Những cánh buồm xa
Trời nổi gió to, sợi mưa xiên xiên nhuyễn như tơ, trời không âm u, chỉ dịu xuống, không lạnh lắm, một cái áo khoác nhẹ là đủ. Biển mênh mông, bãi đá phơi lồ lộ khi thủy triều rút ra xa. Xa mút mắt vẫn là biển, thấp thoáng những cánh buồm trắng của những du thuyền. Tôi kéo mũ trùm đầu, gài nút cổ, thu hai nắm tay trong túi áo khoác, đứng yên nghe tiếng gió phành phạch bên vành tai.
Không phải ai cũng lật đật chạy vô đụt mưa dưới mái nhà nghinh phong. Lũ trẻ con vẫn chạy vòng vòng trên bãi cát, cho nên mấy người lớn cũng phải chạy theo thuyết phục chúng là sắp có bão đấy, phải về nhà. Lại có những người lớn bất chấp bão, chẳng tỏ vẻ bận tâm gì, cứ đứng ngắm biển trời vần vũ. Cảnh quan thực ra rất trầm, mây sà thấp, bờ bãi nhô lên những vồng cát cong, biển trông như cạn, hay thu hẹp lại. Những cánh buồm hẳn là no gió, thuyền lướt nhanh.
Theo đài dự báo thời tiết thì chiều và tối có mưa kèm theo gió tốc độ khoảng 20 dặm. Như vậy không gọi là bão. Mưa gió cỡ đó là chuyện bình thường ở thị trấn ven biển này. Vả lại ông trời không diễn đúng y kịch bản của đài khí tượng. Nắng chiều vàng rực, ấm áp, được vuốt mát bằng những cơn gió biển, vậy là già trẻ lớn bé không hẹn mà cùng kéo nhau ra công viên dọc bờ biển. Có một lối mòn và một cái cầu dài bằng gỗ bắc qua (một hốc) biển, nối Cảng Chợ Cũ (Old Fair Haven) với công viên Đại lộ (Boulevard Park) dài khoảng một cây số. Dân cư ở những khu nhà nghỉ và chúng cư gần đó phần lớn là người cao tuổi, hoạt động chính trong ngày của họ có lẽ là đi từ từ qua cây cầu đó hóng gió. Họ tính là nếu mưa, mưa xuân lất phất ấy mà, thì họ cứ từ từ đi về nhà, gần xịt. Những người ở xa hơn, dưới phố hay khu đồi và khu thung lũng chẳng hạn, thì cũng chỉ cần chạy vội đến bãi đậu xe sát sườn công viên mà an toàn lái đi. Còn mấy người giong thuyền buồm ra biển lúc này ngán gì mưa, khoái gió là đằng khác.
Bỗng gió nổi to, thổi những giề mây phía núi che kín bầu trời, nắng biến đâu mất. Người ta đã coi dự báo thời tiết, không bất ngờ gì cả, lại còn khen đài khí tượng nhà mình giỏi, bảo chiều mưa thì trời đang nắng cũng chuyển sang mưa. Trong giai đoạn “chuyển” này, phần lớn người cao tuổi đã líu ríu về tới nhà hay lên được xe, nhìn qua kính cửa sổ dõi theo những cánh buồm trắng. Thuyền đang lướt rất nhanh. Tất nhiên là họ có theo dõi tin thời tiết, có liên lạc với đài khí tượng, với đội cứu hộ, nếu có tình trạng khẩn cấp. Thuyền buồm, nhưng cũng có gắn máy, “có gì” có lẽ họ chỉ việc cuốn buồm lại nổ máy chạy một cái vèo vô bến. Bến thuyền nằm trong một vũng kín gió, cả cái vịnh này nói chung cũng kín gió, bình thường biển lặng như mặt hồ, mưa gió như lúc này sóng cũng chỉ lăn tăn.
Những cánh buồm đó không phải là những thương thuyền, cũng không là thuyền đánh cá hay thuyền hải tặc. Phần lớn là thuyền thể thao, phần lớn là đồ chơi của nhà giàu. Những tay chơi thuyền buồm ưa mạo hiểm, khoái gió to, chứ biển yên gió lặng thì buồm để làm gì. Mà nhà giàu thì sợ chết lắm, họ chỉ khoái nguy hiểm đến ngưỡng suýt chết và thoát chết thôi. Để chứng tỏ mình mạnh mẽ, dũng cảm, mưu trí, biết xử lý tình huống, đủ nghị lực vượt qua mọi trở ngại, và luôn chiến thắng cái chết. Chút ít tai nạn nếu xảy ra chỉ cần vừa đủ hư hao để cung cấp việc làm cho hãng bảo hiểm và đủ gay cấn để cung cấp câu chuyện cho cuộc trà dư tửu hậu. Nếu nguy hiểm thực sự, họ không dại gì!
