Mưa trái mùa
Chiều nay có một cơn mưa trái mùa ào qua thành phố. Từ cửa sổ tầng áp mái của quán café tôi nhìn xuống những dòng người xe hỗn loạn quanh bùng binh ngã sáu. Y như một bầy kiến, mạnh con nào con nấy chạy lăng xăng, chen lách, ngược xuôi, ngang dọc, quanh co, chuyển động trong trạng thái ì một chỗ, hoặc ì một chỗ trong tư thế chuyển dịch.
Đổ thừa cơn mưa thì hơi oan. Mưa hay không mưa, gần một chục triệu con người của thành phố này cũng ngược xuôi, ngang dọc, chen lách, quanh co. Ví von sự đông đúc với kiến có lẽ không đắc, chắc gì có đàn kiến nào đông tới hàng chục triệu cá thể? Nhưng sự nhỏ nhoi của con người ở thành phố này, cứ thử lên tầng 30 của những cao ốc mới mọc mà nhìn xuống xem, mỗi con người (cộng cả chiếc xe gắn máy đang cỡi) có lớn hơn con kiến là bao?
Nếu nhìn từ điểm cao hơn nữa, từ trên máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất chẳng hạn, thì cả những cao ốc lừng lững kia cũng trông như những mẫu xếp đồ chơi be bé của trẻ con. Có lần, không rõ nguyên nhân gì, khi máy bay đã hạ độ cao đến mức tôi nhìn qua cửa sổ máy bay thấy rõ nhà cửa đường xá, mà không thể đáp xuống. Máy bay đột ngột bay lên rồi bay vòng vòng một lúc. Không khí trong khoang hành khách hết sức căng thẳng, nhiều người ói mữa, nhiều người nín thở, có người lầm rầm đọc kinh.
Tôi cũng sợ lắm. Nhìn xuống mặt đất đột ngột sâu hút, chỉ còn nhận ra những nét chính của cảnh trí, con sông Sài Gòn tựa một nét vẽ ngoằn ngoèo, cả thành phố và vùng dân cư lân cận xam xám nâu nâu lẫn giữa màu xanh của rừng cây và đồng lúa. Khi máy bay chao nghiêng, mặt đất biến mất, bầu trời đầy mây hiện ra, rồi bầu trời lệch đi, mặt đất nghiêng nghiêng lại nổi rõ lên nhà cửa, xe cộ. Lúc đó mặt đất có vẻ thật bình yên, an toàn, và thật vô tư. Nếu có ai trong dòng kiến nối tiếp nhau trên đường tình cờ nhìn lên lúc đó, chắc chỉ thấy một chiếc máy bay nhỏ tí ở lưng trời, hình ảnh bình thường quen thuộc đến nỗi nhiều người cũng chẳng buồn ngước mắt nhìn theo.
Thì có gì đáng nói đâu nếu tại nạn không xảy ra? Trận mưa trái mùa ào qua thành phố rồi đi chỗ khác chơi. Nhiều người chợt nhận ra, khi cơn mưa trút xuống, mình vội tấp vào lề đường bên này bùng binh để mua đại cái áo mưa, trùm vội lên người, rồi cố len lách, nhích dần theo đám đông loi ngoi lướt thướt. Mưa như trút nước, bầu trời âm u. Mọi người đều chịu trận như nhau. Mọi người đều chuyển động cùng tốc độ. Mưa chợt ngớt hột, rồi đột ngột tạnh ráo. Người ta nhận ra mình đã di chuyển qua được đầu bên kia bùng binh. Vài trăm thước trong suốt trận mưa kéo dài nửa giờ đồng hồ.
May mà ngã sáu này không nằm trong vùng bị ảnh hưởng triều cường, miệng cống còn là nơi nước cuồn cuộn chảy xuống. Nhưng người ta biết qua hết dốc tới con đường bên kia, miệng cống là nơi nước trào lên chứ không phải nơi rút nước. Không mưa mà nhằm ngày triều cường như hôm nay thì chỉ lát nữa đường cũng ngập nước. Gặp mưa nó ngập nước sớm luôn, khỏi đợi lát nữa. Những chiếc xe gắn máy đã quen đường quen lội nước, thỉnh thoảng mới nằm vạ. Nhưng chỉ cần một trong hai trăm chiếc xe hư dọc đường cũng đủ khiến hàng ngàn hàng vạn xe khác ùn lại. Mưa tạnh cả giờ sau mà những con đường chụm lại chỉa ra từ bùng binh vẫn ngắc ngứ những con người lóp ngóp trên chiếc xe của mình, nhiều người thậm chí không rảnh tay để cởi áo mưa ra.
