Thư của Toni Morrison gởi một người đàn bà Sudan
Tôi đang đọc Toni Morrison, người đàn bà viết văn người Mỹ da đen đã được trao giải thưởng Nobel văn chương, tác giả những tác phẩm nổi tiếng như Mắt xanh nhất, Bài ca Solomon, Người thân yêu... Ngoài tiểu thuyết, Toni Morrison còn viết nhiều thể loại khác, và bài viết mới nhất của bà là một bức thư ngỏ gởi người đàn bà Sudan.
Nhân đọc bức thư này, tôi đọc thêm một ít bài trên Internet về Sudan. Một bài trên trang Sudan Vision viết là đa số dân Sudan ở thành phố lớn hiện đại đều còn gốc gác ở những làng quê vẫn còn giữ nề nếp văn hóa cổ truyền. Những ngày nghỉ lễ, người ở đô thị đều có nhu cầu trở về làng để sum họp với gia đình. Người viết kể rằng gia đình ông gồm 15 người tính luôn đàn bà và trẻ con đã chất lên hai chiếc xe lái về quê, lúc trời xẩm tối thì một chiếc xe bị trục trặc, nằm vạ dọc đường. Trong lúc họ dừng xe để sửa thì một người đàn ông ở làng gần đó đến hỏi han sự tình, rồi dứt khoát mời mọi người về nhà ông nghỉ ngơi. Cánh đàn ông bèn để đàn bà con nít theo ông ta về làng. Hai giờ sau, xe sửa xong bèn chạy vô làng, thì thấy gia chủ đã cho giết một con cừu để làm cơm đã khách. Chủ nhà ước chừng 15 khách không thể ăn hết một con cừu nên sẵn dịp mời luôn cả làng đến nhậu cho vui.
Nhờ hình ảnh trên mạng, tôi được xem cảnh trí thơ mộng xứ Sudan, lại được nghe âm nhạc và xem những điệu múa quyến rũ của phụ nữ xứ đó. Có một video trên youtube về phụ nữ Sudan, nét mặt từng người đều thể hiện tính cánh riêng, như phụ nữ ở các nơi khác. Họ đều đẹp, đặc biệt phụ nữ ở đô thị phương bắc. Ngay cả những phụ nữ ở phương nam lam lũ làm nghề nông da đen giòn vẫn thể hiện nét duyên dáng trong ánh mắt nụ cười. Chỉ có điều, luật nước lệ làng ở Sudan có những qui định khắt khe và tàn nhẫn đối với phụ nữ. Chẳng hạn đàn bà phải ở trong nhà, ra nơi công cộng phải có phụ huynh đi kèm, không được phép tiếp xúc với đàn ông xa lạ, bị ném đá đến chết nếu ngoại tình, nếu bị hiếp dâm thì lỗi tại mình khêu gợi… nên đàn bà phải đội khăn và mặc áo chùng thâm che phủ từ đầu đến gót. Đàn bà ăn mặc không đứng đắn, như mặc quần tây chẳng hạn, thì bị phạt 40 roi. Có một video (phổ biến trên Youtube) cảnh một phụ nữ Sudan bị hai cảnh sát dùng roi quất nơi công cộng trước sự chứng kiến thích thú của những người đàn ông đứng chung quanh. Đây là video mà Toni Morrison nói đến trong bức thư bà cho đăng trên nhiều phương tiện truyền thông trong mấy ngày qua. Tôi nghĩ, nếu biết đến một đất nước, một dân tộc, một nền văn hóa thông qua vài trang mạng hay vài đoạn video thì rất phiến diện. Nhưng bức thư của nhà văn Toni Morrison là một tác phẩm hùng hồn, rất có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh bình đẳng giới. Nên tôi mạn phép dịch sang tiếng Việt, vì hẳn Toni Morrison muốn nội dung bức thư lan tỏa càng rộng càng tốt. (Bản dịch từ nguyên văn đăng trên Newsweek Magazine ngày 18/9/2011, với tựa “Dignity and Depravity”, Nhân phẩm và Hủ bại *)
“Gởi một người đàn bà Sudan:
Mấy tháng trước, tôi có xem một video về hình phạt giáng xuống chị - trận đòn bằng roi nơi công cộng được thi hành theo luật pháp, mà theo tôi biết thì việc này là bình thường ở đất nước của chị. Tôi đã từng thấy nhiều thí dụ tiêu biểu cho sự tàn bạo của con người, nhưng cảnh này đặc biệt xót xa.
