũng đoán được ông phải trên bảy chục. Giọng khàn khàn ông bảo mọi người cố gắng đi gần ông để nghe cho rõ. Ông xin lỗi vì không thể quát thét giữa núi rừng. “Thiên nhiên vốn tỉnh lặng, nhẹ nhàng, tinh tế.” Ông thì thầm rồi phất tay ra dấu bắt đầu hành trình. Tôi nghĩ chắc mình phải rón rén đi theo sau lưng ổng. Ai dè , thoát một cái ổng đã cách tôi cả chục thước, khiến tôi tăng tốc bám theo bở hơi tai.
“Nhìn bên trái chân quí vị, có thấy cứt dê không? Chúng ta gặp may rồi, bọn dê hẳn quanh quẩn đâu đây không xa. Đừng sốt ruột, chúng ta sẽ giáp mặt chúng nó trong chốc lát nữa thôi. Nhìn bên phải, đây là cây sồi 123 tuổi , nhưng đừng gọi là cây sồi già, nó mới trưởng thành thôi. Một trăm năm đầu tiên của vòng đời, cây sồi chỉ lớn lên, trăm năm thứ hai là thời gian cây sồi sống , và để chết, cây sồi cũng phải mất một trăm năm.” Thắc mắc! Một người chừng hai mươi tuổi la lên. Ông già bảo cứ nói ra với vẻ mặt tao-biết-mày-sẽ-hỏi-gì-rồi. Làm sao ông biết chính xác cây này 123 năm tuổi? Mắt ông già sáng lên, miệng toét một nụ cười tươi đắc ý (thấy chưa, hỏi đúng chóc!) “Tại vì tôi làm việc ở đây đả 23 năm, mà hồi tôi nhận bàn giao công việc, ông kiểm lâm tiền nhiệm (đang bình yên ở trên trời) nói với tôi là cây sồi này một trăm tuổi”
Có vẻ như mấy người làm công việc hướng dẫn dù ở đâu thuộc tuổi tác nào cũng có chung bài bản tiếu lâm. Ông này khiến tôi nhớ đến anh hướng dẫn chuyến du lịch Mũi Né năm kia, suốt mấy tiếng đồng hồ trên xe anh ta khiến mọi người cười bò lăn bò lốc bằng những chuyện tiếu lâm cũ mà mới, được cải biên cho phù hợp hoàn cảnh, thay đổi kết thúc gây bất ngờ một cách vô duyên, có khi pha chút tục tỉu, liều lượng vừa đủ để các bà vừa phản đối vừa cười. Ông già dẫn đường này không nói liên tục, sau vài ba câu giới thiệu cây sồi, cục đá, bầy dê, ông im lặng đi một đoạn lên dốc, sau đó phần lớn những lời ông nói đều ngắn, chứa thông tin và hướng dẫn cần thiết, như cố giữ thăng bằng trên gót chân, hay cúi đầu xuống chui dưới nhánh cây, bước vòng qua tảng đá, nhìn bên trái, vệt trắng óng ánh bạc kia là hồ băng, coi chừng bên phải, đứng lại, đi.
Đường mòn trên núi cứ lên dốc một đoạn thì lài lài một đoạn, có khi xuống dốc một tí, rồi lại lên dốc cao hơn, dài hơn. Mới đi tôi tưởng bỡ: ông già đi được huống gì mình. Nhưng chỉ lát sau tôi dần dần tụt hậu, trở thành người lẽo đẽo đi cuối đoàn. Tới chỗ ông bảo nhảy, tôi đứng khựng lại phân vân, đây là lời dẫn đường nghiêm túc hay trò đùa?
Người đi theo sát ông dẫn đường nhất nhìn ông một cái rồi co giò nhảy một cái, không có gì xảy ra. Người thứ hai, là anh chàng trẻ tuổi luôn có thắc mắc, nhìn khoảng trống trước mặt hỏi: “Bao xa? Bao cao?” Ông già nhún vai: “Hết sức mình!” Chàng trai trẻ bèn lùi một bước lấy đà, nhún mình nhảy một cú ngoạn mục khiến mọi người tấm tắc. Người thứ ba cũng trẻ, cũng thắc mắc: “Để làm gì?” Ông già lại nhún vai: “Vì lợi ích của chính mình”. Cô gái chụm chân nhảy một cái, không xa bằng người trước. Người thứ tư dùng dằng: “Tại sao ông không nhảy?” Ông già cười khà khà “Tôi già rồi.”Người thứ năm bảo “vớ vẩn” rồi bước đi bình thường tới trước.
Sau khi người áp cuối nhún vai coi như trò đùa, nhảy một cái lấy lệ, rồi bước theo những người khác đã bắt đầu đi tới trước một quãng không cần người dẫn đường, là tới phiên tôi đứng trước bức tường hay cái hố vô hình chuẩn bị nhảy. Tôi nhìn vào mắt người dẫn đường như thể để làm một cú nhảy tôi cần tin tưởng hoàn toàn vào người phát ra lệnh đó. Bỗng nhiên tôi vỡ lẽ: Trong đôi mắt tinh anh của ông già lấp lánh sự khôn ngoan từng trải, sự nhân hậu ân cần. Ông búng tay cái chóc khi tôi nhảy: “Còn phong độ lắm!”
Tôi cảm thấy sức lực được phục hồi, bước đi hăng hái hơn. Tôi biết phía sau tôi có người dẫn đường dày kinh nghiệm không để rơi rớt bất cứ ai, và phía trước tôi có những người trẻ tuổi dám nhảy.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222