Sắp đặt quanh nhà
Hàng rào bện bằng tre, xiên xẹo như thể bị giậu dâm bụt ăn
hiếp. Cánh cổng cũng là tre đan, cũng xộc xệch, như thể sản phẩm của người vụng
về, không biết nghề. Cũng có thể người ta cố tình như thế. Chẳng phải có một thứ
nghệ thuật phá cách, chống lại sự ngăn nắp, ngay ngắn, chặt chẽ, đúng nguyên tắc,
bài bản? Nhưng chắc gì những người sống bên trong cánh cổng này là nghệ sĩ trào
lưu hậu hiện đại? Hiện thực có khi giản dị như vầy: Người ta đã dựng hàng rào
và cánh cổng này với khả năng, thời gian và nguyên liệu có sẵn hoặc dễ
tìm. Miễn sao chúng đạt được yêu cầu chức
năng, nói nôm na là xài được.
Tôi đưa tay đẩy cánh
cổng. Nó xục xịch ngắc ngứ. Tôi phải dùng hai tay cẩn thận nhấc nó hổng mặt
đất, khẻ khàng dịch vô trong vài tấc.
Tôi la lên: “Cổng vầy mà cũng làm cổng! Trộm nó đạp một cái là sập!” Chủ
nhà hiện ra từ trong thâm u dưới mái nhà
thấp, cười nói hồn nhiên: “Khép cổng cho gà qué đừng ra ngoài té mương.” À, ra
vậy. Chứ trộm cắp đâu mà lo. Tôi đứng lượng
sượng vì đã “nghĩ bậy” cho người khác, kiểu nghĩ của người thành thị bo bo giữ
của, luôn lo lắng nghi kỵ kẻ muốn vô nhà
mình. Chủ nhà cầm tay tôi dắt vô khoảnh
sân đầy nắng, ngang qua ba bốn trái mít đang phơi, mỗi trái cỡ cái thúng.
Lối đi từ cổng đến thềm nhà bằng đất, có mấy miếng gạch bể
“lót chân”. Gạch lún xuống bằng mặt với nền đất, vẫn còn giữ được màu đỏ đất
nung, có chỗ rêu xanh lún phún, nền đất chung quanh còn dấu chổi chà quét qua, như
những đường vân song song mảnh mai mơ hồ.
Những miếng gạch lót chân được sắp xếp ở những vị trí và khoảng cách hết
sức vừa vặn bước chân người đi thong thả, hình thành một bức tranh, hay một “sắp
đặt” đẹp mắt khó giải thích. Tôi thử đi
ngược lại từ thềm nhà ra cổng, đặt chân đúng vào từng miếng gạch, tự kiểm nghiệm
tâm thế mình trải qua mười bốn bước ấy. Đứng trên miếng gạch cuối cùng tôi nhìn con đường chạy qua trước cánh cổng
tre, men theo con kênh gần khuất dưới tán xanh um của cây mọc ven bờ.
Con đường hơi cong cong, khuất tầm mắt ở bụi tre cách đó chừng
trăm thước, phía bờ kênh có cây xoài đầy lá non đứng chen với hàng khuynh diệp,
cây nào cũng lộ rõ dấu tích thường xuyên bị hái lá bẻ cành. Trong nhà ắt có người
con gái trẻ tóc dài, thường gội đầu bằng lá khuynh diệp. Hoặc người đàn bà luống
tuổi hay đau nhức, nên tắm/xông bằng lá
khuynh diệp. Lá xoài non là một thứ rau
sạch, ăn sống, vị chua chua, rất ngon. Bờ đất thoai thoải từ gốc xoài xuống
giáp mặt nước là một vạt rau mà rau lang là chủ lực. Nó gợi ý mâm cơm chiều có
dĩa rau lang luộc và tộ cá chốt kho. Nó khiến con đường vắng vẻ gợi ý về, người
về, và trông đợi người về, chứ không khơi nỗi háo hức đi, ra đi, hay tìm kiếm ở
đâu khác.
