Cam kết cho


Tiền là thứ kỳ cục. Cũng là tiền nhưng khi nó chuyển đổi sở hữu từ người  tự-nguyện-cho sang người vui-lòng-nhận thì dường như nó đem lại hạnh phúc cho  người ta. Nhưng khi không có sự thỏa thuận, người mất tiền đau khổ đã đành mà người chiếm đoạt được tiền chưa chắc hạnh phúc. Nghe nói vậy.

Tiền không cần trốn lánh đâu cả, nó chường ra ở mọi nơi, nhưng ai cũng phải đi kiếm tiền. Người thì kiếm đỏ mắt ra mấy đồng bạc cắc, người thì nhắm mắt thò tay cũng lấy được bạc triệu, bạc tỷ. Hay thật.

Hồi xưa người ta ôm tiền khi sống, đến chết thì di chúc để lại cho con cháu hoặc họ hàng. Nói cho cùng đâu có ai chết mà ôm theo tiền. Nhưng ngày nay, được thuyết phục, hay nghiệm ra, rằng cho tiền vui hơn ôm tiền, nhiều người quyết định cho đi khi mình còn sống, thậm chí khi còn rất trẻ. Như vậy mình được hưởng niềm vui là người biết chia sẻ, hay kẻ ban ơn, hay người bác ái, nói chung là người tốt. Mấy nhà nghiên cứu tâm lý còn nói là tật của người có tiền là ưa kiểm soát (controlling), cho tiền khi mình còn sống thì mình kiểm soát được đồng tiền đó vào tay ai, để làm gì, hiệu quả ra sao, có như ý mình không. Điều này đem lại sự thỏa mãn đối với nhiều người đem tiền cho đi.

Câu chuyện cho tiền này xảy ra ở Mỹ, nước in ra USD và đang được coi là giàu nhứt thế giới. Ở xứ đó người có một tỷ đô vẫn chưa được xếp vào top 100 người giàu nhứt. Thậm chí còn xa mới vô được top 200 hay top 300. Anh chàng Jerry Yang đồng sáng lập Yahoo có tài sản trị giá 1,2 tỷ đô mà đứng xếp hàng ở hạng 360.  Nếu có vài triệu đô thì khỏi xếp hạng mất công. Nước Mỹ có 3,1 triệu người có trên một triệu đô la tiền đầu tư  (theo World Wealth Report năm 2010).

Lưu ý là trên một triệu đô la tiền đầu tư, chứ nếu tính tài sản của mình gồm cái nhà cỡ 300.000 đô, hai cái xe cộng lại 100.000 đô, tiền dành dụm vài trăm ngàn cộng với tiền gởi quỹ hưu bỗng và giá trị các sử hữu cá nhân (tư trang vàng vòng, đồ cổ sưu tập chẳng hạn) ra con số một triệu đô, thì xin lỗi, quí vị vẫn còn thuộc về cái đám đông 99%, chứ chưa đủ tiêu chuẩn nhập vô cái hội 1% giàu nhứt nước Mỹ.

Chỉ riêng hai người giàu nhứt (Bill Gates và Warren Buffett)  có tài sản cộng lại là 112 tỷ đô la. Tôi thử mơ mộng một chút. Người ta làm gì với cả trăm tỷ đô? Ăn chơi đến một trăm đời (cho là mỗi đời một trăm năm, mỗi năm tiêu xài cả chục triệu) cũng không hết! Gates và Buffett có lẽ cũng tính ra vậy, nhứt là Buffett năm nay đã 82 tuổi. Gates cùng vợ sớm lập ra Bill & Melinda Gates Foundation để đem tiền đi cho. Buffett mấy năm trước  cũng đem mấy chục tỷ của mình hùn vô quỹ của Gates. Họ cho học bổng các sinh viên hiếu học, các trường học có những chương trình giáo dục triển vọng hay các đề án nghiên cứu thúc đẩy sự tiến bộ.  Họ cho các tổ chức giúp đỡ những người gặp lúc khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp hay lúc vận rủi đeo bám. Họ cho các viện nghiên cứu hay tổ chức y tế phục vụ sức khỏe cộng đồng. Họ cho những đề án / sáng kiến / thử nghiệm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại. Và nhiều nữa (nhiều tiền mà), cứ vào website của quỹ Gates mà đọc mỏi mắt.

