Trên đường rầy xe lửa
Chợt nổi máu phiêu lưu. Bèn lấy vé xe lửa đi về phương nam. Nghe nói ngày xưa có tới ba hãng xe lửa hoạt động ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương này, nhưng đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, hãng tàu hỏa Amtrak đã gom hết thành một tuyến đường thống nhất, và từ năm ngoái đã có mỗi ngày một chuyến chạy từ thành phố Vancouver của Canada đến thành phố Portland của Mỹ, và ngược lại, người đi lại ngày càng đông, nhờ cảnh đẹp dọc đường tàu.
Tàu chạy dọc bờ biển, nối bốn thành phố lớn và ngừng ở một chục ga lẻ. Ga Bellingham là một ga lẻ, tàu ngừng chừng năm phút. Cho nên khoảng mười phút trước khi tàu đến, nhân viên duy nhứt của nhà ga đóng cửa sổ quầy vé, bước ra phòng chờ, vỗ tay ba cái để qui tụ tất cả ánh mắt trong phòng về phía bà rồi dõng dạc thông báo: “Hành khách, chỉ hành khách thôi, tập trung trên sân ga, sau vạch màu vàng, LÀM ƠN.” (Bà nhấn mạnh hai từ cuối). Sau đó bà gần như lùa tất cả bảy tám người cứ đứng lừng khừng qua cái cổng của hàng rào sắt, khiến những người đưa tiễn hoảng hồn lùi ra khỏi tầm tay của bà để thoát thân.
Đầu tàu xuất hiện, chạy tuốt tới cuối ga thì toa tàu cuối cùng mới lọt vô sân ga. Toa cuối là toa hành lý. Hai cô cậu sinh viên đem theo hai chiếc xe đạp đã kí gởi ở quầy hành lý, đang chỉ chỏ cho nhau thấy hai chiếc xe cưng của mình đang đứng như hai hiệp sĩ giữa mớ va li túi xách trên chiếc xe vận chuyển hành lý. Nhưng họ không có thì giờ đứng quan sát cảnh hành lý được đưa lên tàu. Tàu vừa ngừng hẳn, cửa toa tàu mở ra, nhân viên mặc đồng phục bước xuống , rao lên “Seattle, Portland: toa 7 và 8”. Ai nấy vội vã lên tàu, để xí chỗ. Tàu này ghế nào cũng mềm cả, ai muốn ngồi đâu thì ngồi (không cần giường nằm vì hành trình dài nhứt chỉ cở bảy tám tiếng đồng hồ.) Ai cũng muuốn ngồi cạnh cửa sổ bên phải để có thể ngắm cảnh biển trời, ai chậm chân đành ngồi ghế bên trái, sẽ thấy vách núi hoặc đồng bằng, nông trại. Cũng không đến nỗi tệ, nếu hành khách khoái bò ngựa như tôi.
Thế rồi xe lửa xình xịch chạy. Tôi biết, “tàu hỏa” là từ phổ biến trên cả nước Việt Nam, nhưng hai tiếng “xe lửa” có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Hồi tôi lên năm lên bảy ở làng quê theo cậu đi chăn trâu, phải lùa trâu qua “đường rầy xe lửa” để vô ruộng. Lúc đó đường rầy đã hoang phế vì không dùng từ thời cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng những súc gỗ to và những thanh sắt của đường rầy vẫn còn nằm chắc chắn trên đoạn đường đấp cao như ranh giới phân chia một bên là phố chợ, một bên là bưng biền. Khi con trâu trèo lên tới chỗ cao nhứt của đường rầy, nó đứng lại vờ như táp mấy cọng cỏ mọc lam nham giữa sỏi đá, nhưng chắc trâu cũng như tôi, ngồi ngất ngưỡng trên lưng trâu, sảng khoái phóng tầm mắt ra xung quanh, ngắm nhìn từ một độ cao tương đối, những thửa ruộng ngập nước lênh láng, mạ mới cấy đứng chưa vững, mấy bụi dứa gai đánh dấu ao đìa, dãy xanh xanh tre trúc kia nắn hình con suối chảy vô làng…
Không biết con trâu Bầu đó có trí tưởng tượng không. (Tôi biết chắc trâu có tình cảm, vì khi tình hình chiến sự trong vùng căng quá, dân phải tản cư, không thể dắt trâu vô thành phố, ông ngoại đành phải bán nó đi. Khi lái trâu tới bắt, con trâu đã khuỵu hai chân trước xuống như lạy ông ngoại tôi, từ đôi mắt to hiền lành của con trâu chảy ra đôi dòng lệ, khiến ông ngoại tôi cầm lòng không đăng, thí mặc đạn bom, ở lại với con trâu, cùng sống chết với ruộng đồng. ) Tôi thì từ nhỏ xíu đã sống với mộng mơ. Ngồi trên lưng trâu đứng trên đường rầy xe lửa, tầm mắt được nâng cao vài thước, tôi đã khao khát nhìn xa hơn, thấy nhiều hơn, tưởng tượng mình được đi xe lửa xuyên khắp làng xóm thành thị non nước … Sau khi chiến tranh chấm dứt, tôi hăng hái nộp sắt vụn cho “kế hoạch nhỏ” xây dựng lại hệ thống đường sắt quốc gia cho “đoàn tàu thống nhất” chạy suốt từ Bắc vô Nam , từ Nam ra Bắc. Dĩ nhiên là cuối cùng, dù không có bà con ở ngoài Bắc để viếng thăm, tôi cũng thực hiện giấc mơ của cô bé chăn trâu ngày nọ: đi xe lửa dọc chiều dài đất nước để ngắm quê hương mình từ Nam ra Bắc.
