Nhà có lò sưởi

Tuyết bắt đầu rơi đêm hôm qua. Khoảng nửa đêm, anh gọi “Em lại đây xem.” Bên ngoài, từ thềm nhà đến bãi cỏ, lề đường, các bụi cây đã phủ một màu trắng toát. Không trung sáng bàng bạc, như được rọi bằng ánh trăng rằm. Tôi giận: “Sao anh không gọi em dậy lúc tuyết đang rơi?” Anh phân trần: “Anh đâu có hay!”
Tuyết không rơi âm thầm. Nhưng trời lạnh, mọi cánh cửa đóng chặt, ở trong nhà khó nghe tiếng gió thổi hay tuyết rơi bên ngoài. Có lẽ những hạt tuyết đầu tiên rơi xuống khoảng chín mười giờ tối. Lúc đó trong nhà còn sáng đèn, nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy tối thui. Lửa cháy lép bép trong lò sưởi, trong tivi vang tiếng ca múa nói cười, thỉnh thoảng rộ lên tiếng reo hò vỗ tay. Tôi đã ngủ thiếp đi trên chiếc ghế bành, cuộn trong tấm khăn choàng của người da đỏ, vốn vắt trên lưng ghế để trang trí.
Mùa đông mọi thứ trở nên có giá trị tùy theo cảm giác. Tấm khăn làm bằng vật liệu gì không rõ, trông sần sùi nhưng mềm mại, có mùi của chất nhuộm màu thực vật, là quà tặng, biết là quí nhưng chẳng biết để làm gì, vắt trên lưng ghế trông hay hay. Hồi hôm hơi ớn lạnh, tiện tay kéo tấm khăn quấn quanh mình, ngồi nhích lại gần bếp lửa, chợt nhận ra mùi cây cỏ thoảng chung quanh, cảm giác như đang ở trong lều trại giữa thảo nguyên, mơ màng nghe tiếng sói tru trăng.
Đồ vật trong nhà đều có chuyện kể nếu mình lắng nghe. Hay biết tưởng tượng. Chẳng hạn cái lò sưởi. Nó vốn làm bằng gạch thưở ngôi nhà được xây cách nay gần trăm năm. Trải qua nhiều đời chủ sau này, nhà gắn thêm hệ thống sưởi bằng gas, rồi bằng điện, cái lò sưởi đốt bằng củi bị bỏ phế, người chủ trước che bít nó lại bằng kệ gỗ cùng những đồ trang trí linh tinh khác. Khi tụi này mua nhà, ông thanh tra nhà đất bảo là lò sưởi không sử dụng được. Để được sử dụng, tụi này phải sửa sang bộn tiền. Nhưng kể cũng đáng công đáng của, vì chiều đông miền tây bắc u ám lạnh căm căm, không có gì xua tan được nỗi trầm uất trong tôi ngoài ngọn lửa cháy bập bùng trong lò sưởi. Hơi ấm thơm mùi củi tùng tỏa khắp căn phòng, như ôm ấp bao bọc, khiến tôi bình tâm, dù cách mấy bước chân bão tuyết đang đùng đùng đập vào cánh cửa.
Tưởng tượng xem, bao lần ngôi nhà đổi chủ, bàn ghế giường tủ kệ ngăn tranh ảnh đều thay đổi, kể cả sơn trên tường, thảm trải sàn, rèm treo cửa sổ cũng đổi thay theo sở thích của người chủ mới. Mỗi lần bán lại, ngôi nhà được kiểm tra, bản kết quả kèm theo hồ sơ, liệt kê những hư hại và những sửa chữa hay bổ sung đã có hoặc cần có. Những chủ nhân cẩn thận, khi sửa sang nhà đều lưu cả giấy phép và hóa đơn. Lật xấp hồ sơ biết năm nào nhà được xây thêm tầng hầm, chái phụ; tốn bao nhiêu khi hệ thống điện được thay; ai đã tân trang buồng tắm, nhà bếp… Căn cứ theo đó, căn nhà hẳn khác nhiều so với hồi mới cất. Chỉ có cái lò sưởi chắc chắn còn nguyên. Nó nằm ngay trong gian phòng chính, nơi diễn ra phần lớn sinh hoạt của những người từng sống trong căn nhà này.
