bệnh

 


Trong trạng thái ngầy ngật tôi nghĩ mình đang chết. Đột quị, té ao, nhiễm trùng máu hay mắc covid-19, cách nào thì chết cũng là chết. Tương tự như đường nào cũng tới La Mã. Vậy có đi bệnh viện hay phòng khám không? Em tôi nói bệnh viện quốc tế mắc tiền nên ít người đến, có thể ít nguy cơ lây nhiễm. Tôi nghĩ bụng ai cũng nghĩ như mình nên có khả năng nơi đó lúc này lại đông đúc. Với lại nguy cơ lây từ người nước ngoài đến đó khám cũng lớn. Em tôi coi báo nói có trường hợp bệnh tự đi mua thuốc uống cuối cùng đem cấp cứu không kịp, chết lảng nhách. Tôi biết một điều là nếu mình mắc covid thì phiền lụy rất nhiều người, nhưng tốt nhứt là đi khám để sớm ngăn chặn lây lan. Vấn đề là tôi không nghĩ mình mắc bệnh đó. Ngoài sốt băm tám băm chín độ, tôi không ho, không nhức đầu, không sổ mũi hay đau họng. Còn ngửi được mùi thơm hoa nguyệt quới. Tôi cũng thường xuyên hít sâu thấy hơi thở ra vô bình thường. Em tôi sợ là tới hồi bệnh nặng tôi không tự đi được, nó không biết làm sao. Nhà trong hẻm xe cứu thương không chạy vô được.  Nên nó cứ kèo nài tôi phải đi khám bệnh ngay, ít nhứt cũng gọi cho bác sĩ.

Bác sĩ vốn là học trò tôi hồi còn dạy trường trung học huyện. Nó nói em gởi toa thuốc qua tin nhắn của điện thoại cô, cô ra tiệm thuốc tây, nếu họ có thắc mắc gì thì cô đưa điện thoại em nói chuyện với họ. Tôi nghĩ có lẽ trong toa có panadol, là thứ thuốc giảm sốt, mà giờ ai bị sốt đều phải canh chừng. Em tôi nói nhà có paracetamol nên nó tự động bỏ panadol ra cho khỏi bị rắc rối. Nó đi mua thuốc về, không bị thắc mắc gì hết. Tôi uống đủ năm thứ thuốc được kê toa. Nằm võng, hít thở.

 Nhắm mắt ban ngày vẫn cảm nhận được ánh sáng. Tôi vẫn thấy như nhìn vào bức vách da thịt mình. Tôi thấy loang lỗ những vết mờ chuyển động và biến hóa. Khi tôi hít sâu, một chuỗi đậm nhạt kéo theo hình chữ V lật ngược như đàn chim thiên di đang cùng bay vào cõi thăm thẳm. Tôi hít sâu hơi thứ nhì thấy ánh sáng lóe lên phía trên mũi chữ V, cảm thấy đàn chim chới với như bị một động lực đẩy ngược lại hướng bay của chúng. Tôi hít sâu hơi thứ ba, đàn chim tan tác trong vùng sáng trên cao và tôi chìm xuống, cảm giác rất rõ mình đang chìm nhanh xuống cõi vô tận.

Tôi thức để vô nhà vệ sinh. Rồi trở lại võng nằm. Ngậm cái que đo thân nhiệt. Không tin là mình vẫn băm chín độ rưởi. Tôi cầm cái nhiệt kế vẩy vẩy để cho mức thủy ngân hạ xuống rồi kẹp vào nách. Băm tám độ. Tôi vẩy cái nhiệt kế lần nữa. Nó văng khỏi tay tôi, bể đầu thủy tinh. Hồi sáng cũng đã làm rớt cái ly bằng thủy tinh. Em tôi hốt dọn, lấy cái ly sành cho tôi uống nước, mua cái đo thân nhiệt mới. Nhưng cái mới không xài được vì nó có hai đoạn thủy ngân, vẩy cách nào hai đoạn này cũng không nhập một, ngậm một hồi, chúng cũng không giãn nở đủ để hòa với nhau. Tôi ngừng đo thân nhiệt. Bác sĩ gọi điện hỏi tôi còn sốt không, tôi nói không biết, vẫn cảm thấy ngầy ngật. Có ớn lạnh không? Có, lạnh đến nỗi run lập cập, hai hàm răng đánh nhau lia lịa, tôi cứ sợ mình tự cắn lưỡi mình, cố cắn răng, mà răng vẫn va nhau lạch cạch. Em tôi xức dầu cạo gió cho tôi. Trùm mền kín mít. Cơn ớn lạnh qua đi. Bác sĩ lo là tôi bị nhiễm trùng máu.

