Trời sẽ sáng

Đêm sẽ qua. Trong những hy vọng và đợi chờ, đó là điều chắc chắn nhứt. Chiếc đồng hồ tròn trên tường bảo đảm điều đó. Cây kim giây màu đỏ tic tắc chuyển động, tốc độ không đổi, lộ trình bất tận qua mười hai con số trên một mặt phẳng có hàng chữ “Trung tâm X kính biếu”. Ưu điểm của chiếc đồng hồ này là nó không kêu to. Khi âm thanh ngoài đường lắng xuống, và căn phòng ngớt tiếng chuyện trò thăm hỏi, trong im lặng phập phồng chỉ vang lên khe khẻ tiếng tíc tắc như thể thằn lằn chậc lưỡi.
Quả thực có hai con thằn lắn trong phòng, có thể chỗ trú ẩn của chúng là dưới hộp đèn nê ông, có thể thức ăn của chúng là những con thiêu thân lao vào ánh sáng của bóng đèn. Những con thiêu thân ấy là mối, muỗi, bướm, rầy nâu hay bù mắt…? Xác chúng lác đác rơi xuống mặt bàn kim loại sơn trắng, lem nhem dấu vết không rõ rệt và không lau xóa được. Ngoài chúng ra, trong phòng còn có một đàn kiến. Có thể mặt bàn trong phòng chỉ là một trong những vùng kiếm ăn của kiến. Thỉnh thoảng chúng biến mất một cách bí hiểm rồi lại xuất hiện như bằng phép thuật.
Trời sáng chưa? Người nằm trên giường cạnh cửa sổ hỏi. Chưa. Mới nửa đêm. Mặt trời lên rồi kìa. Đâu phải, bóng đèn đường đó mà. Chói mắt quá. Ừ, để che lại. Cửa sổ không màn, nhưng một tấm khăn lông được treo lên. Đôi mắt không còn tinh anh của người bệnh nằm liệt giường nhiều ngày chớp nhẹ rồi lại mở ra, có vẻ đăm đăm nhìn vào tấm khăn màu xanh lá mạ. Đỡ ba dậy nấu nước pha café. Đây đâu phải ở nhà mình. Đây là bệnh viện. Bệnh viện à? Đôi mắt mờ đục dường như cố gắng hiểu ra, hay chấp nhận thực tế. Hay không chấp nhận. Đôi mắt chậm rãi nhắm lại. Gương mặt như chìm xuống một biển buồn mênh mông.
Trên mặt, ngực, bụng, tay chân bệnh nhân nằm giường kia gắn lòng thòng dây nhợ nối với lỉnh kỉnh máy móc chung quanh giường nằm. Cái màn hình trên tường chốc chốc lại bật sáng những đèn xanh hoặc cam hoặc đỏ mỗi khi những con số thay đổi liên tục vượt quá một ngưỡng nào đó. Lúc đó cái máy phát tiếng kêu tút tút rồi éo éo rất chói tai. Người nuôi bệnh bật dậy, chăm chú nhìn mấy lằn vạch màu xanh lá xanh lơ trồi lên tụt xuống, không thể diễn dịch chúng thành cái gì cả, đành nhìn người thân nằm thiêm thiếp, hoang mang lo âu. Điều dưỡng vào nhìn con số màu đỏ dưới đáy màn hình, bảo huyết áp tụt thấp, để kêu bác sĩ trực.
Căn phòng chộn rộn một lúc, cuối cùng sự im lặng lại phình ra, lấn ép tiếng đồng hồ tíc tắc trên tường. Coi vậy mà trận cuồng phong khuấy động căn phòng chỉ diễn ra trong vòng mười phút. Tic tắc, tíc tắc, tíc tắc. Trời sáng chưa? Chưa. Ba ngủ thêm chút nữa đi. Kêu dùm một cái café. Một hai giờ khuya đâu có ai buôn bán gì. Có mà, Chợ Lớn giờ nào cũng có người uống café. Đầu hẻm ở Dòn Mé Sán có café ngon lắm. Tiếng thì thầm rơi rụng xuống miền ký ức khi ngoài đường chợt rầm rầm rộ rộ vang lên tiếng ụn ụn ào ào như hàng trăm chiếc xe gắn máy cùng phóng ào qua. Café đây… ba ngủ rồi?
Tiếng ngáy khò một hơi ngắn rồi đứt đoạn như họng bị chẹn ngang. Đôi mắt người đàn ông chín mươi tuổi mở ra ngơ ngác. Đây là đâu? Người là ai? Đau quá. Sao mà đau quá. Ui… tiếng rên không nén được xao động cái ao không khí tỉnh lặng của căn phòng nhỏ. Sự im lặng cô đặc dần. Tiếng rên cũng trở nên bất lực. Bất lực. Nó khiến người ta bức bối phát điên rồi tuyệt vọng đến nghẹn ngào. Làm sao được? Ngay cả ngôn ngữ là thứ có thể phù phép huyễn hoặc cũng bất lực. Làm sao một con người có thể sống hay chết vì một người khác, cho một người khác? Một cơn đau còn không đau thế được.
Xa xa nghe như có tiếng gà gáy. Có thể, chung cư Xóm Cải có nhiều người nuôi gà đá. Tiếng gà như cố nhắc “ông già” chiều chiều lững thững đi bộ qua công viên Văn Lang vô xóm coi đá gà. Đá gà chuyên nghiệp, cá độ to, rất hấp dẫn. Ráng uống thuốc, mau hết bệnh rồi đi coi đá gà ở Xóm Cải nghe. Mấy giờ rồi? Trời sắp sáng. Thấy công nhân bắt đầu quét đường rồi. Nấu cháo chưa? Cháo chín rồi, ăn nóng cho ngon nha. Ngon không? “Ông già” chóp chép miệng, nuốt được hai muỗng, ngoẹo đầu ngủ thiếp đi.
Ba giờ hai mươi. Hóa ra những người quét đường làm việc sớm hơn mình tưởng. Lâu nay vẫn ra đường đi bộ thể dục lúc năm giờ sáng, thấy đường mới quét dọn sạch sẽ tinh tươm, tưởng công nhân làm việc cỡ bốn giờ sáng. Tiếng chổi đều đều xa dần. Đâu đây có một con chó, có thể hai con, vì có tới hai giọng sủa một trầm một bỗng. Không biết chó sủa gì, đêm nay có trăng không? Mới tháng bảy mà dọc hàng rào bệnh viện đã dựng sạp bán bánh trung thu. Những cây dầu trên đường Nguyễn Tri Phương này bao nhiêu tuổi? Nhớ hồi nhỏ ngồi xích lô máy chạy trên đường này, ngước nhìn hàng cây dầu cao ngất và bầu trời xanh thăm thẳm lướt qua vun vút. Đâu ngờ thời gian lướt qua còn nhanh hơn.
Cái máy trên tường lại kêu tút tút. Người nằm giường bên kia với đám dây nhợ giăng mắc khắp người rên khe khẻ, mở mắt ra. Hai người nuôi bệnh bật dậy, chồm lên giường kê tai sát miệng người bệnh lắng nghe tiếng thều thào. Mấy giờ rồi? Trời sắp sáng. Sắp qua được một đêm. Ráng lên. Trời sẽ sáng.
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222