Trở lại Dòn Mé Sán
Lơ đãng bước tới đầu con hẻm, tôi nghe kêu “X. L.” Đó là cái tên tục của tôi hồi nhỏ ở xóm Dòn Mé Sán. Chỉ có người trong gia đình và bạn nối khố ở xóm cũ là gọi tôi bằng cái tên đó. Tôi nhìn đăm đăm người vừa gọi mình. Người đàn ông trung niên cũng nhìn tôi chăm chú với chút e dè, như không chắc mình vừa làm một việc đúng. Nụ cười nở nửa chừng vừa thân thiện vừa thăm dò, nửa cởi mở nửa như phòng thủ. Anh vừa gọi tôi? Vậy đúng là X. L.? Nhớ tôi không? T. nè! Còn thằng này là S. , con ông Ba hớt tóc. Nhớ ra chưa? Nhà tôi ở trên cái dốc, đối diện nhà X.L. đó. Nhớ rồi. Bao lâu nay các anh vẫn ở xóm cũ? Chứ đi đâu?
Ừ, đi đâu? Tôi cũng chỉ dọn qua một chung cư cách xóm cũ hai dãy phố ngắn, thuộc phường 9, xóm cũ thuộc phường 7, đều ở trong quận 5. Chỉ có điều mấy chục năm trời xuôi ngược, tôi đi đông đi tây, mà không mấy khi đi ngang xóm cũ. Tệ hơn, đất Chợ Lớn đông chật bao nhiêu là người, có người vẫn nhớ tôi mà tôi không nhớ gì hết. À, có. Nhớ ngày xưa sau mỗi trận mưa, nước cuốn đi rác rưởi, để lộ một khoảnh đất bằng trước nhà T., sạch sẽ và êm mát. Hễ vừa tạnh mưa là có một ham muốn kỳ lạ thôi thúc tôi để chân trần chạy ra mảnh đất đó, vẽ những ô vuông để chơi lò cò. Tụi con trai trong xóm lại thích chơi tạt lon. Thường thì trước khi tôi cò cò hết một vòng hay cất được “nhà” trong một ô vuông, tụi con trai đã ùa tới, dùng chân xóa tầy huầy khung lò cò của tôi, và thô lỗ xô tôi ra khỏi sân chơi “con trai” của tụi nó. T với S dám thuộc đám con trai đó.
Bây giờ… anh ra sao? Tôi hỏi T. hơi lúng túng về cách xưng hô. T gọi tôi là X. L., không kèm tiếng chị / em / cô / bác gì cả. Hồi còn là một lũ con nít sàn sàn nhau , không chắc ai lớn tuổi hơn ai, tụi tôi “mày / tao” với nhau. Ấy là khi có hòa bình. Những lúc chửi bới đánh lộn nhau, đứa này gọi đứa kia bằng tất cả những từ tục tĩu mà tự điển Dòn Mé Sán có được, hoặc những cái tên được cho là khủng khiếp nhứt mà khả năng sáng tạo ngôn ngữ của trẻ con có thể nảy ra trong cơn “tam bành lục tặc.” Hình như tôi là một trong những “con tam bành lục tặc” nổi tiếng ở Dòn Mé Sán một thời. Cái thời mũi dãi lòng thòng ghẻ chí tùm lum ấy…
Tôi đi vào con hẻm hình lòng phễu, tới chỗ cái phễu thắt lại chỉ còn rộng vừa đủ cho một người đi. Ngôi nhà tuổi thơ của tôi ở đó. Một trong những căn chòi lá dựng san sát dựa vào bức tường phía sau bệnh viện Triều Châu. Cư dân hầu hết là người tản lạc vào chốn thị thành từ những miền quê khói lửa hoặc xa hút. Họ kiếm sống bằng nghề thủ công và bán hàng rong. Họ sống lây lất qua ngày với những giấc mơ riêng: Mai mốt chiến cuộc tàn sẽ trở về quê cũ nơi mình có đất có nhà đàng hoàng. Mai mốt làm ăn khấm khá, hay trúng số, mua nhà chỗ khác dọn đi, chứ xóm này lẫn lộn đỉ điếm ma cô trộm cướp xì ke … Mai mốt lọt vào mắt xanh một hoàng tử sẽ một bước lên bà, đổi đời một “con Tư / con Tám”. Chỉ có lũ trẻ con hồn nhiên tắm mưa, cuộc tranh đấu “sanh tử” là giành nhau bãi đất mịn để nhảy lò cò hay để chơi tạt lon.
