Sách cấm
Trưa nay nhân lúc nhiệt độ trong ngày cao nhứt, lại có chút nắng hửng lên, xiên qua những vòm lá chớm đổi màu vàng, nâu, đỏ, tôi quảy một túi sách và dĩa phim (DVD) đem trả thư viện. Có mấy cuốn sách mượn của thư viện trường đại học, nhưng tôi trả hết cho thư viện công cộng. Như vậy đỡ đi thêm một chặng xe buýt. Hệ thống thư viện công cộng ở thành phố này đã liên kết với hệ thống thư viện các trường đại học và cao đẳng công lập trong vùng để mở rộng phục vụ. Bởi vì các thư viện này, nói cho cùng, đều hoạt động bằng công quỹ, sách nằm trong kho nào thì cũng là của “nhân dân”.
Trước đây, khi một sinh viên cần tài liệu chỉ có ở thư viện công cộng thì phải chạy xuống phố, làm thẻ đọc riêng, rồi mới mượn được, sau đó phải đem đến tận nơi mượn mà trả. Nhiều sinh viên ở trong ký túc xá, chạy tới chạy lui hơi mất công. (Đành rằng phố vẫn luôn tấp nập sinh viên, nhứt là cuối tuần, nhưng đi chơi là đi chơi, đi trả sách là chuyện khác.) Ngược lại, dân thường không phải học giả giáo sư sinh viên chỉ có thể mượn sách của thư viện công cộng, mặc dù họ có thể có nhu cầu đọc những cuốn sách hay tạp chí “bác học” trong thư viện trường đại học.
Thời tiền bạc rủng rỉnh, thư viện dám chơi ngon, mua sách theo yêu cầu của độc giả. Hoặc mượn sách trong kho các thư viện liên kết nếu là sách hiếm. Trước đây hơi phiền toái: độc giả làm thủ tục mượn sách ở thư viện của mình, nhân viên thư viện sẽ làm tiếp thủ tục mượn cuốn sách được yêu cầu đó ở thư viện khác trong hệ thống liên kết, rồi giao lại cho độc giả. Mua sách mới hay đi mượn sách ở thư viện khác về đều tốn công , tốn của. Lúc này ngân sách đã hẹp, nhân viên thư viện lại bị giảm, làm sao phục vụ công chúng cho tốt? Cái khó ló cái khôn đây: độc giả, dù có thẻ đọc của thư viện nào cũng có thể tự tìm lấy sách ở kho các thư viện (trong hệ thống liên kết) rồi trả ở bất cứ thư viện nào tiện nhứt. Đằng nào thì cũng là tài sản công cộng. Vả chăng, sách là để đọc, thư viện có người mượn sách mới “sống”, tức là có hoạt động sôi nổi. Chứ im lìm vắng vẻ như chùa Bà Đanh thì coi như chết: hội động thành phố đang rà các cơ sở công ích coi cái nào không hiệu quả thì dẹp bớt cho đỡ hao.
Ngoài việc bày sách (và lau bụi bám bìa sách) cho công chúng đến mượn, thư viện còn bày ra nhiều hoạt động nhắm vào cộng đồng để nhấn mạnh sự hiện hữu cần thiết của mình. Thành phố nhỏ, quanh năm mưa gió lạnh lùng, rinh được người ta ra khỏi nhà để tới dự một cuộc trưng bày sách, tranh trẻ con vẽ, hay nghe một tác giả tự giới thiệu … phải nói là kỳ công. Tôi không biết cộng đồng có nhờ các hoạt động này mà gắn kết với nhau hay dân trí có nhờ cái thư viện này mà nâng cao hay không. Nhưng tôi thành thực thán phục mấy người trong nhóm “Thân hữu của thư viện”. Có vẻ họ chân thành tin tưởng là sách có thể thay đổi con người và xã hội, họ làm đủ cách để khiến người ta đọc sách.
Lúc tôi quảy sách đến trả, thư viện đang có một cuộc triển lãm trong hành lang. Ngó sơ qua tôi nhận ra những quyển sách nổi tiếng đã cũ như “Bắt trẻ đồng xanh”, “Màu Tím”, “Người đã bay qua tổ chim cúc cu” và mấy cuốn còn mới, cũng nổi tiếng, như “Chạng vạng”, “Và Tango làm nên ba”. A, phải rồi, tuần này cuối tháng Chín là tuần lễ “Sách cấm”. Trong tuần này thư viện trên khắp nước Mỹ trưng bày, thảo luận về những cuốn sách bị cấm.
