Phấn đấu

“Ngân sách giảm học phí tăng” nghe như bộ phim dài nhiều tập ở xứ mình, thuộc loại “chuyện thường ngày” . Ở xứ Mỹ bây giờ thì cầm như phim thời sự và có triển vọng kéo dài không biết bao nhiêu tập. Nhân nói về phim, nội trong mùa hè vừa qua đã có ít nhứt 4 bộ phim tài liệu đề tài giáo dục thu hút chú ý của công chúng, nêu lên sự yếu kém của hệ thống trường công ở những khu vực dân cư thu nhập kém, tệ quan liêu trong ngành giáo dục và biên chế nhà nước đã giữ ghế cho những giáo viên bất tài vô đức làm hỏng học sinh hơn là dạy dỗ chúng. Do đó phụ huynh quan tâm đến giáo dục con em phải chạy vạy vất vả, thậm chí người trong gia đình phải hy sinh cho nhau để người ưu tú nhứt được vào trường tốt. Tình hình đã tới mức chỉ có Siêu nhân mới hòng giải quyết, “Chờ đợi Siêu nhân” (Waiting for Supperman) là tên bộ phim gây chấn động lớn, do đạo diễn Davis Guggenheim thực hiện. Ông này là đạo diễn đoạt giải Oscar với phim nổi tiếng “Một sự thật khó chịu” (An Inconvenient Truth) báo động về môi trường trái đất.
Lật mấy trang giáo dục của các báo từ địa phương đến toàn quốc cũng thấy tin bài nhức đầu. Chẳng hạn báo Bellingham Herald đăng tin và ảnh một đám sinh viên trường Western Washinton biểu tình phản đối nhà nước cắt ngân sách nhà trường. Báo USA Today đăng bài “Ở những trường kém, phụ huynh phải xốc vác hơn”, gợi ý nhà nước và nhân dân cùng làm. Báo The Nation mở một cuộc thi viết cho sinh viên học sinh, đối tượng chính trong vụ này, để họ tự lên tiếng. Đề tài: Ngân sách giảm, học phí tăng, ảnh hưởng đến việc học hành của các em như thế nào. Báo vừa công bố giải nhứt (1.000 USD) được trao cho bài Losing Ignition, tạm dịch là Phấn đấu, của Amanda Lewan, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Michigan State University.
Amanda mở đầu bài viết bằng miêu tả tình hình kinh tế suy thoái ở thành phố quê nhà, Detroit thuộc bang Michigan. Trong thời hoàng kim của ngành kỷ nghệ xe hơi Mỹ, Detroit là trung tâm sáng chói. Khi công nghiệp sản xuất xe hơi đình đốn, hàng ngàn người thất nghiệp dọn đi nơi khác kiếm công ăn việc làm. Nhiều nhà cửa hãng xưởng ở Detroit bị bỏ hoang, đồ sộ nhứt là xưởng Packard, một trong những kiến trúc lớn nhứt lục địa Bắc Mỹ, nơi đã khởi phát những cách tân trong thiết kế, chế tạo hằng loạt những chiếc “xe hơi mơ ước” cho dân Mỹ. Bây giờ tòa nhà khổng lồ xuống cấp đó trở thành biểu tượng của nền kỷ nghệ xe hơi đang xuống dốc của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, gia đình Amanda thường xuyên sống trong lo lắng bấp bênh. Cha Amanda làm nghề gác cổng, mẹ là nhân viên của một trường đại học, cả hai đều bị áp lực có thể mất việc bất cứ lúc nào. Với thu nhập thấp, họ vật lộn với nợ nần từng tháng, và mẹ Amanda đã một lần khai phá sản. Dù sao cha mẹ Amanda vẫn còn việc làm và thấy mình hãy còn may mắn.
Amanda có những khát vọng lớn của một người trẻ tuổi quyết vượt qua số phận. Cô sinh viên giỏi này được học bỗng và vay được nợ để trả học phí, đồng thời đi làm thêm để trả tiền ăn ở. Cho nên cô yên tâm học hành trong 3 năm đầu. Học bỗng mà Amabda nhận được là học bỗng của tiểu bang Michigan trao cho các học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi của tiểu bang, hứa hẹn hổ trợ tài chánh cho những học sinh giỏi đó có được thành tựu học vấn bậc đại học. Năm rồi, vì ngân sách thâm thủng nặng, tiểu bang cắt giảm học bỗng này, khiến Amanda đối diện thực tế là cô không có tiền đóng học phí và sẽ không thể tốt nghiệp đại học. Cô diễn tả cảm xúc của mình: “Tôi cảm thấy như mọi cố gắng cần cù của tôi đều vô nghĩa. Tôi cảm thấy tức giận và bị tổn thương. Nhưng hơn hết thảy, tôi cảm thấy bị bỏ rơi.”
Năm cuối đại học đối với sinh viên bình thường là thời gian đầy lễ lạc hội hè, nhưng Amanda từ chối mọi lời mời tiệc tùng và mọi cuộc vui chơi, dành tất cả thời giờ đi làm thêm, dành tất cả tiền kiếm được để trang trải cho việc học, nhịn cả café và bánh mì buổi sáng. Tất cả để thực hiện cho kỳ được ước mơ: trở thành một giáo sư. Hoàn thành chương trình đại học, cô được nhận vào chương trình cao học của một trường đại học ở ngay tại thành phố quê nhà Detroit. Hầu như bạn bè cô ai có cơ hội rời khỏi xứ sở đang tàn mạt đó là dứt áo ra đi lập tức. Nhưng Amanda tự hào ở lại, dù biết mình thuộc số ít hiếm hoi người hành động như vậy.
Tại sao? Đây là đoạn kết bài viết được giải thưởng của Amanda: “Lần đầu tiên nhìn tòa nhà khổng lồ bị bỏ phế Packard người ta bị sốc. (…) Nhưng nó không bị lãng quên. Những tòa nhà hoang phế có thể được thiết kế lại, xây dựng lại. Những câu chuyện về chúng có thể được nghe, những bài học có thể được học. Tôi dự định tiếp tục học để sau này dạy ở trường đại học cộng đồng, nơi những công nhân bị sa thải ghi danh đi học lại sau nhiều năm, hoặc có thể lần đầu tiên đến trường đại học. Chính những sinh viên công nhân này cần học vấn hơn hết thảy vào lúc này. Nếu thời gian khó này có rèn luyện chúng ta được điều gì, thì đó là cách tái kiến thiết, tái phát minh, cách kiên trì tiến tới và kiên trì lao động ngay cả khi cảm thấy bị bỏ rơi.”
Lý Lan
(Có thể đọc nguyên văn bài viết của Amanda Lewan ở đây: http://www.thenation.com/article/154922/losing-ignition )

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222