Bọn trẻ sẽ đi Việt Nam
Ông giáo sư gọi chúng là bọn trẻ, “the kids”, và lắc đầu cảm thán: Chúng còn đang tuổi teen. Mười tám mười chín tuổi vẫn kể như teen, mặc dù mấy teen cỡ đó hơi già.
Bọn trẻ gồm tám sinh viên năm thứ hai, có hai người đã lên năm thứ ba. Chỉ có một người từng đi du lịch nước ngoài một lần. Thành phố lớn mà đa số từng lui tới là Seattle, cách nơi họ sinh trưởng từ vài chục dặm đến vài trăm dặm. Có một người trước khi vào đại học Western Washington ở Bellingham chưa đi đâu ra khỏi thị trấn quê nhà ở miền trung tây nước Mỹ.
Ông giáo sư kể: Khi “cậu bé” đi vào văn phòng ông để hỏi về việc ghi danh khóa học “Việt Nam và Mỹ”, ông thấy rõ cậu không có chút khái niệm cỏn con nào về đất nước con người hay văn hóa Việt Nam, ngoài một ý thức nhàn nhạt là trong lịch sử Mỹ có một giai đoạn liên can đến Việt Nam. Đối với người thầy, không hề có câu hỏi như “Tại sao em muốn học về cái mà em không biết gì hết.” Nhưng ông vẫn muốn chính “cậu bé” tự nói ra động cơ khiến cậu đến gặp ông.
“Em chưa bao giờ đi ra nước ngoài, em không biết cái gì khác hơn nước Mỹ, đúng hơn là cái thị trấn em sinh trưởng. Em thấy khóa học của thầy có 3 tuần cuối khóa đi nghiên cứu ở Việt Nam. Đó là cơ hội để em nhìn thấy thế giới ở ngoài nước Mỹ.”
Ông giáo sư đã ngồi lặng đi mấy phút trước người thanh niên mười chín tuổi ấy. “Cậu bé” mất bình tĩnh một chút khi gương mặt người thầy chợt chìm trong xa vắng, rồi mặt mũi ửng đỏ lên như cố kiềm cơn xúc động ghê gớm. Đối với sinh viên đương nhiên không thể có câu hỏi như “Tại sao thầy quan tâm đến suy nghĩ và chí hướng của em?” Cậu trẻ quá, nên vô tư nói: “Em xin lỗi, nếu lỡ xúc phạm thầy.”
Không, cậu sinh viên hoàn toàn không nói một lời gì gây tổn thương, nhưng điều cậu vừa nói với vẻ mặt hồn nhiên đã khiến một vết thương chợt bật máu trong lòng ông giáo sư. Ông chợt thấy hiển hiện trước mặt người bạn thời trung học ở thị trấn quê ông, miền đông Oregon. Ngày anh ta vào lính, cũng mười chín tuổi, không biết chút gì về Việt Nam ngoài một hiểu biết mù mờ về cuộc chiến đất nước anh đang can dự. Anh hồn nhiên, thậm chí phấn khởi, nói: “Tôi lớn lên ở cái thị trấn đìu hiu này, chưa bao giờ đi đâu xa cả. Chẳng phải đây là cơ hội để thỏa chí phiêu lưu?” Anh ta đã không bao giờ trở về.
Đương nhiên thời thế đã hoàn toàn khác, và người bạn học của ông giáo sư hơn bốn mươi năm trước với cậu sinh viên ngồi trước mặt ông đây dù xét về phương diện gì cũng không có mối liên hệ hay tương đồng, trừ tuổi mười chín. Tham dự khóa học “Việt Nam và Mỹ”, chàng trai trẻ sẽ có chín tuần lễ trang bị tri thức lịch sử, đặt một số vấn đề thảo luận vào bối cảnh toàn cầu hiện nay , xem xét từ những quan điểm khác nhau, và chọn một đề tài nghiên cứu, trước khi bay ngang qua Thái Bình Dương, đặt chân lên mảnh đất Việt Nam thực sự.
Những đề tài nghiên cứu của “bọn trẻ” liên quan đến ngành học chính mà tụi nó đã hay sẽ chọn để theo đuổi đến khi tốt nghiệp. Chẳng hạn cô sinh viên hứng thú ngành ngôn ngữ học quan tâm đến việc dạy học tiếng Anh như ngoại ngữ ở Việt Nam. Cô sinh viên chọn ngành Sinh học làm môn chính sẽ tìm hiểu việc phục hồi và bảo tồn môi trường sinh thái ở Cần Giờ. Ẩm thực Việt Nam, đặc biệt phở, từ món ăn truyền thống trở thành phổ biến toàn cầu là đề tài hấp dẫn đối với cô sinh viên ngành xã hội học. Cậu sinh viên ngành tâm lý học thì muốn tìm hiểu vấn đề “stress” trong đời sống đô thị Việt Nam hiện nay.
