Mỗi năm đến hè
Lòng buồn man mác nhớ lại ngày ra trường. Một cách ngoài ý
muốn. Tôi không hề muốn nhớ nỗi thất vọng
lớn nhất đời, tính đến ngày đó. Sau này
tôi còn phải vượt qua nhiều nỗi thất vọng lớn hơn, để đạt tới nhận thức
cuộc sống như thực tế cuộc sống. Nhưng khi người ta mới hăm ba tuổi và đang háo
hức tung cánh … bay với những lý tưởng – tin yêu – ước vọng, bỗng nhận ra mình
chới với giữa không trung, như Icarus với đôi cánh đang rơi rụng, thì thế giới dường như đảo lộn
tùng phèo.
(Icarus là con trai nghệ nhân tài hoa Daedalus. Theo thần
thoại Hy Lạp, hai cha con đã bị vua Minos cầm tù trong Mê Cung. Daedalus bèn
thiết kế và chế tạo hai đôi cánh bằng lông chim và sáp để hai cha con tìm tự
do. Trước khi tung cánh, Daedalus đã dặn con trai phải bay theo ông, đừng bay
xa ra biển rộng và đừng bay cao gần mặt trời. Nhưng Icarus quá háo hức khi được
bay ra khỏi chốn giam cầm lâu nay, bèn bay thật xa thật cao. Và đang lúc say
sưa vỗ cánh cho thỏa chí vùng vẫy thì sáp tan, lông chim rụng hết, Icarus nhận
ra mình chỉ vẫy đôi tay trần trụi trong lúc rơi xuống biển.)
Tôi đã rơi xuống khi đọc danh
sách bổ nhiệm công tác cho sinh viên ra trường. Năm đó là 1980, trường đại học
Sư phạm (tpHCM) không làm lễ tốt nghiệp cho sinh viên. Thi cử xong xuôi, sinh
viên được phân công tác đến các sở / ty giáo dục với hứa hẹn là 3 năm sau sẽ được
về thành phố nhận bằng tốt nghiệp. Tôi
đã chuẩn bị “tinh thần phục vụ” đồng bào ở những vùng sâu vùng xa nhứt của đất
nước, nên không băn khoăn gì khi cầm giấy bổ nhiệm công tác đến Long An. Và đinh
ninh là bạn bè mình ai cũng “đi tỉnh”. Những ngày cuối cùng chúng tôi đã được thầy hiệu trưởng và thầy bí thư Đảng
ủy “làm công tác tư tưởng” chu đáo, rằng
đất nước đang cần chúng tôi, trẻ em nông
thôn đang đói khát tri thức, tất cả sinh viên Sư phạm tốt nghiệp khóa đầu tiên
sau khi đất nước độc lập thống nhất đều được phân công về các tỉnh. Không có bất
kỳ tiêu chuẩn nào ở thành phố cả.
Chúng tôi còn được khuyến khích viết đơn tình nguyện
xung phong đi xa. Sau khi được phân công
tôi mới vỡ lẽ những người đã hùng hổ cổ vũ tinh thần phục vụ đồng bào
nông thôn lại được về sở giáo dục thành phố HCM, hoặc được giữ lại trường,
trong đó có cháu ruột của bí thư Đảng ủy và những người có những mối quan hệ đặc
biệt. Họ bình thản khi thấy trong danh sách bổ nhiệm mấy chữ “phân công sau” ở
chỗ tên mình, vì họ đã biết trước từ lâu cái gì được dành cho họ. Và họ là bạn
thân thiết của tôi suốt bốn năm qua, thậm
chí mới hôm qua có người gặp tôi còn động
viên tôi cứ lên đường theo tiếng gọi của
lý tưởng thanh niên. Tôi không giận họ.
Lúc đó tôi thực sự có một lý tưởng,
và tôi đi con đường mình chọn dù có ai xúi
dại xúi khôn hay không. Tôi chưa hề hối
tiếc rằng ngày ấy mình đã cầm quyết định phân công đi về trường trung học Cần Giuộc. Ngày ấy tôi chỉ sốc vì đạo đức giả của những người thầy
/ bạn mình từng yêu kính. Tôi lặng lẽ ra
trường với nỗi buồn đã bị chính thầy bạn lừa.
Ba mươi năm sau, khi phần lớn bạn bè lứa ấy lần
lượt tới tuổi về hưu, dù đeo đẳng con đường sư phạm tới cùng hay ngay từ đầu đã
bỏ cuộc, hoặc nửa đường nhảy sang ngành nghề khác, tôi thấy đường đời của mỗi người có những
quanh co thăng trầm, đều có thể có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ những
năm tháng đại học. Dù ít hay nhiều, cách này hay cách khác, chúng tôi cũng đã học được cái gì đó từ những người
thầy và bạn bè của mình. Họ không phải một
giuộc như nhau. Có những người tôi không
còn nhớ nữa, có những người cho tới giờ
tôi vẫn “dị ứng”. Làm một kiểm điểm chân thành thì người nào cũng
cho tôi một bài học nào đó, hoặc từ mặt phải,
hoặc từ mặt trái của họ. Những bộ mặt
tôi nhận ra vào ngày ra trường cũng cho
tôi một bài học.
“Bài học cuối cùng” khi ra trườngđó đã không lập tức biến tôi từ một đứa ngây thơ thành một kẻ khôn
ngoan sỏi đời. Tôi vẫn tiếp tục lầm người
trong nhiều loại quan hệ sau này. Tôi vẫn
tiếp tục bằng những cách khác nhau đi theo lý tưởng vẫn còn là ngọn lửa trong
tim mình. Thành thật mà nói, đến giờ
tôi mà “kiểm điểm” bản thân, chắc
gì tôi đã không có lúc hành động phản lại
lời đã nói / viết? Chắc gì tôi đã không
hề khiến cho ai đó, có thể là chính người thân hay học trò / độc giả của mình
thất vọng. Mỗi ngày thức dậy soi gương
tôi đều tự dặn dò: “Hãy là chính mình”, nhưng chắc gì không có những biến
cố bất ngờ xảy ra trong ngày đặt tôi vào
những tình huống mà mình buộc phải hành động khác mình, không thể tự chủ, bất lực
để mình cuốn theo chiều gió?
Tôi không hề muốn nhớ lại cơn sốc ngày ra trường.
Nhưng mỗi năm đến hè … quả thực lòng man mác buồn.