Một thẻo địa đàng sót lại
Lối mòn băng qua đồng cỏ, mất hút trong đám hoa vàng. Tưởng
như chừng vài mươi mét phía trước cỏ đã mọc bít lối đi. Nhưng cứ đi tới thì cỏ
như vẹt ra và lối mòn quanh co cứ dẫn mình đi mãi, hết đồng cỏ đến một khu rừng,
rồi bất ngờ lối mòn kết thúc, biển hiện ra. Lối mòn này không do người ta ngẫu
hứng dẫm lên cỏ tạo thành, mà được thiết
kế để dẫn dắt bàn chân người ta. Lối mòn rộng chừng sáu tấc, rải đá xanh rất nhỏ,
chìm lẫn trong đất nện. Người ta đã thiết kế lối mòn khi lập ra khu bảo tồn
hoang dã quanh khu xử lý nước thải, để khách dạo chơi. Đôi khi gặp một lõm trống
có hàng rào và tấm bảng ghi: “Khu vực đang cấy cỏ lươn (eelgrass) đừng dẫm lên.”
Eelgrass là một loại
thực vật mọc ở bãi cát ngập nước ven biển, lá dài uốn éo như con lươn khi thủy
triều lên, nước dâng lút đầu cỏ. Khi thủy triều xuống, cả đám cỏ ngã rạp dài
theo hướng nước rút. Mùa đông mặt đất trụi lũi phủ đầy tuyết, cỏ vẫn xanh tươi
trong nước biển, làm chỗ ẩn trú và cung cấp thực phẩm cho cua cá nghêu sò. Rễ cỏ
giữ trầm tích giúp bãi biển từ từ hóa nương dâu, giống như công việc của cây mắm
ở mũi Cà Mau xứ mình.
Hồi xưa, cách đây cỡ
mười mấy hai chục năm, lúc anh họ tôi mới
đến định cư ở vùng vịnh Bellingham, anh lội vô đám cỏ lươn mọc nơi những dòng
nước chảy từ bờ ra biển bắt được vô số cua – cứ vạch cỏ ra là thấy cua, cứ con
nào lớn là lượm! Cua rất sạch sẽ vì nước trong veo. Chính quyền hồi đó cũng còn
hào phóng, giấy phép bắt cua rẻ rề, mỗi người được bắt mười mấy con, trẻ em thì
khỏi mua giấy phép, nên anh họ tôi nhơn
chỉ tiêu cho đầu người trong gia đình (có 3 đứa con nít) bắt cua mệt nghỉ không cần đếm, đem về rọng
trong cái bồn tắm, ăn đến phát ngán mà cua vẫn còn bò lỗm ngỗm khắp nhà, đành phải
luộc chín để trong tủ đá, lâu lâu đem ra gỡ thịt làm chả giò cua.
Hồi tôi mới sang nghe
anh nói mà bắt ham, liên tưởng đến vùng châu thổ sông Cửu Long ngày xưa: cá bơi
đặc dưới sông, nhảy cả lên bờ nằm trong
cỏ, mình chỉ việc lượm bỏ vô rỗ bưng về, mà chỉ lượm con nào bự cỡ bàn tay trở
lên thôi. (Không phải tôi ham ăn mà lại
hà tiện, không muốn trả tiền mua cua cá ở chợ.)
Tôi luôn mơ ước một trái đất hay một miền đất mà các loài vật khác cũng
có những điều kiện thuận lợi để phát triển, chứ không phải nhìn đâu cũng chỉ
còn lại người và người như những chốn thị thành.
Bellingham thưở tôi mới
đến tựa như một mảnh sót lại của vườn Địa đàng, hoa trái khắp nơi, chim chóc khắp
nơi, nai đi lơ ngơ khắp nơi, cua cá nghêu hào trai ốc đầy hồ, sông, biển. Ngày
xuân đi đào sò, ngày hè đi câu cua, ngày thu đi hái trái chín, và ngày nào cũng
có thể đi dạo trên những con đường xanh (greenway, có nhiều cây xanh cảnh đẹp,
cấm xe có động cơ chạy). Có khi tôi đi một
mình, lân la hái trái dâu đen trong khoảnh
rừng vắng vẻ, thỉnh thoảng có người chạy bộ ngang cất tiếng chào “Hi!”. Cảm
giác thanh bình. Mà quả thực cuộc sống ở chốn người thưa đất rộng này rất thanh
bình êm ả.