Một số suy nghĩ đã trồi lên trong lúc tôi đang chữa bệnh.
Tôi cứ tự hỏi cần bao nhiêu gan mật để quất roi vào một người đàn bà. (Đến như đao phủ cũng có thể diện để trùm mặt lại che giấu sự hổ thẹn khi chặt đầu). Có thể người đàn ông quất roi vào chị đã vênh váo về tài nghệ điêu luyện của ông ta: không quất hụt một đòn nào, luôn luôn giữ cho ngọn roi tiếp xúc da thịt chị. Hẳn là sướng lắm khi dần nhừ một người đàn bà không vũ khí và vô phương tự vệ. Thật đáng mặt đàn ông, thật là hình ảnh hào hùng. Nhìn những người đàn ông đứng xem và cười hô hố trước cảnh tượng chị bị làm nhục khiến tôi trầm uất không khác gì thấy cảnh đao phủ hành hình. Tôi biết qua lịch sử việc chế ngự đàn bà – không chỉ hoạt động của họ, ngôn ngữ của họ, mà đặc biệt là cả tử cung, trứng và bào thai của họ - là một trong những nền tảng chính của những quốc gia có chủ quyền. Và mặc dù những quốc gia hiện đại đã dần dà bãi bỏ những qui định cổ xưa, một số nước như nước của chị , cũng như nước Ả Rập Saudi và một số nước khác, vẫn bám chặt những luật lệ bảo vệ đàn ông. Đối với họ một cái trứng là vấn đề quốc sỉ, còn tinh trùng thì không sao.
Biểu hiện quyền lực của họ thật là ấu trĩ, và chế độ như thế thật là đáng sợ.
Tôi không biết, hay không cần biết, chị đã vi phạm “luật” gì. Điều tôi biết là việc phạm luật mà phụ nữ như chị bị buộc tội liên quan đến sự bất kham của các chị. Và trong một chế độ như ở nước chị - cho dù bị áp bức âm thầm hay trong hỗn loạn – không ngoan ngoãn thì ăn roi: dám ra chỗ công cộng một mình, dám đàn đúm với đàn ông không phải cha anh mình, dám có điện thoại di động, dám lái xe, dám mặc quần. Kẻ không phương tự vệ thì bị trừng phạt vì mang thai đứa con của ông chủ đã hiếp dâm mình. Và tuổi tác không thành vấn đề: trẻ con 11 tuổi hay bà già 75 đều bị tù đày và hành hạ vì dám kháng cự, lỡ quên hay không biết những qui tắc không thể hiểu nỗi, thậm chí ngu xuẩn.
Nhưng cuộc đời súc vật khốn nạn mà nhiều phụ nữ bị buộc phải sống đang bị thách thức. Phản ứng ngoan cường mà tôi thấy trên đoạn video đó là điều quan trọng nhất. Chị đã không trốn núp, không quì mọp, không co cụm khoanh tròn lại. Chị đã gào thét. Chị té ngã. Nhưng chị tiếp tục trỗi dậy. Sau mỗi lát cắt của ngọn roi quất vào da thịt chị , chị lại cố gắng đứng lên; chị gồng thân thể mình lên như làn roi giáng trả lại. Nhìn phản ứng của chị tôi đã xúc động vô cùng. Tôi diễn dịch những phản ứng đó như những tia hy vọng mong manh của bản năng bất khuất.
Mỗi vết roi cắt trên lưng chị làm tổn thương phụ nữ trên khắp thế giới. Mỗi vết sẹo mà chị mang cũng là cái sẹo chung của chúng ta. Tôi không khuyên nhũ gì chị cả, và cũng sẽ không chuẩn bị đưa ra lời khuyên nào cả, nhưng như hàng ngàn phụ nữ khắp nơi tôi sẽ không ngậm nuốt đau buồn hay ẩn náu trong tuyệt vọng. Phụ nữ đang lên tiếng, đang nói to lên những gì các chị bị cấm nói, đang làm công khai những gì các chị chưa từng được phép làm. Phụ nữ đang tập hợp lại, đòi hỏi rằng những cố gắng trỗi dậy của chị để đương đầu với bạo tàn không vô nghĩa.
