Những người sanh sau chiến tranh

Chuyện này đeo đẳng tôi từ Tết cho đến giờ. Tôi phải viết ra, bởi dù sao thì trời đất vẫn xoay vần, đã qua tháng tư, sang tháng năm rồi.
Tôi bay đến Siem Riep, đi cùng một đoàn khoảng 60 du khách, đa số là người Mỹ từ trung niên trở lên, trên một con tàu tên La Marguerite, từ Tonle Sap xuôi theo dòng sông Mekong xuống đồng bằng sông Cửu Long, kết thúc ở bến Mỹ Tho, từ đó đi đường bộ về Sài Gòn.

Hành trình một tuần lễ, lúc ở Kampuchia thì thăm đền đài Angkor, thị trấn cổ ven sông, cung điện, chùa chiền ở thủ đô Phnom Penh, cánh đồng tàn sát và trại giam tra tấn của Pol Pot. Sau đó tàu vào Việt Nam ở cửa khẩu Tân Châu, đi thăm các cù lao nổi giữa sông Tiền, làng nông nghiệp, làng nghề, khu di tích căn cứ Xẻo Quít, thị xã Sa Đéc, nhà của “Người Tình” bà Marguerite Duras.
Những người thiết kế tour và hướng dẫn viên nhiệt tình mua vui cho khách phương xa. Ở Kampuchia người ta nhấn mạnh vào hào quang một thời của nền văn minh Angkor và tôi ác diệt chủng của Pol Pot. Ở Việt Nam là màu xanh của vườn tược ruộng đồng, cuộc sống bình lặng của người dân cần cù hiếu khách, đặc biệt là sự phát triển trong thanh bình sau cuộc chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ.

Trên xe buýt về Sài Gòn, một người Mỹ lớn tuổi đột ngột hỏi hướng dẫn viên: “Làm sao mà các người có thể dễ dàng tha thứ chúng tôi?” Người hướng dẫn tour ấy là một thanh niên, anh sốt sắng trả lời như thể anh đã gặp câu hỏi này không ít lần rồi. Tôi nhớ hai ý chính trong nội dung anh trả lời: Hai phần ba dân số Việt Nam hiện nay chào đời sau khi chiến tranh kết thúc, những người này không hề trải nghiệm chiến tranh, không có ký ức về chiến tranh, nên họ cũng không có hận thù. Và, dân Việt Nam đa số theo đạo Phật, có lòng hỉ xã từ bi, họ xóa bỏ hận thù để sống tiếp cuộc đời mình trong an lạc.

Không ai thắc mắc thêm hay tranh cãi gì sau câu hỏi và câu trả lời đó. Mặc dù một ông Mỹ già khác càu nhàu riêng, chỉ đủ cho người ngồi bên cạnh nghe: Câu hỏi đó khiến ổng khùng (nguyên văn “drives me nut”). Ổng nói “Chúng ta” , vì ổng cũng là Mỹ, “đi gieo thãm họa cho người khác, rồi mong mọi sự tốt đẹp ra, được tha thứ, để rồi đi gây thãm họa nơi khác nữa.” Những bất đồng ý kiến về cuộc chiến là vô tận, mà bất đồng sau chiến tranh cũng vô phương hòa giải.
Tôi hơi bần thần vì một lý do khác. Mỗi khi ai đó lưu ý rằng đại đa số dân chúng Việt Nam sanh sau chiến tranh, và đang ở tuổi thanh thiếu niên, tôi cảm thấy như bị nhắc nhở rằng tôi thuộc về cái thiểu số một phần ba những người đã già và ít nhiều có liên can đến cuộc chiến, dù chỉ đơn giản là được sanh ra trước 1975. Thành thật mà nói, tôi không hề chứng kiến một trận đánh hay thả bom nào cả. Tôi lớn lên ở thành phố, nhà ở ngay sau bệnh viện Triều Châu, ngay hồi Mậu Thân cũng chỉ thấy thương vong ở nơi khác chở vào bệnh viện, chứ cái xóm nhỏ của tôi giữa Chợ Lớn ấy không nghe vang một tiếng súng nổ nào.
Nhưng tôi có một người bạn trang lứa, chị Việt Nga, quen nhau vì chị là người biên tập ở báo Khăn Quàng Đỏ và tôi lúc ấy là một sinh viên tập viết truyện thiếu nhi. Có lần hai người ở chung phòng trong một chuyến đi “trại sáng tác”, tôi chứng kiến chị chịu đựng những cơn đau đớn kinh niên vì những mãnh bom sót lại đâu đó trong cơ thể chị do bị thương từ hồi còn là một đứa bé trong chiến tranh. Chị vẫn lạc quan, vì đang yêu. Nhưng sau khi lấy chồng, sanh một đứa con trai, chị bệnh nặng hơn, rồi qua đời lúc tuổi xuân đang phơi phới và “Cu Khương” của chị còn lẫm đẫm trước con đường đời mới mở ra.
Tôi gặp mẹ của chị Nga sau đám tang, bà không khóc nữa, chỉ nghẹn ngào nói bà thấy tôi lại nhớ đứa con gái duy nhất của mình. Tôi nói má tôi đã mất, tôi vẫn luôn ao ước có một người để gọi là má. Từ đó bà cho phép tôi gọi bà là Má Năm. Tôi biết Má Năm thương tôi như đã thương chị Nga, mặc dù tôi không bao giờ thay thế được chị trong chăm sóc phụng dưỡng má. May mà Má Năm rất khỏe mạnh, cùng Ba đi đó đây sưu tầm dân ca, làm thơ, viết sách, sống an vui với mọi người.
Khi tôi nói với Má Năm tôi sẽ kết hôn với một người Mỹ, bà sốc. Nhưng gượng qua. Đến ngày cưới Má Năm tặng tôi một chiếc nhẫn, cầu chúc tôi hạnh phúc, nhưng không đi dự đám cưới. Sau này mỗi lần về Việt Nam tôi đều muốn đưa chồng tôi đến gặp Má Năm, dù sao bây giờ anh cũng đã là người trong gia đình, nhưng rồi trục trặc gì đó, hoặc Má Năm bận đi đâu đó đột xuất… Tôi biết cho dù bà có thể đã tha thứ, nhưng bà không thể nào quên.
Tôi cũng biết có những người Mỹ, dù họ không hề tham chiến ở Việt Nam, hoặc phản đối cuộc chiến, thậm chí chấp nhận lưu vong tù đày và những bất lợi thiệt thòi khác khi từ chối đi lính qua Việt Nam. Mà trong lòng họ cũng không nguôi mặc cảm tội lỗi đối với những nạn nhân chiến tranh. Họ không tìm sự tha thứ, mà tìm cách ngăn chặn những cuộc chiến khác, cứu lấy những nạn nhân khác.
Dòng cuối cùng tôi muốn viết cho “Cu Khương”. A, nhưng nay Khương đã là một chàng trai hăm mấy tuổi rồi! Chàng trai ấy thuộc về số đông sanh ra sau khi cuộc chiến tàn. Chắc chắn Khương không thể nhớ gì về chiến tranh. Nhưng bởi vì tôi cũng đã mồ côi mẹ từ tấm bé, tôi biết Khương lớn lên không thể không nhớ má Nga, một nỗi nhớ suốt đời người, không nguôi và không có gì bù đắp được.

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222