Bài đăng

Đang hiển thị bài đăng từ Tháng 6, 2008

hình chụp ở Cần Thơ

Hình ảnh

Xóm Chài

Thấy bến phà Xóm Chài bèn qua sông, chỉ để đi phà mà thôi. Không biết bên này hay bên kia từng là xóm chài? Bây giờ hai bên bờ sông đều lô nhô nhà cửa quán xá. Mình mua cái vé 500 đồng xuống phà, qua bên kia bờ đi loanh quanh mấy con hẻm, rồi lại xuống phà trở lại bờ bên nây. Ba giờ chiều nắng còn gắt. Đứng trên bến một lúc nhìn người xe lên xuống. Không đông không vắng. Một chiếc phà nho nhỏ chở khách qua bên kia rồi đón khách trở về. Không hành khách nào quen biết. Họ đi đâu về đâu, cũng không biết. Mình đứng mỏi chân rồi lửng thửng đi. Ở đây một tuần rồi. Cứ lặng lẽ đi không mục đích như vậy. Vẫn chưa gặp được cái cần. Hay đã gặp rồi mà không hay? Không tìm làm sao biết là gặp?

bạn

Ngày xửa ngày xưa bà ngoại tôi có nuôi một con heo mọi. Nó đen như con chó mực, và chỉ lớn hơn con chó một chút xíu. Suôt ngày con chó với con heo đóng vai hai hoạt náo viên chính trong sân và vườn. Tôi là nhân vật thứ ba, trọng lượng xúyt soát con heo mọi. Tôi biết vậy vì thỉnh thoảng cậu tôi quắp con heo mọi trong một cánh tay, tay kia quắp tôi lên đối chứng, rồi lắc đầu: chưa con nào gả được. “Gả” đứa con gái là đưa nó về nhà chồng, còn “gả” con heo là giao nó cho lái heo. Phải tránh nói “bán” vì con heo nhạy cảm lắm, nói bán nó là nó buồn, bỏ ăn. Hồi nhỏ tôi thấy bà ngoại tôi kỳ lắm. Tôi thì lúc nào cũng bị ép ăn, con chó thì không bao giờ được cho ăn, còn con heo mà bỏ ăn thì ngoại lo lắng, nhưng nó đòi ăn thì ngoại rầy! Cơ bản thì ba đứa tôi đều biết tự kiếm ăn trong ngày. Sáng sớm là tụi tôi chạy ra vườn. Mùa xuân bông sầu riêng rụng đầy vườn, chứa đầy mật ngọt lừ, tôi lượm bông tươi nhứt, ngữa cổ, cầm cái bông rót mật vào miệng, ực một cái, khà một cái, như người lớn uống rượu...

chuyện ma

Buổi tối, bạn bè lâu lâu gặp lại ở quán cafe, nói chuyện ma. Có chuyện cười bể bụng, có chuyện ớn lạnh xương sống. Lúc tụi này đi về khách sạn, cũng hơi khuya, tự nhiên mình sợ. M nói đã nhát mà còn nói chuyện ma để bị những chuyện đó ám ảnh cho thêm sợ, dặn mình từ rày đừng nói chuyện ma. Nhưng không nói ra mình cũng hoang mang và vẫn sợ. Một người bạn mình một buổi sáng dắt xe đi làm, tự nhiên muốn ghé qua thăm bà ngoại. Tới nơi, chị thấy bà ngoài đứng ở cửa, chị có cảm giác yên tâm thấy ngoại vẫn khoẻ mạnh, chị chào ngoại, dựng xe và đi vào nhà, bước qua cửa thì thấy ngoại nằm trên giường mền đắp kín mặt. Bà ngoại vừa mất, cậu Út đã báo tin cho các anh chị, nhưng chưa báo cho cháu, ngạc nhiên thấy cháu là người về sớm nhất. Bạn tôi từ đó sợ lắm, tin chắc chắn là người chết là chết cái xác, chứ linh hồn vẫn còn. M nói linh hồn bà ngoại chào từ giã mình trước khi ra đi thì có gì mà sợ. Mình nói không phải bạn mình sợ linh hồn bà ngoại. Nỗi sợ của bạn là có hồn ma, chính bạn thấy, tro...

