Đại học Mỹ năm 2020

Một học sinh lớp Một vào năm 2009 sẽ chuẩn bị vào đại học năm 2020. Lúc đó đại học sẽ như thế nào? The Chronicle Research Services (tạm dịch Vụ Nghiên cứu Biên niên) đã đặt vấn đề và thử tìm câu trả lời qua tư liệu và nghiên cứu của các trường đại học , những cuộc phỏng vấn với những chuyên gia đang hoạch định tương lai nền giáo dục Mỹ, và các cuộc thăm dò những hội đồng tuyển sinh.. Sau 2 năm (2009 đến 2011), phần đầu trong báo cáo dự kiến 4 phần đã được công bố vào đầu tháng 8/2011 gây chú ý không chỉ trong giới sư phạm, mà đã lôi cuốn vào diễn đàn tranh luận các phụ huynh, bản thân những người trẻ, và giới truyền thông. Người nào quan tâm đến bản báo cáo này, có thể tìm đọc nguyên văn ở đây: http://www.washington.edu/faculty/facsen/issues/college_2020.pdf
Nhưng dĩ nhiên đó là tầm nhìn của những nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ, vì con em họ và tương lai phát triển đất nước họ. Nước mình có những vấn đề không giống ai (hoặc có giống nước này nước kia, nhưng vì những nước đó không giàu mạnh tiên tiến nên mình không thèm học tập.) Hình như mục tiêu phấn đấu của phần lớn các nhà “làm đại học” trong nước ta là xây dựng những viện đại học tiêu chuẩn quốc tế và siêu lợi nhuận. (Mục tiêu siêu lợi nhuận tuy không được thú nhận công khai, nhưng nhiều trường đại học tư đã đạt được.) Dù vậy, thỉnh thoảng tôi nghe một hai đồng nghiệp còn đứng trên bục giảng, hay các vị phụ huynh, cũng là bạn bè mình, bày tỏ mối quan ngại về việc học hành của con cái. Từ lúc đi nhà trẻ và trường mẫu giáo đã có nỗi lo của nhà trẻ và mẫu giáo, đến khi xong 12 năm phổ thông, nỗi lo dồn lại thành một đống như núi trước cổng trường đại học. Có mấy đứa cháu tôi dưới quê, nói chuyện lên thành phố vào đại học trong nước đã cho là một mơ ước viễn vông, nói chi đại học Mỹ.
Nhưng vì mấy bậc cha mẹ uống thuốc liều quyết chí cho con ăn học đến nơi đến chốn, và một vài đồng nghiệp còn ít nhiều tâm huyết, nên tôi tài lanh ghi lại đây các nguồn thông tin và những ý chính của công trình nghiên cứu Đại học 2020, cũng như những ý kiến tranh luận đáng chút ý. Nguồn thông tin đầu mối là trang mạng http://collegeof2020.com/ của tác giả bản báo cáo, ông Martin Van Der Werf. Theo như ông tự bạch, lý do khiến ông thực hiện cuộc nghiên cứu này là vì đứa con trai đầu lòng của ông sẽ đứng trước ngưỡng cửa đại học vào năm 2020. Là cha, đương nhiên ông canh cánh việc giáo dục con mình, băn khoăn về tương lai của nó, và phát hiện rằng ông không phải là bậc phụ huynh duy nhứt lo nghĩ về điều này. Phụ huynh ở thế kỷ trước, khi đưa con đến trường (có thể là ngôi trường mình đã từng học tập, có nhiều kỷ niệm và thầm tri ân) biết rõ con mình sẽ được dạy dỗ thế nào, những kinh nghiệm nó sẽ trải qua thường là những gì mình từng trải qua, và tương lai nó có thể được vạch trước rõ ràng. Phụ huynh ngày nay không có được sự bảo đảm đó.
Thế giới đang thay đổi, nền giáo dục nước nào cũng đang phải thay đổi, nếu muốn thực hiện được tốt hai yêu cầu cốt lõi: phát triển kinh tế và duy trì bản sắc văn hóa. Nền giáo dục nước nhà phải như thế nào để con cái chúng ta có đủ kỷ năng tham gia vào cuộc cạnh tranh kinh tế trong vài thập niên sau, trong khi chúng ta hiện giờ đang chòi đạp trong nợ nần và bất ổn của nền kinh tế chưa tìm được hướng đi. Và nền giáo dục phải như thế nào để con em chúng ta (chịu) thừa kế những giá trị của ông cha, duy trì và phát huy những ưu việt trong gia tài văn hóa mà ta tự hào có được, thậm chí đã hy sinh nhiều xương máu để giữ gìn, truyền trao lại cho các thế hệ tương lai. Có một video dài chưa tới 12 phút khá thú vị và bổ ích về đề tài này đang phổ biến rộng rãi trên http://www.youtube.com/watch?v=zDZFcDGpL4U (đã có hơn 5 triệu lượt xem)
Thật ra, chỉ cần gõ “College of 2020” vào bất kỳ công cụ tìm kiếm nào, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn hay tham khảo ý kiến của những người có cùng mối quan tâm. Nếu không có thì giờ làm vậy, mà muốn biết ngay vậy chứ đại học Mỹ 2020 có gì lạ, thì tôi tóm thật tắt như vầy: Đại học chính qui nội trú 4 năm sẽ lỗi thời, đại học cộng đồng phát triển mạnh, đại học vì lợi nhuận phát triển nhanh, việc học qua mạng hay bằng các phương tiện kỷ thuật truyền thông (điện thoại thông minh chẳng hạn) thay thế dần lớp học cổ điển (thầy trò đối mặt nhau trong phòng học ), ngay cả sinh viên đại học chính qui cũng sẽ có 60% các lớp học trên mạng (online), những cuộc thảo luận, học nhóm, tham vấn giáo sư… cũng đều sẽ thực hiện qua mạng hay điện thoại. Những thay đổi chủ yếu đều nhằm tạo tiện lợi cho sinh viên vì họ trở thành người tiêu thụ quyết định trong nền kỷ nghệ giáo dục đầy tính cạnh tranh. Vai trò truyền giảng tri thức của giáo sư sẽ được thay thế với vai trò hướng dẫn, gợi ý, và giúp tổ chức việc học tập nghiên cứu của sinh viên. Nhờ sự đa dạng và mở rộng của các hình thức đại học, số người học đông hơn, số tuổi trung bình của sinh viên cao hơn, thay vì 18-25, vì nhiều người chọn hình thức đại học linh động, đi làm rồi quay lại học , hoặc vừa học vừa làm, mục đích học tập cụ thể thực dụng hơn, và người có trình độ đại học sẽ có thu nhập cao hơn thấy rõ so với lao động không có bằng cấp.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222