Gió thu, Số Mười, cuốn sách đời tôi.
Nếu dự báo thời tiết đúng thì trời vẫn còn nắng ấm đến cuối
tuần, sẽ có mưa vào đầu tuần sau, vài ba ngày nhiệt độ xuống tới bảy tám độ C
lúc lạnh nhứt, còn thì xê xích khoảng hai mươi độ C vào ban ngày. Trời đã sang
thu.
Buổi chiều đi hái dâu dại, lân la đến khi nắng tắt, trên đường
về bị gió lạnh, răng đánh bồ cạp, ráng chạy cho ấm người, cho mau tới nhà, tưởng
đứt hơi mấy phen. Vẫn sống sót, nhưng hết ỷ y. Mở tủ lấy áo ấm, nón len, bao
tay để sẵn trong túi xách, áo khoác treo lên cái móc sau cánh cửa, từ giờ hễ đi
ra đường thì xách giỏ, cầm theo áo khoác, chứ làm sao biết thời tiết giở chứng
lúc nào.
Bầu trời trong xanh là vậy, nắng rực rỡ là vậy, mà sao những
cơn gió nham hiểm cứ thổi tới là người ta rùng mình, cái lạnh chạy dọc xương sống,
ớn cả óc. “Người ta” này là tôi cộng với mấy bà già cùng đi hái dâu dọc con đường
mòn. Không kể những người khác thuộc các thành phần tuổi tác khác vẫn nhởn nhơ
đi dạo, thưởng ngoạn thời tiết mát mẻ và cảnh vật lung linh. Mới tháng chín mà
ca cẩm về gió thu thì hơi sớm, hoặc hơi bệnh.
Đến tháng mười gió mới đáng mặt gió thu, thổi một cái là cổ
thụ cũng rùng mình, trút lá. Tháng mười một thường có những đợt lạnh nhiệt độ
xuống dưới cả chục độ âm. Mà thôi, khoan nghĩ tới mùa chưa tới. Tôi tập nghĩ về
mùa thu như mùa trái chín, mùa thu hoạch, tự bày việc cho mình bận bịu, khỏi phải
ngồi không nhìn lá rụng mà rầu.
Đào củ cải trong vườn, học cách làm kim chi trên internet. Nội
việc tham khảo cả chục cái công thức và video về cách làm kim chi cũng mất cả
giờ. Loay hoay thau hủ, thiếu cái này phải chạy ra tiệm mua, về tới nhà lại nhận
ra thiếu cái kia. Đã lỡ bày ra phải làm cho xong, hoặc phải dọn cho xong. Hết một
ngày.
Canh mận trong vườn vừa chín tới thì hái đem sấy khô. Mận
chín cây mới hái ăn ngon, nhưng không thể ăn trong vài ngày hết trái của cả cây
mận. Mận sấy khô giống như nho khô, để mùa đông buồn miệng nhai nhóp nhép cho
vui. Sấy hết mận thì sấy táo. Lớp sấy lớp làm mứt. Đôi khi dừng tay nhìn ra cửa
sổ nhà bếp, thấy bầu trời trong veo, rộng rãi, không bị hoa lá áng tầm mắt,
thèm bay như chim.
Tại sao mùa thu có nhiều chim bay? Hay thật ra chỉ có ngần ấy chim quanh quẩn trong
vùng, nhưng những mùa khác ta ít ngước nhìn trời nên ít thấy? Hay quả thật mùa
này chim di cư, nên bầu trời nhộn hịp hơn? Những đàn ngỗng trời hẳn là chim di
cư. Cũng dễ nhận ra. Chúng bay từng bầy rất đông, có khi rợp cả một khoảng trời,
lại kêu la í ới. Nhưng còn rất nhiều chim khác, bầy đàn nhỏ hơn, hoặc lẻ loi từng
đôi, hoặc từng chiếc.
Có một con chim thường ghé đậu trên ngọn cây anh đào trong vườn mỗi khi thu sang, cánh bị đeo cái
nhãn mang số 10 rất to. Nếu người ta có cái ống dòm tốt thì có thể theo dõi nó
khi nó chao cánh liệng bay trên bầu trời. Con số trên cánh cũng giống như con số
trên ngực áo luôn khiến tôi liên tưởng đến tù đày. Một người tù không có tự do
và không còn tên riêng, mà chỉ là một con số. Con chim bị đeo một con số không
còn là con chim tự do trong trời đất nữa, dù nó vẫn có thể bay tự do. Số Mười
là một con chim nổi tiếng. Nó bay đi đâu cũng bị người ta thấy con số, và người
ta lập hành trình bay của nó, biết thói quen của nó. Người ta “nghiên cứu” nó,
để hiểu biết nó. Nhưng con chim có cần người ta hiểu biết nó?
Viết một mục thường xuyên cho một tờ báo, hay viết một cái
blog, hay một thứ tương tự, cũng giống như con chim mang cái số trên cánh. Nhưng
không, đừng nghĩ vậy. Con chim không tự rủ bỏ con số người ta dán trên cánh nó,
nhưng có lẽ nó bất chấp sự quan sát, hay nghiên cứu, hay hiểu biết của con người.
Nó vẫn tự do. Thế giới tung hoành của nó ở ngoài phạm trù ý thức của con người.
Và người ta “hiểu biết” nó như thế nào không chi phối cuộc bay của nó.
Vấn đề là của người ta. Người ta tưởng thế này thế kia, tin
như vầy nhự vậy, đặt thành qui luật, thiết chế, rồi phán đoán đúng sai hay dở tốt
xấu. Có thể con chim vẫn quanh quẩn trong vườn, cây anh đào là nơi nó hằng trú
ngụ, chẳng qua khi lá rụng nó mới bị lộ ra và bị tôi nhìn thấy. Bị tôi thấy có
lẽ cũng giống như bị dán lên cánh con số 10, chẳng nghĩa lý gì với nó cả. Tôi
tưởng tượng gì về nó, hay yêu ghét nó thế nào, gán cho nó ý nghĩa gì trong cuộc
sống của tôi, hay trong khung cảnh đất trời, thì nó vẫn là nó, không liên quan
gì đến tôi. Tôi và nó chỉ là hai sinh vật khác nhau, tồn tại trong trời đất, thậm
chí trong cùng mảnh vườn nhỏ này, theo cách thức riêng.
Trong vườn, cà chua sẽ không kịp chín trong vài ngày tới, dù
trời có nắng ấm như dự báo thời tiết. Trước khi đợt lạnh đầu tiên tràn về phải hái
hết những trái đã hườm hườm đem để trên bệ cửa sổ, chúng sẽ chín dần dần trong
nhà. Những trái còn non quá chỉ có nước ngâm giấm hoặc vục bỏ cho đỡ mất công.
Xong vụ cà chua thì kể như xong việc làm vườn. (Đậu que đến nay đã hái hết, các
thứ rau củ khác cứ để mặc chúng ngoài vườn chống chọi hoặc hòa hợp với tự
nhiên). Những ngọn gió thu vặt hết lá cây sẽ tự tan biến.
Rồi mỗi sáng tôi không để ý xem tin thời tiết nữa. Chắc chắn
trời sẽ ngày càng lạnh lẽo âm u. Số Mười bay rồi về phương nam hay vẫn lẩn khuất
đâu đó trong vườn tôi cũng không để ý. Ngày ngày tôi ngồi với cái máy tính,
nhìn vào quyển sách đang viết, bâng khuâng tự hỏi có gì đáng viết nữa?