Về nhà

Truyện ngắn đăng báo Tết Người Lao Động

Anh đã chọn nơi sáng sủa quang đản nhứt trong sân sau nhà để đặt mảnh vườn rau. Sau khi lập kế hoạch, lên bản vẽ, anh dùng máy đào đất sâu xuống bảy tấc, lót một lớp vải nhựa đen, đổ xuống đó một xe đất mua ở vườn cây giống, dùng bốn tấm ván dày ba phân, cao ba tấc, dài ba thước để be hố đất thành một khoảnh vuông vức, đàng hoàng, rồi san đất bằng phẳng, mua về một chục chậu cây con, dạy vợ làm vườn. Anh nói với Mai là anh từng học một khóa huấn luyện và được cấp bằng Master of Gardening, “Thầy làm vườn”. Nhưng anh không nói đó là hồi còn chân ướt chân ráo, anh cần cái bằng này để xin việc ở công ty vườn kiểng D.Y.O. Landscaping Corp., một doanh nghiệp địa phương có mười nhân viên, chủ yếu đi cắt cỏ thuê. Theo kiến thức anh thu thập từ hồi đó thì làm đất là khâu quan trọng nhứt. Một khi đã chuẩn bị đất tốt và đúng kỷ thuật, thì cơ hội thất bại rất nhỏ. Thực tế là vợ anh chỉ cần tách những cây con trong chậu cây giống anh mua về, trồng xuống đất, tưới nước, rồi nhìn cây lớn lên thôi. Mai cũng dễ dạy, thưở ban đầu.
Chị như trẻ con, sáng bảnh mắt là chạy ra vườn xem cây nào còn sống cây nào chết. Chị nhổ cây chết lên săm soi, bóc bỏ những lá héo, tới cái lỏi trong cùng, thấy còn có vẻ cứng cáp, chị lại vùi nó trở xuống đất, lầm rầm như đọc kinh: “Ráng sống nghe con. Ráng sống!” Mùa xuân thứ nhứt, mảnh vườn xum xuê rau cải, chỉ tội một điều là củ cải mọc tốt quá nên lá thì to mà củ thì bé tí.
Ngày hè dài ra và ấm lên. Chị trồng cà chua, cà tím, đậu que, đậu ngự. Rau thơm Việt Nam chị mua ở chợ Á châu về lặt lá ăn, cọng thì giâm xuống đất, có cọng đâm rễ mọc lên, cọng nào không mọc thì thôi. Chị ra vườn cây giống, thấy những gói hột giống năm ngoái bán xôn, chỉ còn năm mươi xu một gói còn ghi giá trên bao bì là một đồng bảy mươi chín xu. Chị mua nào hột giống dưa leo, bí đỏ, và những thứ chị không biết gọi tên tiếng Việt, mà cũng chẳng biết là cây cỏ gì. Mười gói năm đô. Chị xếp giấy báo thành mười cái chậu con, đổ đất vào để ươm hột giống, bày dài dài trên bệ cửa sổ nhà bếp, chỗ có nắng chiều rọi vào.
Chị đâu dè mấy chậu giấy nho nhỏ xinh xinh không choáng chỗ hay gây trở ngại gì trong ngôi nhà này lại khiến anh nổi khùng. Anh đi làm về sớm hơn mọi ngày, mở tủ lạnh lấy lon bia đi ra vườn, ngồi trên cái ghế đặt dưới tán cây anh đào. Mọi ngày anh vẫn ngồi uống bia như vậy chờ vợ dọn cơm chiều. Một lần, khi ngồi vào bàn ăn, anh nói: “Hóa ra hạnh phúc đơn giản như vầy.” Chị bối rối kềm giọt nước mắt trong lúc anh tiếp tục nói: “Cuối ngày làm việc, có nhà để về, có cơm dọn sẵn, và một người cùng tiếng nói để chuyện trò.” Anh ngồi chồm tới vươn hai cánh tay qua bàn ăn tìm hai bàn tay vợ. Chị cũng phải giang tay chồm tới để hai người có thể nắm tay nhau. Trông như thể họ vòng tay ôm lấy bữa ăn của mình, hai cái đầu cúi xuống gần kề nhau. Anh thì thầm: “Cám ơn Thượng đế đã ban phước lành này. Cám ơn bàn tay đã đặt thức ăn lên bàn hôm nay.”
