Chia sẻ

(bài này viết ngày 24/11)
Bản tin thời tiết ghi hai nhiệt độ, một đo bằng hàn thử biểu và “realfeel” đo theo cảm giác của con người. Chẳng hạn hôm thứ hai, nhiệt độ âm 6 độ C, nhưng “realfeel” là âm 18 độ C, vì giữa cơn bão tuyết gió từ Bắc Cực thổi xuống gây cảm giác lạnh kinh hoàng. Dù đã được dự báo, cơn bão dữ dội hơn tôi tưởng. Sáng thứ hai thức dậy thấy chung quanh nhà tuyết trắng xóa, tôi hối hận đã không hái hết hoa cúc vào nhà, định ra vườn coi số phận chúng giờ ra sao, cũng để thử coi cảm giác âm 18 độ C như thế nào.
Mặc bốn lớp áo (áo lót, áo thường, áo len, áo khoác), đầu đội mũ trùm kín tai, chân mang giầy bốt, tôi đi quanh vườn chừng mười phút đã không chịu nỗi, chạy tọt vô nhà, hai vành tai tím tái. Tôi quyết định không bước ra khỏi cửa nữa. Nếu không phải trường hợp cực kỳ khẩn cấp thì đừng hòng đem tôi ra ngoài trời băng giá ấy.
Ngồi nhà đọc báo địa phương trên mạng, the Bellingham Herald: Bất chấp băng tuyết đầy đường, gió lạnh thấu xương, ngân hàng thực phẩm (food bank) của thành phố đã tiếp một con số người kỷ lục đến nhận thức ăn miễn phí, 280 gia đình (932 nhân khẩu) trong một ngày thứ hai vừa qua. Hàng người xếp dài, người ta phải đứng ngoài trời khá lâu. Ông giám đốc food bank nói là nếu không thực sự cần đồ ăn cho gia đình thì người ta không chịu khó như vậy.
Ngân hàng thực phẩm là tổ chức từ thiện hoạt động trên toàn nước Mỹ, nguồn cấp phát thực phẩm cứu trợ lớn nhứt nước này dựa vào sản vật và tiền bạc của các nhà hảo tâm hiến tặng. Vào dịp lễ Tạ Ơn người ta hiến tặng nhiều hơn, ngân hàng cũng phát ra nhiều thực phẩm hơn cho mỗi nhân khẩu, đặc biệt là mỗi gia đình thường nhận được một con gà tây khoảng 10 kí cùng các món ăn truyền thống khác vào ngày lễ này như bánh bí, khoai, mứt dâu. Một gia đình bốn người nếu mua sắm ở siêu thị để làm một bữa cơm ngày Tạ Ơn tươm tất chi tiêu khoảng 100 đô. Chiều thứ tư trước ngày lễ, cảnh mua sắm ở siêu thị giống như phiên chợ sáng ngày 30 Tết ở Việt Nam. Vào ngày lễ, phần lớn các tiệm sẽ đóng cửa.
Đi mua đồ ở siêu thị về ngang qua chỗ người ta xếp hàng trước food bank, một cảm giác hạnh phúc tội lỗi, vừa mừng là mình còn khả năng chi trả cho miếng ăn của gia đình mình, vừa xấu hổ là đồng loại mình bị đói lạnh. Để tự xoa dịu, có người mua những thùng đồ hộp đại hạ giá ở siêu thị chở qua food bank cho. Lúc dừng xe ở đó, tôi chứng kiến cảnh người thì hì hụi khuân đồ vô, trở ra tay không, chân bước nhẹ nhàng; người thì im lặng xếp hàng vô, hì hụi bưng đồ được phát ra, lầm lũi đi vội. Làm như việc ai nấy lo, không liên can gì nhau. Không có cảnh tượng mũi lòng nào hết, cũng không ai tươi cười trao quà chụp hình đăng báo.
Có người đứng nhìn hàng người dài ngoằng co ro trong những chiếc áo khoác cũ, lắc đầu bứt xúc: Không thể hiểu nỗi! Ở đất nước vẫn được coi là giàu nhứt thế giới, cho dù kinh tế suy thoái, người ta vẫn không thể yên tâm về miếng ăn. Theo quan niệm của ông Mỹ này thì sự yên tâm về miếng ăn, hay sự đảm bảo đủ ăn (food security) là khi người ta không thường xuyên lo lắng về miếng ăn, được ăn đủ no chứ không thường xuyên đói. Tôi thấy định nghĩa như vậy thì sang trọng quá, có thể bốn phần năm nhân loại hiện nay không có được sự đảm bảo đó. Ở những nước như Ấn Độ, Trung quốc, dù kinh tế đang lên, khoa học kỷ thuật phát triển, có cả bom nguyên tử, và lăm le tranh vị trí nước giàu, vẫn còn cả tỷ người thức dậy mỗi sáng với câu hỏi hôm nay ăn cái gì, hay làm sao có cái ăn.
Sống mà không bận tâm đến miếng ăn, như kiểu người ta sinh ra ai cũng có quyền no đủ, là một thiên đường còn xa lắm. Không giống ông Mỹ kia ray rứt xấu hổ khi thấy cảnh đồng bào mình đứng sắp hàng trong bão tuyết để nhận con gà tây miễn phí cho bữa cơm gia đình ngày lễ Tạ Ơn, tôi thấy cảm động trước sự chia sẻ này. Dù sao thì xã hội cũng phải giàu có, và người giàu còn có lòng nhân, thì mới có sự chia sẻ như vậy. Giá mà ở Việt Nam có một tổ chức tương tự, rice bank, ngân hàng gạo chẳng hạn, để người giàu chia sẻ bữa cơm với người nghèo, ít nhứt thì cũng vào những ngày lễ Tết.
Tôi có một câu chuyện về nhận và cho ở food bank mà người kể muốn được coi là vô danh. Hồi chị mới định cư ở Mỹ, gia đình gồm một mẹ và bốn đứa con nhỏ. Food bank ở chỗ chị mỗi thứ hai có phát sữa, cùng hiệu và hạn sử dụng như ở siêu thị, chỉ khác là khỏi trả tiền. Mỗi đầu người đến lãnh được một bình. Chị bèn dắt cả 4 đứa con đi. Người làm việc ở food bank (phần lớn là người tình ngyện) nói lần sau chị đến một mình lãnh luôn 5 bình, các cháu còn nhỏ, đừng dắt đi theo. Khoảng một năm sau, công việc nhà cửa ổn định, chị không đến food bank lãnh đồ ăn thức uống nữa. Năm năm sau và cho đến bây giờ, mỗi năm chị đều dành ra một ngàn đô tặng cho food bank. (Tặng một ngàn đô trở lên thì được giảm tiền thuế).
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222