Của đá và người
Đọc một bài thơ trong lúc nhâm nhi một tách sô cô la sữa trong ban mai yên tĩnh là cách tôi bắt đầu mỗi ngày. (Nghe có vẻ sang, nhưng đó là một cách hà tiện. Sôcôla bột mua sỉ lúc đại hạ giá một gói to đùng có mấy đồng, mỗi ngày múc ra một muỗng pha một tách bự, coi như chỉ tốn mấy xu. Còn thơ thì tôi đăng ký ở các website thơ để nhận mỗi ngày một bài thơ bằng email, có bài ngắn đôi ba dòng, có bài dài cả trang, dẫu đọc lâu đọc kỹ lắm cũng chỉ tốn vài phút, và hoàn toàn miễn phí.)
Đôi khi có bài thơ ám ảnh mình cả buổi sáng. Thường thì nhiều bài thơ đọc xong là quên đi. Đôi khi bài thơ đọc qua một lần đã lâu bỗng dưng một hôm chợt nhớ lại, chợt bật lên trong một tình huống nào đó, thúc đẩy một ý tưởng bất ngờ lóe lên. Như đang lúc này chẳng hạn. Không thể nhớ chính xác tên bài thơ hay tác giả để tìm lại. Mà cũng không có thì giờ tra cứu, vì cái ý tưởng vụt nảy lên đòi mình phải ghi lại ngay kẻo lại quên mất, hoặc cụt hứng mất. Vả lại cái ý tưởng có vẻ hay ho của mình nảy mầm từ nội dung bài thơ của người ta mình chợt nhớ. Rất có thể cái mình nhớ không là cái người ta đã viết. Biết đâu tìm được nguyên tác đọc lại, hiểu ra mình đã nhớ trật, cái ý tưởng còn lởn vởn trong đầu mình sẽ mắc cở mà tịt ngòi luôn.
Vậy tôi cứ viết dựa vào ký ức. "Có những thứ không thể thay đổi, lạy trời cho tôi có sự bình tâm để chấp nhận. Có những thứ cần phải thay đổi, lạy trời cho tôi có sự dũng cảm để đổi thay. Làm sao phân biệt cái gì không thể thay đổi và cái gì cần phải thay đổi. Lạy trời cho tôi trí khôn để nhận biết".
Ý tưởng nảy ra khi tôi đang lúi húi nhổ cỏ trong vườn chiều nay không có gì sâu sắc bí hiểm, chỉ là nhận ra hiện thực trước mắt. Góc vườn này vốn có một tảng đá sông luôn bị rêu phủ một nửa. Biết là đá “sông” bởi vì chính do hai vợ chồng tụi tôi vần nó từ bờ sông Nooksack về đây vào một buổi chạng vạng, dòm trước dòm sau không thấy ai hết (mà vẫn hồi hộp vô cùng). Đá sông được dòng nước chảy qua bao nhiêu năm, làm mòn láng và có một hình dáng độc đáo, như một tuyệt tác điêu khắc của thiên nhiên. Thoáng trông nó cũng bình thường, nhưng ngắm một hồi thấy rất hay, mà cái hay này không giải thích nổi. Tụi này đã ra bờ sông ngắm nó trong nhiều buổi hoàng hôn, và khi biết nguy cơ nó sẽ không thể tồn tại như nó đang là nữa, tụi này đánh liều phạm pháp mà “cứu” nó, rinh về vườn mình.
Ở một góc khuất dưới bóng cây tùng trong khu vườn nhỏ này, hòn đá giữ được sự nguyên vẹn vốn có. Mưa nắng ở đây chắc không hào hứng bằng những trận lũ ngoài sông, niềm an ủi là đám rêu đổi màu vẫn thủy chung bám trên nửa mặt đá. Chỉ nửa mặt đá bởi vì nửa kia phơi ra nắng, rêu không thèm mọc. Rêu này, không rõ một hay nhiều chủng loại khác nhau chung sống, tùy thời thiết và theo mùa, có màu xanh đọt chuối, màu vàng, chuyển sang cam, đỏ, nâu, và có lúc giữa mùa đông buốt giá, tôi gạt lớp tuyết ra thấy một lớp rêu xanh lơ – mà không biết phải rêu không?