Hai người giàu nhứt này còn bày ra một cái gọi là Giving Pledge (cam kết cho) và dụ dỗ được 81 tỷ phú Mỹ tình nguyện cho ngay hoặc cam kết cho sau khi chết  toàn bộ hay ít nhứt hơn một nửa tài sản của mình. Hội cam kết cho này  chỉ chiêu tập hàng tỷ phú đô la Mỹ giàu nhứt nước mà thôi. Tin đồn trong chốn giang hồ là hội các nhà giàu nhứt này đang tài trợ một kế hoạch bí mật luyện thuốc trường sinh hay di tản khỏi trái đất ngày tận thế, nên mới dụ được nhiều đại gia cam kết như vậy. Tất nhiên đó là tin đồn nhãm.       

Một trong những người đã ký cam kết cho này, ông Jonathan Nelson, giải thích hành động của mình trong một bức thư ngỏ như vầy: “Một trong những phẩm chất đáng ngưỡng mộ của đất nước vĩ đại của chúng ta là lịch sử và văn hóa giúp đỡ những người kém may mắn. Ở Mỹ, cho không phải là chuyện bất thường, mà là chính thống. Tôi luôn nghĩ nếu tôi có đủ may mắn giúp được người khác thì tôi sẵn lòng. Đại đa số người Mỹ cũng vậy. Đó là bản chất chúng ta.” Nelson là người thứ hai gia nhập hội cam kết cho và thư ngỏ của ông có tính chất chài mồi nên nghe hơi rổn rảng.

Theo “Eye on the Giving Pledge”, một tổ chức được lập ra để canh chừng  cái quỹ lớn nhứt này, (chủ yếu là phân tích và công khai thông tin về nguồn tiền của quỹ có từ đâu và đi về đâu), thì tổng tài sản của 81 người trong hội lên tới 400 tỷ đô, vậy thì chí ít số tiền hiến cho quỹ từ thiện là trên 200 tỷ. Hãy so sánh con số đó với tổng tài sản của tất cả các loại “quỹ” từ thiện ở Mỹ là  646 tỷ đô. (Người ta không tiêu xài trực tiếp tài sản này, mà chỉ sử dụng lợi nhuận của chúng, khoảng 46,9 tỷ đô một năm.) Với số tiền cả trăm tỷ đô,  người ta có thể làm những chuyện không tưởng tượng nỗi, nếu không được quan sát chặt chẽ. (Dĩ nhiên chặt chẽ như thế nào là một chuyện khác.)

Vậy nguồn tiền có từ đâu? 29% người trong hội Cam kết cho kiếm tiền bằng hoạt động ngân hàng và tài chánh, 24% kiếm tiền từ ngành kỷ thuật và công nghệ phần mềm, 13% sản xuất công nghiệp, 10%  thương mại, 9%  truyền thông và giải trí. Và nguồn tiền đi về đâu? Một phần khá bộn dành cho lãnh vực sức khỏe, kế đến là giáo dục, công tác nhân đạo, nghệ thuật và văn hóa. Mỗi người cam kết cho đều có quyền quyết định là số tiền mình “cho” đó sẽ được dùng làm gì. Có người đem mấy chục triệu cho quỹ Nhân quyền, người khác cho một đề án nghiên cứu khoa học hay bảo tồn nghệ thuật vài chục triệu.

Cho nên người vô gia cư ngồi trên thềm viện bảo tàng New York đừng có vội hí hửng khi nghe các tỷ phú cho đi hàng trăm tỷ đô. Nếu có vài chục triệu rót tới chỗ anh ta ngồi, thì số tiền đó có thể được dùng để mua một bức tranh để treo trên tường và chi trả cho hệ thống chống trộm cài đặt quanh bức tranh đó. May lắm thì anh ta được một dĩa súp miễn phí vào một ngày đông giá buốt.

Nhưng thôi, cái gì cũng có hai (hay nhiều) mặt. Ráng nhìn mặt sáng láng của đồ xu cho đời kêu leng keng vui nhộn.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222