Sân bay Tân Sơn Nhất

Đây là nơi mình làm kẻ ra đi và trở về nhiều hơn làm người đưa đón. Tâm trạng mỗi lần đến đó đều khác nhau. Có những chuyến bay nội địa, một mình khoác cái túi con đi xe ôm ra phi trường. Có chuyến bay lỉnh kỉnh hòm lớn rương nhỏ, tưởng một đi không trở lại. Một cảm giác liều thí luôn có dù bay xa hay bay gần, một nỗi sợ thăm thẳm, một đánh cược mà cho tới bây giờ chưa thua: máy bay trục trặc giữa không trung. Khi chân mình hổng mặt đất là lòng mình mất hết niềm tin. Bao nhiêu lần đi máy bay là bấy nhiêu lần mình chuẩn bị tinh thần chết. Dù chuyến bay dài hay ngắn, ngồi trên máy bay đầu óc mình toàn suy nghĩ đến cái chết và sống, đến những người và những điều mình bỏ lại thế gian. Không biết có phải những chuyến bay đó khiến cho mình trầm tĩnh hơn khi trở về cuộc sống trên mặt đất? Một trong những suy nghĩ về cái chết thường ám ảnh mình lúc ở trên máy bay là: phải, chết như một hành trình. Hồi xưa người ta cỡi ngựa, đi tàu thuyền, xe lửa, biểu tượng của tử biệt sinh ly là kỵ sĩ trong s...

Lúc đó mình đang làm gì?

Hỗm nay, đêm thức coi bóng đá, ngày lo đồ ăn lên giá, đọc báo thấy xe lửa trật đường rầy, xe đò lật chỏng gọng, cháy khu phố Tây, thủ tứơng kêu gọi thi đua chống lạm phát, biết đại khái ngày nào cũng có người chết, người đói, người khổ, tất nhiên cũng có người sống, người phè phỡn, người đắc thời… Cõi nhân gian là vậy, loi ngoi cõi này hay đi cõi khác chơi, biết đâu là hay là dở? Thành ra nghe tin ông Võ Văn Kiệt qua đời, mình thoáng buồn rồi thôi. Ông đã 86 tuổi, được quyền nghỉ ngơi. Tin về cái chết của ông là do một người quen nhắn. Bèn mở đài coi, không thấy cáo phó. Mở báo coi, không thấy đưa tin. Nghi ngờ, bèn google cái tên Võ Văn Kiệt, thì tìm ra 136 cái tin đưa trong vòng 24 giờ qua về cái chết của ông. Hãng ABC (Úc) dẫn lời phát ngôn viên bộ ngoại giao “Chúng tôi được báo là nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã chết sáng nay, 11 tháng sáu.” Hãng VOA ghi cả tên của người phát ngôn chính phủ là Le Dung “thông tin mà tôi có lúc này là ông đã chết hôm nay, 11 tháng 6”. Trung ...

truyện đồng thoại

Từ khi cầm cuốn truyện Xóm đồ chơi của Lưu Thị Lương trên tay, mình đâm ra ... ghen tỵ. Bởi vì cuốn sách trang nhã, xinh xắn, dễ thương quá. Hồi xưa mình cũng viết nhiều truyện đồng thoại lắm, mà chưa từng có ai in cho mình một cuốn truyện đồng thoại đẹp như vậy. Cuốn Ngôi nhà trong cỏ đầu tiên (giải thưởng văn học thiếu nhi Hội nhà Văn 1984)in trên giấy đen thui, khổ nhỏ bằng lòng bàn tay. Cuốn này về sau tái bản có bổ sung nên dày dày một chút và in khổ to to, coi cũng được. Cuốn Ba người và ba con vật cũng xinh xinh, có hình minh hoạ đẹp đẹp. Nhưng cuốn Chuyện bí mật giữa tôi và Thằn Lằn Đen thì tội nghiệp hết chỗ nói, bìa xấu òm, giấy đen thui, chữ nhỏ rí. Khi sách in xong, mình cầm cuốn sách mà suýt khóc. Bởi vậy thấy sách Lương in đẹp đâm tủi thân. B.N. bèn an ủi là nếu mình muốn đưa cho NXB Văn Nghệ tái bản thì chị sẽ tìm hoạ sĩ có tâm hồn trẻ thơ vẽ cho thiệt đẹp! Mừng quá! Hỗm nay cho đánh máy và sửa sang lại bản thảo. Bữa nay kể như xong. Vừa gởi cho B.N. Bây giờ hồi hộp ...

