Bồ công anh
Ngôi nhà bên cạnh bị nghiêng (lâu rồi) nên ba năm trước đã bị dỡ ra. Lúc đó là thời điểm “đêm trước” cuộc suy thoái kinh tế. Người chủ cũ bán ngôi nhà nơi gia đình họ đã chung sống ít nhất nửa thế kỷ, theo ký ức của những người láng giềng kỳ cựu. Sau đó họ đi đâu tôi không biết. Chủ mới, một nhà thầu xây dựng ở địa phương, lập tức san thành bình địa ngôi nhà lẫn cây cỏ chung quanh, kể cả hai cây tùng cổ thụ thuộc loại cao nhứt xóm, đẹp thật là đẹp.
Sau đó là đo đạc, đào đất, đổ đá… công việc khẩn trương, coi bộ nhà thầu muốn xây gấp ngôi nhà mới để bán cho lẹ, thu vốn kiếm lời nhiều và nhanh. Nhắm nền móng được đổ bê tông thì ngôi nhà mới sẽ to lắm, với cái nhà xe có thể chứa ba bốn cái xe hơi, chiếm gần hết khoảng vườn sau. May mà khoảng sân trước nhà có vẻ được thiết kế thành vườn hoa hay bãi cỏ, chưa bị đổ đá, chưa tráng xi măng. Mỗi lần nhìn sang đó, tôi buồn buồn. Mai mốt nhà người ta xây lên mới và đẹp, khiến cho cái nhà mình kế bên trông cũ kỹ nhỏ bé đã đành, buồn là cái nhà mới cao to sẽ che khuất mảnh vườn rau nhỏ sau nhà tôi, sự nghiệp (học) làm vườn của tôi sẽ trở nên âm u, thiếu nắng.
May sao (mà rủi cho ông thầu) cái gọi là bong bóng nhà đất bể, cớ sự ra sao tôi bù trất, chỉ biết là việc xây dựng sát vách nhà mình bị đình đốn. Thường thì xây nhà, xong nền móng thì làm gì nữa? Tôi không biết, vì trải mấy mùa tuyết rơi nền nhà hàng xóm cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Chỗ nào không bị bê tông phủ kín thì xuân sang cỏ cây các loại mọc lên xanh tốt vô cùng. Mấy hôm trước mưa dầm, tôi cũng bận dọn vườn mình nhân kỳ nghỉ xuân (Spring break). Sáng nay thức dậy thấy nắng lung linh trên rèm cửa sổ, bèn vén màn nhìn ra. Ôi trời, cả một vạt sân trước nhà bên cạnh vàng rực hoa bồ công anh.
Bồ công anh! Bồ công anh! Hoa của trẻ con, hoa của tuổi thơ! Hoa của thơ ca và hoa của cổ tích!
Đây là những đóa hoa bồ công anh đầu tiên của mùa này, xuân sang thật rồi, quên mùa đông đi.
Câu thơ của Walt Whitman trong tập Lá Cỏ: “Đơn giản, tươi tắn và thanh khiết, hiện ra khi mùa đông khép lại … đóa hoa bồ công anh đầu tiên của mùa xuân lộ ra gương mặt đáng tin của mình.” Ừ, tôi biết đến bồ công anh qua thơ của Whitman, hồi còn là học sinh trung học. Có được nhìn cái hình vẽ trong một cuốn sách thiếu nhi mượn ở thư viện hội Việt Mỹ, nơi tôi học thêm tiếng Anh. Hình vẽ mấy đứa con nít cầm cái trái lông chông , chúm môi thổi cho những cái hạt có cánh trắng bay thênh thang trên bầu trời xanh tiếp giáp cánh đồng hoa vàng rực.
Nhờ cái hình đó mà khi tôi đến Mỹ lần đầu tiên, trước bao nhiêu thứ mới mẻ lạ lùng, tôi nhận ra hoa bồ công anh trước tiên. Và yêu nó ngay. Hoa bồ công anh nở xòe ra như bông cúc, không hề rụng hay tàn, hoa nở xong thì búp lại, chui hết vào trong đài hoa, sau đó bung ra thành một trái cầu kết bằng những “cánh” trắng, mong manh như tơ trời. Gọi đúng tên thì đó là những “trái” bồ công anh mang cái hạt nhỏ xíu trên những cái cánh như tơ bay lơ lửng… Một bụi bồ công anh thường có đủ hoa đang nở vàng, hoa đã thành trái lông chông, hoa còn đang nụ. Hoa nở cho đến hết mùa xuân, rồi “nghỉ hè”, cây không chịu được nắng nóng, nhưng khi thu sang thì cây lại bừng sống dậy.
