thông điệp

Có khi ngồi cả buổi trên ghềnh đá, nhìn xuống đám sỏi dưới làn nước biển trong veo, tôi không nghĩ ngợi gì cả. Khi cái đầu trống trải, nó cũng nhẹ tênh. Điều kỳ lạ bất như ý là không phải buổi nào mình trèo lên ghềnh đá cũng gạt bỏ hết được mọi suy tư vướng mắc. Dù quyết tâm là bỏ hết, quăng hết, vụt hết, dẹp hết, để trèo lên ghềnh đá ngồi chơi thôi, mà sao vô cớ một nỗi nhớ thấp thoáng rồi hiện rõ dần. Hay một nỗi đau len lén đến rồi nhói sâu. Hay một nỗi buồn như sóng, càng trấn áp càng lao xao. Những ý nghĩ , đã không muốn nghĩ tới, mà cứ ngang ngạnh trồi lên.
Có khi tôi nghĩ làm sao mà hai con người ở chung trong một căn nhà có thể cả ngày không trò chuyện với nhau, có thể cả tuần chỉ nói với nhau những câu cộc lốc chẳng đặng đừng. Hồi trọ trong ký túc xá trường Loyola (New Orleans) tôi ở chung phòng với chị Egodi quê ở châu Phi. Vì tôi tò mò về xứ sở của chị, chị cũng thắc mắc về Việt Nam, nên hai người mà về phòng là nói chuyện liên tục, đến khi một trong hai người quay mặt vào tường ngáp bảo: Thôi, ngủ cái đã, mai nói tiếp.
Phòng kế bên thì lặng như tờ. Maria bên ấy thỉnh thoảng gặp tôi trong phòng đọc sách hỏi rằng đêm qua có chuyện gì mà hai người tranh cãi dữ dội vậy. Tôi vội vàng xin lỗi. Đêm cuối hè phương nam trời mát mẻ nên tụi này thường để cửa sổ mở, lúc tranh luận hăng say quá, quên “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe”, ban đêm yên tĩnh, tiếng nói phòng này vang ra, phòng bên mở cửa sổ là nghe được. Maria bảo không có chi, chẳng qua chi nhớ nhà khó ngủ, chứ không phải tại ồn ào. Thực ra chị cũng muốn trò chuyện đỡ buồn, nhưng bạn cùng phòng chị là Emily ít nói lắm, có khi cả ngày chẳng nói tiếng nào, cả tuần nay hai người cũng chỉ nói “Hi” khi ra vô phòng chạm mặt nhau.
Tôi nhớ mình đã an ủi Maria là mỗi người mỗi tính, ít nói không phải là tính xấu, đến lúc chị cần yên tĩnh viết bài thì sẽ thấy đó là tính tốt của người cùng phòng. Maria cũng vui vẻ nói chị không phàn nàn, Emily chỉ là bạn cùng phòng ngẫu nhiên chứ đâu phải thân thiết ruột rà. Mỗi người có đời sống riêng và muốn giữ sự riêng tư của mình. Hai người không nói với nhau vì chẳng có chuyện gì thuộc mối quan tâm chung, chứ không có căng thẳng hay đối kháng, không có giận hờn đố kỵ gì cả. Việc ai nấy làm, đời ai nấy sống, xong khóa học thì đường ai nấy đi, có thể không bao giờ gặp lại, cần gì phải thắt buộc nhau? Người dưng mà.
Có khi “người dưng khác họ mà đem lòng nhớ thương”. Ngồi trên ghềnh đá suy nghĩ thì lung tung lắm. Xua ý nghĩ này đi thì ý tưởng khác nhảy vào , xóa nỗi nhớ này thì ập tới nỗi mong kia. Tôi dõi mắt nhìn xa như thể tìm kiếm bờ bên kia đại dương. Nhưng biển trước mặt bị chắn bằng những hòn đảo lớn nhỏ cái gần cái xa nối tiếp tựa như dãy đồi thấp vây bọc cái vịnh. Nếu tôi từ bờ này hét lên, gào lên, hay thét lên, âm thanh có thể theo gió lan xa bao nhiêu? Gió có như sóng biển chuyển tiếp thông điệp từ bờ này tới bờ kia? Nhưng chỉ là ý nghĩ điên rồ. Thời buổi thông tin liên lạc dễ dàng bằng điện thoại, internet, bằng vệ tinh, một thông điệp có thể gởi đến hàng vạn hàng triệu người chỉ bằng một cái gõ phím “enter”, hà tất phải mượn làn gió hay ngọn sóng đưa tin?
Chẳng qua một trò vớ vẩn, như anh chàng Corey Swearingen ở Florida ném cai chai đựng thông điệp của mình vào lòng Đại tây dương trong một buổi đi thực địa cùng lớp Hải dương học. Thông điệp của Corey đơn giản: “ngày này ở đây có người tên ấy học trường nọ gởi đi thông điệp này, ai nhận được thì liên lạc qua địa chỉ …” Ném nó vào đại dương rồi, Corey quên béng đi, vì cậu không hề tin sẽ có người bắt được nó. Nhưng 16 tháng sau, bên kia bờ Đại tây dương, một chàng trai 17 tuổi trong lúc đi dạo dọc bờ biển của đảo quốc Ireland đã nhìn thấy cái chai tấp vào bãi cát, đã lượm lên, đọc thông điệp và hồi âm. (Còn cái chai thì được trưng bày trong một quán rượu vì thành tích một mình lênh đênh trên sóng băng ngang Đại tây dương).
Trong lòng các đại dương của trái đất chứa vô vàn chai lon các loại, chiếm một tỉ lệ khiêm tốn so với khối lượng rác khổng lồ con người đã thải vào đó. Ném một thông điệp đựng trong chai vào đại dương thì có đến 99,9999 phần trăm thông điệp của mình trở thành rác. Nếu hi hữu cái chai tấp được vào bờ bến nào đó, thì tỉ lệ được một người nhìn thấy giữa các thứ rác rưởi khác và lượm lên rồi hồi đáp có lẽ là 0,1%. Thời nay mà tìm bạn bằng cách này e quá lãng mạn, hoặc điên điên.
Tại sao người ta vẫn làm? Tại sao người ta vẫn ném vào đại dương mênh mông thông điệp “hãy liên lạc…” Người ta thậm chí trong nhiều chục năm qua vẫn liên tục ném vào vũ trụ bao la thông điệp giản dị mà tha thiết ấy. Hãy kết nối, hãy hồi âm, hãy đáp lại, hãy có một tương tác, dù đơn giản, để con người không quá lẻ loi.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222