Người nổi tiếng mi ni
Thế là hết những ngày nắng ấm. Theo dự báo thời tiết thì ngày hôm nay mưa, ngày mai mưa, ngày mốt cũng mưa. Mặt đất bắt đầu nhão ra, tôi mất hết hứng làm vườn. Mà cà chua với ớt vẫn còn xanh. Thôi kệ. Cũng vừa lúc quay lại với sách vỡ. Trời mưa nằm khoèo trong nhà đọc trong tiếng nhạc cũng sướng.
Đang đọc bài “Tận cùng của cô tịch” (The End of Solitude) của William Deresiewicz. Tác giả sinh năm 1964, giáo sư của đại học Yale từ năm 1998 đến 2008, bài viết này được xuất bản trên The Chronicle năm 2009. Gần đây không rõ hành trạng tung tích ông ra sao. Một lời bình trên trang grademyprofessor.com cho là ông “cool and sexy”.
Nhập đề, Deresiewicz viết: “Cái-tôi hiện thời muốn gì? Máy quay phim đã tạo ra một lớp văn hóa tiếng tăm, máy tính tạo ra một văn hóa kết nối. Khi hai kỷ thuật này hợp lại – băng truyền thông rộng mớm trang web thay thế văn bản bằng hình ảnh, các mạng xã hội trải mạng lưới kết nối lẫn nhau rộng hợn - hai lớp văn hóa cùng lộ ra một động lực chung. Tiếng tăm và kết nối đều là những cách nhằm được biết đến. Đây chính là điều cái-tôi hiện thời muốn.”
“Cái-tôi” (self) của những người thời điện thoại di động, iphone, Twitter, Facebook, blog là những cái-tôi muốn được công nhận, được kết nối, được thiện hạ nhìn thấy, nhận ra. Theo Deresiewicz thì được người khác biết đến trở thành tính chất làm nên giá trị chúng ta, khiến chúng ta xứng đáng là chính mình. Nỗi kinh hãi thời nay là làm kẻ vô danh tiểu tốt. Và do vậy cuộc sống của người bây giờ không còn nỗi cô tịch nữa. Với kỷ thuật vây quanh người ta tự đánh mất đi khả năng sống với chính mình, khả năng cô đơn, một mình.
Deresiewicz là giáo sư văn chương Anh Mỹ, con đẻ của văn hóa phương tây, coi cái-tôi cá nhân là quan trọng nhất. Cái-tôi mỗi thời đại phản ánh giá trị thời đại ấy. Đặc tính được đề cao của cái-tôi thời chủ nghĩa lãng mạn phương tây là sự chân thành, đặc tính căn bản của cái-tôi chủ nghĩa hiện đại là xác thực (theo nhà phê bình văn học Lionel Trilling) , thì ở thời hậu hiện đại, thời toàn cầu hóa, thời kỷ thuật số này, Deresiewicz cho là hữu hình hữu danh chính là cách hiện hữu của cái-tôi.
Trong xã hội Việt Nam (ngày xưa) cái-tôi không phải là trọng tâm. Một người Việt ý thức bản thân mình như cháu-con-em-chị-anh-vợ-chồng của những ông-bà-cha-mẹ-anh-chị-em-chồng-vợ của mình. Lại còn bà con nội ngoại, và tất cả những người không hề có dây mơ rễ má với mình mà cũng xưng hô bác-chú-cô-dì-cháu-con-em. Cho nên người mình quen xài cái-tôi tập thể, tin rằng cái-tôi cá nhân là cái đáng ghét, phải triệt tiêu hay xóa lấp nó đi. Một mình là không nên. Gia đình, làng xã là quan trọng. Người ta lớn lên trong môi trường thường trực có những kẻ-khác-như-một-phần-của-mình, coi đó là lẽ tự nhiên, con người được coi là động vật bầy đàn mà. Trong môi trường đó, không có ý thức cô đơn, cũng chẳng có nỗi sợ hãi lạc bầy.
Ý thức cô đơn của phương tây khác với nỗi sợ hãi lạc bầy của người mình. Chồng tôi thích đi lên núi chơi. Trên đỉnh núi hoang vu ít người lên tới, anh nằm dưới bầu trời bao la, ngắm những ngọn núi chung quanh vắng vẻ, nghe vọng âm tiếng thác rì rầm, để tâm hồn lắng xuống, trong veo như không khí, trinh nguyên như tuyết núi, bình yên như đàn dê gặm cỏ dưới vực. Xa cách tất cả đồng loại (quên cả vợ), không mang theo điện thoại hay máy định vị (không thể nào “lạc” giữa thiên nhiên), anh tận hưởng thời khắc được ở một mình giữa trời đất, đối diện với chính mình, kết nối với Thượng đế của mình. Những lúc đó là lúc anh cảm thấy sống trọn vẹn, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, thanh lọc “bụi đời”, tắm mình trong nỗi cô đơn tuyệt vời. Nỗi cô đơn ấy là hạnh phúc thoát khỏi thành phố và cuộc sống hiện đại nơi đó.