Tôi không nằm võng nữa. Không biết có phải vì nằm võng mà chóng mặt không. Nằm trên giường cho yên. Nằm võng là vì tiện ngồi dậy để ói. Cứ uống thuốc vô là ói ra. Uống một lần mà ói ra ba hiệp. Mà có ăn gì đâu, chỉ nửa chén cháo loãng pha nước đường. Ban đầu còn chạy kịp vô nhà vệ sinh. Sau chạy không kịp. Chóng mặt quá. Phải để sẵn cái xô nhựa cạnh chỗ nằm. Lơ tơ mơ nhớ trước đây mình có bị chứng ói và chóng mặt này. Đã phải vào bệnh viện nằm hai tuần. Chẩn đoán là suy nhược thần kinh. Hồi đó cầm giấy ra viện thấy ghi chẩn đoán vậy sợ quá chừng. Vì hai chữ thần kinh. Hiểu biết thông thường trong dân gian bệnh thần kinh là điên. Mình giấu luôn giấy xuất viện, không nộp cho nhà trường trong đơn xin nghỉ bệnh. Không nói với ai. Và kiên quyết nói với mình là không, mày không thể suy nhược cái gì hết. Phải mạnh lên mà sống. Rồi hết bệnh tới giờ. Kỳ này không chỉ ói, mà còn sốt, lạnh.    

Có đi bệnh viện không? Cân nhắc là vì em mình. Nếu bệnh mình lây nhiễm thì em mình có thể bị lây. Hai bà già mà cùng đổ bệnh ở một xó nhà quê trong lúc dịch bệnh đang bùng ra khắp nơi, thì sao? Vấn đề là ở đây cách Sài Gòn không xa, dân đông, phòng khám và bệnh viện công tư đều có, nhưng bác sĩ chuyên khoa phần lớn ở Sài Gòn, mỗi tuần lên đây một hai ngày, người bệnh canh lịch làm việc của bác sĩ mà đi khám. Giờ bác sĩ ở Sài Gòn được lịnh của sở y tế không ra khỏi thành phố. Mình cũng không thể về Sài Gòn khám bệnh. Đâu phải người bệnh mới sợ bệnh, bác sĩ y tá cũng sợ. Ai ở đâu yên đó. May sao đến ngày thứ ba thuốc có tác dụng. Hoặc bệnh tự diễn biến qua đỉnh.    

Bác sĩ nói: cô nghe em hỏi nè, ba câu thôi: Bữa nay cô còn sốt không? Còn ớn lạnh không? Còn nôn ói không? Đỡ hơn mấy bữa trước rồi. Nói đại. Cô có uống đúng toa thuốc em ghi không? Có, ngày ba cữ, uống đủ hết. Nhưng có thứ thuốc em ghi ngày uống hai lần thôi mà. Vậy sao? Cứ tới cữ, có bao nhiêu thứ thuốc cô uống hết. Trời trời trời. Cô ơi cô, cô uống đúng thuốc đúng liều dùm em. Bây giờ em ghi cho cô toa thuốc tiếp theo. Thường thì em cho toa một tuần, nhưng với cô em cẩn thận, theo dõi ba ngày rồi giờ tiếp theo toa bốn ngày. Sau đó nếu diễn tiến đúng như em đoán thì sẽ cho toa một tuần. Cô phải uống thuốc đủ một tháng. Cái gì? Một tháng? Dạ, một tháng. Không được bỏ ngang, nó bùng lại là vật cô chết luôn.

