Hai con đường lớn dẫn tới tương lai của giáo dục
Khởi từ một tình bạn cảm động, phát sinh một ý tưởng vĩ đại,
nhưng rồi câu chuyện diễn biến lãng xẹt, đạon cuối còn để mở. Hai người là bạn
từ hồi mẫu giáo đến hết cấp một. Trong thời gian này gia đình Long (tên tôi đặt)
ăn nên làm ra, ngày một phát đạt, trong
khi gia đình Minh (tôi đặt theo nhân vật trong truyện Trần Minh khố chuối)
vẫn chật vật. Nên lên cấp 2 đôi bạn học 2 trường khác nhau: Long học trường “Quốc
tế”, còn Minh học trường phổ thông cơ sở gần nhà.
Hai người vẫn là bạn thân, bằng cách nào cũng khó hiểu. Hỏi
Long, Long nói “Chơi với Minh từ nhỏ, quen rồi.” Hỏi Minh, Minh nói: “Long tốt
với em, hay cho em mấy thứ nó không thích nữa.” Có khi cho cái áo thun, có khi
cho cuốn sách. Hồi lớp 8 Long cho Minh cái điện thoại di động cũ vì đòi được mẹ
mua cho cái mới, lý do để tiện rủ Minh đi chơi, chứ nhiều khi Minh không ra tiệm
internet thì khó “chat” hay “email” được. Lâu lâu, như sinh nhật của bạn chung hồi cấp
1, Long chở Minh đi mua quà, đi sinh nhật. Phần nhiều tụi nó nhắn tin hay nói
chuyện điện thoại.
Lên cấp 3, Long chuẩn bị đi du học. Minh vẫn học ở trường phổ
thông trung học gần nhà. Tình bạn vẫn bình thường, tuy xuất hiện nhân vật thứ
3, tôi nghe nói tên Kim. Bộ ba thỉnh thoảng đi xem phim chung khi rạp có phim
3D. Trước khi đi du học, Long cho Minh cái máy tính của mình. Máy để bàn, cũ
nhưng tốt. Lý do: để tiện “chat” với
nhau khi hai đứa cách nhau nửa vòng trái đất.
Ý tưởng vĩ đại phát sinh vào một đêm lúc 0 giờ ở Việt Nam,
Minh thức khuya học bài, nhận được cú gọi của Long bằng Skype. Long nói bây giờ
là 10 giờ sáng ở Seattle và Long đang trên đường đi đến lớp, gọi Minh bằng
Skype trên cái iphone mới sắm, để Minh xem cho biết trường của Long (toàn campus có wifi, và gọi
Skype-to-Skype không tốn tiền). Sân trường, cây cỏ, người ta đi lại, những tòa
nhà gạch đỏ… loáng thoáng lướt qua màn hình máy tính của Minh cùng với những âm
thanh lạ lẫm khiến Minh tỉnh ngủ. Cuối cùng Long bước vào phòng học. Minh bảo mày cứ để
Skype để tao thử nghe giảng xem có hiểu không.
Liên tiếp trong hai tuần sau đó, Minh “học ké” các lớp của
Long, sau buổi học đôi bạn còn bàn cãi nhau những chỗ thầy giảng họ không hiểu
hoặc hiểu khác nhau. Long chụp các tài liệu gởi cho Minh, Minh gởi những bài tập
mình làm cho Long, và khi Long bổ sung những ý tưởng và cách giải quyết của bạn
vào bài nộp cho thầy thì được điểm cao bất ngờ. Đêm khuya ngồi một mình trên
căn gác ọp ẹp, mà nhìn vào màn hình máy tính Minh có cảm giác như mình đang ngồi
cùng bạn trong một phòng học ở Mỹ. Minh nghĩ bằng cách này mình thu được kiến
thức không kém gì bạn, chỉ không được điểm, chứng chỉ hay bằng cấp như bạn.
Mình chỉ là người học ké từ xa, một sinh viên vô hình đối với giáo sư của khóa
học.