chiều Sài Gòn

Sài Gòn chiều nay mưa pông-sô xanh đỏ nón bảo hộ tròn tròn làm sao biết ai là em? Tôi đứng tựa ban công như người xem hội trẫy lướt thướt trên lòng đường muôn ngàn ngược xuôi nhoi nhói trong lòng ngong ngóng em về một tiếng thắng gấp là một cái giật thót một chiếc xe trượt bánh người cỡi bay xuống đường tôi bụm miệng – không phải em! xe cứu thương hụ còi rền rĩ chạy ngang tôi ôm ngực – không, không phải … Em về nón cối, pông-sô nước mưa còn chảy ròng ròng má môi tím tái giày ướt cỡi ngoài hiên vô buồng thay ngay quần áo ướt chải tóc, gọi con ngừng chơi vo gạo nấu cơm gió mưa vẫn tạt theo em qua cửa bếp em lặt rau – cười khẻ Chiều Sài Gòn nào không mưa?

hình người khác chụp

Hình ảnh
Bạn Tuyền gởi cho mấy tấm hình chụp ở buổi giao lưu với độc giả Nha Trang, dán lên đây cho vui. Hình dưới đây là giao lưu ở Bình Dương, do một anh ở đài truyền hình Bình Dương cầm máy: Người mặc áo đen đang ngồi xổm vỗ tay hát bài "úp lá khoai" với các em là nhà thơ - nhà sưu tầm dân ca Lê Giang. Cám ơn những người bạn đã gởi hình.

người về từ Ba tây

Hỗm nay tám bóng đá, mỗi ngày một bài, tính dán lên đây cho xôm tụ, nhưng thấy báo Người Lao Động có dành hẳn mục cho nó ở đây , nên để dành blog của mình cho thơ mới làm. "Người về từ Ba Tây" là người đi dự hội nghị khí hậu và môi trường ở Ba tây về lại Bellingham, nhõng nhẽo rằng: “Chiều nay nữa, rồi ngày mai là hết cuộc hội này anh sẽ về nhà” ngôi nhà không có em chong đèn đợi cỏ mùa này một tuần mọc lấp cả lối đi vườn xanh um rau không người hái anh về hâm canh hộp trong lò vi ba “Anh đã về, mệt lử ngủ vùi trên xô-pha như trên ghế đợi của phi trường thức năm phút rồi mới nhận ra em còn ở xa mười ngàn dặm”

Điên khó giết

Hình ảnh
Có những người đọc sách bằng cách lật ra trang cuối coi đoạn kết ai sống ai chết và ai lấy ai, rồi mới yên tâm từ từ thưởng ngoạn chương đầu. Bóng đá cũng có thể thưởng thức bằng cách chờ khi kết thúc giải rồi xem lại phim chiếu trận chung kết. Hồi trước tôi chuyên môn coi cup Euro kiểu đó: sáng ngủ dậy hỏi hồi hôm ai vô địch, rồi xem phim chiếu lại coi mấy cái giò của đội thắng đã đá như thế nào. Tưởng đâu mình độc đáo ngoại lệ, hoá ra về cơ bản thiên hạ cũng như tôi. Trái bóng chưa bị đá cho lăn trên sân cỏ mà người ta đã hăm hở cá coi đội nào sẽ ẳm cup. Về cơ bản 16 đội tham chiến đối với tôi đều có giá trị ngang ngữa. Tôi sục vô hồ sơ của các đội trên mấy website về Euro 2008 lọc lựa một đống tên cầu thủ, dò theo những cái tên lấp lánh đường nối đến nhiều thông tin cá nhân hơn. Đọc chán chê thì cũng biết đại khái Pháp có khả năng cao nhứt đoạt chức vô địch phen này, và những tên tuổi sẽ được các bình luận viên bóng đá gào lên nhiều nhứt là Mutu, Henry, Ballack, Pirlo, Xavi, Nistelr...

