Đọc truyện ngắn dự thi Yume

“Sân chơi” là một trong những từ được dùng rộng rãi hiện nay, ít ra là trên các phương tiện truyền thông. Có nhiều thứ “sân chơi” lắm, dành cho trẻ em, người lớn, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà văn… Chẳng hạn các mạng xã hội trên Internet là “sân chơi” của bất cứ người nào sử dụng máy tính có nối với Internet. Thôi thì từ đã phổ biến thì tôi dùng luôn cho tiện.
“Blog” là một sân chơi vừa vặn cho bất cứ người nào muốn ghi chép cuộc sống hay thể hiện tâm tình, ý tưởng, quan sát, nhận định, cảm xúc, hay cả sự trống rỗng. Khi ở nước ngoài tôi thường đọc blog viết bằng tiếng Việt của những người (theo tự bạch) là những người trẻ tuổi ở trong nước, như một kiểu hoài niệm cố hương và một thời đã mất của mình. Cũng để học tiếng nói đương thời của người trẻ, vì ngôn ngữ blog thường là ngôn ngữ nói, và phần lớn người ta blog y như người ta nói.
Như mọi thứ khác, nhiều blog đã tiến hóa thành diễn đàn chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn thích đọc blog , không phân biệt đó là blog của nhà văn chuyên nghiệp hay một người thỉnh thoảng viết chơi. Người viết, dù chỉ “thử” hay quyết chí làm văn chương nhất định nhìn thấy triển vọng tiếp cận độc giả và đồng nghiệp (kể cả nhà xuất bản và nhà phê bình) qua các mạng xã hội. Thỉnh thoàng các mạng này tổ chức những cuộc thi thơ hay văn xuôi, một cách khiêm tốn với mặc cảm “nghiệp dư”.
Khi mạng Yume mở cuộc thi truyện ngắn tôi nghĩ đây có thể là một bước đột phá. Họ mời một ban giám khảo là những nhà văn chuyên nghiệp có tiếng tăm, treo những giải thưởng có giá trị vật chất không nhỏ, như một cuộc thi văn chương đàng hoàng kiểu truyền thống, nhưng cách thức dự thi hoàn toàn hiện đại: người viết tự tạo blog và đăng tải tác phẩm của mình cho bất cứ ai cũng có thể đọc và bình luận, ban tổ chức cuộc thi chọn lựa tác phẩm xuất sắc từ những blog này chuyển tới ban giám khảo. Vì vậy, người chấm giải cuối cùng thực ra chỉ là một trong cộng đồng “giám khảo” rộng lớn trên mạng. Tôi ý thức điều đó, và quyết định là không đọc trực tiếp từ blog và những bình luận của “bá tánh”, mà chỉ đọc 30 truyện ngắn vào chung kết do ban tổ chức chuyển đến.
Lần đầu đọc những truyện ngắn này, tôi không thể biết các tác giả là ai. Tôi đọc để chọn ra một giải nhứt, hai giải nhì… , và văn bản gởi cho tôi không kèm theo tên người viết. Tôi đọc, canh cánh trong đầu yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi về thang điểm, từ 1 đến 10. Sau khi lọc ra những truyện có điểm cao nhứt (hình như không khớp lắm với kết quả của các vị giám khảo khác), tôi có cảm giác nhẹ nhõm của người đã làm xong một nhiệm vụ bất khả thi.
Sau đó tôi đọc lại tất cả những truyện ngắn đó , như một người đói bụng ngồi vô bàn tiệc, xoa tay hít hà ngắm nghía, rồi nếm rồi nhai, rồi ngừng tất cả hoạt động bản thân, đóng hết các giác quan, để tận hưởng cảm giác tuyệt vời của miếng ngon được nuốt qua cổ họng.
