Thành phố hoa hồng


Trong thời kỳ lãng mạn của đời mình,  tôi đã mơ một ngôi nhà trắng giữa một vườn hồng rực rỡ. Giấc mơ, cũng như bất kỳ đóa hoa hồng nào, dù tuyệt vời sắc hương, cũng tàn, khi  tôi bước sang một chặng đường đời khác. Trong giai đoạn nổi máu phiêu lưu, cái nhà trở thành chốn cầm chân, có khi gây ngại ngần phiền phức, đi đâu cũng canh cánh trong lòng. Kẻ lữ hành thực sự tự do là kẻ không có nhà. Ngôi nhà trắng trong mơ có vẻ  ngớ ngẩn, bị xóa đi nhanh chóng. Nhưng đối với riêng hoa hồng  tôi vẫn yêu.
Thời tiết Sài Gòn không thích hợp với hoa hồng. Mỗi năm gần Tết vườn Tao Đàn mới trồng mấy vạt hoa hồng, loại chịu nóng, hoa hơi nhỏ, gặp ngày nắng nở bừng bừng rồi tàn như phù dung. Đôi khi cũng thấy trong vườn hay ban công hay cửa sổ nhà ai đó có trồng hoa hồng.  Tôi cũng thử trồng nhưng chịu thua, vì hành lang cái chung cư bê tông cốt thép ở ngã tư nhộn nhịp giữa thành phố vừa nóng vừa bụi bặm, không có thứ hồng nào chịu nở hoa. Chăm sóc cách nào cây cũng èo uột buồn hiu. 
Nghe nói có một thời ở Đà Lạt nhà nào cũng trồng hoa hồng.  Tôi không may mắn ở thành phố cao nguyên ấy vào thời đó. Nhưng  tưởng tượng một thành phố mà đi đâu cũng gặp hoa hồng, không biết cảm giác như thế nào. Nhàm chán hay ngất ngây? Có thể cái gì phổ thông quá đâm thường. Nhà nào cũng trồng  hoa hồng thì hoa hồng nhà mình phải có gì rất đặc biệt, khác với của người ta mới hay, mới đáng bỏ công chăm chút. Phải chăng vì vậy có hàng trăm thứ hoa hồng được lai tạo? Và hồng độc, hồng hiếm được săn tìm, giữ gìn, tâng tiu như châu báu?
Hồi thế chiến thứ nhứt xảy ra, những người yêu hoa hồng ở thành phố Portland, Mỹ,  lo sợ chiến tranh bom đạn tiêu hủy những giống hoa hồng quí  ở châu Âu, đã yêu cầu thành phố lập một trại tỵ nạn chiến tranh cho hoa hồng. Không phải chuyện đùa. Thành phố có quyết định hẳn hoi, chọn địa điềm, cấp ngân sách, tuyển nhân sự, lập kế hoạch,  giao trách nhiệm đàng hoàng. Thế là đầu năm 1918  những cây hoa hồng quí hiếm ở châu Âu bắt đầu được gởi sang vườn hồng ở Portland.  Có lẽ nhờ thổ nhưỡng khí hậu thuận lợi vườn hồng này ngày càng phát triển, nơi tập trung những cây hồng cổ nhứt và những giống hồng mới nhứt, với vô số giống lai tạo độc đáo. 
Portland là quê chồng  tôi. Mỗi năm, nhân dịp này lễ nọ, tụi này đều về Portland ít nhất một lần. Có khi nhằm lễ hội hoa hồng, cả thành phố tưng bừng rực rỡ, những con đường chính giăng cờ phướn và biểu tượng đóa hồng đỏ thắm của “Thành phố Hoa hồng”.  Danh xưng này có từ đầu thế kỷ hai mươi. Thưở đó nhà nhà trồng hoa hồng, phố phố trồng hoa hồng, hoa nở dọc lối đi,  dài theo  đường phố, tính tổng cộng vào năm 1905 thành phố có 200 dặm đường “viền” bằng hoa hồng, khiến nơi này trở thành một địa điểm thu hút du khách. Bảng tên đường phố vẽ kèm một đóa hoa hồng, xe taxi cũng vẽ hoa hồng trên cánh cửa, đến xe cảnh sát cũng có biểu tượng hoa hồng.  Thực tế bây giờ thì hoa hồng chỉ là “biểu tượng” của thành phố  mà thôi, chứ hai bên đường phố không còn trồng hoa hồng nữa. Ngay trong các công viên ở khu trung tâm thành phố cũng ít thấy hoa hồng.