Nhưng nó làm thinh khi người ta bận leo núi mùa hè, chơi thuyền trên biển mùa xuân, hay đi dạo trong rừng thu. Người ta thích tỏ ra mình có cuộc sống phong phú. Người ta làm cho mình bận rộn đa đoan. Người ta làm như mình biết hưởng thụ cuộc đời, biết hòa nhập xã hội, biết sống. Nhưng rồi ngày ngắn lại, hoa tàn lá rụng, biển cồn cào những cơn bão, bốn giờ chiều trời đã tối om, nhiệt độ tụt xuống độ âm. Thoát khỏi dòng xe cộ kẹt cứng trên xa lộ, người ta chỉ có một ham muốn: về nhà. Nột căn nhà ấm áp tươi tắn ánh lửa bập bùng. Sau mùa đông đầu tiên tôi hiểu tại sao các quảng cáo nhà bán ở đây nhấn mạnh nhà có lò sưởi, nếu có.
Nhà mới cất hoặc cất trong mấy thập niên sau này thường bỏ qua mục lò sưởi, hoặc không xây lò sưởi kiểu truyền thống, mà làm lò sưởi tượng trưng, đốt bằng ga, hoặc điện, với mấy khúc gỗ giả, đốt hoài vẫn còn y nguyên. Tạm chấp nhận, nhưng nó khiến tôi nghĩ tới cái máy lạnh ở xứ nhiệt đới như nước mình. Nó không có chuyện gì để nói. Những câu chuyện trong ngôi nhà xứ nóng được kể bằng chiếc võng cũ tưa treo ở đầu hè, cái chõng tre hay chiếc ghế mây kê ở hàng hiên, giàn mướp liền chái bếp, hay bến nước dưới bóng dừa…
Cái lò sưởi là kho chuyện vô cùng tận trong ngôi nhà xứ lạnh. Ngay cả khi mình ngủ gật trên chiếc ghế bành, không còn biết tuyết rơi bên ngoài cửa hay thời sự diễn tiến trong tivi, cái lò sưởi chứng kiến hết: bước chân trở nên khẻ khàng hơn của người còn thức, bàn tay len lén sửa cái gối tựa, kéo chéo chăn rơi dưới sàn. Ngọn lửa đằm xuống, than đỏ ửng lên, lò sưởi có vẻ như sẵn sàng kể chuyện. Nó rù rì với chính nó thôi, ai nghe được thì nghe.
Ngày xưa (hay ngày sau?) có bà già bảy mươi ngủ gục khi ngồi đan, cuộn len lăn sát lò sưởi, nóng lên rồi bốc cháy. Chuyện này khiến lò sưởi bị đóng lại, không được sử dụng trong nhiều năm, cho đến gần đây mới được sống lại. Nó áy náy hoài về tội lỗi duy nhứt đó. Lúc xảy ra tai nạn nó cỡ tuổi bà già. Lũ chim xây tổ vào mùa xuân trên ống khói, có ngu không? Bà già một sáng thức dậy nghe tiếng chim non líp chip trong lò sưởi. Có năm, khi ông ấy đã ra đi, bà không thể trèo lên nóc nhà xem xét như ông thường làm trước mùa mưa bão. Ông ấy hay để tách café bên bệ lò sưởi để giữ ấm, cái tách vẫn còn để đó, nhưng cạn queo. Lò sưởi cũ, nên ưa kể chuyện người già, chuyện nọ xọ chuyện kia…
Chuyện những người sồn sồn dấm dẳng lắm. Ông thì chần chừ, tính tới tính lui. Cái lò sưởi đã từng gây hỏa hoạn, dù một trận cháy mi ni, muốn sử dụng lại phải được thanh tra của thành phố giám định, rồi công ty lãnh sửa chữa phải lập đề án thuyết phục, thợ phải có bằng cấp và được chứng nhận hành nghề, sữa chữa lắp đặt xong phải báo thanh tra đến kiểm tra, rồi thông báo cho hãng bảo hiểm… chứ có phải đơn giản như lượm củi trong vườn vô chất thành đống mà đốt lên. À, nói tới củi mới là “cái nhọt dưới mông”! Mỗi lần đốt lò sưởi là phải khuân một giỏ củi to từ ngoài hè (rét mướt) vào nhà, vụn củi rắc từ cửa nhà bếp qua phòng ăn đến phòng khách, mà củi có nhẹ đâu.
