Nắng Tết
Xe đò ngừng trước chợ Búng, lơ xe nhảy xuống trước, rồi nhấc bỗng tôi đặt xuống lề đường. Năm đó tôi mới chừng bốn năm tuổi. Tôi suy đoán vậy, vì em út tôi chưa ra đời, chỉ có tôi và đứa em kế má bồng trên tay. Sau khi má cẩn thận bước xuống đất, lơ xe đặt cái giỏ xách cạnh chân bà, rồi vỗ lên thùng xe rao “Tới luôn bác Tài.” Nắng. Má mở cái nón vải có niềng kim loại, khi bung ra mặt vải căng như cái dù, không có cán mà có hai dải lụa làm quai nón. Má đội nón lên đầu tôi, thắt quai nón thành một cái nơ dưới cằm. Tôi không thấy mình, nhưng nhìn vào mắt má, tôi biết mình xinh xắn dễ thương.
Có những chi tiết bảo đảm cho suy đoán đó. Tôi có đôi mắt to trên gương mặt trái xoan, nước da trắng trẻo, tóc cắt bom-bê, mặc bộ đồ vải phin mới toanh, chân đi giày da giả. Miêu tả này dựa theo một tấm hình chụp cả nhà hồi tôi bảy tuổi: ba má tôi ngồi thẳng lưng trên ghế, hai tay để trên đùi, mắt nhìn thẳng, nghiêm nghị, hai em tôi đứng hai bên, tôi đứng giữa. Tôi hơi mỉn cười, nét mặt sáng, vẻ vui tươi hồn nhiên. Hình chụp ở Chợ Lớn. Ba tôi đưa cả nhà đi chụp hình để gởi về cho ông bà nội ở Triều Châu. Tôi không biết hồi đó hình được gởi đi bằng cách nào. Nhưng ba mươi năm sau, ba tôi về thăm quê hương, ông bà nội đã mất, chú út đưa lại tấm hình đó cho ba.
Nhờ tấm hình đó tôi có được hình dung về má tôi. Bà mất sau khi chụp hình vài tháng, từ đó chị em tôi chỉ biết má qua bức chân dung trên bàn thờ, kiểu chụp hình căn cước. Má, theo như tấm hình chụp cả gia đình đó, là người có da vẻ, tròn trịa. Tầm vóc các cậu dì tôi đều trung bình nên má tôi chắc cũng thâm thấp người. Một tay bồng em tôi, một tay xách giỏ, không còn tay nào để nắm tay tôi, má dắt tôi đi bằng ánh mắt. Tôi lon ton đi trước, dăm ba bước lại ngoảnh nhìn má, yên tâm bước tiếp khi gặp ánh mắt đầy khích lệ của người. Nhiều lần sau này, trên con đường quê đầy nắng, hay ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở bến đò miệt Thứ, ở một ga lẻ miền Trung, tôi thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh đó: người mẹ trẻ tay bồng tay dắt con thơ về nhà ngoại.
Đường từ chợ Búng vô nhà ngoại không xa lắm. Bây giờ tôi tính theo đường nhựa mới làm xong thì khoảng 1Km. Xưa là đường đất đỏ, có xe ngựa chạy lộc cộc từ Búng lên Lò Chén và ngược lại. Nhưng mùng một xe không chạy, chắc ngựa được nghỉ Tết. Má con tôi đi bộ. Nắng. Tôi nhớ trời nắng lắm. Mỗi lần tôi ngoảnh lại ngước nhìn má là thấy bầu trời xanh ngăn ngắt phía trên đầu bà. Tôi nhớ má tôi cười, gương mặt lấm tấm mồ hôi. Tôi nhớ má tôi nói “Sắp về tới nhà ngoại rồi!” Tôi nhớ… có đúng không? Hay là tôi tưởng tượng? Dì Hai kể là dì về trên chuyến xe Long Thành, nắng quá nên dì đi gấp, khi quẹo vô đường đất đỏ thì thấy má con tôi đi lấp xấp đằng trước.