Có lúc áy náy là mình đã thay đổi cuộc đời của hòn đá, tụi tôi phân trần với nó là đằng nào cuộc đời nó cũng sẽ bị thay đổi. Sự thay đổi mà tụi tôi can thiệp chỉ là thay đổi môi trường (tốt hơn theo quan điểm của tụi tôi), còn hơn là biến thành đá vụn hay kẹt trong một bức tường đá của một tòa nhà đồ sộ trơ trẻn nào đó. Đành rằng mình luôn suy nghĩ chủ quan. Nhưng tụi này có nhiều kỷ niệm với hòn đá, yêu quí nó như người thân, mà tất cả tình cảm và ký ức này đều tại vì nó mà có. Hòn đá nhứt định có một linh hồn, ít ra là cả hai vợ chồng tôi đều cảm nhận. Hồi mới đặt nó trong khu vườn, nhiều đêm tụi này thức giấc nghe như sông nước đang cuồn cuộn chảy ngoài vườn.
Mười năm chắc đá đã quen bóng tùng, nắng xế, mưa mai, quen một khoảng đời bình yên, “ẩn dật”, quen những nỗi niềm tôi tỉ tê với nó ở góc vườn khuất này. Chiều nay tôi nhổ đám cỏ xuân mọc rậm như quỷ quanh hòn đá, rồi ngắm nó. Vẫn nguyên dạng như xưa, càng ngắm càng thấy hay, như tôi từng ngắm nó bên bờ sông, nó không hề thay đổi. Nhưng tôi thì thay đổi. Thực sự là tôi hơi hoảng hốt khi nhận ra mình đã thay đổi, hay bị thay đổi. Chỉ ngồi xỗm nhổ cỏ chốc lát mà khi đứng lên tôi nghe xương cốt kêu răng rắc, lưng hông ê ẩm. Vô nhà rửa tay soi gương, tóc đen đâu rồi, những ngón tay thon thon ngòi bút đã biến dạng.
Rồi lại nghĩ, tại đời người ngắn, nên sự đổi thay trong 10 năm trở nên rõ ràng dễ nhận thấy. Đời đá ngàn năm, hay triệu năm, ngàn triệu năm, thì biến chuyển của khoảnh khắc mười năm đâu đáng kể. Tôi đâu biết suốt mười triệu năm đá ở đâu, qua những biến động nào mà mười năm trước nó ngồi bên sông nghe nước chảy và chứng kiến tụi này yêu nhau? Lúc đó ai lường được nó bỗng phải rời sông xa rừng về góc vườn này? Mai mốt những buồn vui cải vả nhớ nhung của tụi này được vùi trong đất, biết hòn đá có còn ở lại góc vườn này hay chuyển sang một đoạn đời khác ở nơi khác của sự tồn tại có thể hàng triệu năm nữa?
(Tái bút: Tôi Google chữ “change” để tìm bài thơ mình chợt nhớ, để ghi xuất xứ nguyên tác và tên tác giả, kết quả tìm ra trong 0.07 giây là khoảng hai tỷ sáu trăm sáu chục triệu mối liên kết (links). Có khác gì đáy biển mò kim? Tôi bấm vào một liên kết ngẫu nhiên, nơi ghi lại những trích ngôn nổi tiếng về sự thay đổi. Henry David Thoreau: “Vật không đổi, chỉ có chúng ta thay đổi”, Christina Baldwin: “Thay đổi là bất biến, dấu hiệu của tái sinh, cái trứng của phượng hoàng”, Marcus Aurelius Antoninus: “Vũ trụ là thay đổi; cuộc sống của chúng ta là cái mà tư tưởng của chúng ta tạo ra.”. Ông Antoninus sống từ năm 121 đến 180. Một ngàn tám trăm năm sau ông, Norman Vincent Peale nói: “Thay đổi suy nghĩ của mình thì mình sẽ thay đổi được thế giới.” Nhưng thôi, có cần đọc hết hai tỷ sáu trăm triệu điều người ta đã viết về thay đổi không?)
