Làm sao đọc một quyển sách

Có những bạn hỏi tôi cách viết (truyện, thơ, tiểu thuyết hay blog). Tôi thường đáp lại bằng cách giới thiệu quyển sách tôi thường đọc “How to Read a Book”, Làm sao đọc một quyển sách. Phản ứng của những bạn trẻ có thể là “Bà già này lẩm cẩm rồi. Hỏi bả cách viết, bả lại chỉ cách đọc.” Những bạn trưởng thành hơn có lẽ ngẫm nghĩ một chút rồi thử xem trong cuốn sách về cách đọc có cách viết không. Tôi phải nói ngay là tác giả cuốn sách, ông Mortimer J. Adler, xác định ngay trong phần đề từ cuốn sách là ông chỉ thử viết “một cuốn sách nhẹ nhàng về công việc đọc sách nặng nhọc.” Vì “đọc là một phương tiện cơ bản để sống một cuộc đời hay,”và “cuốn sách này viết về giáo dục khai phóng”. Theo ông, “nền giáo dục vẫn để mở cho tất cả chúng ta – cho dù chúng ta có đến trường hay không. Nhưng chỉ với điều kiện chúng ta biết cách đọc.”
Tên đầy đủ của quyển sách này “Làm sao đọc một quyển sách – Nghệ thuật đạt được một nền giáo dục khai phóng”* khiến cho một số người tự ái: “Tôi hỏi chuyện viết lách, chứ đâu có nhờ bà cố vấn giáo dục. Bộ bà tưởng tôi thất học à?” Có người kiên nhẫn hơn, tìm sách giở ra xem, thấy ghi lần xuất bản đầu tiên là 1940, đã phì cười: “Trời ơi, hàng tỷ thứ mới hơn đã được viết ra trong 70 năm qua, lượng tri thức của nhân loại hiện nay được cập nhập theo cách bội phân từng giây một, sách xuất bản từ năm 1940 thì lạc hậu đến chừng nào?” Quả thật, ông Adler làm gì biết tới game online, Twitter, các mạng xã hội, nói chung là internet, và các công cụ kỷ thuật cao như iphone, ipad… Thời ông những món giải trí thời thượng bị phê phán chỉ gồm phim ảnh, máy phát thanh và tiểu thuyết diễm tình! Và ông đã loại trừ ngay từ đầu những người tiêu thụ các món giải trí đó ra khỏi hàng độc giả của mình. “ Những ai chẳng thấy hứng thú gì trong việc học hỏi và hiểu biết không nên mất công đọc cái này. Những ai cho rằng nên dành hết thời gian rảnh rỗi cho những thú vui thoải mái như phim ảnh,máy phát thanh, tiểu thuyết diễm tình, cũng không nên đọc làm gì. Tôi đang nói với số người còn lại trong chúng ta.” Số người đó có thể teo tóp dần đến ngày hôm nay chỉ còn tôi và bạn mà thôi. (Ông Adler đã ra người thiên cổ.)
Nhưng bạn và tôi có thể ngầm khoái với nhau rằng chúng ta là những người độc đáo, hoặc hiếm hoi, trong thời bão táp truyền thông trên khắp địa cầu. Nếu bạn đang đọc bài này, cho tới chỗ này, thì có nghĩa là bạn còn bận tâm đến việc đọc một cuốn sách, còn thỉnh thoảng chui vào một cái “hốc” cổ điển, và tôi thấy cũng là một kiểu thú vị khi từ cái hốc này nhìn ra thế giới trong trận cuồng phong kỷ thuật thương mại. Trên thị trường hiện có đủ thứ sách “Làm sao / Làm cách nào”. Làm sao chinh phục trái tim nàng / chàng. Làm cách nào bán được một sản phẩm mới. Làm sao thành công trên sàn diễn. Làm cách nào trở thành tỷ phú ở tuổi ba mươi. Có nên trước tiên đọc cuốn sách làm sao đọc một cuốn sách?
Nếu bạn chỉ cảm thấy tò mò về cuốn sách chứ không có thì giờ đọc, âu cũng là có thiện chí, thì tôi sẽ thuật lại theo khả năng đọc hiểu của mình. Tất nhiên kiểu mớm cơm bây giờ không được coi là hợp vệ sinh, không khoa học. Thực ra chủ yếu vẫn là tôi đọc cho tôi, nhưng nếu có ai muốn biết thì tôi cũng chẳng hiểm mà giấu giếm làm gì. Trong cái thú của đọc, không chỉ có cái hay của biết, mà còn có cái khoái của bình luận. Theo Adler thì “ đọc là một phần quan trọng của đời sống lý trí,” và ông nhắc đi nhắc lại: “Đọc là cách thức cơ bản. Ai có thể bằng cách thức này học và hiểu từ sách, đồng thời tìm thú vui trong đó, thì có được sự tiếp cận và truy cập vào các kho tàng tri thức”. (Ủa, hình như ai cũng biết vậy mà!)
Sau khi thảo luận vai trò của đọc trong tương quan với học và nghĩ, Adler trình bày từng bậc một mà người ta phải bước lên để học cách đọc. “Bởi vì bạn sẽ thấy, không phải chỉ có vấn đề đọc như thế nào, mà còn có vấn đề đọc cái gì nữa. Cái tựa ngụ ý tôi quan tâm chủ yếu đến việc đọc sách, nhưng nghệ thuật đọc mà tôi trình bày áp dụng cho bất cứ loại truyền thông nào. Trong cuộc sống phi lý đang trùm lên chúng ta hiện nay, bạn có thể dùng kỷ năng này để nhìn thấu sự tuyên truyền của những Bạch Thư đầy mâu thuẫn, hiểu vòng quanh những tuyên ngôn ba phải, và thậm chí đọc giữa những dòng chữ của những bố cáo chiến tranh quá ngắn.”
Nhưng phần cuối cuốn sách quan trọng nhứt, Adler nhấn mạnh. “Trong một nền dân chủ chúng ta phải thể hiện trách nhiệm của người tự do. Giáo dục khai phóng giờ đây là phương tiện vô cùng cần thiết để đạt mục tiêu này. Nó không chỉ khiến chúng ta nên người bằng sự khai hóa trí tuệ, mà còn làm thông thoáng tư tưởng chúng ta bằng sự rèn luyện tinh thần. Không có tư tưởng tự do, chúng ta không thể hành động như người tự do.” Trong phần này Adler chứng minh rằng nghệ thuật đọc giỏi liên hệ mật thiết với nghệ thuật tư duy giỏi – tư duy một cách tự do, rõ ràng, phê phán. Vì vậy người ta đọc phần này để thực hành cho cả quãng đời còn lại của mình.
Biết cách đọc người ta không trở thành con mọt sách, mà trở nên sâu sát với cuộc sống, trở thành người tự do, và kiên trì mưu cầu hạnh phúc. Người biết đọc sách không tất yếu trở thành người viết văn. Nhưng muốn viết, hãy đọc trước đã.
(*)How to Read a Book - The Art of Getting a Liberal Education by MORTIMER J. ADLER . Những chữ italic trong ngoặc kép được trích dịch từ bản in năm 1967 của nxb Simon and Schuster, New York.

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222