Đọc kinh trước bữa ăn là chuyện hiếm hoi, chỉ vào những lúc cảm xúc mãnh liệt hay chợt ngộ chân lý như buổi chiều đó. Anh cũng hiếm khi đi nhà thờ. Nhưng khoảng ba tháng sau cái bữa anh nổi khùng quăng hết mấy chậu giấy ươm cây con của chị qua cửa sổ nhà bếp, anh bỗng đưa chị đi nhà thờ. Lúc ấy đã vào thu, trời mưa rỉ rả và lạnh, quá lạnh đối với một người mới di cư từ xứ sở nhiệt đới như Mai. Cây cỏ trong vườn tàn rụi hoặc khựng lại không mọc nữa. Chị nguôi nỗi giận chồng, vì hiểu ra những dưa leo bí rợ lúc đó mà nảy mầm thì cũng không sống sót nỗi với thời tiết này để đươm hoa kết trái. Dù vậy trong lòng chị vẫn nằng nặng. Vụ quặng chậu giấy chỉ là trận mở đầu, từ đó đến nay không ít lần anh nổi giận, nhiều khi vô lý đến nỗi chính anh cũng nhận ra mình vô lý.
Sau buổi lễ, anh dẫn chị đi ra phía sau, chỗ có những người xếp hàng đi vào bếp ăn của nhà thờ. Anh chỉ đi qua nhìn một cái như để chị biết chỗ đó. Trên đường về anh dẫn chị đi vòng qua một chỗ trông có vẻ một tiệm ăn bình dân, phía trước có tấm bảng ghi “Salvation Army” (Đoàn quân Cứu đói) và giờ phục vụ bữa ăn miễn phí là 10:30 đến 2:30. Anh bảo dưới phố cũng có chỗ có thể tìm được một bữa ăn hay một chỗ ngủ không tốn tiền. Dành cho người vô gia cư. Chị biết và thỉnh thoảng gặp họ đâu đó, hơi sợ, nghe nói họ là bọn nghiện ngập, tâm thần, hay đơn giản là làm biếng. Tuy sinh trưởng ở một xứ đa số dân chúng nghèo, nhưng bản thân Mai chưa bao giờ đói ăn hay không chỗ trú ngụ. Nói nào ngay, ở xứ chị ăn rau khoai dưa muối cũng no, cả chục người chen chúc trong một cái chòi rộng mươi thước vuông cũng gọi là nhà.
Những đêm đông bão tuyết đầy trời chị ôm chặt anh trong nêm êm chăn ấm, nghe anh vỗ về “không sao đâu” mà nước mắt lặng lẽ ứa ra. Rốt cuộc đời chị đã sang trang. Chị đã đi lấy chồng xa như đặt đồng vốn cuối cùng vào canh bạc đời người. Giờ chị đã có được một gia đình, một mái nhà. Chị dụi đầu vào ngực anh. Cám ơn người đàn ông bảo bọc chị ở nơi người thì xa lạ thiên nhiên thì khắc nghiệt. Giờ này mà ở ngoài trời chắc chết. Có lẽ xứ này ít người nghèo vì lỡ nghèo làm sao sống sót qua mùa đông? Nghĩ đến những người vô gia cư chị nói: “Mình thật may mắn.” Chi có cảm giác như tấm thân ấm áp của chồng thóang đông cứng. Một lúc sau anh mới nói: “Ừ, hãy tận hưởng giờ phút này.”
Đến tận mùa xuân sau chị mới biết anh đã mất việc từ cái bữa anh đi làm về sớm, nổi khùng với chị vì mấy chậu giấy con con. Anh cũng tìm được vài việc làm khác trong những thời gian ngắn, lương bỗng việc sau kém hơn việc trước, luân phiên với trợ cấp thất nghiệp, anh vẫn cố cầm cự, ngày ngày vẫn lái xe đi dù hôm đó có việc hay không. Cuối cùng anh cũng phải nói với vợ. “Phải bán căn nhà trước khi giá xuống thấp hơn, hy vọng được giá thì trả nợ xong vẫn còn chút đỉnh.” Chị ngơ ngác nhìn quanh. Hoa tulip đang nở khắp vườn. Lần đầu tiên trong đời chị được ngắm tận mắt, chạm tận tay, hít vào tân đáy phổi, những đóa hoa nở ngay trong vườn nhà mình. Chi nói “Không!” Dù anh giải thích cách nào chị cũng không hiểu. Căn nhà còn nợ mười mấy năm, chiếc xe còn nợ mấy tháng, hóa đơn điện nước ga tháng rồi chưa thanh toán, thẻ tín dụng cũng bị nợ xấu chồng chất. Nếu ngày mai vẫn không có việc làm, anh không còn khả năng chi trả gì cả, điện nước ga sẽ bị cắt, ngân hàng sẽ lấy xe lấy nhà, lấy tất cả, chúng ta chỉ còn hai bàn tay trắng. Anh đã hy vọng vào ngày mai có việc làm, nhưng cái ngày mai đó cứ lùi tới ngày mai nữa, mà trợ cấp thất nghiệp sắp hết rồi. Sắp đến lúc chúng ta chẳng còn đến cái để ăn.
