Nỗi khao khát sống


Buổi chiều đi dạo, chỗ nào cũng gặp hoa diên vỹ nở, rực rỡ, tươi thắm, đủ màu. Hoa gợi nhớ người. Tôi nhớ Vincent van Gogh.

Hôm qua, trong mưa, anh vẽ một bức tranh phong cảnh lớn với những cánh đồng trải ra đến mút tầm nhìn từ một đỉnh đồi, những rừng cây xanh khác nhau, một cánh đồng khoai tây xanh sậm, đất tím bầm màu mỡ giữa những luống cây, bên kia là một cánh đồng đậu cô ve đang nở hoa trắng, một cánh đồng dã thảo đầy hoa hồng và bóng một người cắt cỏ, một cánh đồng cỏ cao, đang úa, màu vàng rượm, lại đến cánh đồng lúa mì, vài cây bạch dương, chân trời là nét cuối cùng của những ngọn đồi, dưới chân đồi một đoàn xe lửa đang chạy qua, thả một đám khói trắng lớn bên trên những rừng cây xanh. Một con đường trắng vắt ngang qua bức tranh, trên đường có một chiếc xe ngựa nhỏ, và bên đường vài ngôi nhà trắng mái ngói đỏ…” *

Đoạn miêu tả này là phần Vincent van Gogh viết trong thư gởi cho em gái tên Wil. Vincent viết là anh đang làm việc chuyên cần ráo riết để cố gắng diễn tả tiến trình các thứ trên đời biến chuyển vào đời sống hiện đại một cách nhanh chóng đến tuyệt vọng. Ngày “hôm qua” trong bức thư đó là ngày 11 tháng 6 năm 1890, châu Âu đang hiện đại hóa, còn Gogh thì vừa trải qua một đợt điều trị bệnh tâm thần . Có lúc bác sĩ đã buộc Gogh tạm ngưng vẽ, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại trả cho ông vải bố và màu sắc. Và Gogh vẽ, gần như mỗi ngày một bức tranh.

Tôi không dám lạm bàn về hội họa, nhứt là tranh của Gogh – vì nói cho cùng, tôi chỉ được xem những phiên bản sao chụp thu nhỏ trên màn hình máy tính, hay in trên bưu thiếp, sách giấy, chứ chưa từng nhìn bằng mắt thịt bức tranh thực sự Gogh đã vẽ. Dù vậy, bức tranh “Hoa diên vỹ” của Gogh tôi lỡ xem bản sao hồi còn trẻ đã ám ảnh tôi hoài. Một hôm vào thư viện gặp cuốn Thư của Vincent van Gogh (The Letters of Vincent van Gogh) tôi bất ngờ nhận ra người nghệ sĩ ấy không chỉ thể hiện tư tưởng bằng màu sắc, mà còn rất giỏi dùng ngôn ngữ. Những bức thư Gogh viết cho người thân, đặc biệt cho người em trai Theo, vào những năm cuối đời, không rối loạn tối tăm như tôi đã ngộ nhận rằng văn chương người điên ắt rối rắm bí hiểm. Ngược lại, văn Gogh sống động, rõ ràng, trong sáng.

Ngay cả khi đang điều trị bệnh tâm thần, Gogh vẫn viết thư thường xuyên cho bạn bè người thân với những miêu tả chi tiết tỉ mỉ về thế giới chung quanh lẫn sinh hoạt thường ngày của mình. Từ bệnh viện Saint Paul-de-Mausole ở Saint-Remy, nước Pháp, Gogh viết cho Theo: “Anh có một căn phòng nhỏ, giấy dán tường màu xám xanh ngọc bích, có hai tấm màn màu xanh biển biếc với những hình vẽ hoa hồng rất nhạt, tươi tắn nhờ điểm những vết màu đỏ như máu. (…) Anh đã để ý thấy những người khác cũng nghe những âm thanh và giọng nói lạ lùng khi bị cơn điên hành, như anh từng trải, và đồ vật cũng dường như chuyển động trước mắt họ. Và điều này khiến anh bớt hoảng sợ khi nhớ lại cơn điên đầu tiên của mình, những cơn “bị hành” xảy ra bất ngờ khiến ai cũng sợ khủng khiếp. Khi biết đó là bệnh, người ta chấp nhận nó như những thứ bệnh khác.”