Không phải miếng nào trên bàn ăn cũng là sơn hào hải vị, mà chính sự đa dạng của các món ăn mới là bí quyết khiến thực khách no say. Một bàn tiệc mà tất cả các món dọn ra đều là thịt cá chất lượng cao là bàn tiệc không ai ăn nỗi. Một rỗ rau sống, một ơ cá kho, một chén cơm nóng, một dĩa mực xào , một tộ cạnh mướp bổ sung nhau, tôn vinh nhau, không thể nào xếp được thứ hạng nhứt nhì trong mục “ngon” hay “bổ”.
Không phải nói vậy để rào đón hay bao biện cho chất lượng khác nhau của 30 truyện ngắn vào chung kết Cần gì phải làm như vậy. Ý tôi là tôi đọc truyện cũng như ăn vậy, khẩu vị tùy lúc, tùy nơi, tùy thể trạng, tùy bữa nữa. Có bữa thấy thịt kho nước dừa bắt ớn, có bữa thấy mà thèm. Thành ra bữa nay đọc nhằm cái truyện không được giải gì mà bỗng nhiên khoái…
Tuy nhiên, tôi muốn giới thiệu một trong những truyện đọa giải. Người đàn bà đa tình.
Người đàn bà đa tình dở hay hay là tùy người đọc. Nó như “tiếng khóc thầm”. “Khó nghe lắm.” “Đó là những tiếng khóc làm không gian đứt gãy.” Không phải ai nghe được cũng cảm thông. Mà cảm thông không có nghĩa là tán đồng. Truyện đặc sắc nhờ giọng văn, hồn chữ, và hậu vị. Hậu vị là cái vị đắng nhân nhẩn, cay the the còn vương một hồi trên lưỡi, trong cổ họng, sau khi đã nuốt vào rồi. Đây là một trong số ít truyện ngắn không đọc thì thôi, đọc rồi bần thần như Thúy Kiều trước mả Đam Tiên: “Người mà đến thế thì thôi.” (Nguyễn Du – Truyện Kiều) Thường thì chữ có nghĩa là đạt yêu cầu hành văn mạch lạc. Có những chữ không nghĩa mà thiếu nó thì cả câu, cả đoạn không toát ra được hồn phách của ngôn ngữ. Chẳng hạn, cậu trai mới lớn nghe ra tiếng khóc thầm của người đàn bà đốt lá còng bán tro nuôi con ở nhà bên cạnh, cậu bèn đốn cây gòn trong sân nhà mình để trồng còng. Mẹ của cậu hỏi:
-Trồng còng chi?
-Cho nó rụng lá…
Tới đây thì má của Đĩnh đã hiểu.
-Mày vô đốt nhà, thảy tao vô đó luôn cho nó nhiều tro.

Chữ “nó” không có vai vế gì trong câu nói của người mẹ, nhưng không có nó, thì còn đâu hương vị lời ăn tiếng nói của người miền Nam?
Chữ trong truyện này còn bị ngắt ra, vò lại trong “không gian đứt gãy” của giọng văn bị ngậm lại, nín nhịn, nuốt bớt. Cậu công tử vườn mê người đàn bà từng theo trai, “Đám giang hồ cười cậu “cưới đàn bà ngóc đầu lên nổi tao kê cổ cho khứa”.Yếu bóng vía mới tin. Nhưng cậu bại trận hoài. Trong bụng không khi nào thấy vui. Cậu hận mình. Cái mùi trinh nguyên nó ra làm sao. Những lúc kề cận nhau cậu hay hỏi mày còn tưởng nhớ thằng đó phải không. Mợ không nói được.
Đây là chuyện của người đàn bà cố dụi tắt lửa lòng hay bài vỡ lòng yêu của cậu trai mới lớn? Đây là bi kịch chồng chúa vợ tôi, sự phục tùng ngu muội của kẻ bị áp bức, dù được lôi ra con đường giải phóng vẫn lết về địa ngục để chết cho tròn thủy chung? Hay đây là cái trò đời oái oăm, người ta hành hạ nhau và tự đày ải mình trong ngục tù của đầu óc chật hẹp, tình cảm quẩn quanh và cuộc sống đầy xiềng xích ràng buộc nhau ?
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222