Một tháng uống thuốc kháng sinh! Nằm nhìn nóc mùng, mong có con muỗi nào vo ve cho đỡ buồn. Nhưng mắt kém chỉ thấy gì đó vi vu. Cầm máy tính bảng coi thì chúng bu vào màn hình sáng. Không biết con gì nhưng không tập trung được, chỉ nhìn màn hình là chóng mặt. Đành nhắm mắt để tập trung vào bức vách da che phủ con ngươi. Trên đó có một đường hầm hun hút không ánh sáng. Giống như hình ảnh trong game, đường hầm cứ mở ra như thể mình đang trượt patin vô đó. Mình hít sâu chuẩn bị cho cú ngã lăn quay hay đâm sầm vô vách đường hầm. Nhưng rõ ràng nó né mình. Mình cảm giác ngã chúi xuống thì đường dốc lên, mình lao vào bên phải thì vách hầm bên phải lõm vô, và con đường được nắn lại sau đó cho thẳng thớm kiểu hình học phẳng. Nó chạy thẳng, thẳng hoài, thẳng đến vô tận.    

Lúc đó mình đang ở Viên, khoảng mười năm trước, cũng phải uống kháng sinh vì trước đó nội soi bao tử có vết loét và sự hiện diện của HP. Uống ba thứ kháng sinh mấy tuần liền, tóc rụng, da khô, ngứa, nổi mẩn đỏ, rối loạn tiêu hóa. Uống hết thuốc mà vẫn đau. Sau này siêu âm ra sỏi mật, cắt túi mật, lại uống kháng sinh. Bỗng nhiên đổ ùn ra cả đống bệnh. Mất ngủ. Trầm cảm. Béo phì. Mỡ máu cao. Đường máu cao. Huyết áp cao. Hỏi bác sĩ tại sao, bả nói tại già. Những đêm không ngủ đem kinh Côran ra đọc. Xen kẻ kinh Vệ Đà. Các Kinh Cựu Ước và Tân Ứơc  vì từng đọc loáng thoáng trước đây nên có cảm giác đọc lại, như Nam Hoa Kinh hay Kim Cang kinh. Sở dĩ đọc lung tung kinh vì chúng được chép sẵn trong máy tính cầm tay. Đọc cái này, liên tưởng gì đó trong kinh khác bèn nhảy qua xem. Đọc để ngủ. Mà cũng không ngủ được.

Bèn đi bộ. Đi dọc sông Danube, đi lên những đồi nho, đi quanh thành quách cung điện, đi ra những nông trại, đi hết công viên này đến công viên kia, và đi dạo hết phố này đến phố nọ. Mà sao lại nhớ Viên? Một nơi mình ở trọ vài tháng, đi qua như lữ khách. Không có gì để nhớ, ngoại trừ bánh sừng trâu bán ở tiệm bánh gần chỗ trọ hạp khẩu vị, trở thành món điểm tâm hàng ngày. Cứ sáng dậy lại đi qua một cái sân gạch, băng qua một con đường nhỏ, là tới tiệm bánh, sắp hàng một chút là mua được bánh. Đem về nhà trọ, pha sô cô la sữa nóng, chấm bánh sừng trâu ăn. Sau này ăn bánh sừng trâu nơi khác, thí dụ Paris, cũng không ngon bằng. Còn bánh sừng trâu bán cả lố mười hai cái ở Costco mỗi lần ăn phải nướng lại thì nói làm gì.

Hít sâu. Thở ra. Còn kiểm soát được hơi thở, nhẹ nhàng, bình an. Không phải bệnh đường hô hấp cấp tính. Mà có phải thì mình cũng đã qua cơn nguy kịch, giảm sốt, em mình không bị lây. Bác sĩ kê toa tiếp theo, trong phần chẩn đoán ghi là nhiễm trùng tiết niệu. Trời. Bệnh tầm thường phàm tục vậy mà hành mình sợ gần chết. Đứa em họ nói nó cũng từng bị. Đứa bạn cũng đã bị. Và họ kể ra ai và ai mà họ từng quen biết hình như đều từng bị nhiễm trùng đường tiểu ở mức độ hay đẳng cấp nào đó. Nghe như một đám bà già kể chuyện mãn kinh, ngán quá. Thôi, không nói chuyện này nữa. Lẳng lặng uống cho hết thuốc, ai hỏi đều trả lời khỏe re. Còn chuyện đi thử máu và nước tiểu, đi siêu âm thận và bàng quang... theo đề nghị của bác sĩ, thì để hết dịch rồi tính.

Coi lịch thì bữa mình sốt băm chín độ rưỡi cách nay hai tuần, cũng xa dữ. Bữa đó tưởng mình đang chết.    

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222