Sông nước minh mông

Nhiều khi ở xa nhớ nhà, tôi vào maps.google, gõ địa chỉ nhà mình, phóng to tối đa, tỷ lệ cỡ 1cm bằng 20m, chọn hình ảnh 3D “earth”, để nhìn thấy cái nóc tòa nhà chung cư nơi ba và em mình ở, tán cây dầu che gần kín lòng đường An Dương Vương, mấy chiếc xe buýt nối đuôi nhau bên kia đường Nguyễn Tri Phương. Thấy cả xe hơi, xe taxi, còn xe hai bánh thì hơi nhòa nhạt. Rồi tôi bấm vào nút “nhìn quanh” để hình ảnh xoay, như thể mình nhìn từ không trung xuống mặt đất đang quay. Công viên Văn Lang, nhà thờ Ngã Sáu, trường Trần Khai Nguyên, chợ An Đông, bệnh viện An Bình, cầu Nguyễn Tri Phương…
Nhiều khi tôi cứ thả lòng mình đi hoang theo nỗi nhớ, dí con chuột xuôi theo đại lộ Đông Tây dọc kinh Tàu Hủ, ngắm những cây cầu mới, bến bãi dọc bờ, nhà cửa, xưởng máy… rồi những cánh đồng, chỗ màu nâu, chỗ màu xanh, như những miếng gạch lắp ghép lớn nhỏ không đều, xen kẻ những cụm cây xanh. Rồi đến những dòng sông chảy qua những cánh đồng, lại nhà cửa phố xá, Tân An, Mỹ Tho… A, sông Tiền đây. Những cù lao thon thả như những mảnh cẩm thạch xanh biếc giát lên dòng sông xanh lơ (có lẽ phản ánh màu trời), được chấm phết đó đây bằng mấy bớt mây trắng tựa như bông gòn bay.
Những nơi chốn này tôi đều quen thuộc. Hồi còn là bào thai tôi đã được mẹ mang theo trên những chuyến xe đò đi về Vĩnh Long thăm bác tôi. Ở Việt Nam ba tôi chỉ có một người anh ruột ở Vĩnh Long và một người chú họ ở Sóc Trăng, nên má tôi coi nơi anh chồng sinh sống như “nhà chồng”. Hay có lẽ đó là cách nói của bà ngoại tôi. Bà chỉ cây quít trong vườn nói bên nhà chồng con Ba cho, hồi nó đi thăm bà con bên chồng. Ngoại nói lúc đó má đang có bầu tôi, ra chợ Vĩnh Long thấy bán quít thèm quá, nhà chồng bèn cho cây giống đem về trồng.
Sông Tiền là nơi tôi đi qua trong bụng mẹ, trong tay mẹ ẳm bồng, theo chân mẹ dắt díu. Còn lần đầu qua sông Hậu là lúc tôi hai tuổi rưởi, đi thăm ông chú. Ông bà nội ở tận “bên Tàu”, nên má dạy tôi gọi ông chú bà thím ở Sóc Trăng là ông nội bà nội, coi những người em họ của ba tôi như cô chú ruột. Sau chuyến đi đó, má sanh đứa con thứ hai, rồi thứ ba. Má bận bịu, đau yếu, nên chuyện đi thăm “nội” bị gát lại hoài. Má dỗ em tôi “mau mau lớn, má dắt đi thăm nội, đi coi sông Cái minh mông trời nước.” Em tôi chắc không biết gì, nhưng tôi đủ lớn để mong ngóng, đến già vẫn nhớ nỗi náo nức ngóng về một chốn “trời nước minh mông”.
Thử hình dung con đường má dắt tôi về “nội” khoảng cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước. Từ nhà đi ra chợ Búng bằng xe thổ mộ, đón xe lô, xe lam đi Sài Gòn, rồi đi tiếp xe đò lục tỉnh, qua vô số cầu lớn cầu nhỏ, và hai chuyến bắc. Má nói tôi ngủ li bì trên xe, nhưng xuống tới bắc là tỉnh ngay, mở mắt thao láo mà nhìn sông. Sau này lớn lên, mỗi lần qua bắc tôi đều để ý thấy con nít nào xuống bắc cũng tỉnh như sáo. Có lẽ vì gió sông thổi tiêu cơn buồn ngủ. Cũng có thể vì giòng sông minh mông trời nước là một cảnh tượng choáng ngộp tâm trí, đối với cả người lớn, nói chi trẻ con.
Giữ con chuột ở nút xoay có các mũi tên chỉ hướng, mặt bản đồ lướt đi y như mặt đất nhìn xuống từ cửa sổ máy bay mà có lần tôi được ngắm khi bay từ Sài Gòn đến Cà Mau. Chỉ khác là bản đồ có ghi chú địa danh, nên lần lượt hiện ra cầu Rạch Miễu, Chợ Lách, Cái Bè… Cầu Mỹ Thuận có thể trông rõ hai trụ cầu chính, xe cộ trên cầu như những cái chấm mờ. Những quốc lộ, tỉnh lộ mang số hiệu trong ô chữ nhật đỏ: 876, 883, 884, 901, 902, 903, 904, 905, 908, 909, 30, 53, 57, 60, 80… chằng chịt như mạng nhện. Tiếc là kênh rạch sông ngòi cũng chằng chịt, trông còn rõ hơn những con đường, thấy cả tàu bè chạy trên sông, mà sao không thấy ghi tên họ gì hết. Dù vậy, dĩ nhiên, không thể không nhận ra những nhánh sông Tiền sông Hậu. Mặt sông vẫn minh mông, cả khi nhìn trên bản đồ chụp từ về tinh.