Với phương tiện truyền thông và giao tiếp hiện đại, “bọn trẻ” tự tìm ra hàng khối thông tin liên quan đến đề tài tụi nó quan tâm, ngoài khối lượng không nhỏ tài liệu, dù đã được tuyển lọc, mà giáo sư tụi nó hướng dẫn đọc. Bỗng nhiên Việt Nam hiện diện trong đời sống hàng ngày của tụi nó. Bỗng nhiên những bài học lịch sử không chỉ là những bài học về quá khứ xa xăm. Mặc dù chuyện nửa thể kỷ trước đối với người mới sống mười chín hai mươi năm thì đúng là xa xăm thăm thẳm. Những người đã tham dự trực tiếp vào cuộc chiến Việt Nam không phải là thế hệ cha mẹ của bọn trẻ này, mà thuộc hàng ông bà nội ngoại của chúng. Tụi nó đang khám phá một Việt Nam khác từ bài học lịch sử của ông bà chúng.
Đương nhiên tụi nó hồi hộp khi khóa học tiến gần đến giai đoạn cuối, việc chuẩn bị lên đường khiến tụi nó lo lắng băn khoăn không ít. Tiếng Việt Nam nói xin lỗi, cám ơn là gì. Thời tiết ra sao, ăn mặc như thế nào, cư xử sao cho phải phép. Rủi gặp chuyện gì thì làm sao. Chuyện gì? Ông giáo sư đã, qua hàng chục lần đi lại Việt Nam trong vòng mười năm qua, đặt ra những tình huống có thể “khó khăn” để bọn trẻ thảo luận và đề ra những cách giải quyết. Có vẻ khó khăn khiến chúng lo ngại nhứt là làm sao băng qua đường.
Nửa đêm ông giáo sư vẫn thức giữa đống sách về Việt Nam, từ những cuốn lịch sử Mỹ, Việt, hồi ký các nhân vật, đến sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet, xem tới xem lui các đề tài nghiên cứu của sinh viên. Tôi bảo ông đừng lo lắng quá, những sinh viên ấy không phải “kids” như ông hay gọi. Chúng ra đi với tinh thần của kẻ mở lòng tìm hiểu, hướng đi của chúng là tương lai. Nhưng khổ, ông là một giáo sư lịch sử!
Lý Lan
Bọn trẻ gồm tám sinh viên năm thứ hai, có hai người đã lên năm thứ ba. Chỉ có một người từng đi du lịch nước ngoài một lần. Thành phố lớn mà đa số từng lui tới là Seattle, cách nơi họ sinh trưởng từ vài chục dặm đến vài trăm dặm. Có một người trước khi vào đại học Western Washington ở Bellingham chưa đi đâu ra khỏi thị trấn quê nhà ở miền trung tây nước Mỹ.
Ông giáo sư kể: Khi “cậu bé” đi vào văn phòng ông để hỏi về việc ghi danh khóa học “Việt Nam và Mỹ”, ông thấy rõ cậu không có chút khái niệm cỏn con nào về đất nước con người hay văn hóa Việt Nam, ngoài một ý thức nhàn nhạt là trong lịch sử Mỹ có một giai đoạn liên can đến Việt Nam. Đối với người thầy, không hề có câu hỏi như “Tại sao em muốn học về cái mà em không biết gì hết.” Nhưng ông vẫn muốn chính “cậu bé” tự nói ra động cơ khiến cậu đến gặp ông.
“Em chưa bao giờ đi ra nước ngoài, em không biết cái gì khác hơn nước Mỹ, đúng hơn là cái thị trấn em sinh trưởng. Em thấy khóa học của thầy có 3 tuần cuối khóa đi nghiên cứu ở Việt Nam. Đó là cơ hội để em nhìn thấy thế giới ở ngoài nước Mỹ.”
Ông giáo sư đã ngồi lặng đi mấy phút trước người thanh niên mười chín tuổi ấy. “Cậu bé” mất bình tĩnh một chút khi gương mặt người thầy chợt chìm trong xa vắng, rồi mặt mũi ửng đỏ lên như cố kiềm cơn xúc động ghê gớm. Đối với sinh viên đương nhiên không thể có câu hỏi như “Tại sao thầy quan tâm đến suy nghĩ và chí hướng của em?” Cậu trẻ quá, nên vô tư nói: “Em xin lỗi, nếu lỡ xúc phạm thầy.”