Tôi nói ra chắc có người bĩu môi hay cười khảy, nhưng sự thật là tình yêu non nước Việt Nam của tôi đã trải dài ra khỏi lũy tre làng và phố chợ đến những thẻo đất miền trung bên núi bên biển đến những chiếc cầu bắc ngang sông Hồng, khi ngồi trên đoàn tàu Thống Nhất xình xịch chạy hai ba ngày đêm từ Sài Gòn ra Hà Nội. Người ta sao tôi không biết, chứ tôi không làm sao nói yêu nơi mà mình không hề đi qua, không có thân thuộc bạn bè, không biết tập quán phong tục, thâm chí không hình dung được sắc trời, con nước, dáng người, lối đi… Nhiều lần sau này tôi có nhiều dịp đi lại Đà Nẵng, Hà Nội bằng máy bay, mới ngồi yên trên máy bay một hai tiếng đồng hồ, ăn vội bữa ăn, chưa kịp xỉa răng, chưa kịp nhận ra mây bay ngoài cửa sổ, máy bay đã hạ cánh, ý thức về đất nước mình lúc đó cụt ngủn như vầy: nước mình nhỏ xíu!
Nước nhỏ không có gì phải mặc cảm. Nhưng cùng chuyến tàu Thống Nhất xình xịch chạy hết ngày đến đêm đến ngày đến đêm nữa qua núi rừng sông biển làng mạc, mỗi vùng miền mỗi khác… một tình cảm gần như bí ẩn, gần như thiêng liêng, lớn dần, sâu dần, thắm thiết dần, rồi gắn bó vĩnh viễn tôi với những miền đất xe lửa đã đưa tôi qua.
Lý Lan
Tàu chạy dọc bờ biển, nối bốn thành phố lớn và ngừng ở một chục ga lẻ. Ga Bellingham là một ga lẻ, tàu ngừng chừng năm phút. Cho nên khoảng mười phút trước khi tàu đến, nhân viên duy nhứt của nhà ga đóng cửa sổ quầy vé, bước ra phòng chờ, vỗ tay ba cái để qui tụ tất cả ánh mắt trong phòng về phía bà rồi dõng dạc thông báo: “Hành khách, chỉ hành khách thôi, tập trung trên sân ga, sau vạch màu vàng, LÀM ƠN.” (Bà nhấn mạnh hai từ cuối). Sau đó bà gần như lùa tất cả bảy tám người cứ đứng lừng khừng qua cái cổng của hàng rào sắt, khiến những người đưa tiễn hoảng hồn lùi ra khỏi tầm tay của bà để thoát thân.
Đầu tàu xuất hiện, chạy tuốt tới cuối ga thì toa tàu cuối cùng mới lọt vô sân ga. Toa cuối là toa hành lý. Hai cô cậu sinh viên đem theo hai chiếc xe đạp đã kí gởi ở quầy hành lý, đang chỉ chỏ cho nhau thấy hai chiếc xe cưng của mình đang đứng như hai hiệp sĩ giữa mớ va li túi xách trên chiếc xe vận chuyển hành lý. Nhưng họ không có thì giờ đứng quan sát cảnh hành lý được đưa lên tàu. Tàu vừa ngừng hẳn, cửa toa tàu mở ra, nhân viên mặc đồng phục bước xuống , rao lên “Seattle, Portland: toa 7 và 8”. Ai nấy vội vã lên tàu, để xí chỗ. Tàu này ghế nào cũng mềm cả, ai muốn ngồi đâu thì ngồi (không cần giường nằm vì hành trình dài nhứt chỉ cở bảy tám tiếng đồng hồ.) Ai cũng muuốn ngồi cạnh cửa sổ bên phải để có thể ngắm cảnh biển trời, ai chậm chân đành ngồi ghế bên trái, sẽ thấy vách núi hoặc đồng bằng, nông trại. Cũng không đến nỗi tệ, nếu hành khách khoái bò ngựa như tôi.