Những mảnh hình chữ nhật xanh rì , hiển nhiên là đồng ruộng, vườn tược, nối tiếp nhau lợp kín mít toàn bộ vùng châu thổ sông Cửu Long, ngoại trừ những khu đô thị rải rác,. Những chấm trắng, nâu, dọc theo những cạnh chữ nhật và những đường thẳng, đường cong, tất nhiên là nhà dọc theo lộ hay kênh rạch. Khi nói khơi khơi là riêng vùng châu thổ này sản xuất số lượng gạo đủ ăn cho khoảng 300 triệu người trên thế giới, người ta có thể nghĩ tới những giá trị tính thành bao nhiêu tỷ đô la của sản phẩm, của tài nguyên, đất, nước, trí tuệ, công sức. Có thể hình dung những sà lan đầy ắp lúa nối đuôi nhau trên sông nước minh mông. Có thể nhìn kỹ hơn để thấy trên những mảnh ruộng ngập nước, những con người còng lưng cắm mặt xuống bùn lầy. Người ta có một khái niệm chung chung về cuộc sống và tâm tư những con người đó, nhưng làm sao hiểu thấu? Công cụ zoom của google dù phóng to hết cỡ cũng chỉ cho thấy mái nhà của họ như những cái chấm lờ mờ.
Châu thổ sông Cửu Long được hưởng ân phước của thiên nhiên trong nhiều năm qua. Nước, phù sa, thủy sản… là quà tặng hào phóng của dòng sông Mekong, chưa kể sự thiêng liêng hùng vĩ của sông nước minh mông ngấm vào đời sống tinh thần, đời sống văn hóa của mấy chục triệu con người sinh trưởng hoặc từng đi qua nơi này. Có những người chẳng có cội rễ gì ở vùng châu thổ ấy, chỉ đi qua một đôi lần, thậm chí chỉ nhìn xuống từ trên không, hay thấy trong phim ảnh, hay đọc trong sách báo, mà vẫn cảm thấy nặng lòng với số phận đồng bằng. Người ta nhìn tới tương lai 50 năm, 20 năm, hay 10 năm nữa của dòng sông Mekong mà lo lắng.
Không phải lo lắng dòng sông đang giẫy chết, mặc dù sông cạn núi mòn là lẽ thường của tự nhiên, và đã từng có những dòng sông biến mất trong lịch sử trái đất. Sông Mekong chỉ đang biến đổi, như tất cả những con sông khác trên địa cầu luôn biến đổi, và đang biến đổi khó lường trong bối cảnh trái đất nóng lên. Sự biến đổi của sông Mekong, cùng với thiên nhiên và xã hội con người trong lưu vực của nó, gây chú ý đặc biệt vì nó là một trong những “điểm nóng”, mong manh nhứt, trong cuộc biến đổi khí hậu hiện nay. Ngoài tác động của tự nhiên, sự can thiệp của con người đối với dòng sông cũng gây tranh cãi. Châu thổ đang điêu đứng không chỉ vì nước biển dâng, đập xây trên thượng nguồn, mà còn vì sự ô nhiễm thải ra từ các khu công nghiệp, khu dân cư, du lịch, phương tiện giao thông vận tải, việc sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản. Hầu như hoạt động nào của con người hiện nay cũng gây tổn thương cách nào đó trên vùng sông nước minh mông này.
Bằng kỷ thuật máy tính người ta đã thử đưa ra hình ảnh của đồng bằng sông Cửu Long trong 10, 20, 50 năm tới. Tôi xem một lần, đau lòng không muốn xem lần thứ hai hình ảnh đồng bằng teo tóp lại khi mực nước biển dâng nuốt trọng đất liền. (Sóc Trăng của cô chú tôi chìm xuống biển trước tiên!) Những cái đập trên sông Mekong dù có dằng co trì hoãn thêm ít lâu rồi cũng sẽ được xây, vì lợi nhuận của kẻ giàu mạnh, không thể chống lại lòng tham khủng khiếp của những thế lực quốc tế bằng lòng tham ngu muội của những thế lực địa phương. Trong khi đó dân số tăng, giáo dục xuống, văn hóa rã rục, mạnh ai nấy chụp giựt trong thời buổi mà dân bản xứ gọi là “mạt pháp”.
Nhưng. Nhưng. Nhưng đó là cái nhìn của kẻ bi quan yếu hèn, buông tay đón ngày “tận thế”. Có thể tôi hơi lạc quan. Nhưng những cánh đồng lúa mênh mông mà tôi mê ngắm từ trên cao, và từng chạy xe gắn máy hàng giờ trên những bờ thửa, đâu phải “tự nhiên” mà có sẵn. Mới hai ba mươi năm trước tôi từng chạy xe hàng giờ qua những cánh đồng đó, toàn cỏ năng, nước phèn trong vắt không một con cá nào sống nỗi. Ân phước của dòng Mekong chỉ ban cho những kẻ dũng cảm, có trí tuệ, có lòng yêu kính dòng sông, biết vận dụng qui luật thiên nhiên. Có thể thiên nhiên khắc nghiệt và qui luật đào thải sẽ đẩy một số xã hội vào diệt vong, như đã từng xảy ra trong lịch sử ở vùng hạ lưu sông Mekong, nhưng sẽ có những xã hội tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh thiên nhiên mới. Như đã xảy ra trong 300 năm gần đây ở miền nam nước Việt.
Những người trong suốt 300 năm qua đã tạo nên mảnh đất tươi đẹp như vầy giữa minh mông sông nước, không có lẽ nào chịu để nó trở thành hoang mạc hay bãi rác trong 30 năm tới.

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222