Ngoài kể chuyện thường ngày và tình trạng sức khỏe, Gogh viết những suy nghĩ về sự sống, cái chết, đồng nghiệp, tác phẩm, về nghệ thuật lẫn việc mua bán tranh, hội nghề nghiệp, chuyện tiền nong, nhà cửa, đi lại, mối quan tâm đến người thân, tình cảm… Càng đọc càng thấy một con người thông minh, hiểu biết, quan tâm đến người khác và thế giới quanh mình, mặc dù ý thức mình có bệnh về thần kinh.

Hẳn là Gogh viết khi tỉnh táo, chỉ trải qua những khoảnh khắc phát cuồng bệnh lý không kềm chế được. Có lần, trong lúc đi vẽ cảnh ở đồng quê, Gogh nổi điên, nuốt mấy ống màu, bốc cả đất ăn, cổ họng sưng vù, không ăn uống được nhiều ngày sau đó. Ông viết cho em trai về bệnh của mình: “… điều lạ lùng là ngay đến cử động cũng khiến anh buồn nôn, và anh không mong gì hơn là không thức dậy nữa. Bây giờ nỗi hãi sợ cuộc sống không còn ghê gớm lắm, và nỗi buồn cũng bớt day dứt. Nhưng anh vẫn không có ý chí, càng không có khát vọng, và không có chút bận tâm gì đến đời sống bình thường, chẳng hạn, hầu như không muốn gặp bạn bè, mặc dù anh luôn nghĩ đến họ. Đây là lý do lúc này hay trong tương lai gần anh chưa muốn rời bệnh viện.” Gogh đâu có muốn bệnh. Ông muốn yêu đời, ông khao khát sức sống, và ông chiến đấu bằng làm việc.
Trong thư đề ngày 10 tháng 7 năm 1890, Gogh viết: “… anh đã bắt đầu làm việc trở lại – cho dù cây cọ gần tuột khỏi tay anh – và bởi vì anh biết chính xác anh muốn làm gì, anh đã vẽ thêm được ba bức tranh khổ lớn. Những đồng lúa mì trải ra mênh mông dưới bầu trời vần vũ, và anh không cần phải cố gắng khó khăn để diễn tả nỗi buồn và sự cô đơn cùng cực. Anh hy vọng em sẽ sớm nhìn thấy những bức tranh này vì anh muốn đem chúng đến Paris cho em ngay khi có thể. Anh tin là những bức tranh này sẽ nói với em điều mà anh không thể nói hết bằng lời, ấy là: anh cảm nhận được đồng quê khỏe khoắn và tràn trề sinh lực biết bao.” **

Gogh đã chiến đấu với bệnh tật suốt đời bằng lao động sáng tạo liên tục, đã chiến thắng hầu như mọi trận chiến, trừ cơn điên cuối cùng. Ngày 29 tháng 7 năm 1890 Gogh chết vì vết thương do chính mình bắn vào ngực mình. Ông chỉ mới 37 tuổi, và là một họa sĩ không tiền bạc không tên tuổi khi được chôn cất. Một trăm năm sau, bức tranh “Hoa diên vỹ” được bán với giá 54 triệu Mỹ kim, và từ sau khi ông qua đời đến nay, tất cả những gì ông đã vẽ trở thành vật săn lùng ráo riết của những kẻ chơi tranh, nhưng điều đó có nghĩa gì với người nghệ sĩ nữa? Cho dù Gogh giờ đây trở thành họa sĩ có ảnh hưởng lớn trong hội họa thế giới, được xưng tụng bậc thầy, danh họa, “bất tử”, nhưng điều đó có ý nghĩa gì với Gogh nữa?
Một cơn điên nổi lên, ông không kiềm chế được. Và ông đi vào cõi hư vô. Cõi đời này hoa diên vỹ vẫn nở, trong lộng lẫy nắng xuân.

*những chữ nghiêng trích dịch từ "Những bức thư của Vincent van Gogh"
** xem phòng tranh của Vincent van Gogh

Lý Lan

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222