Lý Lan
Đôi khi có bài thơ ám ảnh mình cả buổi sáng. Thường thì nhiều bài thơ đọc xong là quên đi. Đôi khi bài thơ đọc qua một lần đã lâu bỗng dưng một hôm chợt nhớ lại, chợt bật lên trong một tình huống nào đó, thúc đẩy một ý tưởng bất ngờ lóe lên. Như đang lúc này chẳng hạn. Không thể nhớ chính xác tên bài thơ hay tác giả để tìm lại. Mà cũng không có thì giờ tra cứu, vì cái ý tưởng vụt nảy lên đòi mình phải ghi lại ngay kẻo lại quên mất, hoặc cụt hứng mất. Vả lại cái ý tưởng có vẻ hay ho của mình nảy mầm từ nội dung bài thơ của người ta mình chợt nhớ. Rất có thể cái mình nhớ không là cái người ta đã viết. Biết đâu tìm được nguyên tác đọc lại, hiểu ra mình đã nhớ trật, cái ý tưởng còn lởn vởn trong đầu mình sẽ mắc cở mà tịt ngòi luôn.
Vậy tôi cứ viết dựa vào ký ức. "Có những thứ không thể thay đổi, lạy trời cho tôi có sự bình tâm để chấp nhận. Có những thứ cần phải thay đổi, lạy trời cho tôi có sự dũng cảm để đổi thay. Làm sao phân biệt cái gì không thể thay đổi và cái gì cần phải thay đổi. Lạy trời cho tôi trí khôn để nhận biết".
Ý tưởng nảy ra khi tôi đang lúi húi nhổ cỏ trong vườn chiều nay không có gì sâu sắc bí hiểm, chỉ là nhận ra hiện thực trước mắt. Góc vườn này vốn có một tảng đá sông luôn bị rêu phủ một nửa. Biết là đá “sông” bởi vì chính do hai vợ chồng tụi tôi vần nó từ bờ sông Nooksack về đây vào một buổi chạng vạng, dòm trước dòm sau không thấy ai hết (mà vẫn hồi hộp vô cùng). Đá sông được dòng nước chảy qua bao nhiêu năm, làm mòn láng và có một hình dáng độc đáo, như một tuyệt tác điêu khắc của thiên nhiên. Thoáng trông nó cũng bình thường, nhưng ngắm một hồi thấy rất hay, mà cái hay này không giải thích nổi. Tụi này đã ra bờ sông ngắm nó trong nhiều buổi hoàng hôn, và khi biết nguy cơ nó sẽ không thể tồn tại như nó đang là nữa, tụi này đánh liều phạm pháp mà “cứu” nó, rinh về vườn mình.
Ở một góc khuất dưới bóng cây tùng trong khu vườn nhỏ này, hòn đá giữ được sự nguyên vẹn vốn có. Mưa nắng ở đây chắc không hào hứng bằng những trận lũ ngoài sông, niềm an ủi là đám rêu đổi màu vẫn thủy chung bám trên nửa mặt đá. Chỉ nửa mặt đá bởi vì nửa kia phơi ra nắng, rêu không thèm mọc. Rêu này, không rõ một hay nhiều chủng loại khác nhau chung sống, tùy thời thiết và theo mùa, có màu xanh đọt chuối, màu vàng, chuyển sang cam, đỏ, nâu, và có lúc giữa mùa đông buốt giá, tôi gạt lớp tuyết ra thấy một lớp rêu xanh lơ – mà không biết phải rêu không?