T. và S. bây giờ chạy xe ôm, “bến” của hai anh ở ngay đầu hẻm. Ngày ngày ngồi tréo nguẩy trên chiếc xe gắn máy của mình, các anh điểm danh người ra vô xóm. X. L. về một mình hay có ông xã cùng về? (Thì ra họ biết tôi có chồng ở Mỹ). Chú Ba mổ chưa? (Họ cũng biết ba tôi đang nằm bệnh viện vì gảy cổ xương đùi). Họ nói X. L. đưa Chú Ba về nhà cũ dưỡng bệnh cho tiện đi đứng hơn (họ còn biết nhà tôi trong chung cư ở tận lầu 3), để hàng xóm cũ tiện qua thăm nói chuyện cho chú Ba đỡ buồn.
Hàng xóm cũ thực ra đâu còn mấy người cùng thời với ba tôi. Người duy nhứt trong xóm có thể nói chuyện với ba bằng tiếng Tiều là anh H. thuộc về thế hệ tôi, lớn hơn vài tuổi. Còn lại vài ba người nói tiếng Quảng. Người trong xóm bây giờ , ngay cả con cháu của người Quảng và người Tiều cũng nói tiếng Việt. Tôi e là những người trẻ không có ký ức gì về cha tôi. Ngay cả tôi, có lẽ chỉ những người như anh S. anh T. anh H., những người của đám trẻ con tranh nhảy lò cò và tạt lon ngày xưa mới biết. Nhưng họ biết gì? Anh H. trả lời đứa cháu nội (cháu nội!) khi nó hỏi “Ai vậy?” lúc tôi đưa ba về nhà cũ: “Ông già Tiều bán bánh bao hồi xưa ở kế bên nhà mình đó mà, còn bà này là con gái của ổng. Chào bà đi con. “
Tôi mĩm cười với đứa nhỏ. Trong đôi mắt nó, tôi là ai đó thuộc hàng “ông bà nội” , nó chào một tiếng rồi chạy ù ra sân. Chỗ khoảnh đất tôi nhảy lò cò ngày xưa bây giờ đã tráng xi măng. Một đám trẻ con trai và gái đang hò hét rượt đuổi nhau. Đứa nào chơi lò cò? Đứa nào đòi tạt lon?
Lý Lan
Ừ, đi đâu? Tôi cũng chỉ dọn qua một chung cư cách xóm cũ hai dãy phố ngắn, thuộc phường 9, xóm cũ thuộc phường 7, đều ở trong quận 5. Chỉ có điều mấy chục năm trời xuôi ngược, tôi đi đông đi tây, mà không mấy khi đi ngang xóm cũ. Tệ hơn, đất Chợ Lớn đông chật bao nhiêu là người, có người vẫn nhớ tôi mà tôi không nhớ gì hết. À, có. Nhớ ngày xưa sau mỗi trận mưa, nước cuốn đi rác rưởi, để lộ một khoảnh đất bằng trước nhà T., sạch sẽ và êm mát. Hễ vừa tạnh mưa là có một ham muốn kỳ lạ thôi thúc tôi để chân trần chạy ra mảnh đất đó, vẽ những ô vuông để chơi lò cò. Tụi con trai trong xóm lại thích chơi tạt lon. Thường thì trước khi tôi cò cò hết một vòng hay cất được “nhà” trong một ô vuông, tụi con trai đã ùa tới, dùng chân xóa tầy huầy khung lò cò của tôi, và thô lỗ xô tôi ra khỏi sân chơi “con trai” của tụi nó. T với S dám thuộc đám con trai đó.