Thân ái,
Toni Morrison”
(*) http://www.thedailybeast.com/newsweek/2011/09/18/toni-morrison-on-the-injustice-of-a-public-whipping-in-sudan.html
Lý Lan
Nhân đọc bức thư này, tôi đọc thêm một ít bài trên Internet về Sudan. Một bài trên trang Sudan Vision viết là đa số dân Sudan ở thành phố lớn hiện đại đều còn gốc gác ở những làng quê vẫn còn giữ nề nếp văn hóa cổ truyền. Những ngày nghỉ lễ, người ở đô thị đều có nhu cầu trở về làng để sum họp với gia đình. Người viết kể rằng gia đình ông gồm 15 người tính luôn đàn bà và trẻ con đã chất lên hai chiếc xe lái về quê, lúc trời xẩm tối thì một chiếc xe bị trục trặc, nằm vạ dọc đường. Trong lúc họ dừng xe để sửa thì một người đàn ông ở làng gần đó đến hỏi han sự tình, rồi dứt khoát mời mọi người về nhà ông nghỉ ngơi. Cánh đàn ông bèn để đàn bà con nít theo ông ta về làng. Hai giờ sau, xe sửa xong bèn chạy vô làng, thì thấy gia chủ đã cho giết một con cừu để làm cơm đã khách. Chủ nhà ước chừng 15 khách không thể ăn hết một con cừu nên sẵn dịp mời luôn cả làng đến nhậu cho vui.
Nhờ hình ảnh trên mạng, tôi được xem cảnh trí thơ mộng xứ Sudan, lại được nghe âm nhạc và xem những điệu múa quyến rũ của phụ nữ xứ đó. Có một video trên youtube về phụ nữ Sudan, nét mặt từng người đều thể hiện tính cánh riêng, như phụ nữ ở các nơi khác. Họ đều đẹp, đặc biệt phụ nữ ở đô thị phương bắc. Ngay cả những phụ nữ ở phương nam lam lũ làm nghề nông da đen giòn vẫn thể hiện nét duyên dáng trong ánh mắt nụ cười. Chỉ có điều, luật nước lệ làng ở Sudan có những qui định khắt khe và tàn nhẫn đối với phụ nữ. Chẳng hạn đàn bà phải ở trong nhà, ra nơi công cộng phải có phụ huynh đi kèm, không được phép tiếp xúc với đàn ông xa lạ, bị ném đá đến chết nếu ngoại tình, nếu bị hiếp dâm thì lỗi tại mình khêu gợi… nên đàn bà phải đội khăn và mặc áo chùng thâm che phủ từ đầu đến gót. Đàn bà ăn mặc không đứng đắn, như mặc quần tây chẳng hạn, thì bị phạt 40 roi. Có một video (phổ biến trên Youtube) cảnh một phụ nữ Sudan bị hai cảnh sát dùng roi quất nơi công cộng trước sự chứng kiến thích thú của những người đàn ông đứng chung quanh. Đây là video mà Toni Morrison nói đến trong bức thư bà cho đăng trên nhiều phương tiện truyền thông trong mấy ngày qua. Tôi nghĩ, nếu biết đến một đất nước, một dân tộc, một nền văn hóa thông qua vài trang mạng hay vài đoạn video thì rất phiến diện. Nhưng bức thư của nhà văn Toni Morrison là một tác phẩm hùng hồn, rất có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh bình đẳng giới. Nên tôi mạn phép dịch sang tiếng Việt, vì hẳn Toni Morrison muốn nội dung bức thư lan tỏa càng rộng càng tốt. (Bản dịch từ nguyên văn đăng trên Newsweek Magazine ngày 18/9/2011, với tựa “Dignity and Depravity”, Nhân phẩm và Hủ bại *)
“Gởi một người đàn bà Sudan:
Mấy tháng trước, tôi có xem một video về hình phạt giáng xuống chị - trận đòn bằng roi nơi công cộng được thi hành theo luật pháp, mà theo tôi biết thì việc này là bình thường ở đất nước của chị. Tôi đã từng thấy nhiều thí dụ tiêu biểu cho sự tàn bạo của con người, nhưng cảnh này đặc biệt xót xa.
Một số suy nghĩ đã trồi lên trong lúc tôi đang chữa bệnh.