À, câu chuyện trong cuốn sách có cái hình vẽ trẻ con thổi trái lông chông trên cánh đồng hoa bồ công anh như vầy: Bà Chúa Hoa ở trên trời bay xuống mặt đất xanh, dạo quanh để tìm một loài hoa đáng yêu nhất. Bà gặp hoa tulip rực rỡ bèn hỏi: “Hoa thích ở đâu nhất trên mặt đất này?” Tulip đáp: “Vườn lâu đài, để được công chúa thưởng ngoạn.” Bà Chuá Hoa hỏi hoa hồng câu tương tự, hoa hồng nói “Tường lâu đài, vì em yếu ớt phải tựa vào tường thành vững chắc để vươn lên.” Bà Chúa Hoa đi khắp nơi, hỏi đủ các loài hoa những câu tương tự và nhận được vô số câu trả lời na ná nhau: ai cũng thích chốn đẹp đẽ, sang giàu và quyền lực, ai cũng muốn có cơ hội phô sắc khoe hương. Bản chất hoa là vậy mà. Sao bà Chúa Hoa không hài lòng?
Bà Chúa Hoa đã hơi chán chường, đi xa dần những vườn thượng uyển, những khuôn viên quanh lâu đài, cả những mảnh vườn riêng sau những bức tường hoa. Bà đi ra đồng hoang gặp bồ công anh. “Này hoa vàng, nói cho ta biết ở đâu trên mặt đất này hoa cho là đáng sống nhất?” Bồ công anh vui vẻ đáp ngay: “Ôi, chỗ nào trẻ con có thể bắt gặp tôi, dù trên đường đến trường, trong sân chơi, ngoài đồng cỏ, dọc lối mòn ở thôn quê, hay giữa khe đá lát lề đường thành phố, chốn hang cùn ngõ hẹp, hay bãi chăn thả gia súc mênh mông. Bất kể chỗ nào trẻ con bắt gặp tôi, chơi đùa với tôi, bật lên tiếng cười vang làm vui cõi đời này, là tôi thấy nơi đó đáng sống.”
Bảo sao tôi không ngất ngây khi nhìn ra cửa sổ sáng nay bắt gặp hàng trăm đóa hoa bồ công anh vừa mới nở.
Lý Lan
Sau đó là đo đạc, đào đất, đổ đá… công việc khẩn trương, coi bộ nhà thầu muốn xây gấp ngôi nhà mới để bán cho lẹ, thu vốn kiếm lời nhiều và nhanh. Nhắm nền móng được đổ bê tông thì ngôi nhà mới sẽ to lắm, với cái nhà xe có thể chứa ba bốn cái xe hơi, chiếm gần hết khoảng vườn sau. May mà khoảng sân trước nhà có vẻ được thiết kế thành vườn hoa hay bãi cỏ, chưa bị đổ đá, chưa tráng xi măng. Mỗi lần nhìn sang đó, tôi buồn buồn. Mai mốt nhà người ta xây lên mới và đẹp, khiến cho cái nhà mình kế bên trông cũ kỹ nhỏ bé đã đành, buồn là cái nhà mới cao to sẽ che khuất mảnh vườn rau nhỏ sau nhà tôi, sự nghiệp (học) làm vườn của tôi sẽ trở nên âm u, thiếu nắng.
May sao (mà rủi cho ông thầu) cái gọi là bong bóng nhà đất bể, cớ sự ra sao tôi bù trất, chỉ biết là việc xây dựng sát vách nhà mình bị đình đốn. Thường thì xây nhà, xong nền móng thì làm gì nữa? Tôi không biết, vì trải mấy mùa tuyết rơi nền nhà hàng xóm cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Chỗ nào không bị bê tông phủ kín thì xuân sang cỏ cây các loại mọc lên xanh tốt vô cùng. Mấy hôm trước mưa dầm, tôi cũng bận dọn vườn mình nhân kỳ nghỉ xuân (Spring break). Sáng nay thức dậy thấy nắng lung linh trên rèm cửa sổ, bèn vén màn nhìn ra. Ôi trời, cả một vạt sân trước nhà bên cạnh vàng rực hoa bồ công anh.