Giấc mơ biến thành ác mộng. Chị không hiểu nỗi. Không thể tin. Những cố gắng giải thích của anh biến thành những cuộc cải vã rồi xô xát. Sư ương bướng “không chịu hiểu” của chị khiến anh điên tiết. Khi anh đã bỏ đi rồi, chị ôn đi ôn lại cơn ác mộng, chiếu tới chiếu lui đoạn phim đầy kịch tính của mấy tháng đó. Có phải lỗi của chị chăng? Chị không chịu bán căn nhà, không bao giờ, cơn ác mộng bão tuyết mùa đông khiến chị khóc suốt đêm. Người môi giới mua bán nhà cắm tấm bảng “nhà bán” trước ngõ, vừa lái xe đi, chị chạy ra dùng hết sức nhổ bật tấm bảng lên quăng vào thùng rác. Chồng chị gào “Em khùng hả?” Anh đem bảng ra cắm lại chỗ cũ. Cuộc giằng co thật đau đớn. Nhưng căn nhà không bán được đâu phải do chị cản trở. Người ta trả giá xuống tới một con số mà có bán được thì cũng không trang trải được nợ nần, không giải quyết được gì cả. Chính anh phát khùng lên khi nghe cái giá người cuối cùng trả. Không bán nữa. Tới đâu thì tới. Chừng nào ngân hàng siết nhà thì xách đít ra đi.
Nhưng anh đã bỏ đi trước cả khi ngân hàng đến. Đột ngột, một mình, sau trận cãi vả bay chén dĩa. Giải pháp của chị là cầu cứu bất cứ ai. Cha mẹ anh chị em bè bạn bà con đồng hương. Mười người ngoảnh mặt đi thì cũng có một người đưa ra một cánh tay. Ít nhứt thì cũng có cha mẹ hai bên. Nhưng anh không thể chịu đựng nỗi việc quảng bá hình ảnh anh như một kẻ thất bại, một thằng cầu xin, vả lại anh không tin là ai có thể giúp ai lúc này.
Cha mẹ chị từ khi gả con gái ra nước ngoài, chỉ nhận được một lần quà tết, giờ phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn họ hàng người quen, đầu này năm chỉ đầu kia một lượng, gởi cách này cách kia cho con gái. Bất đắc dĩ, vì thương con gặp bước đường cùng ở xứ người lạ hoắc không có đường xoay sở, rủi mà nó đơn thân quẫn trí…
Ừ, kinh tế Mỹ khủng hoảng, thì như kinh tế Việt Nam suy thoái vậy, cha mẹ chị biết chớ, nhưng không sao hiểu, không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra cho con gái mình ở tít bên kia bờ Thái Bình Dương. Hồi gả con, ông bà đã dọ hỏi mấy người bà con Việt kiều, họ đều xác nhận anh ta học hành tử tế có nghề nghiệp đàng hoàng. Bây giờ hỏi lại, họ nói: có biết anh ta bây giờ ở đâu ra sao hè? Đất trời mênh mông. Ngày nào chị cũng đến thư viện công cộng xài ké máy tính, liên lạc gia đình. Ngày nào chị cũng nhìn khắp lượt những người vô gia cư ngồi thừ trong phòng đọc, hy vọng gặp chồng mình. Khi không còn khả năng thuê bao internet và tivi cáp nữa, anh đã dẫn chị ra đây, và có lần nói rằng khi không còn nhà để về và không còn chỗ nào để đi thì tốt nhứt là vô thư viện công cộng, xí một cái ghế bành, cầm một tờ tạp chí có hình bìa phụ nữ sexy che mặt mà ngủ. Ngày nào chị cũng gởi cho chồng dòng chữ: “Dù anh ở đâu, dù chuyện gì đi nữa, hãy về nhà.” Đầu đề của mỗi email đều bằng hai chữ in to “Về nhà!”.
