Lên dốc

Da mặt tôi săn lai, hay đanh lại, không chắc từ nào chính xác. Cảm giác như da khô và co rúm khi luồng gió thổi như cào qua mặt tôi. Bậm môi, nghiến răng, rạp mình thấp xuống chút nữa, tôi gồng mình đạp xe lên dốc. Qua con dốc này sẽ thấy đời phơi phới: đừơng sẽ lài lài xuôi một lèo xuống sát mép nước, nước mênh mông của biển.
Mấy người đồng hành đang vượt qua tôi, chắc nhờ xe đạp của họ tốt hơn. Người cuối cùng qua mặt tôi la lớn “Cố lên!”. Tôi không la nỗi, chỉ nghiến răng chịu đựng cơn gió ngược lạnh buốt và khô rang, dồn hết sức vô cẳng chân, lần lượt nhấn xuống bàn đạp trái rồi bàn đạp phải. Một vòng. Một vòng nữa. Ráng cho được một vòng. Một vòng thôi.
Chiếc xe đạp càng lúc càng ương ngạnh như con ngựa cứng đầu, mình làm cách nào nó cũng cứ ỳ ra như ăn vạ. Nhưng tôi biết nó là vật vô tri, chỉ bị trọng lực tác động mà thôi, chứ không phải nó “muốn” hay “không muốn” kháng cự lại tôi. Còn tôi, để khẳng định mình là sinh vật có tri thức và có ý chí, có cả sức mạnh, tôi nhỗm mông khỏi yên, để toàn trọng lượng cơ thể đè xuống chân trái, rồi chuyển sang chân phải, và lưng gần như song song với mặt đường. Lúc này tất cả nghị lực của tôi tập trung vào việc làm sao ấn bàn đạp xuống, làm sao cho bánh xe quay một vòng. Một vòng quay tới trước. Ngừng nỗ lực này thì điều chắc chắn sẽ xảy ra là bánh xe quay ngược lại, tôi sẽ té lăn quay.
Cỡi xe đạp có một số nguyên tắc mà người ta phải tuân theo. Nó là một thứ công cụ, như mọi công cụ khác con người chế ra, phải học cách sử dụng, chứ không thuộc loại hoạt động bản năng. Ăn uống ngủ thở tiêu tiểu là bản năng động vật, người ta học là học cái văn hóa của những hoạt động đó để cho ra tư cách “Quận công” (ỉa đồng) hay người văn minh sử dụng nhà vệ sinh. Rút tấm giấy trong cái hộp gắn trên vách nhà vệ sinh công cộng như thế nào, trải nó lên mặt bàn cầu ra sao (và tại sao phải làm như vậy trước khi ngồi xuống để tiêu tiểu) phải học. Hoặc do người khác hướng dẫn, hoặc “tự hiểu” lấy như tôi sau khi nghiên cứu hình vẽ hướng dẫn trên cái hộp đựng giấy lót bàn cầu, lần đầu tiên đi máy bay đường dài. Phải nói là chuyện cực kỳ đơn giản. Nhưng không học thì không biết. Công cụ, dù cây tăm xỉa răng, đôi đũa, hay máy tính, đều phải học mới biết sử dụng. Có thứ mình tưởng dễ như xỉa răng hay cầm đũa, mà người khác học hoài không làm được. (Như ông chồng tôi, dạy bao nhiêu năm, mà thấy ổng cầm đũa xóc bánh phở là tôi chỉ muốn kí đầu!)
Nhưng trở lại với chiếc xe đạp đang ì à ì ạch lăn lên dốc. Cái xe này nhà chế tạo bán kèm theo một cuốn sách hướng dẫn sử dụng bằng 5 thứ tiếng, tôi có coi sơ qua khi mới đem xe trong thùng ra. Thấy vẽ bộ thắng đánh số giải thích chi chít mấy chục số, rồi bộ ghi đông cũng chú thích lung tung, mỗi bên tay cầm đều có bảy tám nấc điều chỉnh. Cũng hiểu là nhà sản xuất bày ra lắm chức năng trên lý thuyết để cái xe có vẻ … cao cấp, để lòe người mua, để bán thêm tiền. Nhưng tôi đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe chứ đâu phải để thách thức trí tuệ! Thành ra tôi liếc qua, chủ yếu xem điều chỉnh nút nào khi chạy trên đất bằng, nút nào khi lên dốc, xuống dốc.
Nhớ chiếc xe đạp cũ hồi đi dạy ở Long An, chẳng có “số” gì cả, chỉ có một thắng trước một thắng sau, có một thời gian thắng trước đứt, tôi vẫn chạy tỉnh bơ, lên dốc xuống dốc cầu Nhị Thiên Đường, cầu Ông Thìn, cầu Cần Giuộc như chạy trên đất bằng. Ừ thì đó là thời tôi hăm mấy tuổi. Ý tôi là chiếc xe đạp đơn giản nhứt ấy đã “chạy” ngon lành trên mọi địa hình. Còn chiếc xe đang chạy này đã được bấm nút chuyển qua chế độ “lên dốc” và điều chỉnh sang tốc độ an toàn, mà nó hầu như không thèm chạy. Tất cả những nút và nấc phức tạp không có vẻ ảnh hưởng gì đến sức hút của trái đất. (Càng không hiểu “tốc độ an toàn” để làm gì khi mà mình gồng hết sức để đạp từng cái một cho bánh xe lăn từng vòng một.)
Đúng lúc tôi tính nhảy xuống đất dắt xe quách cho được việc thì bánh xe có vẻ như được thả ra, lăn dễ dàng hơn, không còn cảm giác như có bàn tay vô hình níu yên xe ghị lại. Thế là lên tới đỉnh dốc bằng phẳng rồi. Bánh xe lăn càng lúc càng nhanh, thậm chí không cần tôi đạp, cuối cùng chiếc xe lao như điên xuống dốc. Trời ơi, sướng quá, dù ngọn gió lạnh buốt rát như sát muối vào da mặt. Tôi chẳng cần đổi nút “xuống dốc” hay điều chỉnh nấc tốc độ gì cả, cũng chẳng thèm hãm thắng. Cứ để mặc chiếc xe lao. Tôi hít thật sâu, hình như phổi mình nở gấp đôi.
Và đây là biển. Quăng chiếc xe bên triền cỏ ven đường, tôi ngồi trên mõm đá nhìn lũ chim biển bay quần quần trên trời xanh. Tiếng sóng vỗ không có giai điệu mở đầu hay kết thúc. Tôi nghe đã đời rồi đứng dậy, dựng xe đạp lên, lại ì à ì ạch đạp lên dốc. Những người đi xe đạp khác lúc vượt qua tôi lại cổ vũ “Cố lên!”
Được, cố lên, cái dốc ngó dài thăm thẳm và tưởng như dựng đứng. Gồng mình đạp hụt hơi bánh xe mới lăn một vòng. Ừ, một vòng. Một vòng nữa. Thêm một vòng nữa. Và một vòng nữa.

Lý Lan.
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222