Trời mưa đọc sách

Hồi khuya gió quá chừng, ảnh hưởng đến giấc chiêm bao gần sáng. Tôi tưởng mình đã thức và nằm nghe gió thổi quanh nhà. Nhưng tôi ngủ lại và chiêm bao mình đang ngủ trên giường thì động đất, cái giường đu đưa và tôi rợi ra ngoài cửa sổ. Chi tiết này hoàn toàn vô lý, nhưng trong mơ tôi không ý thức được điều đó. Tôi tiếp tục chiêm bao trong nỗi kinh hoàng thực sự. Thiên tai biến thành chiến tranh, rồi cuộc chiếm đóng, săn lùng. Tôi chạy trốn. Tôi rơi vào bầu trời nổ ra như pháo hoa.
Trời sáng bét gió vẫn gầm gào quanh nhà. Tôi thức dậy, hỏi chồng tôi có phải vừa động đất không. Anh bảo không, gió to nhưng mặt đất bình yên, ngôi nhà vững như đá tảng, không rung rinh chút nào. Chi có cái máng treo dưới cành anh đào đựng thức ăn cho chim trời đã bị gió giật quăng vô vách một cái rầm, không bể, chỉ lạc mất một cái ổ nhựa để luồn dây qua. Tôi không biết cái đó là cái gì. Dù sao cũng không đáng bận tâm lắm.
Vào khoảng trưa gió dịu lại rồi im hẳn. Mưa bắt đầu rơi, rất nhẹ. Hầu như không thấy sợi mưa, chỉ thấy sàn gỗ sau nhà bắt đầu lấm tấm những giọt nước tí hon. Chẳng mấy chốc mặt đất ướt đều, nước mưa tựu thành giọt trên cành cây rồi nhẹ nhàng rơi xuống. Cành lá bây giờ chỉ rung động khe khẻ vì những giọt nước này. Nhưng là sự rung động liên miên, suốt mấy giờ đồng hồ. Không khí càng lúc càng ướt át lạnh lẽo. Nhưng so với đợt lạnh hồi tuần trước thì chẳng thấm tháp chút nào.
Tóm lại, không có gì ghê gớm, và tôi không nên tựa cửa sổ nhìn trời than thở chuyện gió mưa nữa. Tôi xoay lưng ghế lại cửa sổ và mở sách ra đọc. Đây là cuốn “Globalization: culture and education in the new millennium”, Toàn cầu hóa: văn hóa và giáo dục trong thiên niên kỷ mới. Bìa sách in hình năm bàn tay cùng nâng niu trái đất như một hòn ngọc báu. Lời tựa sách đặt vấn đề: “Toàn cầu hóa không chỉ trở nên vấn đề trung tâm trong thời đại chúng ta, mà sẽ định hình thế giới con cái chúng ta sẽ thừa hưởng. Vì vậy những người quan tâm đến tương lai ắt phải hỏi: trường tiểu học và trung học của chúng ta đang chuẩn bị cho học sinh hôm nay như thế nào để chúng trở thành công dân thành đạt trong một xã hội toàn cầu hóa?”
Tôi có tật nghe một khái niệm mới vài lần đầu còn tò mò và cảnh giác, nghe đến lần thứ năm thứ mười thứ một trăm thì tưởng rằng mình biết rồi, nghe nữa là tự động phản ứng: xưa rồi em, khái niệm đó cũ rồi, thế giới đã toàn cầu hóa lâu rồi! Quá đúng. Cuốn sách này nói nào ngay không mới mẻ gì. Cách đây bảy tám năm, câu hỏi trên (chúng ta đang chuẩn bị cho học sinh hôm nay như thế nào để chúng trở thành công dân thành đạt trong một xã hội toàn cầu hóa?) được đặt ra trong một hội thảo được đại học Harvard và viện Ross bảo trợ. Nhiều cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra sau đó nhằm tìm câu trả lời. Cuối cùng những ý tưởng lớn được tập hợp vào quyển sách này với ý định “làm một công cụ cho bất cứ ai – cha mẹ, nhà giáo dục, học giả, công chức, hay công dân hiểu biết – quan tâm đến giáo dục phải thích ứng như thế nào trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.”
Nội dung cuốn sách gồm mười bài viết của nhiều tác giả trình bày những suy nghĩ và nghiên cứu mới nhất trong nhiều lĩnh vực, từ tâm lý học đến kinh tế học, nhân chủng học, giáo dục học, đến lịch sử, khoa học thần kinh. Nhiều góc độ như vậy vì không một lĩnh vực riêng lẽ nào có thể giải quyết được những vấn đề về văn hóa và giáo dục trong một xã hội toàn cầu hóa. Nền giáo dục mà các tác giả quan tâm không phải là phát triển hay củng cố những đại học “toàn cầu” hay “quốc tế”, mà phải từ bậc tiểu học đến trung học, được gọi chung là “precollegiate”, trước cao đẳng /đại học, hàm ý là nền giáo dục cơ bản chuẩn bị cho thanh niên bước vào bậc học cao hơn để có một nghề nghiệp hay tiến xa hơn trong thế giới tri thức.
Đại học dĩ nhiên là quan trọng. Nhưng một thanh niên đã được chuẩn bị những kỷ năng gì, với những hành trang gì, là khác biệt sinh tử khi bước vào trường đua đại học (trường đua chứ không phải thảm cỏ dạo chơi). “Kiến thức ngày nay lan tỏa nhanh hơn bất kỳ thời nào khác trong lịch sử nhân loại. Những vấn đề phức hợp đang chồng chéo lên những môn học thuộc kinh viện . Tiến bộ trong lĩnh vực truyền thông tao điều kiện cho sinh viên ở bất cứ nơi đâu trên thế giới tiếp cận những người thầy giỏi nhất và những tư tưởng mới nhất. Sinh viên có những cơ hội không mơ nỗi trước đây là hợp tác với những người trang lứa ở những quốc gia khác nhau để có được sự cảm thông và hiểu biết thấu đáo những nền văn hóa đó.”
Những nhà giáo dục ắt phải là những người lạc quan và phóng tầm nhìn tới trước một phần tư thế kỷ. Thế giới có thể không biến đổi như họ tiên liệu (Thực tế cũng không ai tiên đoán được thế giới rồi sẽ ra sao, cả thiên nhiên và xã hội đều đang có những vận động vượt ngoài mọi khả năng tiên liệu). Nhưng trách nhiệm của nhà giáo dục không hề nhẹ bớt. “Những nhà giáo dục càng gắn bó với những đề án giáo dục hơn bao giờ hết: để dựng khung cho những cách thức hiểu biết mới, để giúp trẻ em và thanh niên đạt tới trình độ tri thức cao hơn và phức tạp hơn, và để hướng dẫn sinh viên có được sự quí trọng những giá trị lớn hơn đối với sự phong phú và đa dạng văn hóa.”
(Những chữ in nghiêng là phần trích dịch từ cuốn “Globalization: culture and education in the new millennium”, do Marcelo M. Suárez-Orozco, Desirée Qin-Hilliard biên tập)

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222