Cuối cùng tôi cũng về tới nhà như mọi người. Ờ mà không chắc mọi người đều về nhà. Nửa đêm thức giấc tôi vẫn còn nghe rần rần xe cộ ngoài đường. Chẳng những động cơ vang rền hối hả mà còi xe vẫn cứ tin tin thúc giục. Tôi vốn biết thành phố này không ngủ. Sài Gòn không ngủ, Chợ Lớn không ngủ, quận 3 quận 6 không ngủ. Có lần đi xa, xe khởi hành sớm, ra tới ngoại ô trời vẫn còn tối, mới hay các chợ vùng ven cũng không ngủ. Gần sáng là lúc người ta vừa xong ca đêm, hoặc vừa vận chuyển xong hàng hóa lên xe tải chạy vào các chợ nội thành.
Trước đây mỗi lần về Việt Nam vợ chồng tôi thường ở khách sạn Sài Gòn trên đường Đông Du, quen thuộc nơi ấy đến nỗi xem căn phòng ở góc lầu 7 nhìn ra công viên Bạch đằng như nhà mình. Tôi thích những buổi sáng ngồi trên phòng ăn ở lầu 8 nhìn ra sông Sài Gòn, lúc những chuyến phà Thủ Thiêm qua lại đôi bờ như mắc cửi. Tôi cũng thích những buổi chiều đi dạo dọc bờ sông đến đường Nguyễn Huệ, rồi qua đường Lê Lợi đến chợ Bến Thành. Hoặc theo đường Đồng Khởi qua Nhà hát lớn thành phố đến Bưu điện thành phố và Nhà thờ Đức Bà. Khu vực này ở một vị trí mà chiều chiều nắng tắt là gió sông thổi mát rượi, cây cỏ hoa lá được chăm sóc tươi tốt.
Nhưng rồi mỗi năm người mỗi đông, cảnh mỗi khác. Giấc ngủ trong phòng đóng kín cửa vẫn bị xốc vỡ nhiều lần vì tiếng còi xe tải chạy ban đêm, lại thêm tiếng ì xèo của máy móc vang lên từ những công trường xây dựng kề bên. Nhưng sợ nhứt là kẹt xe. Thậm chí xuống xe taxi đi bộ cũng không tìm được kẻ trống để qua đường.
Người ta đi đâu, người ta làm gì, người ta sướng vui buồn khổ chán ngán hay phát khùng trên con đường của mình? Người ta có tìm ra hay đến được nơi muốn đến? Hay chết dí trong hàng vạn tai nạn dọc đường? Cơn mưa trái mùa dường như chẳng mang đến điều gì khác lạ.
Lý Lan
Đổ thừa cơn mưa thì hơi oan. Mưa hay không mưa, gần một chục triệu con người của thành phố này cũng ngược xuôi, ngang dọc, chen lách, quanh co. Ví von sự đông đúc với kiến có lẽ không đắc, chắc gì có đàn kiến nào đông tới hàng chục triệu cá thể? Nhưng sự nhỏ nhoi của con người ở thành phố này, cứ thử lên tầng 30 của những cao ốc mới mọc mà nhìn xuống xem, mỗi con người (cộng cả chiếc xe gắn máy đang cỡi) có lớn hơn con kiến là bao?
Nếu nhìn từ điểm cao hơn nữa, từ trên máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất chẳng hạn, thì cả những cao ốc lừng lững kia cũng trông như những mẫu xếp đồ chơi be bé của trẻ con. Có lần, không rõ nguyên nhân gì, khi máy bay đã hạ độ cao đến mức tôi nhìn qua cửa sổ máy bay thấy rõ nhà cửa đường xá, mà không thể đáp xuống. Máy bay đột ngột bay lên rồi bay vòng vòng một lúc. Không khí trong khoang hành khách hết sức căng thẳng, nhiều người ói mữa, nhiều người nín thở, có người lầm rầm đọc kinh.
Tôi cũng sợ lắm. Nhìn xuống mặt đất đột ngột sâu hút, chỉ còn nhận ra những nét chính của cảnh trí, con sông Sài Gòn tựa một nét vẽ ngoằn ngoèo, cả thành phố và vùng dân cư lân cận xam xám nâu nâu lẫn giữa màu xanh của rừng cây và đồng lúa. Khi máy bay chao nghiêng, mặt đất biến mất, bầu trời đầy mây hiện ra, rồi bầu trời lệch đi, mặt đất nghiêng nghiêng lại nổi rõ lên nhà cửa, xe cộ. Lúc đó mặt đất có vẻ thật bình yên, an toàn, và thật vô tư. Nếu có ai trong dòng kiến nối tiếp nhau trên đường tình cờ nhìn lên lúc đó, chắc chỉ thấy một chiếc máy bay nhỏ tí ở lưng trời, hình ảnh bình thường quen thuộc đến nỗi nhiều người cũng chẳng buồn ngước mắt nhìn theo.