Tôi đứng trên mấy miếng
gạch lót chân ở cổng ngước nhìn lên những tán cây cau và chút trời xanh mây trắng
thấp thoáng sau những tàu lá đung đưa. Chắc
là có người thường đứng chỗ này nhìn ra mặt nước kênh êm ả trôi, vầng trăng non
sớm treo lên ngọn cây khi chiều còn hầm hơi trong những trái mít. Dưới
chân tôi ba miếng gạch dường như lún sâu
hơn mặt đất. Có thể nỗi ưu tư của người thường đứng đây hơi nặng. Tôi xoay lại, chiêm nghiệm tâm tình của những
bước chân chậm rãi trở lại bậc thềm. À, những miếng gạch lót chân. Chủ nhà cười
xòa với nhận xét của tôi về tác phẩm “sắp
đặt” đầy tính nghệ thuật và khoa học: Chẳng qua là năm kia nhà hàng xóm xây lại,
bỏ ra những tấm gạch tàu bể, mình lượm về kê trên nền đất thường ẩm ướt của lối
đi. Ngày ngày đi qua đi lại, tiện tay sửa cho vừa chân, đâu có ý đồ nghệ thuật
gì.
Sự thật ấy không bất ngờ. Cũng không hy hữu. Tôi đi vòng qua hàng lu nước xếp thành dãy
bên hè, thầm cảm ơn chủ nhà đã không theo thời cho đúc những “ống” chứa nước
hình trụ bằng bê tông như đa số nhà trong vùng. Một “ống” nước bê tông như vậy có dung tích bằng cả chục cái lu, chỉ
một hay hai cái sau nhà là chứa đủ nước mưa để dùng trong mùa khô. Cái “ống” bê
tông có những ưu thế mà không ai phủ nhận được, nên phổ biến nhanh chóng. Những
cái lu ngày xưa chở bằng ghe từ lò gốm Lái Thiêu về ngày càng thất thế, nhiều
nhà xây xong ống bê tông là chuyển đổi chức năng cái lu, hoặc tìm cách bỏ đi
cho đỡ chật chỗ. Những cái lu bị bỏ đi, nói nào ngay, đều có khuyết điểm: hoặc
sứt mẻ, hoặc nứt nẻ, hoặc rò rỉ hư hao kiểu nào đó. Chúng được thu gom về ngôi
nhà này. Cái được trét xi măng hàn lại, cái được ràng rịt bằng kẻm, cái giữ
nguyên trạng của cái lu được xài mấy chục năm, mòn láng ở chỗ người ta tựa vào
khi chồm qua miệng lu vét nước dưới đáy.
Người đã “sắp đặt” những cái lu ấy vẫn cười hì hì: Xài lu cũ
đỡ tốn tiền, với lại cả nhà đã quen uống
nước chứa trong lu kiểu này. Người chuyển qua xài nước chứa trong ống bê tông
hay nước máy mới nhận ra nước chứa trong lu đá hay lu da lươn có hương vị
riêng. Nhiều người chấp nhận đánh mất hương vị ấy để đổi lấy tiện nghi. Nhiều
người còn cho rằng đó là mùi vị của nhà quê, kém vệ sinh, của nghèo nàn lạc hậu,
cần phải thoát ra bằng mọi giá. Mỗi người mỗi ý. Dãy lu bên hè ít nhứt cũng giữ được nét quen
thuộc thân thương của một ngôi nhà rất
bình thường ở vùng đất khắc nghiệt này, cứ mùa khô đến đất xì phèn nước kênh nhiễm mặn. Giá trị mỹ
thuật của nó có lẽ, như chủ nhà nói, chỉ mới nghe tôi bày
ra.
Tôi nghĩ chủ nhà là một
nghệ sĩ chân chính mà không tự biết, hay không tự nhận. Hoặc thẩm mỹ kiến trúc
của tôi có vấn đề.