Cho nên tôi cứ hưởng cái thú đứng trong gió lộng giữa biển trời mênh mông ngắm những cánh buồm trắng xa xa lượn qua lượn lại, như lũ trẻ con cố nấn ná trên bãi cát, chơi trò chuột chạy trốn mèo với cha mẹ chúng. Tôi tính chừng nào tất cả thuyền cùng nhắm hướng bến mà chạy về thì chắc là bão thiệt, mình cũng nên về nhà. Nhưng đứng một hồi thấy lạnh. Cuối cùng lũ trẻ con và những người lớn khác cũng đã về hết. Lúc lái xe trên xa lộ gặp cơn gió giật, suýt lạc tay lái, may mà đường rộng và vắng. May nữa là vừa bước qua ngưỡng cửa thì một cành anh đào bị gió quật gãy ngã cái rầm, cách cánh cửa mấy bước chân. Hú vía.
Bão to hơn dự báo. Gió giật liên tục. Những đợt mưa đuổi nhau. Chợt tưởng mình hiểu câu hát “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua” Có lẽ vì gió thổi mây bay, mưa cũng bay, lướt qua rồi tạnh, rồi chuyến mây khác bị thổi tới, chuyến mưa khác rơi xuống. Ngồi yên trong nhà mình nhìn những chuyến mưa qua bên ngoài cửa sổ tạo một tâm trạng vừa bình yên vừa bồn chồn. Thỉnh thoảng gió giật hàng rào gỗ của nhà xóm ngã xấp xuống đất, quăng mấy tấm lợp nhà bay vun vút ra đường. Không biết mấy tấm đó có phải bay ra từ nóc nhà mình không. Trời sụp tối thì mất điện. Vợ chồng đành ăn cơm trong ánh nến, hơi lãng mạn. May mà kịp về nhà. Thử tưởng tượng bão ngoài biển khơi. Ông chồng gạt đi: Hơi đâu mà lo cho bọn nhà giàu đã có các dịch vụ an toàn sẵn sàng chăm sóc tới chân lông. Nhưng ông hiểu lầm, có phải tôi đang nghĩ tới những chiếc du thuyền đâu. Ngoài biển, một biển khác rất xa nơi đây, có những chiếc thuyền khác, vật lộn trong bão, không phải để chơi.
Lý Lan
Không phải ai cũng lật đật chạy vô đụt mưa dưới mái nhà nghinh phong. Lũ trẻ con vẫn chạy vòng vòng trên bãi cát, cho nên mấy người lớn cũng phải chạy theo thuyết phục chúng là sắp có bão đấy, phải về nhà. Lại có những người lớn bất chấp bão, chẳng tỏ vẻ bận tâm gì, cứ đứng ngắm biển trời vần vũ. Cảnh quan thực ra rất trầm, mây sà thấp, bờ bãi nhô lên những vồng cát cong, biển trông như cạn, hay thu hẹp lại. Những cánh buồm hẳn là no gió, thuyền lướt nhanh.
Theo đài dự báo thời tiết thì chiều và tối có mưa kèm theo gió tốc độ khoảng 20 dặm. Như vậy không gọi là bão. Mưa gió cỡ đó là chuyện bình thường ở thị trấn ven biển này. Vả lại ông trời không diễn đúng y kịch bản của đài khí tượng. Nắng chiều vàng rực, ấm áp, được vuốt mát bằng những cơn gió biển, vậy là già trẻ lớn bé không hẹn mà cùng kéo nhau ra công viên dọc bờ biển. Có một lối mòn và một cái cầu dài bằng gỗ bắc qua (một hốc) biển, nối Cảng Chợ Cũ (Old Fair Haven) với công viên Đại lộ (Boulevard Park) dài khoảng một cây số. Dân cư ở những khu nhà nghỉ và chúng cư gần đó phần lớn là người cao tuổi, hoạt động chính trong ngày của họ có lẽ là đi từ từ qua cây cầu đó hóng gió. Họ tính là nếu mưa, mưa xuân lất phất ấy mà, thì họ cứ từ từ đi về nhà, gần xịt. Những người ở xa hơn, dưới phố hay khu đồi và khu thung lũng chẳng hạn, thì cũng chỉ cần chạy vội đến bãi đậu xe sát sườn công viên mà an toàn lái đi. Còn mấy người giong thuyền buồm ra biển lúc này ngán gì mưa, khoái gió là đằng khác.
