Chiều chiều

Nắng xế con hẻm sau nhà trở nên nhộn nhịp. Chốc lát lại có ông dắt chó đi qua, bà dắt chó đi lại. Những con chó phản ảnh trung thực chủ nhân chúng. Con chó của một bà già đạo mạo thì lon xon chạy thẳng giữa đường, không lượn sang phải tấp sang trái. Bà cụ khoảng tám mươi, đi không nhanh, nhưng bước còn vững chắc, lưng thẳng đơ cán cuốc. Con chó của cặp sồn sồn đầu hẻm thì chạy lăng quăng như bộ lông trên mình nó, lại ưa sủa lăng nhăng như cái điệu bộ lăng xăng của ông chủ nó bên cạnh bà bạn gái. Con chó này, theo tôi, là nguồn phát sinh bãi phân bên gốc táo hàng xóm đã khiến chủ nhà bên đó giận điên, phàn nàn lên hội đồng thành phố, và có lẽ vì vậy bây giờ ai dắt chó đi chơi trong hẻm cũng phải cầm theo bịch ni lông để hốt cứt, kẻo người ta (rình) thấy, đi thưa thì phiền toái cuộc đời.
Từng là nạn nhân của mấy con chó lăng nhăng ấy, tôi không vui vẻ lắm với mấy người đi dạo xóm với con chó. Đang hí hoáy trong vườn rau mà thấy chó tung tăn chạy tới là tôi trở mặt hình sự, để dọa con chó cho nó ráng nín khi đi ngang địa phận vườn mình. Nhiều khi cũng muốn nuôi con chó hay con mèo cho vui nhà vui cửa, nhưng ngán ngại chuyện vệ sinh của chúng mà đành thôi. Có người đã gởi một con chó cái còn tơ, hai tai rũ xuống, cái mõm đen bóng, rất ư nhõng nhẻo, thấy là bắt thương. Nhưng con chó cái đang thời sinh sản, nên cũng có kinh, tuy không nhiều, nhưng nó ưa nằm sa lông, trây trét thấy gớm. Mà đem nó đi “triệt sản” thì không đành lòng. Con chó kiểng lại “nóng không chịu lạnh không ưa”, phòng nó ở phải giữ mức 20 độ C thường xuyên, kẻo nó bịnh thì tốn tiền thú y. Chó không cần mua bảo hiểm y tế, nhưng phải có “license”, phải chích ngừa, đóng phí, cứ hết hạn lại nhận được giấy nhắc. Và như vậy ngoài tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền rác, tiền cống rãnh, tiền nhà, tiền xe, tiền hằm bà lằn, lại thêm tiền chó, do vậy cuộc sống có con chó chưa chắc vui hơn mà đã thấy oải.
Công bằng mà nói, chó quanh đây đều có giáo dục, tức là đều được trải qua một thời kỳ học tập ở nhà dạy chó. Tôi không biết nền giáo dục chó xứ này có điểm ưu việt gì, chỉ biết các thầy bà dạy chó rất khấm khá, còn chó thì nghe tiếng Anh rất chuẩn. Ông thầy bảo “sit!” con chó ngồi xuống ngay. Tôi cũng bảo y như vậy, nhưng có lẽ giọng không chuẩn, nên con chó chỉ trơ mắt ngó. Tôi bèn uốn lưỡi cong môi lập lại. Con chó hơi hoảng, cố gắng cong lưng, duỗi đuôi, hơi khụyu chân sau xuống, nhưng bất khả thi hành lệnh. Ông thầy bèn bảo: Chó cũng như người, có thể thực hiện một số động tác “bên ngoài” theo mệnh lệnh, như đi đứng ngồi nằm, nhưng hoạt động “bên trong” của mỗi cơ thể thì không ai ra lệnh cho ai được. Tôi cảm thấy hình như có sự văn hóa bất đồng chi đây! Tôi cãi: thì tôi cũng bảo nó ngồi chứ có bảo nó tư duy trườu tượng đâu hè. Ông thầy bật ngữa ra: Vậy mà ổng nghe…, chắc con chó cũng nghe, là tôi bảo nó … ị (shit).
Ông hàng xóm cũ có con chó, cũng già và quái như ổng. Hễ tôi ra vườn rau gặp ông hàng xóm thì ổng chào “Hi” một tiếng đúng rồi lử thử lừ thừ đi vô nhà. Hễ tôi gặp con chó của ổng thì nó sủa “Quấu” một tiếng đúng rồi lủi ngay vô nhà. Không biết tình sử của ổng ra sao mà ổng sống một mình một nhà với một con chó. Chiều ổng đi làm về, mở cửa nhà sau, con chó vọt ra, mừng quính mừng quáng (suốt ngày nó bị nhốt trong nhà không có người ta mà cũng không có con gì khác). Con chó phóng lên mình ổng, ổng ôm nó, hun nó, nựng nịu, hỏi han, kể lễ với nó. Rồi ổng thả con chó ra cho nó chạy tới góc vườn làm một bãi. Sau đó cả chó lẫn người biến mất trong căn nhà lại đóng cửa im lìm. Căn cứ vào lượng vỏ lon bia trong thùng đựng đồ tái chế để trong hẻm cho xe đi thu nhặt hàng tuần, tôi tưởng tượng tối tối trong căn nhà đó, ông già ngồi với con chó, mày một lon tao một lon, cho đến khi chủ tớ xỉn lăn quay trước cái TV mở suốt đêm.
Cũng là một cuộc sống. Làm sao tôi biết ổng sống như vậy có … ô kê không. Nhưng rồi căn nhà của ổng bị bán, chủ mới là một công ty địa ốc, đã sửa sang và xây cất thêm rồi lại cắm bảng bán. Chuyện xảy ra lúc tôi đang về thăm nhà ở Việt Nam, khi trở qua thì sự đã như vậy. Tôi hỏi bà hàng xóm bên trái là ông già đi đâu, bà không biết, chuyện gì đã xảy ra cho ông, bà càng không biết. Nhưng bà nói tội nghiệp con chó, nó bị nhốt trong nhà nhiều ngày, có thể bị bỏ đói, cho đến khi cảnh sát đến “giải cứu” nó, bây giờ nó ở tạm nhà chó công cộng, cho đến khi có người nhận nuôi rước nó về nhà mới.
Chiều chiều đi ra quảng trường Mặt trời lặn (Sunset Square) mua sắm chút đỉnh, thấy ở góc đường một người đứng với hai con chó. Ông đeo một tấm bảng bằng giấy bồi ghi nguệch ngoạc mấy chữ: “Vô gia cư. Làm ơn cho mấy con chó ăn.” Thường thì mấy người sa cơ lỡ vận hay ghi trên bảng “Làm ơn giúp tôi, Chúa sẽ ban phước cho quí vị” hay đại khái như vậy. Hai con chó có nét mặt buồn so như người đàn ông đứng cạnh. Chắc “bề ngoài” nó có thể phản ánh thái độ của chủ. Còn “bên trong” nó cảm thấy gì, ai biết?

Lý Lan
(bài đăng báo Sinh Viên)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222