Bây giờ… anh ra sao? Tôi hỏi T. hơi lúng túng về cách xưng hô. T gọi tôi là X. L., không kèm tiếng chị / em / cô / bác gì cả. Hồi còn là một lũ con nít sàn sàn nhau , không chắc ai lớn tuổi hơn ai, tụi tôi “mày / tao” với nhau. Ấy là khi có hòa bình. Những lúc chửi bới đánh lộn nhau, đứa này gọi đứa kia bằng tất cả những từ tục tĩu mà tự điển Dòn Mé Sán có được, hoặc những cái tên được cho là khủng khiếp nhứt mà khả năng sáng tạo ngôn ngữ của trẻ con có thể nảy ra trong cơn “tam bành lục tặc.” Hình như tôi là một trong những “con tam bành lục tặc” nổi tiếng ở Dòn Mé Sán một thời. Cái thời mũi dãi lòng thòng ghẻ chí tùm lum ấy…
Tôi đi vào con hẻm hình lòng phễu, tới chỗ cái phễu thắt lại chỉ còn rộng vừa đủ cho một người đi. Ngôi nhà tuổi thơ của tôi ở đó. Một trong những căn chòi lá dựng san sát dựa vào bức tường phía sau bệnh viện Triều Châu. Cư dân hầu hết là người tản lạc vào chốn thị thành từ những miền quê khói lửa hoặc xa hút. Họ kiếm sống bằng nghề thủ công và bán hàng rong. Họ sống lây lất qua ngày với những giấc mơ riêng: Mai mốt chiến cuộc tàn sẽ trở về quê cũ nơi mình có đất có nhà đàng hoàng. Mai mốt làm ăn khấm khá, hay trúng số, mua nhà chỗ khác dọn đi, chứ xóm này lẫn lộn đỉ điếm ma cô trộm cướp xì ke … Mai mốt lọt vào mắt xanh một hoàng tử sẽ một bước lên bà, đổi đời một “con Tư / con Tám”. Chỉ có lũ trẻ con hồn nhiên tắm mưa, cuộc tranh đấu “sanh tử” là giành nhau bãi đất mịn để nhảy lò cò hay để chơi tạt lon.
T. và S. bây giờ chạy xe ôm, “bến” của hai anh ở ngay đầu hẻm. Ngày ngày ngồi tréo nguẩy trên chiếc xe gắn máy của mình, các anh điểm danh người ra vô xóm. X. L. về một mình hay có ông xã cùng về? (Thì ra họ biết tôi có chồng ở Mỹ). Chú Ba mổ chưa? (Họ cũng biết ba tôi đang nằm bệnh viện vì gảy cổ xương đùi). Họ nói X. L. đưa Chú Ba về nhà cũ dưỡng bệnh cho tiện đi đứng hơn (họ còn biết nhà tôi trong chung cư ở tận lầu 3), để hàng xóm cũ tiện qua thăm nói chuyện cho chú Ba đỡ buồn.
Hàng xóm cũ thực ra đâu còn mấy người cùng thời với ba tôi. Người duy nhứt trong xóm có thể nói chuyện với ba bằng tiếng Tiều là anh H. thuộc về thế hệ tôi, lớn hơn vài tuổi. Còn lại vài ba người nói tiếng Quảng. Người trong xóm bây giờ , ngay cả con cháu của người Quảng và người Tiều cũng nói tiếng Việt. Tôi e là những người trẻ không có ký ức gì về cha tôi. Ngay cả tôi, có lẽ chỉ những người như anh S. anh T. anh H., những người của đám trẻ con tranh nhảy lò cò và tạt lon ngày xưa mới biết. Nhưng họ biết gì? Anh H. trả lời đứa cháu nội (cháu nội!) khi nó hỏi “Ai vậy?” lúc tôi đưa ba về nhà cũ: “Ông già Tiều bán bánh bao hồi xưa ở kế bên nhà mình đó mà, còn bà này là con gái của ổng. Chào bà đi con. “
Tôi mĩm cười với đứa nhỏ. Trong đôi mắt nó, tôi là ai đó thuộc hàng “ông bà nội” , nó chào một tiếng rồi chạy ù ra sân. Chỗ khoảnh đất tôi nhảy lò cò ngày xưa bây giờ đã tráng xi măng. Một đám trẻ con trai và gái đang hò hét rượt đuổi nhau. Đứa nào chơi lò cò? Đứa nào đòi tạt lon?
Lý Lan