Tôi cứ tự hỏi cần bao nhiêu gan mật để quất roi vào một người đàn bà. (Đến như đao phủ cũng có thể diện để trùm mặt lại che giấu sự hổ thẹn khi chặt đầu). Có thể người đàn ông quất roi vào chị đã vênh váo về tài nghệ điêu luyện của ông ta: không quất hụt một đòn nào, luôn luôn giữ cho ngọn roi tiếp xúc da thịt chị. Hẳn là sướng lắm khi dần nhừ một người đàn bà không vũ khí và vô phương tự vệ. Thật đáng mặt đàn ông, thật là hình ảnh hào hùng. Nhìn những người đàn ông đứng xem và cười hô hố trước cảnh tượng chị bị làm nhục khiến tôi trầm uất không khác gì thấy cảnh đao phủ hành hình. Tôi biết qua lịch sử việc chế ngự đàn bà – không chỉ hoạt động của họ, ngôn ngữ của họ, mà đặc biệt là cả tử cung, trứng và bào thai của họ - là một trong những nền tảng chính của những quốc gia có chủ quyền. Và mặc dù những quốc gia hiện đại đã dần dà bãi bỏ những qui định cổ xưa, một số nước như nước của chị , cũng như nước Ả Rập Saudi và một số nước khác, vẫn bám chặt những luật lệ bảo vệ đàn ông. Đối với họ một cái trứng là vấn đề quốc sỉ, còn tinh trùng thì không sao.
Biểu hiện quyền lực của họ thật là ấu trĩ, và chế độ như thế thật là đáng sợ.
Tôi không biết, hay không cần biết, chị đã vi phạm “luật” gì. Điều tôi biết là việc phạm luật mà phụ nữ như chị bị buộc tội liên quan đến sự bất kham của các chị. Và trong một chế độ như ở nước chị - cho dù bị áp bức âm thầm hay trong hỗn loạn – không ngoan ngoãn thì ăn roi: dám ra chỗ công cộng một mình, dám đàn đúm với đàn ông không phải cha anh mình, dám có điện thoại di động, dám lái xe, dám mặc quần. Kẻ không phương tự vệ thì bị trừng phạt vì mang thai đứa con của ông chủ đã hiếp dâm mình. Và tuổi tác không thành vấn đề: trẻ con 11 tuổi hay bà già 75 đều bị tù đày và hành hạ vì dám kháng cự, lỡ quên hay không biết những qui tắc không thể hiểu nỗi, thậm chí ngu xuẩn.
Nhưng cuộc đời súc vật khốn nạn mà nhiều phụ nữ bị buộc phải sống đang bị thách thức. Phản ứng ngoan cường mà tôi thấy trên đoạn video đó là điều quan trọng nhất. Chị đã không trốn núp, không quì mọp, không co cụm khoanh tròn lại. Chị đã gào thét. Chị té ngã. Nhưng chị tiếp tục trỗi dậy. Sau mỗi lát cắt của ngọn roi quất vào da thịt chị , chị lại cố gắng đứng lên; chị gồng thân thể mình lên như làn roi giáng trả lại. Nhìn phản ứng của chị tôi đã xúc động vô cùng. Tôi diễn dịch những phản ứng đó như những tia hy vọng mong manh của bản năng bất khuất.
Mỗi vết roi cắt trên lưng chị làm tổn thương phụ nữ trên khắp thế giới. Mỗi vết sẹo mà chị mang cũng là cái sẹo chung của chúng ta. Tôi không khuyên nhũ gì chị cả, và cũng sẽ không chuẩn bị đưa ra lời khuyên nào cả, nhưng như hàng ngàn phụ nữ khắp nơi tôi sẽ không ngậm nuốt đau buồn hay ẩn náu trong tuyệt vọng. Phụ nữ đang lên tiếng, đang nói to lên những gì các chị bị cấm nói, đang làm công khai những gì các chị chưa từng được phép làm. Phụ nữ đang tập hợp lại, đòi hỏi rằng những cố gắng trỗi dậy của chị để đương đầu với bạo tàn không vô nghĩa.
Thân ái,
Toni Morrison”
(*) http://www.thedailybeast.com/newsweek/2011/09/18/toni-morrison-on-the-injustice-of-a-public-whipping-in-sudan.html
Lý Lan