Những ký ức lụn vụn về má được tôi thu thập từ bà ngoại, ba tôi, các cậu dì, hàng xóm, được chấp vá lại, kiểu nhà khảo cổ phục dựng lại quá khứ bằng một phần di chỉ đào bới được và chín phần suy luận theo kiến thức tham khảo sách vở hay đối chiếu với những những thứ liên quan. Có một điều, bà ngoại và ba tôi kể là má tôi linh lắm, thường hiện về cho tôi thấy. Cách vài ba ngày là tôi lại vùng dậy giữa đêm kêu má, rồi kể là chiêm bao thấy má cho ăn cái này, má dắt đi chơi chỗ kia… Có khả năng là tôi nói dóc, như những đứa trẻ giàu trí tưởng tượng. Tôi nghiệm ra là chiêm bao rất khó nhớ, càng cố nhớ càng mau quên. Tôi đã thử trắc nghiệm với mấy đứa nhỏ chín mười tuổi trong xóm, bảo tụi nó nhớ lại chuyện chiêm bao khi thức dậy, kể cho tôi nghe thì được thưởng. Những đứa thực thà thì chịu, “hổng có chiêm bao gì hết”. Mấy đứa khôn lạnh, muốn được thưởng, thì bia chuyện thấy con chó, con mèo. (Mấy người lối xóm căn cứ vào đó mà đánh đề trật lất.)
Nhưng tất nhiên, khoa học đã xác nhận, con nít có chiêm bao. Người ta chiêm bao từ thưở là bào thai trong bụng mẹ lận. Trong chiêm bao thưở tôi lên chín lên mười, má tôi như thế nào? Hình bóng gì tôi thấy trong giấc ngủ mà tôi xác quyết là má? Bà ngoại kể là tôi thường chiêm bao thấy má dắt đi chơi ở chỗ đẹp lắm, nắng rực rở, vàng cam như bông vạn thọ. Tôi thường thức giấc trong đêm tối, lay gọi bà ngoại dậy hỏi “Sao kỳ vậy? Mới hồi nãy nắng lắm mà? Má dẫn con đi chơi chỗ này nhiều nắng lắm.” Ba tôi cũng có lần kể, nửa đêm tôi bật khóc nức nở. Ba lay tôi tỉnh dậy hỏi vì sao, tôi nghẹn ngào nói “Má dắt con đi tới chỗ kia rồi bỏ con lại một mình, má đi đâu mất tiêu”. Bà ngoại nói “Chắc là má con đi đầu thai rồi. Từ nay con không thấy má con về nữa đâu. Con đừng khóc, để cho má con đi được nhẹ nhàng.”
Tôi lớn lên giữa những người có niềm tin dân dã rằng có nhiều cõi thế gian, linh hồn bất diệt, chỉ chuyển từ cõi này sang cõi khác, dưới hình hài kia hay thân phận nọ. Bằng niềm tin đó, hay nhờ bà ngoại thuyết phục, mà tôi không còn chiêm bao thấy má nữa. Có thể vì khi ấy tôi đã đủ lớn để hiểu, và chấp nhận, má tôi đã vĩnh viễn rời cõi nhân gian này. Mỗi năm chỉ một lần, đúng Tết, bà ngoại nói má sẽ cùng ông bà về thăm, ăn chung bữa cơm với gia đình. Tết là ngày bà ngoại dọn ba mâm cơm mỗi ngày đặt trên bàn thờ, lầm rầm khấn vái những người thân quá cố về ăn Tết với con cháu. Khi bưng mâm cơm xuống, bà ngoại đưa tôi một chén cơm nói “Chén cơm này của má con nè.” Mâm cơm cúng luôn có món khổ qua hầm, là món má tôi ưa ăn nhứt.
