Những người uống rượu

Tình cờ tôi lạc vào một đám nữ uống rượu. Lạc, bởi vì không ai dẫn dắt, và tôi cũng không biết tại sao tôi lại có mặt giữa họ. Có thể vì tôi không còn tỉnh táo nữa, nghĩa là có thể tôi cũng say. Ai biết tôi đều sẽ cười: tôi có biết uống rượu đâu mà nói chuyện say. Đúng vậy. Cơ thể tôi dị ứng với chất có cồn. Có lần ăn món gà nấu rượu vang, chỉ ăn một chén, mà ngay sau đó mặt, cổ và cánh tay tôi nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khắp người, bụng dạ nôn nao. Có lần tới nhà chị bạn, ăn mấy viên cơm rượu mà say nằm lăn ra cả giờ khiến chị sợ hết hồn. Biết thân, có ép chết tôi cũng không uống rượu. Nhưng đôi khi ăn nhầm cái gì đó chế biến với rượu, tôi cũng tùy mức độ mà say say xỉn xỉn.
Vậy có thể hôm ấy tôi đã say, theo kiểu của tôi, nghĩa là khắp người ngứa ngáy rạo rực, đầu óc lâng lâng, các hoạt động tứ chi không kiểm soát được, cảm xúc cùng lời nói tiếng cười cũng vượt ngoài khả năng tự kiềm chế. Lúc đó là cuối bữa tiệc, tôi vừa ăn xong món tráng miệng khoái khẩu là bánh flan. Cách ăn của tôi là dùng muổng xẻ vụn bánh ra, trộn đều cho thấm chất caramen dưới lớp bánh. Tôi biết đôi khi người ta cho thêm chút xíu rượu vào để át mùi trứng và sữa. Người ta cam đoan là một chút xíu thì không đến nỗi chết. Nhưng tôi bị lừa. Một chút xíu đó là whisky 40 độ cồn. Bây giờ tôi chỉ nhớ là mình đã cười rất to, khóc như đứa trẻ, có lúc gân cổ tranh cải như điên. Đừng hỏi chuyện gì hay tại sao.
Đám nữ hôm ấy uống rượu vô đều trở nên tửng tửng. Một đứa thoát y bảy mươi lăm phần trăm. Một đứa nằm dài trên sofa, gác một chân lên thành ghế, nghêu ngao hát từ đầu đến cuối. Đứa khác ói trong nhà vệ sinh rồi ra ngồi uống tiếp. Đứa đầu têu cuộc nhậu là đứa uống thong thả, đều đều, ly rượu luôn cầm trong tay, cả khi cầm chai rượu tự rót cho mình vẫn không đặt ly xuống bàn. Nó cũng chẳng đi lại múa may gì cả, cứ ngồi với tư thế thoải mái khêu gợi, thỉnh thoảng thốt một câu châm chọc khích bác, hay đâm ngang lảng xẹt chuổi tâm sự tuôn trào của những người khác.
Rượu nói cho cùng là một thức uống có cồn, tùy cơ thể mà tác dụng nhanh hay chậm, trước mắt hay lâu dài, và tùy liều lượng mà có ảnh hưởng tốt xấu đến sức khỏe con người. Nếu cơ thể tôi không dị ứng cồn, tôi sẽ uống một ly rượu vang đỏ vào mỗi bữa ăn tối, theo như lời bác sĩ khuyên, để kích thích khẩu vị giúp tận hưởng bữa ăn ngon, và hổ trợ tim mạch. Bữa ăn tối nào chồng tôi cũng rót gần đầy một ly rượu, một cách hết sức điệu nghệ, rồi khoan khoái nói đây là điều anh trông mong vào cuối một ngày làm việc “điên đầu”. Lạc thú trần ai này anh không hưởng tuyệt đối được, theo lời anh, vì thiếu người cụng ly. Cụng với ly nước lọc của vợ bị giảm chín mươi phần trăm cảm hứng. Tôi nhìn màu rượu đỏ lịm mà thèm.
Nhiều khi dự những bữa tiệc chiêu đãi, rượu sâm banh nổ bụp bụp vui tai, màu rượu trong veo óng ánh càng thấy thèm. Tôi nhìn những người phụ nữ khác trong phòng tiệc, chú ý những người ăn mặc chỉnh tề, dáng vẻ tự tin, ly rượu cầm tay chào hỏi mọi người thoải mái, thỉnh thoảng cụng ly, nhấm nháp một ngụm rượu ngon lành, chuyện trò lưu loát. Họ có vẻ những người phụ nữ có nghề nghiệp, thậm chí có danh phận, địa vị. Họ hành xử như người độc lập, tự do. Họ dường như là người tạo ra cơ hội, hoặc biết tận dụng cơ hội. Họ hưởng thụ thời gian và không gian họ hiện diện.
Tôi nhìn họ cho đã thèm. Nếu so kè từng người, có người còn già hơn tôi, có người mập hơn tôi, có người xấu hơn tôi. Nhìn chung thì tôi không kém cạnh đa số, chỉ mỗi tội không thể uống rượu. Tay cũng cầm ly rượu như người ta, tôi rụt rè dè dặt, có khi lạc lỏng bơ vơ, có khi tỉnh táo quá đáng. Nhìn người chung quanh mỗi lúc một hăng say hoạt bát trong không khí đã bốc lên náo nhiệt sau dăm ba hiệp rượu, tôi thực tình muốn liều uống một chút. Nhưng rốt cuộc ráng nhịn, sợ chất men chiếm đoạt thần trí mình, khiến mình hành xử thất thố ở nơi phải giữ thể diện quốc gia.
Tôi thích thú và khâm phục những người phụ nữ tự chủ với ly rượu trong tay nơi công cộng ấy. Họ biết thưởng thức chất men say, sử dụng chất kích thích đó trong giao tế xã hội, có ý thức và có kiểm soát. Tôi không thấy có gì sai hay xấu trong hình ảnh người phụ nữ cụng ly với các quí ông quí bà khác trong giao tế xã hội ấy. Nhưng cái đám nhậu nữ có tôi hôm nọ là một hình ảnh khác, nhớ lại mà nghèn nghẹn thương thương.
“Uống đi, sợ gì?” (nghĩa là có sợ: điều tiếng, đạo hạnh, sức khỏe?) “Tụi mình với nhau ngại gì, đâu có bọn đàn ông!” (nghĩa là vì đàn ông mà phải giữ gìn, phải khuôn phép, phải kiềm chế?) Những người đàn bà uống với nhau ban đầu như một thách thức với đàn ông, như một hờn dỗi, như một ganh đua, rồi như tự hành hạ, như muốn hủy hoại, như tìm kiếm mình, rồi từ chối mình, vứt bỏ mình.
Những đám nhậu đàn ông, trong đó có những người đàn ông tôi tưởng mình yêu mình kính mình khát khao, đã từng khiến tôi buồn không kể xiết. Bây giờ đến những đám nhậu đàn bà, hôm rồi có cả tôi trong đó, càng khiến tôi buồn không chịu nỗi. (Thế nào cái hội nhậu hôm đó sẽ nhâu nhâu lên: “Bữa đó vui thấy mồ, chứ buồn cái nỗi gì!”)
Tôi buồn khi tôi nhớ lại.

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222