Về nhà. Mỉa mai chua chát đến nỗi anh xóa bức thư mà không cần mở ra. Theo anh tính, dù cho có chương trình hổ trợ của nhà nước để kéo dài kỳ hạn thanh toán thêm ít lâu, thì đến bây giờ, ngôi nhà cũng không cách gì giữ được nữa rồi. Chưa kể bao nhiêu nợ nần khác. Chỉ còn nước khai phá sản để nhập vào đám người vô gia cư. Vô gia cư thì đèo bồng vợ con làm gì. Một mình anh sao cũng được. Một mình chị, phụ nữ độc thân, thì dễ được giúp đỡ cưu mang hơn.
Về nhà. Trận bão tuyết mới này quét qua miền Tây để lại lớp tuyết dày nửa thước trắng toát phủ lên mọi thứ. Anh không thể biết chắc là dưới đống nào trong những đống tuyết lù lù như những nấm mộ trong bãi đậu xe là chiếc xe đã cạn xăng của anh. Đằng nào anh cũng không còn tiền đổ xăng nữa. Đằng nào trời cũng quá lạnh không thể ngủ trong xe đêm nay. Trên vách bếp ăn từ thiện có ghi thông báo sẽ có một số chăn được phân phát. Anh đứng đợi, thoáng linh cảm có thể gặp vợ mình ở đây. Anh kín đáo nhìn quanh, thất vọng lẫn mừng thầm. Tận đáy lòng anh mong vợ anh đang tá túc ở nhà người bà con nào đó. Mặc dù anh cũng đã chuẩn bị là bước đường cùn chị cũng có thể đến nương nhờ nơi đây.
“Về nhà!”
Bàn tay anh bị nắm chặt kéo đi. Anh kháng cự theo bản năng, nhưng kịp nhận ra người đang lôi mình đi là Mai. Niềm hy vọng vô lý hóa ra chỉ lặn sâu đâu đó trong anh, chợt có cớ bùng lên: Vợ anh vẫn còn giữ được căn nhà? Ra ngoài đường hai vợ chồng sóng bước, tay vẫn nắm chặt nhau, nhưng không ai mở lời. Chị có lẽ lạnh quá nên ngậm miệng trong lớp khăn quàng kín mặt chỉ chừa đôi mắt. Anh không dám hỏi. Niềm hy vọng mong manh siêu thực quá. Chân anh vấp váp hướng về con đường quen thuộc. Nhưng Mai kéo anh quẹo sang đường khác, niềm hy vọng đang le lói tắt phụt.
Căn phòng Mai thuê chỉ đủ kê một cái giường hai cái ghế và một cái bàn nhỏ, nhưng có một gian gọi là “3/4 bathroom”, có bồn tiêu, bồn rửa mặt, vòi tắm gương sen chứ không có bồn tắm. Mai đã biến mặt bằng của bàn rửa mặt thành một cái bếp, chủ yếu để cái nồi cơm điện và hai cái tô hai cái muổng hai cái ly… Khi phải dọn ra khỏi nhà, Mai chỉ đủ sức mang theo những thứ tối cần thiết cho cá nhân, mỗi thứ hai cái. Tất cả tiền mặt chị kiếm được từ những công việc lặt vặt, cực nhọc, thất thường, thù lap thấp, và tiền cha mẹ cho mượn, chị dành dụm chỉ để trả tiền thuê phòng. Mỗi tuần chi ra Ngân hàng thực phẩm (Foodbank) xin khoai gạo bắp thịt hộp gà đông lạnh về nhà tự nấu. Chị đến bếp từ thiện mỗi ngày chỉ để tìm chồng.
Anh đứng dưới vòi gương sen, ngữa mặt hứng những tia nước ấm. Sau bao ngày tháng xài nhà vệ sinh công cộng, anh có cảm giác cái ¾ bathroom này gần gần như một thiên đường. Anh tận hưởng cái sung sướng ở ¾ thiên đường không biết bao lâu, đến khi mùi tiêu hành gừng tỏi của nồi cháo gà vợ nấu nhắc anh rằng thế gian còn những thiên đường khác nữa. Thiên đường tiếp theo tô cháo gà là được ngã người xuống cái giường – Trời ơi, lại được nằm trên một cái giường! Anh nhắm mắt lại lắng nghe vợ dọn dẹp rồi tắm táp. Rồi chị giở chăn chui vào giường nệm. Hai vợ chồng ôm chặt nhau. Anh mở mắt ra nhìn cái thực tế của căn phòng ở tạm, khẻ nói: “Lúc em bảo về nhà anh cứ tưởng…” Chị trườn lên mình chồng nói: “Em là nhà của anh, anh là nhà của em.”
Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222