Bỗng gió nổi to, thổi những giề mây phía núi che kín bầu trời, nắng biến đâu mất. Người ta đã coi dự báo thời tiết, không bất ngờ gì cả, lại còn khen đài khí tượng nhà mình giỏi, bảo chiều mưa thì trời đang nắng cũng chuyển sang mưa. Trong giai đoạn “chuyển” này, phần lớn người cao tuổi đã líu ríu về tới nhà hay lên được xe, nhìn qua kính cửa sổ dõi theo những cánh buồm trắng. Thuyền đang lướt rất nhanh. Tất nhiên là họ có theo dõi tin thời tiết, có liên lạc với đài khí tượng, với đội cứu hộ, nếu có tình trạng khẩn cấp. Thuyền buồm, nhưng cũng có gắn máy, “có gì” có lẽ họ chỉ việc cuốn buồm lại nổ máy chạy một cái vèo vô bến. Bến thuyền nằm trong một vũng kín gió, cả cái vịnh này nói chung cũng kín gió, bình thường biển lặng như mặt hồ, mưa gió như lúc này sóng cũng chỉ lăn tăn.
Những cánh buồm đó không phải là những thương thuyền, cũng không là thuyền đánh cá hay thuyền hải tặc. Phần lớn là thuyền thể thao, phần lớn là đồ chơi của nhà giàu. Những tay chơi thuyền buồm ưa mạo hiểm, khoái gió to, chứ biển yên gió lặng thì buồm để làm gì. Mà nhà giàu thì sợ chết lắm, họ chỉ khoái nguy hiểm đến ngưỡng suýt chết và thoát chết thôi. Để chứng tỏ mình mạnh mẽ, dũng cảm, mưu trí, biết xử lý tình huống, đủ nghị lực vượt qua mọi trở ngại, và luôn chiến thắng cái chết. Chút ít tai nạn nếu xảy ra chỉ cần vừa đủ hư hao để cung cấp việc làm cho hãng bảo hiểm và đủ gay cấn để cung cấp câu chuyện cho cuộc trà dư tửu hậu. Nếu nguy hiểm thực sự, họ không dại gì!
Cho nên tôi cứ hưởng cái thú đứng trong gió lộng giữa biển trời mênh mông ngắm những cánh buồm trắng xa xa lượn qua lượn lại, như lũ trẻ con cố nấn ná trên bãi cát, chơi trò chuột chạy trốn mèo với cha mẹ chúng. Tôi tính chừng nào tất cả thuyền cùng nhắm hướng bến mà chạy về thì chắc là bão thiệt, mình cũng nên về nhà. Nhưng đứng một hồi thấy lạnh. Cuối cùng lũ trẻ con và những người lớn khác cũng đã về hết. Lúc lái xe trên xa lộ gặp cơn gió giật, suýt lạc tay lái, may mà đường rộng và vắng. May nữa là vừa bước qua ngưỡng cửa thì một cành anh đào bị gió quật gãy ngã cái rầm, cách cánh cửa mấy bước chân. Hú vía.
Bão to hơn dự báo. Gió giật liên tục. Những đợt mưa đuổi nhau. Chợt tưởng mình hiểu câu hát “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua” Có lẽ vì gió thổi mây bay, mưa cũng bay, lướt qua rồi tạnh, rồi chuyến mây khác bị thổi tới, chuyến mưa khác rơi xuống. Ngồi yên trong nhà mình nhìn những chuyến mưa qua bên ngoài cửa sổ tạo một tâm trạng vừa bình yên vừa bồn chồn. Thỉnh thoảng gió giật hàng rào gỗ của nhà xóm ngã xấp xuống đất, quăng mấy tấm lợp nhà bay vun vút ra đường. Không biết mấy tấm đó có phải bay ra từ nóc nhà mình không. Trời sụp tối thì mất điện. Vợ chồng đành ăn cơm trong ánh nến, hơi lãng mạn. May mà kịp về nhà. Thử tưởng tượng bão ngoài biển khơi. Ông chồng gạt đi: Hơi đâu mà lo cho bọn nhà giàu đã có các dịch vụ an toàn sẵn sàng chăm sóc tới chân lông. Nhưng ông hiểu lầm, có phải tôi đang nghĩ tới những chiếc du thuyền đâu. Ngoài biển, một biển khác rất xa nơi đây, có những chiếc thuyền khác, vật lộn trong bão, không phải để chơi.
Lý Lan