Tôi không hề cật vấn bà ngoại là má đã đầu thai rồi thì làm sao mỗi năm mỗi về ăn Tết với con. Nếu tôi hỏi, chắc bà ngoại sẽ khẳng định một cách mơ hồ “Về chứ! Tết nhứt ai cũng về với ông bà cha mẹ anh em con cháu, sống chết gì cũng về.” Không phải tôi tin, mà tôi cảm nhận thấm thía. Thấm sâu trong ký ức, là nỗi háo hức, là niềm tha thiết “về quê” được má tôi truyền cho từ ánh mắt nụ cười của người trên con đường đất đỏ đầy nắng mà người đã dẫn tôi đi. Ẩn sâu trong tiềm thức là niềm hy vọng, là nỗi mong ngóng má khi về quê ăn Tết. Cảm giác má đang ở trong nhà cùng với ông bà rất rõ rất thực khi tôi bưng mâm cơm cúng đặt lên bàn thờ. Nhất là khi bà con xa gần ở quê tới chúc Tết, việc trước tiên mỗi người làm là đi thẳng tới bàn thờ, thắp nhang, “trình” với ông bà, với má, là họ là con ai cháu ai, nay Tết nhứt về thăm…
Tết đến má về. Tôi thường dỗ hai đứa em, đứa lên 5 đứa lên 2 khi má ra đi. Tụi nó còn nhỏ lắm, nhưng qua vài cái Tết tụi nó không còn tin tôi nữa, có lẽ cũng không còn nỗi nhớ, chỉ còn nỗi trống trải chơ vơ vĩnh viễn không gì lấp đầy hay thay thế được. Cũng như tôi. Trong nhiều năm của giai đoạn trưởng thành, tôi không canh cánh trong lòng hình bóng má. Tết không đến cùng nỗi thôi thúc “về quê”. Chỉ thỉnh thoảng mới chiêm bao thấy bông vạn thọ nở vàng cam trong nắng. Hình ảnh má bồng em và dắt tôi về nhà ngoại có thể là chiêm bao, có thể là tưởng tượng. Khoa học gần đây có những tiến bộ, khám phá nhiều thứ về bộ não con người, giải thích nhiều điều về chiêm bao, ký ức. Người ta đã cố tìm hiểu, tại sao có những thông tin bị quên đi nhanh chóng, hay có chăng hình ảnh nào tồn tại vĩnh viễn trong ký ức, và tại sao càng lớn tuổi người ta càng nhớ nhiều nhớ rõ những chuyện thời trẻ xa xưa hơn là chuyện hôm qua năm ngoái? Khoa học chưa có câu trả lời. Tôi chỉ biết rằng, mỗi năm tóc bạc thêm, tôi lại nhớ rõ ràng hơn từng chi tiết con đường đầy nắng má dắt tôi về quê ăn Tết.
Lý Lan
(bài đăng báo Tết Thể Thao & Văn Hóa)
Có những chi tiết bảo đảm cho suy đoán đó. Tôi có đôi mắt to trên gương mặt trái xoan, nước da trắng trẻo, tóc cắt bom-bê, mặc bộ đồ vải phin mới toanh, chân đi giày da giả. Miêu tả này dựa theo một tấm hình chụp cả nhà hồi tôi bảy tuổi: ba má tôi ngồi thẳng lưng trên ghế, hai tay để trên đùi, mắt nhìn thẳng, nghiêm nghị, hai em tôi đứng hai bên, tôi đứng giữa. Tôi hơi mỉn cười, nét mặt sáng, vẻ vui tươi hồn nhiên. Hình chụp ở Chợ Lớn. Ba tôi đưa cả nhà đi chụp hình để gởi về cho ông bà nội ở Triều Châu. Tôi không biết hồi đó hình được gởi đi bằng cách nào. Nhưng ba mươi năm sau, ba tôi về thăm quê hương, ông bà nội đã mất, chú út đưa lại tấm hình đó cho ba.
Nhờ tấm hình đó tôi có được hình dung về má tôi. Bà mất sau khi chụp hình vài tháng, từ đó chị em tôi chỉ biết má qua bức chân dung trên bàn thờ, kiểu chụp hình căn cước. Má, theo như tấm hình chụp cả gia đình đó, là người có da vẻ, tròn trịa. Tầm vóc các cậu dì tôi đều trung bình nên má tôi chắc cũng thâm thấp người. Một tay bồng em tôi, một tay xách giỏ, không còn tay nào để nắm tay tôi, má dắt tôi đi bằng ánh mắt. Tôi lon ton đi trước, dăm ba bước lại ngoảnh nhìn má, yên tâm bước tiếp khi gặp ánh mắt đầy khích lệ của người. Nhiều lần sau này, trên con đường quê đầy nắng, hay ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở bến đò miệt Thứ, ở một ga lẻ miền Trung, tôi thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh đó: người mẹ trẻ tay bồng tay dắt con thơ về nhà ngoại.