Thì có gì đáng nói đâu nếu tại nạn không xảy ra? Trận mưa trái mùa ào qua thành phố rồi đi chỗ khác chơi. Nhiều người chợt nhận ra, khi cơn mưa trút xuống, mình vội tấp vào lề đường bên này bùng binh để mua đại cái áo mưa, trùm vội lên người, rồi cố len lách, nhích dần theo đám đông loi ngoi lướt thướt. Mưa như trút nước, bầu trời âm u. Mọi người đều chịu trận như nhau. Mọi người đều chuyển động cùng tốc độ. Mưa chợt ngớt hột, rồi đột ngột tạnh ráo. Người ta nhận ra mình đã di chuyển qua được đầu bên kia bùng binh. Vài trăm thước trong suốt trận mưa kéo dài nửa giờ đồng hồ.
May mà ngã sáu này không nằm trong vùng bị ảnh hưởng triều cường, miệng cống còn là nơi nước cuồn cuộn chảy xuống. Nhưng người ta biết qua hết dốc tới con đường bên kia, miệng cống là nơi nước trào lên chứ không phải nơi rút nước. Không mưa mà nhằm ngày triều cường như hôm nay thì chỉ lát nữa đường cũng ngập nước. Gặp mưa nó ngập nước sớm luôn, khỏi đợi lát nữa. Những chiếc xe gắn máy đã quen đường quen lội nước, thỉnh thoảng mới nằm vạ. Nhưng chỉ cần một trong hai trăm chiếc xe hư dọc đường cũng đủ khiến hàng ngàn hàng vạn xe khác ùn lại. Mưa tạnh cả giờ sau mà những con đường chụm lại chỉa ra từ bùng binh vẫn ngắc ngứ những con người lóp ngóp trên chiếc xe của mình, nhiều người thậm chí không rảnh tay để cởi áo mưa ra.
Cuối cùng tôi cũng về tới nhà như mọi người. Ờ mà không chắc mọi người đều về nhà. Nửa đêm thức giấc tôi vẫn còn nghe rần rần xe cộ ngoài đường. Chẳng những động cơ vang rền hối hả mà còi xe vẫn cứ tin tin thúc giục. Tôi vốn biết thành phố này không ngủ. Sài Gòn không ngủ, Chợ Lớn không ngủ, quận 3 quận 6 không ngủ. Có lần đi xa, xe khởi hành sớm, ra tới ngoại ô trời vẫn còn tối, mới hay các chợ vùng ven cũng không ngủ. Gần sáng là lúc người ta vừa xong ca đêm, hoặc vừa vận chuyển xong hàng hóa lên xe tải chạy vào các chợ nội thành.
Trước đây mỗi lần về Việt Nam vợ chồng tôi thường ở khách sạn Sài Gòn trên đường Đông Du, quen thuộc nơi ấy đến nỗi xem căn phòng ở góc lầu 7 nhìn ra công viên Bạch đằng như nhà mình. Tôi thích những buổi sáng ngồi trên phòng ăn ở lầu 8 nhìn ra sông Sài Gòn, lúc những chuyến phà Thủ Thiêm qua lại đôi bờ như mắc cửi. Tôi cũng thích những buổi chiều đi dạo dọc bờ sông đến đường Nguyễn Huệ, rồi qua đường Lê Lợi đến chợ Bến Thành. Hoặc theo đường Đồng Khởi qua Nhà hát lớn thành phố đến Bưu điện thành phố và Nhà thờ Đức Bà. Khu vực này ở một vị trí mà chiều chiều nắng tắt là gió sông thổi mát rượi, cây cỏ hoa lá được chăm sóc tươi tốt.
Nhưng rồi mỗi năm người mỗi đông, cảnh mỗi khác. Giấc ngủ trong phòng đóng kín cửa vẫn bị xốc vỡ nhiều lần vì tiếng còi xe tải chạy ban đêm, lại thêm tiếng ì xèo của máy móc vang lên từ những công trường xây dựng kề bên. Nhưng sợ nhứt là kẹt xe. Thậm chí xuống xe taxi đi bộ cũng không tìm được kẻ trống để qua đường.
Người ta đi đâu, người ta làm gì, người ta sướng vui buồn khổ chán ngán hay phát khùng trên con đường của mình? Người ta có tìm ra hay đến được nơi muốn đến? Hay chết dí trong hàng vạn tai nạn dọc đường? Cơn mưa trái mùa dường như chẳng mang đến điều gì khác lạ.
Lý Lan