Vụ này bắt đầu từ năm 1982, khi Hội các Tác giả và Ký giả Mỹ phối hợp với Hội Thư viện Mỹ và nhiều tổ chức khác cùng hành động chống lại việc cấm sách. Lần đầu nghe về vụ này tôi kinh ngạc: ở xứ Mỹ ai có quyền cấm sách, mà cấm như thế nào chứ? Hóa ra ở xứ nào cũng có những người tự khoác cho mình nhiệm vụ canh giữ sự trong sáng trong tâm hồn người khác. Sách mà họ cho là không phù hợp với đạo lý của họ thì nhứt thiết không được bày ra cho công chúng thấy, kẻo công chúng bị nhiễm độc.
Chẳng hạn cuốn “ Và Tango làm nên ba” kể chuyện hai con penguin đực cùng ấp ủ nuôi nấng một con penguin con, cả ba chung sống như một gia đình hạnh phúc (dựa trên chuyện có thật trong sở thú ở New York). Cuốn truyện tranh dễ thương này rất được yêu thích và đoạt nhiều giải thưởng. Nhưng từ khi xuất bản năm 2005 đến nay, cuốn sách này đã liên tục bị cấm ở nhiều nơi, vì bị cho là cổ vũ đồng tính luyến ái. Nói “cấm” có nghĩa là một số cá nhân hay tổ chức, chẳng hạn Hội phụ huynh chống sách xấu, vận động và gây áp lực để sách không được bày trên kệ trong các thư viên trường học hay địa phương. Sách thì nhiều vô kể, việc chọn cuốn nào để bày ra là tạo điều kiện cho người đọc tiếp xúc tác phẩm đó, và ngược lại.
Nhưng để thẩm định một cuốn sách, không có cách nào đúng đắn hơn là đọc nó. Vậy là ông / bà nào đó đã đọc cuốn sách rồi mới phán quyết được nó “tốt” hay “xấu”. Tại sao ông / bà ấy có thể đọc và thẩm định (tâm hồn vẫn trong sáng, đạo đức vẫn cao cả) một cuốn sách mà người khác thì không nên? Các thư viện bèn bày các cuốn sách “có vấn đề” trong tuần lễ sách cấm để công chúng có cơ hội tự mình đọc và thẩm định. Tuần lễ sách cấm được tổ chức hàng năm, đến nay đã 28 năm mà vẫn còn là “thời sự”. Vì mỗi năm lại có thêm không ít đầu sách bị ông này bà nọ cấm!
Lý Lan
Trước đây, khi một sinh viên cần tài liệu chỉ có ở thư viện công cộng thì phải chạy xuống phố, làm thẻ đọc riêng, rồi mới mượn được, sau đó phải đem đến tận nơi mượn mà trả. Nhiều sinh viên ở trong ký túc xá, chạy tới chạy lui hơi mất công. (Đành rằng phố vẫn luôn tấp nập sinh viên, nhứt là cuối tuần, nhưng đi chơi là đi chơi, đi trả sách là chuyện khác.) Ngược lại, dân thường không phải học giả giáo sư sinh viên chỉ có thể mượn sách của thư viện công cộng, mặc dù họ có thể có nhu cầu đọc những cuốn sách hay tạp chí “bác học” trong thư viện trường đại học.
Thời tiền bạc rủng rỉnh, thư viện dám chơi ngon, mua sách theo yêu cầu của độc giả. Hoặc mượn sách trong kho các thư viện liên kết nếu là sách hiếm. Trước đây hơi phiền toái: độc giả làm thủ tục mượn sách ở thư viện của mình, nhân viên thư viện sẽ làm tiếp thủ tục mượn cuốn sách được yêu cầu đó ở thư viện khác trong hệ thống liên kết, rồi giao lại cho độc giả. Mua sách mới hay đi mượn sách ở thư viện khác về đều tốn công , tốn của. Lúc này ngân sách đã hẹp, nhân viên thư viện lại bị giảm, làm sao phục vụ công chúng cho tốt? Cái khó ló cái khôn đây: độc giả, dù có thẻ đọc của thư viện nào cũng có thể tự tìm lấy sách ở kho các thư viện (trong hệ thống liên kết) rồi trả ở bất cứ thư viện nào tiện nhứt. Đằng nào thì cũng là tài sản công cộng. Vả chăng, sách là để đọc, thư viện có người mượn sách mới “sống”, tức là có hoạt động sôi nổi. Chứ im lìm vắng vẻ như chùa Bà Đanh thì coi như chết: hội động thành phố đang rà các cơ sở công ích coi cái nào không hiệu quả thì dẹp bớt cho đỡ hao.