Có lúc áy náy là mình đã thay đổi cuộc đời của hòn đá, tụi tôi phân trần với nó là đằng nào cuộc đời nó cũng sẽ bị thay đổi. Sự thay đổi mà tụi tôi can thiệp chỉ là thay đổi môi trường (tốt hơn theo quan điểm của tụi tôi), còn hơn là biến thành đá vụn hay kẹt trong một bức tường đá của một tòa nhà đồ sộ trơ trẻn nào đó. Đành rằng mình luôn suy nghĩ chủ quan. Nhưng tụi này có nhiều kỷ niệm với hòn đá, yêu quí nó như người thân, mà tất cả tình cảm và ký ức này đều tại vì nó mà có. Hòn đá nhứt định có một linh hồn, ít ra là cả hai vợ chồng tôi đều cảm nhận. Hồi mới đặt nó trong khu vườn, nhiều đêm tụi này thức giấc nghe như sông nước đang cuồn cuộn chảy ngoài vườn.
Mười năm chắc đá đã quen bóng tùng, nắng xế, mưa mai, quen một khoảng đời bình yên, “ẩn dật”, quen những nỗi niềm tôi tỉ tê với nó ở góc vườn khuất này. Chiều nay tôi nhổ đám cỏ xuân mọc rậm như quỷ quanh hòn đá, rồi ngắm nó. Vẫn nguyên dạng như xưa, càng ngắm càng thấy hay, như tôi từng ngắm nó bên bờ sông, nó không hề thay đổi. Nhưng tôi thì thay đổi. Thực sự là tôi hơi hoảng hốt khi nhận ra mình đã thay đổi, hay bị thay đổi. Chỉ ngồi xỗm nhổ cỏ chốc lát mà khi đứng lên tôi nghe xương cốt kêu răng rắc, lưng hông ê ẩm. Vô nhà rửa tay soi gương, tóc đen đâu rồi, những ngón tay thon thon ngòi bút đã biến dạng.
Rồi lại nghĩ, tại đời người ngắn, nên sự đổi thay trong 10 năm trở nên rõ ràng dễ nhận thấy. Đời đá ngàn năm, hay triệu năm, ngàn triệu năm, thì biến chuyển của khoảnh khắc mười năm đâu đáng kể. Tôi đâu biết suốt mười triệu năm đá ở đâu, qua những biến động nào mà mười năm trước nó ngồi bên sông nghe nước chảy và chứng kiến tụi này yêu nhau? Lúc đó ai lường được nó bỗng phải rời sông xa rừng về góc vườn này? Mai mốt những buồn vui cải vả nhớ nhung của tụi này được vùi trong đất, biết hòn đá có còn ở lại góc vườn này hay chuyển sang một đoạn đời khác ở nơi khác của sự tồn tại có thể hàng triệu năm nữa?
(Tái bút: Tôi Google chữ “change” để tìm bài thơ mình chợt nhớ, để ghi xuất xứ nguyên tác và tên tác giả, kết quả tìm ra trong 0.07 giây là khoảng hai tỷ sáu trăm sáu chục triệu mối liên kết (links). Có khác gì đáy biển mò kim? Tôi bấm vào một liên kết ngẫu nhiên, nơi ghi lại những trích ngôn nổi tiếng về sự thay đổi. Henry David Thoreau: “Vật không đổi, chỉ có chúng ta thay đổi”, Christina Baldwin: “Thay đổi là bất biến, dấu hiệu của tái sinh, cái trứng của phượng hoàng”, Marcus Aurelius Antoninus: “Vũ trụ là thay đổi; cuộc sống của chúng ta là cái mà tư tưởng của chúng ta tạo ra.”. Ông Antoninus sống từ năm 121 đến 180. Một ngàn tám trăm năm sau ông, Norman Vincent Peale nói: “Thay đổi suy nghĩ của mình thì mình sẽ thay đổi được thế giới.” Nhưng thôi, có cần đọc hết hai tỷ sáu trăm triệu điều người ta đã viết về thay đổi không?)
Lý Lan