Diễn biến những tháng sau đó: thức khuya nhiều quá Minh ngủ
gục trong các lớp ban ngày tại trường mà mình là sinh viên chính thức, lại lên
cơn nhức đầu thường xuyên, cuối cùng Minh thường lăn ra ngủ khò mỗi khi Long bắt
đầu Skype từ một lớp học bên kia Thái Bình Dương. Vả lại, kỳ thi sắp đến, Mình
“quên đi” các lớp học ké để lo bài vỡ chính khóa của mình. Sau đó nữa, đôi bạn
vẫn tiếp tục Skype, chỉ có điều là thường vào giấc chiều tối (tức là ban ngày ở
Việt Nam) lúc đó ít lớp học và Long đi
xuống phố, dạo chơi, mua sắm hay party với bạn bè, chơi lễ Halloween… Cũng là
những điều lạ lẫm thú vị đối với Minh.
Cho đến một hôm Kim phát hiện trò Skype thường xuyên giữa
Minh và Long, và thấy là bất bình thường. Mặc dù Minh khăng khăng nói không, Kim
vẫn cam đoan chắc chắn Long là gay. Giữa
Minh và Kim đang phát triển một tình cảm trên mức tình bạn nên Minh nghe lời
Kim ít đáp lại những cuộc gọi trên Skype. Long không biết nguyên nhân chính, tưởng
là bạn mệt hay bận như bạn nhắn tin vắn tắt khi không nhận những cuộc gọi.
Mấy bạn trẻ này hình như vẫn còn mắc mứu nhùng nhằng giữa những
chuyện bồ bịch với gay ghiếc, điều tôi không thực sự quan tâm. Tôi chỉ tiếc Minh
không kiên trì bám lấy một cơ hội học tập. Hai bạn đã biết tận dụng tiến bộ kỷ thuật để bổ
sung sự giáo dục của mình, và có thể làm được nhiều hơn thế. Hiện giờ trên khắp
thế giới việc học từ xa, học qua màn hình máy tính hay các thiết bị truyền
thông khác, là điều phổ biến, đang nhập vào dòng giáo dục chính thống. Tiến bộ
kỷ thuật và sự ứng dụng rộng rãi đã và
đang thúc đẩy cuộc cách mạng giáo dục ở những nước tiên tiến nhứt và những nước
nghèo nhưng kịp nhận ra lợi ích của những cách thức giáo dục mới.
Cái mới dễ bị phản ứng dội ngược của những đầu óc ù lì, và
cuộc cách mạng giáo dục “trên mạng” (online education) này hãy còn rất mới, chỉ
trong vòng mấy năm gần đây. Thực ra trước đó cả thập niên, internet đã được
dùng như phương tiện tổ chức / truyền tải nhanh và hữu hiệu những lớp học “hàm
thụ” hay lớp học trên mạng, và cả trường đại học trên mạng, có thu học phí và cấp
bằng. Một số trường học và viện nghiên cứu danh tiếng đã đưa tri thức, tài liệu,
khóa học lên mạng dưới nhiều dạng khác nhau và hoàn toàn miễn phí nhằm truyền
bá kiến thức và giúp những người hiếu học tự mở rộng việc giáo dục của mình. Chẳng
hạn “Bách khoa toàn thư về triết học” của đại học Stanford (http://plato.stanford.edu/) hay “Tài liệu
giáo khoa công khai” của viện MIT (http://ocw.mit.edu).
Từng người riêng lẻ cũng biết tận dụng các chương trình ứng
dụng (ngày càng nhiều, tiện dụng, thú vị) để dạy và học. Nổi tiếng nhứt là Sal
Khan, người sử dụng Youtube để “dạy kèm” từ xa cho em cháu, thu hút hàng triệu
người học ké (trong số đó có con cái Bill Gates), tạo một hiệu quả giáo dục rộng
lớn, hình thành Học viện Khan (http://www.khanacademy.org) nhận được hổ trợ của những tổ chức / công ty khuyến
khích giáo dục như quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, công ty Google. Từ
thành công của Khan, cuộc cách mạng giáo dụng thời internet càng được đẩy mạnh
trên diện rộng và sâu. Hai con đường lớn dẫn tới tương lai giáo dục đang mở ra:
một là cách thức dạy học hiệu quả phi chính qui phản truyền thống, hai là giáo
dục miễn phí cho tất cả mọi người ở mọi nơi.
(còn tiếp)