Thế rồi xe lửa xình xịch chạy. Tôi biết, “tàu hỏa” là từ phổ biến trên cả nước Việt Nam, nhưng hai tiếng “xe lửa” có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Hồi tôi lên năm lên bảy ở làng quê theo cậu đi chăn trâu, phải lùa trâu qua “đường rầy xe lửa” để vô ruộng. Lúc đó đường rầy đã hoang phế vì không dùng từ thời cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng những súc gỗ to và những thanh sắt của đường rầy vẫn còn nằm chắc chắn trên đoạn đường đấp cao như ranh giới phân chia một bên là phố chợ, một bên là bưng biền. Khi con trâu trèo lên tới chỗ cao nhứt của đường rầy, nó đứng lại vờ như táp mấy cọng cỏ mọc lam nham giữa sỏi đá, nhưng chắc trâu cũng như tôi, ngồi ngất ngưỡng trên lưng trâu, sảng khoái phóng tầm mắt ra xung quanh, ngắm nhìn từ một độ cao tương đối, những thửa ruộng ngập nước lênh láng, mạ mới cấy đứng chưa vững, mấy bụi dứa gai đánh dấu ao đìa, dãy xanh xanh tre trúc kia nắn hình con suối chảy vô làng…
Không biết con trâu Bầu đó có trí tưởng tượng không. (Tôi biết chắc trâu có tình cảm, vì khi tình hình chiến sự trong vùng căng quá, dân phải tản cư, không thể dắt trâu vô thành phố, ông ngoại đành phải bán nó đi. Khi lái trâu tới bắt, con trâu đã khuỵu hai chân trước xuống như lạy ông ngoại tôi, từ đôi mắt to hiền lành của con trâu chảy ra đôi dòng lệ, khiến ông ngoại tôi cầm lòng không đăng, thí mặc đạn bom, ở lại với con trâu, cùng sống chết với ruộng đồng. ) Tôi thì từ nhỏ xíu đã sống với mộng mơ. Ngồi trên lưng trâu đứng trên đường rầy xe lửa, tầm mắt được nâng cao vài thước, tôi đã khao khát nhìn xa hơn, thấy nhiều hơn, tưởng tượng mình được đi xe lửa xuyên khắp làng xóm thành thị non nước … Sau khi chiến tranh chấm dứt, tôi hăng hái nộp sắt vụn cho “kế hoạch nhỏ” xây dựng lại hệ thống đường sắt quốc gia cho “đoàn tàu thống nhất” chạy suốt từ Bắc vô Nam , từ Nam ra Bắc. Dĩ nhiên là cuối cùng, dù không có bà con ở ngoài Bắc để viếng thăm, tôi cũng thực hiện giấc mơ của cô bé chăn trâu ngày nọ: đi xe lửa dọc chiều dài đất nước để ngắm quê hương mình từ Nam ra Bắc.
Tôi nói ra chắc có người bĩu môi hay cười khảy, nhưng sự thật là tình yêu non nước Việt Nam của tôi đã trải dài ra khỏi lũy tre làng và phố chợ đến những thẻo đất miền trung bên núi bên biển đến những chiếc cầu bắc ngang sông Hồng, khi ngồi trên đoàn tàu Thống Nhất xình xịch chạy hai ba ngày đêm từ Sài Gòn ra Hà Nội. Người ta sao tôi không biết, chứ tôi không làm sao nói yêu nơi mà mình không hề đi qua, không có thân thuộc bạn bè, không biết tập quán phong tục, thâm chí không hình dung được sắc trời, con nước, dáng người, lối đi… Nhiều lần sau này tôi có nhiều dịp đi lại Đà Nẵng, Hà Nội bằng máy bay, mới ngồi yên trên máy bay một hai tiếng đồng hồ, ăn vội bữa ăn, chưa kịp xỉa răng, chưa kịp nhận ra mây bay ngoài cửa sổ, máy bay đã hạ cánh, ý thức về đất nước mình lúc đó cụt ngủn như vầy: nước mình nhỏ xíu!
Nước nhỏ không có gì phải mặc cảm. Nhưng cùng chuyến tàu Thống Nhất xình xịch chạy hết ngày đến đêm đến ngày đến đêm nữa qua núi rừng sông biển làng mạc, mỗi vùng miền mỗi khác… một tình cảm gần như bí ẩn, gần như thiêng liêng, lớn dần, sâu dần, thắm thiết dần, rồi gắn bó vĩnh viễn tôi với những miền đất xe lửa đã đưa tôi qua.
Lý Lan