Muốm ngắm hoa hồng đương nhiên phải đến vườn hồng, tên chính thức là Vườn Kiểm nghiệm Hoa hồng Quốc tế (International Rose Test Garden). Cảm giác đầu tiên là choáng ngợp  trước vườn hoa và rừng người. Hoa muôn hồng nghìn tía, người thì lũ lượt, đủ màu da kiểu dáng trang phục. Có lẽ ai học hội họa cũng nên một lần đến vườn hồng này để phân biệt màu sắc tinh tế giữa các giống hoa, từ màu trắng muốt đến phớt hồng, đỏ thắm, đỏ sẫm, gần như đen. Lại còn hoa hồng vàng, từ vàng xanh cho đến vàng chói. Tất cả đều có tên họ đàng hoàng. Có những tên nổi tiếng như Barbra Streisand, Marilyn Monroe. Có những tên quí tộc như Princess Alexandra of Kent hay Queen Elizabeth. Có cả tên đàn ông như John Kennedy. Tại sao lấy tên đàn ông đặt cho hoa hồng? Hình như việc đặt tên này hơi loạn, chắc là kẻ nào lai tạo ra cây gì muốn đặt tên gì tùy hỷ. Có hoa hồng Playboy, Hot Cocoa, Kiss Me, Knock Out…
Đi ngắm từng cây hồng, đọc từng cái tên, so sánh màu sắc và mùi thơm cũng thú vị, nhưng được chừng trăm cây là niềm cao hứng ban đầu đã  tụt dốc gần chạm đáy.  Ông chồng quả thực kiên nhẫn, lững thững đi theo vợ, đến khi vợ ngồi phịch xuống băng ghế thở dốc, ông  mới thủng thẳng nói: Trừ khi cần làm một luận văn tiến sĩ về hoa hồng, không ai phải đi ngắm và ngửi từng đóa hoa như vậy.  Tôi ngồi ngẩn ngơ giữa vườn hoa một lúc, nghĩ rằng có thể  mình còn dịp khác trở lại để đến chào những cây hoa hồng còn lại, và cảm ơn những cây đã ngắm.  Những đóa hồng này đang dựng lại hình hài giấc mơ cũ đã tan từ lâu trong lòng tôi. Khi  tôi ngắm và ngửi mỗi đóa hoa, trí tưởng tượng bùng dậy giúp  tôi hình dung màu hồng này có tiệp với một bức tường trắng chăng, hay làn hương này thoảng bay vào cửa sổ mỗi ban mai thức dậy có khiến ta thấy một ngày nữa đáng sống hơn chăng.
Lần nào cũng vậy, ông chồng  tôi lái xe vòng vòng thành phố, qua những con đường rợp bóng cây, nhìn lại ngôi nhà cũ. Một ngôi nhà trệt như những ngôi nhà chung quanh, không có nét gì độc đáo. Sân trước cũng trồng nhiều thứ hoa kiểng, có một bụi hoa hồng gần lối đi. Thấy  tôi muốn sán tới bụi hoa hồng, anh ngăn  lại: “Nhà đã có chủ mới. Vả lại em không cần phải đến gần nghiên cứu. Đó là một giống hồng bình dân, hồng Betty. Ba anh trồng mà.”   Tôi ngạc nhiên: “Ba anh lai tạo giống hồng này đặt tên theo tên má anh à?” Anh phì cười: “Không. Ông mua ở vườn ươm, lựa giống trùng tên vợ mình. Người ta thường làm vậy. Hồng ngoài thị trường có đủ thứ tên.”
Nhìn quanh những ngôi nhà gần đó, thấy nhà nào cũng trồng một vài bụi hồng.   Chắc bụi kia là hồng Elina, nọ là hồng Elsie. Đã được trồng như quà sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới. Cũng hay hay. Mà sao  tôi bỗng ngáo ngáo. Những ngôi nhà xinh xắn trong vườn hồng là hiện thực trước mắt (có cả câu chuyện tình yêu ám chỉ hạnh phúc gia đình) .  Nhưng sao  tôi cứ ngờ ngợ.  Như người đánh mất một con chim nhỏ thật đẹp đi tìm mãi đến khi gặp lại thì nó đã thành  một con vịt trời. 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vượt qua cơn sốc

Ma không chồng

2222