Nhưng, theo Deresiewicz, người Mỹ bây giờ không còn sống trong thành phố của chủ nghĩa hiện đại nữa, nỗi sợ lớn không phải là bị hòa tan vào đám đông, mà là bị lạc khỏi bầy đàn. Những người Mỹ trẻ hiện nay lớn lên ở vùng dân cư ngoại ô thưa vắng, trong ngôi nhà to trên mảnh đất rộng, ngồi một mình, ăn một mình, chơi một mình trước cái màn hình tv / máy tính. Internet và điện thoại di động trở thành cái không thể thiếu, cái giúp cho con người lẻ loi đó kết nối với đồng loại. Một mình lạc giữa không gian vô cảm người ta làm sao biết mình tồn tại? Họ đưa hình ảnh của mình lên blog, lên Facebook, nhắn tin, gởi và nhận thông điệp của người quen và người không quen biết qua Twitter, những thông điệp về chuyện mình ăn ngủ buồn vui nghe thấy… Deresiewicz viết “Một giòng chảy triền miên những giao tiếp tiếp nối, ảo, nhưng coi như thực, hay vờ như thực, giữ chúng ta gắn bó với cái tổ ong điện tử - mặc dù sự giao tiếp, hay ít ra là sự giao tiếp hai chiều, dường như ngày càng lạc điệu xa vời. Dường như mục đích giờ đây chỉ là để được biết đến, để tự biến thành một người-nổi-tiếng mi ni. Mình có bao nhiêu bạn trên Facebook? Bao nhiêu người đang đọc blog của mình? Bao nhiêu kết quả Google cho ra khi tìm kiếm cái tên của mình? Sự hữu hình hữu danh củng cố lòng tự hào của chúng ta, trở thành sự thay thế, sai biệt gấp đôi, cho quan hệ chân chính. Cách đây chưa lâu, cảm giác cô đơn là chuyện dễ. Bây giờ, không có cách chi được ở yên một mình.”
Tôi không biết chúng ta đã nhảy vọt như thế nào, không biết tuổi trẻ ở Việt Nam có kịp trải nghiệm cái thú vị cô đơn, hay đã chạy trốn cảm giác lạc bầy, chui vào cái “tổ ong điện tử”, cố trở thành những người nổi tiếng mi ni.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)
Đang đọc bài “Tận cùng của cô tịch” (The End of Solitude) của William Deresiewicz. Tác giả sinh năm 1964, giáo sư của đại học Yale từ năm 1998 đến 2008, bài viết này được xuất bản trên The Chronicle năm 2009. Gần đây không rõ hành trạng tung tích ông ra sao. Một lời bình trên trang grademyprofessor.com cho là ông “cool and sexy”.
Nhập đề, Deresiewicz viết: “Cái-tôi hiện thời muốn gì? Máy quay phim đã tạo ra một lớp văn hóa tiếng tăm, máy tính tạo ra một văn hóa kết nối. Khi hai kỷ thuật này hợp lại – băng truyền thông rộng mớm trang web thay thế văn bản bằng hình ảnh, các mạng xã hội trải mạng lưới kết nối lẫn nhau rộng hợn - hai lớp văn hóa cùng lộ ra một động lực chung. Tiếng tăm và kết nối đều là những cách nhằm được biết đến. Đây chính là điều cái-tôi hiện thời muốn.”
“Cái-tôi” (self) của những người thời điện thoại di động, iphone, Twitter, Facebook, blog là những cái-tôi muốn được công nhận, được kết nối, được thiện hạ nhìn thấy, nhận ra. Theo Deresiewicz thì được người khác biết đến trở thành tính chất làm nên giá trị chúng ta, khiến chúng ta xứng đáng là chính mình. Nỗi kinh hãi thời nay là làm kẻ vô danh tiểu tốt. Và do vậy cuộc sống của người bây giờ không còn nỗi cô tịch nữa. Với kỷ thuật vây quanh người ta tự đánh mất đi khả năng sống với chính mình, khả năng cô đơn, một mình.
Deresiewicz là giáo sư văn chương Anh Mỹ, con đẻ của văn hóa phương tây, coi cái-tôi cá nhân là quan trọng nhất. Cái-tôi mỗi thời đại phản ánh giá trị thời đại ấy. Đặc tính được đề cao của cái-tôi thời chủ nghĩa lãng mạn phương tây là sự chân thành, đặc tính căn bản của cái-tôi chủ nghĩa hiện đại là xác thực (theo nhà phê bình văn học Lionel Trilling) , thì ở thời hậu hiện đại, thời toàn cầu hóa, thời kỷ thuật số này, Deresiewicz cho là hữu hình hữu danh chính là cách hiện hữu của cái-tôi.