Nhưng hỡi ôi, bước
sang thế kỷ 21 xứ này cũng bị dịch “đô thị hóa”. Tiếng tăm về một nơi có đầy đủ tiện nghi và
sinh hoạt văn hóa của một thành phố, mà có cả thiên nhiên hoang dã phong phú,
không khí trong lành và yên tĩnh, với vô số tiện nghi cho các hoạt động ngoài
trời, từ leo núi, trượt băng, chèo thuyền, cỡi xe đạp, đi bộ… Thiên hạ ùn ùn kéo tới đây để nghỉ hè, nghỉ
đông, nghỉ dưỡng, nghỉ hưu. Các nhà đầu tư địa ốc và kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng
bèn ùn ùn xây nhà đủ kiểu đủ loại, vừa đáp ứng vừa tạo thêm nhu cầu. Trong vòng
10 năm (2000 -2010) dân số thành phố tăng 20,4%.
Người ta bu tới đâu thì kéo theo tai họa tới cho thiên nhiên
ở đó. Những đám cỏ lươn teo tóp lại, nước
biển bị ô nhiễm, cua cá nghêu sò giảm nhanh số lượng, vì mất môi trường thuận lợi
để sinh sôi mà cũng vì người ta lùng bắt ráo riết quá. Giấy phép đánh bắt hải sản
tăng giá mỗi năm trong khi giới hạn số lượng đánh bắt ngày càng giảm. Thiên hạ
vẫn đánh bắt, bất chấp cảnh báo của chính quyền là nghêu sò có thể bị nhiễm độc,
một loại chất độc sinh học chết người do nghêu sò ăn một thứ vi sinh vật phát
triển trong nước bị ô nhiễm. Nhiều người câu cá bắt cua đào sò “vui là chính”,
riêng người Việt mình thì phải “lấy vốn” lại rồi mới vui. (Ít nhứt cũng phải
đánh bắt được một số lượng sản phẩm so với giá thị trường thì tương đương với số
tiền bỏ ra mua giấy phép.)
Chính quyền thành phố không phải là những nhà môi trường lý
tưởng (hay hoang tưởng) khư khư giữ gìn thiên nhiên cho những tâm hồn lãng mạn.
Nhưng họ hiểu rằng thiên nhiên nơi đây là tài nguyên quan trọng để phát triển
ngành kinh tế quan trọng của thành phố là du lịch và nghỉ dưỡng. Thành phố phát
triển nhanh theo qui hoạch, những tổ chức bảo vệ thiên nhiên và đời sống hoang
dã hoạt động mạnh, lúc nào dân chúng cũng để mắt tới môi trường quanh mình. Muốn
mở một con đường mới hay một khu thương mại mới đều đăng báo cho công chúng biết
và khi hội đồng thành phố họp để nghe giải trình hay quyết định về các dự án đều
mở cửa cho công chúng tham dự và bày tỏ ý kiến. Và một phần số tiền thu từ những
đề án phát triển đô thị được dùng cho việc bảo tồn thiên nhiên.
Lối mòn mà tôi vừa “khám phá” ra, dẫn tôi qua đồng cỏ, cánh rừng, đến bờ biển nằm
ngay sau khu biệt thự mới cất. Cây cối che khuất khu xử lý nước thải. Cánh đồng
, khu rừng cũng như bãi biển được bảo tồn
như tài sản của công chúng và chỉ được dùng cho lợi ích của công chúng. Nó tạo
nên cảnh quan đẹp, không gian trong lành,
làm tăng giá trị nhà ở khu này, chứ không chỉ là chốn dung thân của chim chóc
nai chồn.