Bồ công anh! Bồ công anh! Hoa của trẻ con, hoa của tuổi thơ! Hoa của thơ ca và hoa của cổ tích!
Đây là những đóa hoa bồ công anh đầu tiên của mùa này, xuân sang thật rồi, quên mùa đông đi.
Câu thơ của Walt Whitman trong tập Lá Cỏ: “Đơn giản, tươi tắn và thanh khiết, hiện ra khi mùa đông khép lại … đóa hoa bồ công anh đầu tiên của mùa xuân lộ ra gương mặt đáng tin của mình.” Ừ, tôi biết đến bồ công anh qua thơ của Whitman, hồi còn là học sinh trung học. Có được nhìn cái hình vẽ trong một cuốn sách thiếu nhi mượn ở thư viện hội Việt Mỹ, nơi tôi học thêm tiếng Anh. Hình vẽ mấy đứa con nít cầm cái trái lông chông , chúm môi thổi cho những cái hạt có cánh trắng bay thênh thang trên bầu trời xanh tiếp giáp cánh đồng hoa vàng rực.
Nhờ cái hình đó mà khi tôi đến Mỹ lần đầu tiên, trước bao nhiêu thứ mới mẻ lạ lùng, tôi nhận ra hoa bồ công anh trước tiên. Và yêu nó ngay. Hoa bồ công anh nở xòe ra như bông cúc, không hề rụng hay tàn, hoa nở xong thì búp lại, chui hết vào trong đài hoa, sau đó bung ra thành một trái cầu kết bằng những “cánh” trắng, mong manh như tơ trời. Gọi đúng tên thì đó là những “trái” bồ công anh mang cái hạt nhỏ xíu trên những cái cánh như tơ bay lơ lửng… Một bụi bồ công anh thường có đủ hoa đang nở vàng, hoa đã thành trái lông chông, hoa còn đang nụ. Hoa nở cho đến hết mùa xuân, rồi “nghỉ hè”, cây không chịu được nắng nóng, nhưng khi thu sang thì cây lại bừng sống dậy.
À, câu chuyện trong cuốn sách có cái hình vẽ trẻ con thổi trái lông chông trên cánh đồng hoa bồ công anh như vầy: Bà Chúa Hoa ở trên trời bay xuống mặt đất xanh, dạo quanh để tìm một loài hoa đáng yêu nhất. Bà gặp hoa tulip rực rỡ bèn hỏi: “Hoa thích ở đâu nhất trên mặt đất này?” Tulip đáp: “Vườn lâu đài, để được công chúa thưởng ngoạn.” Bà Chuá Hoa hỏi hoa hồng câu tương tự, hoa hồng nói “Tường lâu đài, vì em yếu ớt phải tựa vào tường thành vững chắc để vươn lên.” Bà Chúa Hoa đi khắp nơi, hỏi đủ các loài hoa những câu tương tự và nhận được vô số câu trả lời na ná nhau: ai cũng thích chốn đẹp đẽ, sang giàu và quyền lực, ai cũng muốn có cơ hội phô sắc khoe hương. Bản chất hoa là vậy mà. Sao bà Chúa Hoa không hài lòng?
Bà Chúa Hoa đã hơi chán chường, đi xa dần những vườn thượng uyển, những khuôn viên quanh lâu đài, cả những mảnh vườn riêng sau những bức tường hoa. Bà đi ra đồng hoang gặp bồ công anh. “Này hoa vàng, nói cho ta biết ở đâu trên mặt đất này hoa cho là đáng sống nhất?” Bồ công anh vui vẻ đáp ngay: “Ôi, chỗ nào trẻ con có thể bắt gặp tôi, dù trên đường đến trường, trong sân chơi, ngoài đồng cỏ, dọc lối mòn ở thôn quê, hay giữa khe đá lát lề đường thành phố, chốn hang cùn ngõ hẹp, hay bãi chăn thả gia súc mênh mông. Bất kể chỗ nào trẻ con bắt gặp tôi, chơi đùa với tôi, bật lên tiếng cười vang làm vui cõi đời này, là tôi thấy nơi đó đáng sống.”
Bảo sao tôi không ngất ngây khi nhìn ra cửa sổ sáng nay bắt gặp hàng trăm đóa hoa bồ công anh vừa mới nở.
Lý Lan