Bà bèn nói để bà khuân củi cho (nói vậy thôi!) Bà cứ lải nhải đòi gắn lò sưởi là vì cái kinh nghiệm ớn lạnh khi trải qua mùa đông đầu tiên ở xứ này. Trận bão tuyết gây mất điện. Tuy chỉ ngày hôm sau sự cố được khắc phục, nhưng chỉ một giờ sau khi hệ thống sưởi bằng điện ngưng hoạt động, căn phòng trở nên lạnh không chịu nỗi, có bao nhiêu chăn áo quấn vào người vẫn lạnh. Gọi 911, nhân viên cứu hộ đến chở mình vô khách sạn. Thật đáng ngưỡng mộ xã hội văn minh! Dè đâu sau đó khách sạn đưa hóa đơn mình thanh toán, một trăm mấy chục đô, gồm cả thuế! Bà kiên quyết đòi nhà có lò sưởi bằng củi để phòng khi điện đóm trật vuột, chứ đâu phải lãng mạn gì.
Cuối cùng ông chịu. Một phần quả thật có lo điện đóm trục trặc, lúc này thời tiết bất thường, bão giông không chừng được, không thể ỷ lại vào kỷ thuật hiện đại. Một phần vì ông cũng lãng mạn. Tuổi trẻ ông từng sống nhiều năm giữa núi rừng, trải qua những mùa đông trong căn chòi gỗ một gian, không điện đóm. Ông biết nỗi khát khao bếp lửa khi lầm lũi đi trong rừng đêm, biết cái cảm giác ấm áp đặc biệt khi ngồi nhìn củi cháy bập bùng trong căn chòi gỗ giữa hoang vu vắng lặng. Ánh sáng và hơi ấm của lửa lấn át nỗi sợ hãi của con người. Ngọn lửa tòa ra niềm tin. Ngọn lửa giúp người ta tưởng tượng. Nó cũng làm cho người ta bớt cô độc: nó tặng cho người ta cái bóng của chính mình.
Vậy là mùa đông đã đến, gõ cửa từng nhà bằng những vốc tuyết quăng đầy thềm. Tuyết phủ khắp mái nhà, ngọn cây, bãi cỏ, mặt đường… khiến cảnh vật như tranh vẽ không dùng các màu xanh đỏ vàng. Chỉ là những đường nét xám xám nâu nâu trên cái nền trắng toát. Ngọn khói lò sưởi tỏa ra từ những ống khói nhô trên mái nhà đầy tuyết là những vệt lam mơ hồ, chờn vờn rồi tan biến vào bầu trời cũng xam xám hư vô.
Thấy tôi thẩn thờ nhìn tuyết lấp kín lối đi ngoài cửa, anh đến ngồi bên cạnh nói căn nhà này chắc chắn lắm, em đừng lo lắng. Tôi nhìn vào mắt anh, thấy câu trả lời được mớm sẵn trong đó, rằng “vì có anh bên cạnh …”, nhưng tôi lại mĩm cười: “ừ, em đâu có lo, nhà có lò sưởi mà!”
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222