Đường từ chợ Búng vô nhà ngoại không xa lắm. Bây giờ tôi tính theo đường nhựa mới làm xong thì khoảng 1Km. Xưa là đường đất đỏ, có xe ngựa chạy lộc cộc từ Búng lên Lò Chén và ngược lại. Nhưng mùng một xe không chạy, chắc ngựa được nghỉ Tết. Má con tôi đi bộ. Nắng. Tôi nhớ trời nắng lắm. Mỗi lần tôi ngoảnh lại ngước nhìn má là thấy bầu trời xanh ngăn ngắt phía trên đầu bà. Tôi nhớ má tôi cười, gương mặt lấm tấm mồ hôi. Tôi nhớ má tôi nói “Sắp về tới nhà ngoại rồi!” Tôi nhớ… có đúng không? Hay là tôi tưởng tượng? Dì Hai kể là dì về trên chuyến xe Long Thành, nắng quá nên dì đi gấp, khi quẹo vô đường đất đỏ thì thấy má con tôi đi lấp xấp đằng trước.
Những ký ức lụn vụn về má được tôi thu thập từ bà ngoại, ba tôi, các cậu dì, hàng xóm, được chấp vá lại, kiểu nhà khảo cổ phục dựng lại quá khứ bằng một phần di chỉ đào bới được và chín phần suy luận theo kiến thức tham khảo sách vở hay đối chiếu với những những thứ liên quan. Có một điều, bà ngoại và ba tôi kể là má tôi linh lắm, thường hiện về cho tôi thấy. Cách vài ba ngày là tôi lại vùng dậy giữa đêm kêu má, rồi kể là chiêm bao thấy má cho ăn cái này, má dắt đi chơi chỗ kia… Có khả năng là tôi nói dóc, như những đứa trẻ giàu trí tưởng tượng. Tôi nghiệm ra là chiêm bao rất khó nhớ, càng cố nhớ càng mau quên. Tôi đã thử trắc nghiệm với mấy đứa nhỏ chín mười tuổi trong xóm, bảo tụi nó nhớ lại chuyện chiêm bao khi thức dậy, kể cho tôi nghe thì được thưởng. Những đứa thực thà thì chịu, “hổng có chiêm bao gì hết”. Mấy đứa khôn lạnh, muốn được thưởng, thì bia chuyện thấy con chó, con mèo. (Mấy người lối xóm căn cứ vào đó mà đánh đề trật lất.)
Nhưng tất nhiên, khoa học đã xác nhận, con nít có chiêm bao. Người ta chiêm bao từ thưở là bào thai trong bụng mẹ lận. Trong chiêm bao thưở tôi lên chín lên mười, má tôi như thế nào? Hình bóng gì tôi thấy trong giấc ngủ mà tôi xác quyết là má? Bà ngoại kể là tôi thường chiêm bao thấy má dắt đi chơi ở chỗ đẹp lắm, nắng rực rở, vàng cam như bông vạn thọ. Tôi thường thức giấc trong đêm tối, lay gọi bà ngoại dậy hỏi “Sao kỳ vậy? Mới hồi nãy nắng lắm mà? Má dẫn con đi chơi chỗ này nhiều nắng lắm.” Ba tôi cũng có lần kể, nửa đêm tôi bật khóc nức nở. Ba lay tôi tỉnh dậy hỏi vì sao, tôi nghẹn ngào nói “Má dắt con đi tới chỗ kia rồi bỏ con lại một mình, má đi đâu mất tiêu”. Bà ngoại nói “Chắc là má con đi đầu thai rồi. Từ nay con không thấy má con về nữa đâu. Con đừng khóc, để cho má con đi được nhẹ nhàng.”
