Sắm đồ Tết


Tối thứ bảy đi dài theo đường Nguyễn Trải định mua vài bộ đồ mặc tết. Trời ơi, người ta đông. Hàng hóa la liệt, lớp treo rợp trên giàn, lớp bày kín kệ và quầy, lớp đổ đống tràn lề đường. Giá nào cũng có, bảng “Sale”, “Đại hạ giá”, “Mua một tặng một”, “Đồng giá 50.000 đồng”, “40%” “60%”, “30%”… trương khắp nơi, cửa hàng nào cũng bày bảng giảm giá như một kiểu rao hàng, quảng cáo. Lại còn cho nhân viên đứng ngoài cửa chào mời lôi kéo. May là những người này chỉ nhắm vô khách trẻ có vẻ chịu chơi, và bỏ qua bà già này.
Nhưng  tôi cũng là khách hàng chịu chơi, túi cũng rủng rỉnh tiền chứ bộ!  Tôi cũng sàng qua sàng lại từ cửa hàng nay đến cửa hàng khác, cũng chen vô mấy đống hàng “xôn” mà lựa mà thử. Thấy người chung quanh chọn cái gì  tôi cũng chọn theo, ướm lên mình, còn hỏi mấy cô bé ngó dùm coi được không. Các cô bé cười mà không nói.  Tôi hớn hở đem vô phòng thử đồ. Quần din là thứ ai mặc cũng được, mông eo đùi mỗi người một kiểu, dẫu khiếm khuyết chút đỉnh cũng coi như  ô kê, miễn tròng vô lọt là cái quần tạo “phọt” chuẩn luôn. (À, hóa ra các cô bé không dùng từ “phọt” (form) mà nói size!)
Đau khổ một nỗi là mấy cái quần din cỡ  nào cũng không vừa với  tôi: Hễ vừa bụng thì ống quần quá dài, hễ vừa đùi thì eo quá rộng. Cũng kiếm được vài cái không bộ phần nào “quá” kích nhưng màu sắc lòe loẹt. Tuy  tôi có lợi thế là đã tới giai đoạn mà mặc cái gì ra đường cũng không ngán ai dòm ngó bình phẩm, nhưng đồ Tết là đồ mình sẽ mặc đi chúc tết hoặc để tiếp khách đến mừng tuổi, dẫu gì cũng phải tôn trọng ba tiêu chí trong lựa chọn: Không đen/trắng, không bèo nhèo cũ xì, không … rách. (Tiêu chí cuối cùng rút ra từ kinh nghiệm xương máu của bản thân: Năm nẵm  tôi bận quá, gần Tết mua đại mấy bộ đồ may sẵn về mặc luôn, đồ mới đàng hoàng, màu sắc tươi tắn, kiểu cọ trẻ trung, rất ư hài lòng. Đương khi ăn uống vui vẻ ở nhà người ta thì bạn khều khều nói nhỏ vô tai là trong buồng tắm có cái gương to lắm vô ngắm thử coi. Ngắm cái gương mới phát hiện cái nút áo ở gần rốn đã bị … sao đó, khiến cho áo banh ra lòi cả khúc bụng.)
Vậy mà từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối, đi rục cả giò, chen  lấn mướt mồ hôi,  tôi vẫn không sắm được bộ đồ nào, trừ một đôi dép giá 20.000 đồng không hề dự định mua. Chẳng là bị lôi kéo trả giá,  tôi trả xuống một phần ba giá rao đặng bỏ đi cho lẹ, ai ngờ bị kêu lại bán luôn! Quyết định bỏ cuộc mua sắm hôm nay,  tôi tách ra khỏi dòng người nườm nượp trên phố, bước xuống lòng đường kiếm một cái taxi. Trời, dòng xe gắn máy vô tận phóng ào ào như nước sông Cửu Long mùa lũ! Xe nào cũng chở đôi (hoặc những xe chở đôi cứ nhè mắt  tôi mà phóng qua.) Không cách nào băng qua được dòng lũ xe cộ ấy,  tôi bắt đầu chóng mặt, xuất hiện vài triệu chứng đau tim. Sau ba tiếng đồng hồ hăng say đua đòi,  tôi đang thấm cái mệt khi người ta không còn trẻ nữa.
Bữa nay đành sắm vải để đưa tiệm may. Hỡi ơi, đi bốn năm tiệm may mà không chỗ nào nhận! Chỗ nào cũng kêu là quá tải rồi, không nhận đồ Tết nữa. Khi cái tiệm may đầu tiên từ chối,  tôi nghĩ bụng tiệm này làm phách nhẻ, thời buổi kinh tế toàn thế giới suy thoái, thất nghiệp tràn lan, người người kiếm đỏ con mắt không ra việc làm, lẽ ra có việc là phải chớp lấy ngay, chứ đâu như kiểu làm như chơi, khách hàng đem việc  tới mà ỏng ẹo bảo là em hổng nhận đâu. Tới cái tiệm thứ tư từ chối,  tôi hơi băn khoăn tự ngó lại mình. Bộ tướng tá  tôi khó may đồ lắm hay mặt mũi khó chơi với thợ may hay sao mà thấy mặt  tôi là người ta lắc đầu nguây nguẩy? Đằng nào thì vải cũng đã mua.  Tôi mở miếng giấy ghi địa chỉ các tiệm may uy tín mà bạn bè em cháu đã giới thiệu để tìm tới cái thứ năm. Bất quá thì vô đại tiệm nào gặp trên đường (thiếu gì!), mắc gì cứ phải vô tiệm “quen” theo giới thiệu của mấy người … quen! Nói ở Sài Gòn này mà không kiếm được chỗ may quần áo cho thiên hạ cười à?
Thôi, không nói chuyện sắm sữa áo quần nữa.  Tôi đang ngẫm nghĩ điều mình nghe thấy và trải qua từ bữa  xuống phố thời trang mua sắm với người ta.   Tôi nhớ những cô gái rủ ba rủ bảy đi mua sắm  với nhau. Một người chọn một cái áo ướm lên mình, nhóm bạn chung quanh ngắm nghía bình phẩm. Đây là phần thú vị nhứt của việc mua sắm. Cùng đi với bạn bè trang lứa cùng thời, cùng bàn bạc / cải vả nhau về những chuyện “sanh tử”  như  màu áo, có ren hay không có ren, và có khả năng  mua cái áo cái quần mà mình thích nhứt. Một cái áo hay cái quần được chọn lựa cẩn thận để chúng trở thành một phần của con người mình trong mắt người ta, một thể hiện của bản thân mình.
A, có một thời  tôi cũng trẻ như họ, cũng bận tâm đến khốn khổ về cái áo cái quần  để mặc đi sinh nhật bạn hay vào những  dịp lễ lạc. Chỉ khác là thời ấy  tôi không có tiền và không có những phố mua sắm tưng bừng như bây giờ. Mỗi năm được mua hai thước vải tiêu chuẩn , và tùy may rủi khi bắt thăm mà được một miếng vải ca rô hay tím bóng. Thời sinh viên  tôi thường mặc một cái quần tím và một cái áo xanh lá cây. Bây giờ ráng tưởng tượng vẫn không hình dung  nỗi , ngay cả khi nhìn lại những ảnh chụp thời đó (may mà ảnh đen trắng) .  Vậy sao mình cũng sống qua một thời trẻ tuổi đầy háo hức say mê há!
Lý Lan    

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222