hồi hộp

Tôi bắt đầu hồi hộp: Một cú điện thoại từ toà soạn khiến cái thời khoá biểu tử tế của tôi: sáng sớm đi bộ, trưa đọc sách, chín giờ tối đi ngủ, từ nay bị đảo lộn. Ít nhứt là trong 23 ngày xảy ra cúp bóng đá Euro 2008. Tôi báo ngay cho ông bạn già biết. Ông thở dài: Em bình bóng đá thì có khác gì ông già phù tuyến tiền liệt chấm thi hoa hậu. (Ôi, còn lời nào cổ vũ tôi mạnh mẽ hơn chứ? Tự ái dồn cục, sống chết gì tôi cũng sẽ cầm cự tới bến với Ơ rô! Chồng ơi, hãy đợi đấy!) Lập tức bản thảo cuốn sách về văn học nữ quyền được cất vào ngăn tủ, và sự xuất hiện với tầng số gia tăng gấp bội của các thiên thạch trong vùng lân cận Thái dương hệ được dẹp vô góc “đề tài tiềm năng”. Ngay bây giờ tôi đem ‘bảng Tử thần” ra nghiên cứu. Pháp, Ý, Hà lan, và Ru ma ni - Vì chưng không ai rủ tôi viết hồi world cup 2006, nên tôi chẳng biết bốn đội này làm ăn ra sao trong trận chung kết hồi nẵm. Nghe nói người ta rút thăm cách gì đó ra mấy cái bảng đấu loại, sao cho ngay từ đầu giải phải có ngay những trận ...

bóng ở Nha Trang

Hình ảnh
Mình chụp hình ông đạp xích lô trên đường Trần Quang Khải, Nha Trang, ông hỏi xin cái bóng. Mình nói bây giờ mặt trời trên đỉnh đầu nên đứng bóng. Ông nói để ông gắn mui. Câu chuyện nghe trớt quớt. Mình lên xe cho ông chở đi vòng vòng. Về nhà mới biết ở miền trung cái bóng là cái hình. Bây giờ áy náy, không biết làm sao gởi cái bóng này cho ông đạp xích lô? Dưới đây là một bóng khác, dán lên đây theo lời hứa với những người trong bóng.

cái cớ

Lúc đi chơi 4 đảo ở Nha Trang, mình bị say sóng, trong lúc lử đử lừ đừ trèo lên trèo xuống tàu, cái máy chụp hình đeo lòng thòng bị nhúng nước. Về mở ra còn thấy hình đã chụp, nhưng không chép hình vô máy được vì máy tính không nhận ra máy chụp hình, chẳng biết làm sao nữa. Có mấy cái hình chụp hay lắm, muốn dán lên đây cho thiên hạ coi, mà hôm qua nay loay hoay hoài không sao lấy hình ra được. Trên báo Thanh Niên có đăng truyện ngắn Lòng Hồ của mình. Đó là một trong ba truyện ngắn mình viết trong tháng 5. Ngoài bốn buổi thảo luận về văn học nữ quyền, tháng 5 trôi qua vùn vụt, qua rồi mà mình còn không hay, công việc chính vẫn chưa xong. Vậy mà cũng bỏ đi chơi. Lại chơi dại. Chơi về nằm bẹp dí nửa ngày. Bây giờ lại hoảng hốt vì công việc dồn đống. Chưa biết làm sao thì Đình Xê rủ viết tin nhanh bóng đá. Bèn trốn việc bằng cách nhận lời - vậy là có cớ để đẩy cái hạn hoàn tất cuốn sách tới tháng sau. Ngày mai lại đi Bình Dương.