Trong xã hội Việt Nam (ngày xưa) cái-tôi không phải là trọng tâm. Một người Việt ý thức bản thân mình như cháu-con-em-chị-anh-vợ-chồng của những ông-bà-cha-mẹ-anh-chị-em-chồng-vợ của mình. Lại còn bà con nội ngoại, và tất cả những người không hề có dây mơ rễ má với mình mà cũng xưng hô bác-chú-cô-dì-cháu-con-em. Cho nên người mình quen xài cái-tôi tập thể, tin rằng cái-tôi cá nhân là cái đáng ghét, phải triệt tiêu hay xóa lấp nó đi. Một mình là không nên. Gia đình, làng xã là quan trọng. Người ta lớn lên trong môi trường thường trực có những kẻ-khác-như-một-phần-của-mình, coi đó là lẽ tự nhiên, con người được coi là động vật bầy đàn mà. Trong môi trường đó, không có ý thức cô đơn, cũng chẳng có nỗi sợ hãi lạc bầy.
Ý thức cô đơn của phương tây khác với nỗi sợ hãi lạc bầy của người mình. Chồng tôi thích đi lên núi chơi. Trên đỉnh núi hoang vu ít người lên tới, anh nằm dưới bầu trời bao la, ngắm những ngọn núi chung quanh vắng vẻ, nghe vọng âm tiếng thác rì rầm, để tâm hồn lắng xuống, trong veo như không khí, trinh nguyên như tuyết núi, bình yên như đàn dê gặm cỏ dưới vực. Xa cách tất cả đồng loại (quên cả vợ), không mang theo điện thoại hay máy định vị (không thể nào “lạc” giữa thiên nhiên), anh tận hưởng thời khắc được ở một mình giữa trời đất, đối diện với chính mình, kết nối với Thượng đế của mình. Những lúc đó là lúc anh cảm thấy sống trọn vẹn, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, thanh lọc “bụi đời”, tắm mình trong nỗi cô đơn tuyệt vời. Nỗi cô đơn ấy là hạnh phúc thoát khỏi thành phố và cuộc sống hiện đại nơi đó.
Nhưng, theo Deresiewicz, người Mỹ bây giờ không còn sống trong thành phố của chủ nghĩa hiện đại nữa, nỗi sợ lớn không phải là bị hòa tan vào đám đông, mà là bị lạc khỏi bầy đàn. Những người Mỹ trẻ hiện nay lớn lên ở vùng dân cư ngoại ô thưa vắng, trong ngôi nhà to trên mảnh đất rộng, ngồi một mình, ăn một mình, chơi một mình trước cái màn hình tv / máy tính. Internet và điện thoại di động trở thành cái không thể thiếu, cái giúp cho con người lẻ loi đó kết nối với đồng loại. Một mình lạc giữa không gian vô cảm người ta làm sao biết mình tồn tại? Họ đưa hình ảnh của mình lên blog, lên Facebook, nhắn tin, gởi và nhận thông điệp của người quen và người không quen biết qua Twitter, những thông điệp về chuyện mình ăn ngủ buồn vui nghe thấy… Deresiewicz viết “Một giòng chảy triền miên những giao tiếp tiếp nối, ảo, nhưng coi như thực, hay vờ như thực, giữ chúng ta gắn bó với cái tổ ong điện tử - mặc dù sự giao tiếp, hay ít ra là sự giao tiếp hai chiều, dường như ngày càng lạc điệu xa vời. Dường như mục đích giờ đây chỉ là để được biết đến, để tự biến thành một người-nổi-tiếng mi ni. Mình có bao nhiêu bạn trên Facebook? Bao nhiêu người đang đọc blog của mình? Bao nhiêu kết quả Google cho ra khi tìm kiếm cái tên của mình? Sự hữu hình hữu danh củng cố lòng tự hào của chúng ta, trở thành sự thay thế, sai biệt gấp đôi, cho quan hệ chân chính. Cách đây chưa lâu, cảm giác cô đơn là chuyện dễ. Bây giờ, không có cách chi được ở yên một mình.”
Tôi không biết chúng ta đã nhảy vọt như thế nào, không biết tuổi trẻ ở Việt Nam có kịp trải nghiệm cái thú vị cô đơn, hay đã chạy trốn cảm giác lạc bầy, chui vào cái “tổ ong điện tử”, cố trở thành những người nổi tiếng mi ni.
Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)