Đá gà
Gà trong xóm này không gáy ò ó o
như con gà trong sách giáo khoa. Có một con gáy “Hê hê hê hê hê he e e e” nghe
như tiếng cười đểu, lúc năm giờ sáng. Một con khác gáy “Khạt khẹt khạt khẹt khạt
khẹt ẹt ẹt” rất giống tiếng ho, chắc do tiếng gà gáy như vầy mà có chữ “ho gà”.
Ít nhứt cũng cỡ một tá gà trống tranh
nhau gáy mỗi sáng, khiến ban mai xóm này rộn rã kiểu tỉnh thành giao duyên: Tiếng
gà lảnh lót hòa nhịp với tiếng xe gắn máy nổ bịch bịch. Sáng sớm nhà nào cũng
có nhu cầu nổ máy xe rõ to, dù để chạy ra đầu hẻm mua ổ bánh mì thịt.
Tôi
không nuôi gà cũng không có xe máy, đi bộ vòng vòng trong mấy con hẻm gọi là tập
thể dục mỗi sáng. Mới biết gà cũng tập thể dục, bằng cách đá nhau. Lúc tiếng gà
rộ lên khắp xóm, ấy là lúc các bác gà rủ nhau ra hẻm dượt vài thế, chơi vài
đòn. Tất cả gà đá là gà trống, tất cả những người nuôi gà đá là đàn ông. Đàn
ông trong xóm sáng sớm ở trần trùng trục, mặt mũi còn ngái ngủ, ôm con gà cưng
ra đầu hẻm để quần hùng hội tụ, không buồn liếc mắt ngó tới người phụ nữ lững
thững đi ngang qua.

Đi vòng vòng trong hẻm lúc sáng sớm
cũng có vài điều ái ngại. Nhà trong hẻm hay mở cửa để bớt tù túng ngột ngạt
trong không gian thường chật hẹp và ít khi có nắng và gió. Hẻm tuy là lối đi
“công cộng” nhưng không “công cộng” như đường phố lớn. Nhiều người coi hẻm, hay
khoảng hẻm trước nhà mình, như chốn
riêng tư , một không gian nới rộng của những ngôi nhà nhỏ xíu, nơi kê ghế đẩu uống
café buổi sáng, tán dóc với láng giềng, hay phơi phóng quần áo chăn màn, thậm
chí kê cái lò than để nướng thịt hay chiên xào khi cúp điện. Đại khái người ta
rất “vô tư” phơi bày sinh hoạt cá nhân ra hẻm. Nói cho cùng, ra vô hẻm là người
trong hẻm, nhà cửa đâu mặt nhau cách con hẻm hai ba thước, ngồi trong nhà này
nhìn thấu nghe suốt mọi thứ của nhà bên kia, bình dân lao động với nhau cả, có
gì mà phải kín đáo bí mật.
Tôi làm bộ không nghe những câu chửi nhau tục
tỉu mà tình tứ của vợ chồng bán hủ tíu.
Tôi cẩn thận đi né cái bếp than nướng thịt của ông bán cơm tấm. Tôi ngó lơ khi đi ngang thằng nhóc đứng tè
trên nắp cống (nó cũng nhắm mắt, mặt mũi mơ màng như còn ngái ngủ). Tôi nín thở bước nhanh để thoát mùi tanh tửi
của những bao rác bị chuột cắn rách, lòi ra ruột cá đầu tôm. Tôi ý tứ không nhìn nghiêng ngó ngữa vô nhà
người ta, ai cũng mới thức dậy, áo quần bèo nhèo, tóc tai chưa chải gỡ, thậm
chí mền gối còn bừa bộn trên sàn nhà. (Nhà trong hẻm có những căn chỉ hai ba chục
mét vuông, ban ngày là phòng khách, ban
đêm trải chiếu xuống sàn làm chỗ ngủ.)
Trở về cái xóm tôi đã sống thời niên thiếu sau mấy chục năm dọn
đi chỗ khác, thực tình tôi đi vòng vòng
vì tò mò muốn nhìn xem xóm cũ đổi thay ra sao, người quen cũ ai còn ai mất. Vừa
đi vừa ngậm ngùi tự ngâm cho mình câu thơ Đường: “Tóc xanh ra đi, về già chác /
giọng nói như xưa, tóc đã bạc / trẻ xóm thấy mặt đâu biết ai / cười hỏi người ở
đâu đi lạc?” Ước chừng những người còn nhận ra
tôi cũng phải xấp xỉ năm mươi trở lên. Mà người sống trên nửa thế kỷ ở xứ
mình thuộc nhóm thiểu số.
Nên tôi hơi giật mình khi nghe kêu bằng tên tục
khi đi ngang qua một chỗ đá gà. Tôi đã
bày tỏ quan điểm rõ ràng ở trên là tôi
không phản đối gì gà đá hay đá gà. Mỗi người có quyền có sở thích và thú chơi
riêng, miễn không gây hại đến quốc gia dân tộc thì thôi. Sở dĩ tôi đi nhanh qua chỗ đá gà mà không nhìn ai hết
là vì quí ông ngồi chồm hỗm o bế mấy con gà đá chỉ mặc mỗi cái quần lửng hay xà
lỏn. Nhưng nghe gọi đúng tên mình thì
tôi dừng bước quay lại đảo mắt một vòng để biết ai vừa gọi mình.
Tôi nhận ra anh chứ, anh Đẩu. Bây giờ trẻ
trong xóm gọi anh là ông Hai, ông nội / ngoại của hai đứa con gái và ba đứa con
trai tuổi từ ba đến mười lăm. Nhưng tôi
còn biết một cái tên khác của anh mà có thể chính anh không biết. Biệt danh Tư Ếch
do bọn con gái đồng lứa năm xưa đặt, dựa theo thế ngồi xỗm của anh khi o bế mấy
con gà. Mà anh lúc nào cũng o bế mấy con gà, có thèm để mắt tới tụi con gái cười
khúc khích đâu? Hồi đó tụi nó gán ghép hết
đứa này tới đứa kia cho anh Tư Ếch. Hồi đó anh cao ráo điển trai nhứt xóm, nhà
khá giả, ít tai tiếng về những khoản rượu gái cờ bạc hút sách, một kiểu “hoàng
tử” trong mơ của con gái trong xóm.
A, thời gian như bóng câu qua cửa sổ ! Trông
anh vẫn còn phong độ lắm. Tôi hỏi mấy chục
năm nay anh làm gì? Mấy người chung quanh cười rộ: Đá gà!
Lý Lan