Chào cả nhà!


Bức thư gởi cho mọi người trong gia đình: Bà, chú thím Tư và con cái dâu rễ cùng cháu nội ngoại của chú thím, cô dượng Hai và con trai, con gái, rễ và cháu ngoại, cô dượng Năm cùng còn trai con cái, cô dượng Út cùng hai con gái. Chồng  tôi là con thứ Ba trong đại gia đình này. Đại gia đình này rải ra khắp nước Mỹ, vượt qua cả Đại tây dương và Thái Bình Dương. Nhưng nhờ có email việc thăm hỏi hay thông báo cho mọi người trong gia đình bất kỳ tin tức gì đều nhanh chóng dễ dàng. Tất nhiên có những chuyện chỉ liên quan đến một người hay một gia đình nhỏ, thì không cần đồng gởi bức thư ấy cho  tất cả những người không liên quan. Bức thư gởi cho “cả nhà”  tôi vừa nhận được là thư mời dự tiệc Giáng Sinh.
Trong xã hội tiêu thụ như Mỹ có những tập quán hình thành vì lý do thương mại. Chẳng hạn việc tặng sô cô la vào ngày lễ tình yêu. Rồi những ngày lễ Cha, lễ Mẹ… cũng được hệ thống truyền thông và quảng cáo điểm trang cho đủ thứ ý  nghĩa để bán hàng. Trong gia đình chồng  tôi có hai quan điểm đối lập: Một phe cho là nên nhân những dịp ấy mà bày tỏ tấm lòng mình với những người thân, không nhứt thiết phải mua những món quà đắt tiền, có thể đưa mẹ đi ăn ở  nhà hàng, hay gởi một tấm thiệp, hoặc một cú điện thoại nếu ở xa. Một phe cho là không cần phải lao theo dòng thác thương mại để bày tỏ tình yêu với người thân, nếu không thể để lộ tình cảm ra mọi lúc mọi nơi thì vẫn còn có khối dịp phi-thương-mãi để bày tỏ sự quan tâm, bằng nhiều cách khác nhau.  Đằng nào thì hàng năm  tôi cũng nhận được quà ít nhứt hai lần: sinh nhật của  tôi và sinh nhật của Chúa Jesu.
Để đáp lại,  tôi phải đánh dấu vào lịch ngày sinh của mọi người, nhứt là những người còn nhỏ tuổi, để gởi quà cho họ. Đó là việc làm quanh năm, vì tháng nào cũng có sinh nhật của người nào đó. Quà giáng sinh là một mối bận tâm khác, chủ yếu được giải quyết bằng việc mua sắm sau ngày lễ Tạ ơn. Từ đầu tháng 11 cái danh sách “nguyện vọng” đã được luân lưu. Nghe chồng  tôi kể là thời tiền-sử-email đây là một công việc khó khăn đầy tế nhị. Làm sao biết người khác ước muốn điều gì để mà tặng quà cho có ý nghĩa, và làm sao bản thân mình không bị nhận những món quà mà mình không muốn chút nào? Email giúp cho cái danh sách nguyện vọng vừa công khai vừa bí mật. Người ta công khai điều mình muốn, rồi hồi hộp chờ đến buổi sáng ngày lễ để mở những gói quà chất quanh gốc cây Noel bên lò sưởi để biết ai đã tặng mình quà gì.
 Đại gia đình này gồm cả chục gia đình nhỏ, có gia đình chỉ vỏn vẹn một người con đã trưởng thành, có sự nghiệp, nhà riêng và cách sông riêng ở một nơi cách gia đình cha mẹ ông bà một đoạn đường nếu lái xe đi thường xuyên thì hơi mệt, mà đi máy bay thì hơi bất tiện. Những gia đình nhỏ gồm vợ chồng và con cái muốn xây dựng truyền thống độc đáo của gia đình riêng của mình. Như gia đình cô Út luôn về trang trại ông nội để nghỉ lễ. Gia đình cô Tư luôn hát cho nhà thờ. Con trai của cô Hai luôn đi du lịch nước ngoài.  Tôi có cảm giác đây là dịp người đã có gia đình riêng muốn siết vòng tay ôm lấy hạnh phúc của mình, người ở ngoài vòng tay ấy tránh đi để hưởng thú độc thân.
Cuộc tụ tập gần như duy nhứt có khả năng đông đủ mọi người tham dự rơi vào dịp lễ Tạ Ơn hoặc bữa tiệc cháo khoảng một tuần trước lễ Giáng Sinh.  Lễ tạ ơn là một bữa tiệc lớn, mọi người kéo về nhà một người, ngày xưa là nhà mẹ, để hè nhau nấu nướng, ăn uống, chuyện trò, rồi (bí mật) có được cái “danh sách nguyện vọng” để sáng hôm sau ào đi mua sắm. Đằng nào cũng phải mua, thì mua luôn vào lúc đại hạ giá cho rồi. Sau khi mẹ bán nhà để vào ở trong chung cư người hưu trí, cuộc tụ tập hàng năm diễn ra ở nhà một người con, cô Hai hoặc chú Tư hay cô Út, và thay vì vào dịp lễ Tạ ơn thì  vào khoảng  một tuần trước Giáng sinh,  để tóm kịp những kẻ lang bạt kỳ hồ trước khi hắn thót lên máy bay biến mất, và không giẫm chân vào kế hoạch riêng của những gia đình nhỏ.  Vào thời điểm này thì quà quéo đều đã sắm xong và gói đẹp, mọi người khuân đến cuộc tụ tập để phân phát và rinh phần của gia đình mình về chất quanh gốc cây Noel ở nhà mình. (Cấm mở trước lễ Giáng Sinh!)  Ai không đến được thì gởi quà theo đường bưu điện.
Bức thư mời năm nay do chú Tư  viết như vầy: “Chào cả nhà! S và  tôi muốn mời mọi người tụ tập ở nhà tụi này vào thứ bảy 17 tháng 12, lúc 11 giờ.  Tụi này hy vọng thời điểm này thích hợp với thời gian biểu  mà đa số có thể sắp xếp được, để chúng ta cùng nhau gặp mặt, ăn mừng mùa lễ và chia sẻ với nhau. Tụi này sẽ có nhiều loại cháo và canh, mọi người cứ mang tới bánh mì,  gỏi, hay bất cứ món gì khác để tất cả cùng thưởng thức. Và cũng xin mọi người đem tới những ký ức trong năm, hay một câu chuyện đặc biệt, hoặc chuyện tiếu lâm hay nhứt của mình, một bài ca hay một món nghệ thuật độc đáo, để cả nhà cùng chia sẻ. Mong gặp lại đông đủ mọi người. Vui lòng báo cho biết có thể tham dự hay không. Cám ơn.”
Giáng sinh này  tôi ở lại Việt Nam, và chồng  phải theo vợ.  Vậy là hụt bữa tiệc cháo Giáng sinh. Tôi phải gởi quà qua bưu điện và viết email hồi âm cho biết mình sẽ không đến được.  Tôi viết: “Chào cả nhà!” Rồi ngẩn ngơ bối rối. “Cả nhà”.  Tôi hình dung những gương mặt già (92 tuổi), trẻ (1 tuổi), tóc đỏ, tóc nâu, da sậm, da nhợt …  tôi từng gặp dưới một mái nhà. Họ là cái khối thống nhứt mà  tôi đang gọi là “cả nhà”!
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222