Tôi lớn lên giữa những người có niềm tin dân dã rằng có nhiều cõi thế gian, linh hồn bất diệt, chỉ chuyển từ cõi này sang cõi khác, dưới hình hài kia hay thân phận nọ. Bằng niềm tin đó, hay nhờ bà ngoại thuyết phục, mà tôi không còn chiêm bao thấy má nữa. Có thể vì khi ấy tôi đã đủ lớn để hiểu, và chấp nhận, má tôi đã vĩnh viễn rời cõi nhân gian này. Mỗi năm chỉ một lần, đúng Tết, bà ngoại nói má sẽ cùng ông bà về thăm, ăn chung bữa cơm với gia đình. Tết là ngày bà ngoại dọn ba mâm cơm mỗi ngày đặt trên bàn thờ, lầm rầm khấn vái những người thân quá cố về ăn Tết với con cháu. Khi bưng mâm cơm xuống, bà ngoại đưa tôi một chén cơm nói “Chén cơm này của má con nè.” Mâm cơm cúng luôn có món khổ qua hầm, là món má tôi ưa ăn nhứt.
Tôi không hề cật vấn bà ngoại là má đã đầu thai rồi thì làm sao mỗi năm mỗi về ăn Tết với con. Nếu tôi hỏi, chắc bà ngoại sẽ khẳng định một cách mơ hồ “Về chứ! Tết nhứt ai cũng về với ông bà cha mẹ anh em con cháu, sống chết gì cũng về.” Không phải tôi tin, mà tôi cảm nhận thấm thía. Thấm sâu trong ký ức, là nỗi háo hức, là niềm tha thiết “về quê” được má tôi truyền cho từ ánh mắt nụ cười của người trên con đường đất đỏ đầy nắng mà người đã dẫn tôi đi. Ẩn sâu trong tiềm thức là niềm hy vọng, là nỗi mong ngóng má khi về quê ăn Tết. Cảm giác má đang ở trong nhà cùng với ông bà rất rõ rất thực khi tôi bưng mâm cơm cúng đặt lên bàn thờ. Nhất là khi bà con xa gần ở quê tới chúc Tết, việc trước tiên mỗi người làm là đi thẳng tới bàn thờ, thắp nhang, “trình” với ông bà, với má, là họ là con ai cháu ai, nay Tết nhứt về thăm…
Tết đến má về. Tôi thường dỗ hai đứa em, đứa lên 5 đứa lên 2 khi má ra đi. Tụi nó còn nhỏ lắm, nhưng qua vài cái Tết tụi nó không còn tin tôi nữa, có lẽ cũng không còn nỗi nhớ, chỉ còn nỗi trống trải chơ vơ vĩnh viễn không gì lấp đầy hay thay thế được. Cũng như tôi. Trong nhiều năm của giai đoạn trưởng thành, tôi không canh cánh trong lòng hình bóng má. Tết không đến cùng nỗi thôi thúc “về quê”. Chỉ thỉnh thoảng mới chiêm bao thấy bông vạn thọ nở vàng cam trong nắng. Hình ảnh má bồng em và dắt tôi về nhà ngoại có thể là chiêm bao, có thể là tưởng tượng. Khoa học gần đây có những tiến bộ, khám phá nhiều thứ về bộ não con người, giải thích nhiều điều về chiêm bao, ký ức. Người ta đã cố tìm hiểu, tại sao có những thông tin bị quên đi nhanh chóng, hay có chăng hình ảnh nào tồn tại vĩnh viễn trong ký ức, và tại sao càng lớn tuổi người ta càng nhớ nhiều nhớ rõ những chuyện thời trẻ xa xưa hơn là chuyện hôm qua năm ngoái? Khoa học chưa có câu trả lời. Tôi chỉ biết rằng, mỗi năm tóc bạc thêm, tôi lại nhớ rõ ràng hơn từng chi tiết con đường đầy nắng má dắt tôi về quê ăn Tết.
Lý Lan
(bài đăng báo Tết Thể Thao & Văn Hóa)