Không, cậu sinh viên hoàn toàn không nói một lời gì gây tổn thương, nhưng điều cậu vừa nói với vẻ mặt hồn nhiên đã khiến một vết thương chợt bật máu trong lòng ông giáo sư. Ông chợt thấy hiển hiện trước mặt người bạn thời trung học ở thị trấn quê ông, miền đông Oregon. Ngày anh ta vào lính, cũng mười chín tuổi, không biết chút gì về Việt Nam ngoài một hiểu biết mù mờ về cuộc chiến đất nước anh đang can dự. Anh hồn nhiên, thậm chí phấn khởi, nói: “Tôi lớn lên ở cái thị trấn đìu hiu này, chưa bao giờ đi đâu xa cả. Chẳng phải đây là cơ hội để thỏa chí phiêu lưu?” Anh ta đã không bao giờ trở về.
Đương nhiên thời thế đã hoàn toàn khác, và người bạn học của ông giáo sư hơn bốn mươi năm trước với cậu sinh viên ngồi trước mặt ông đây dù xét về phương diện gì cũng không có mối liên hệ hay tương đồng, trừ tuổi mười chín. Tham dự khóa học “Việt Nam và Mỹ”, chàng trai trẻ sẽ có chín tuần lễ trang bị tri thức lịch sử, đặt một số vấn đề thảo luận vào bối cảnh toàn cầu hiện nay , xem xét từ những quan điểm khác nhau, và chọn một đề tài nghiên cứu, trước khi bay ngang qua Thái Bình Dương, đặt chân lên mảnh đất Việt Nam thực sự.
Những đề tài nghiên cứu của “bọn trẻ” liên quan đến ngành học chính mà tụi nó đã hay sẽ chọn để theo đuổi đến khi tốt nghiệp. Chẳng hạn cô sinh viên hứng thú ngành ngôn ngữ học quan tâm đến việc dạy học tiếng Anh như ngoại ngữ ở Việt Nam. Cô sinh viên chọn ngành Sinh học làm môn chính sẽ tìm hiểu việc phục hồi và bảo tồn môi trường sinh thái ở Cần Giờ. Ẩm thực Việt Nam, đặc biệt phở, từ món ăn truyền thống trở thành phổ biến toàn cầu là đề tài hấp dẫn đối với cô sinh viên ngành xã hội học. Cậu sinh viên ngành tâm lý học thì muốn tìm hiểu vấn đề “stress” trong đời sống đô thị Việt Nam hiện nay.
Với phương tiện truyền thông và giao tiếp hiện đại, “bọn trẻ” tự tìm ra hàng khối thông tin liên quan đến đề tài tụi nó quan tâm, ngoài khối lượng không nhỏ tài liệu, dù đã được tuyển lọc, mà giáo sư tụi nó hướng dẫn đọc. Bỗng nhiên Việt Nam hiện diện trong đời sống hàng ngày của tụi nó. Bỗng nhiên những bài học lịch sử không chỉ là những bài học về quá khứ xa xăm. Mặc dù chuyện nửa thể kỷ trước đối với người mới sống mười chín hai mươi năm thì đúng là xa xăm thăm thẳm. Những người đã tham dự trực tiếp vào cuộc chiến Việt Nam không phải là thế hệ cha mẹ của bọn trẻ này, mà thuộc hàng ông bà nội ngoại của chúng. Tụi nó đang khám phá một Việt Nam khác từ bài học lịch sử của ông bà chúng.
Đương nhiên tụi nó hồi hộp khi khóa học tiến gần đến giai đoạn cuối, việc chuẩn bị lên đường khiến tụi nó lo lắng băn khoăn không ít. Tiếng Việt Nam nói xin lỗi, cám ơn là gì. Thời tiết ra sao, ăn mặc như thế nào, cư xử sao cho phải phép. Rủi gặp chuyện gì thì làm sao. Chuyện gì? Ông giáo sư đã, qua hàng chục lần đi lại Việt Nam trong vòng mười năm qua, đặt ra những tình huống có thể “khó khăn” để bọn trẻ thảo luận và đề ra những cách giải quyết. Có vẻ khó khăn khiến chúng lo ngại nhứt là làm sao băng qua đường.
Nửa đêm ông giáo sư vẫn thức giữa đống sách về Việt Nam, từ những cuốn lịch sử Mỹ, Việt, hồi ký các nhân vật, đến sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet, xem tới xem lui các đề tài nghiên cứu của sinh viên. Tôi bảo ông đừng lo lắng quá, những sinh viên ấy không phải “kids” như ông hay gọi. Chúng ra đi với tinh thần của kẻ mở lòng tìm hiểu, hướng đi của chúng là tương lai. Nhưng khổ, ông là một giáo sư lịch sử!
Lý Lan