Ngoài việc bày sách (và lau bụi bám bìa sách) cho công chúng đến mượn, thư viện còn bày ra nhiều hoạt động nhắm vào cộng đồng để nhấn mạnh sự hiện hữu cần thiết của mình. Thành phố nhỏ, quanh năm mưa gió lạnh lùng, rinh được người ta ra khỏi nhà để tới dự một cuộc trưng bày sách, tranh trẻ con vẽ, hay nghe một tác giả tự giới thiệu … phải nói là kỳ công. Tôi không biết cộng đồng có nhờ các hoạt động này mà gắn kết với nhau hay dân trí có nhờ cái thư viện này mà nâng cao hay không. Nhưng tôi thành thực thán phục mấy người trong nhóm “Thân hữu của thư viện”. Có vẻ họ chân thành tin tưởng là sách có thể thay đổi con người và xã hội, họ làm đủ cách để khiến người ta đọc sách.
Lúc tôi quảy sách đến trả, thư viện đang có một cuộc triển lãm trong hành lang. Ngó sơ qua tôi nhận ra những quyển sách nổi tiếng đã cũ như “Bắt trẻ đồng xanh”, “Màu Tím”, “Người đã bay qua tổ chim cúc cu” và mấy cuốn còn mới, cũng nổi tiếng, như “Chạng vạng”, “Và Tango làm nên ba”. A, phải rồi, tuần này cuối tháng Chín là tuần lễ “Sách cấm”. Trong tuần này thư viện trên khắp nước Mỹ trưng bày, thảo luận về những cuốn sách bị cấm.
Vụ này bắt đầu từ năm 1982, khi Hội các Tác giả và Ký giả Mỹ phối hợp với Hội Thư viện Mỹ và nhiều tổ chức khác cùng hành động chống lại việc cấm sách. Lần đầu nghe về vụ này tôi kinh ngạc: ở xứ Mỹ ai có quyền cấm sách, mà cấm như thế nào chứ? Hóa ra ở xứ nào cũng có những người tự khoác cho mình nhiệm vụ canh giữ sự trong sáng trong tâm hồn người khác. Sách mà họ cho là không phù hợp với đạo lý của họ thì nhứt thiết không được bày ra cho công chúng thấy, kẻo công chúng bị nhiễm độc.
Chẳng hạn cuốn “ Và Tango làm nên ba” kể chuyện hai con penguin đực cùng ấp ủ nuôi nấng một con penguin con, cả ba chung sống như một gia đình hạnh phúc (dựa trên chuyện có thật trong sở thú ở New York). Cuốn truyện tranh dễ thương này rất được yêu thích và đoạt nhiều giải thưởng. Nhưng từ khi xuất bản năm 2005 đến nay, cuốn sách này đã liên tục bị cấm ở nhiều nơi, vì bị cho là cổ vũ đồng tính luyến ái. Nói “cấm” có nghĩa là một số cá nhân hay tổ chức, chẳng hạn Hội phụ huynh chống sách xấu, vận động và gây áp lực để sách không được bày trên kệ trong các thư viên trường học hay địa phương. Sách thì nhiều vô kể, việc chọn cuốn nào để bày ra là tạo điều kiện cho người đọc tiếp xúc tác phẩm đó, và ngược lại.
Nhưng để thẩm định một cuốn sách, không có cách nào đúng đắn hơn là đọc nó. Vậy là ông / bà nào đó đã đọc cuốn sách rồi mới phán quyết được nó “tốt” hay “xấu”. Tại sao ông / bà ấy có thể đọc và thẩm định (tâm hồn vẫn trong sáng, đạo đức vẫn cao cả) một cuốn sách mà người khác thì không nên? Các thư viện bèn bày các cuốn sách “có vấn đề” trong tuần lễ sách cấm để công chúng có cơ hội tự mình đọc và thẩm định. Tuần lễ sách cấm được tổ chức hàng năm, đến nay đã 28 năm mà vẫn còn là “thời sự”. Vì mỗi năm lại có thêm không ít đầu sách bị ông này bà nọ cấm!
Lý Lan