Giấc mơ thành phố mới
Ở xa nhờ internet tôi
biết quê mình – Bình Dương – giờ gọi là thành phố. Một phim quảng cáo bất động sản giới thiệu Bình
Dương năm 2015 là “một thành phố sang trọng”, “một
trung tâm đô thị hiện đại, năng động, bền vững với đầy đủ các loại
hình phát triển phục vụ trên một triệu người”. Mô hình những khách sạn,
trung tâm hội nghị và trung tâm triễn lãnh quốc tế, sân golf và trường đua ngựa,
bệnh viện quốc tế và trường đại học kỷ thuật quốc tế… là những hình ảnh kỷ thuật
số về một ước mơ tương lai, giống như phim hoạt hình viễn tưởng.

Thực ra những công trình còn là dự án ấy không hề vượt xa khả
năng kỷ thuật và có thể cả khả năng tài chánh. Những gì “thành phố mới” ấy sẽ
có đều đã có ở nhiều thành phố khác. Những hứa hẹn về đời sống văn minh đô thị
vừa có trung tâm mua sắm lẫn trung tâm văn hóa, hoạt động cộng đồng lẫn không
gian giải trí xanh, là những nỗ lực mà đô thị nào cũng hướng tới. Mô hình
“thành phố mới” này phô bày những gì được coi là chuẩn của một thành phố. Nhưng ví dụ loại bớt những tính từ quảng cáo hào
nhoáng, những danh từ rổn rảng, né khu “trung tâm hành chánh” phục vụ “các tập
đoàn đa quốc gia”, thì thành phố còn lại gì?
Một cảm giác khó tả đeo bám
tôi sau khi xem mấy phút video đó. Những tòa nhà to lớn, đường phố rộng
rãi, công viên với hồ nước phun, phố mua sắm ngầm, ga tàu điện trên không… là
hiện thực ở nhiều thành phố đâu đó trên trái đất này, hà cớ gì không thể là hiện
thực ở ngay quê tôi? 2015 là một tương lai không xa, cái gì cũng có thể xảy ra
– hoặc không xảy ra. Bà con ở “quê” nói với
tôi bằng giọng náo nức là Bình Dương mai mốt đẹp lắm. Tôi muốn nói là Bình Dương của mình ngày xưa
đã đẹp lắm, đợi gì tới một tương lai giống với hàng ngàn đô thị trung bình ở khắp
hành tinh. Nhưng nói vậy dễ gây hiểu lầm.
Bà con bây giờ đã là người thành phố, đừng nói là “quê”, khi
xã ấp đã đổi thành phố phường, điện nước internet cáp truyền hình điện thoại đầy
đủ, nhà cửa san sát, nhà nào có mặt tiền cũng trương bảng kinh doanh. Đi một đoạn
vài trăm thước trên con đường mới tráng nhựa là có đủ tất cả dịch vụ cho mọi
nhu cầu, từ café cơm phở đến cửa hàng điện thoại di động máy tính, máy ATM, và
cả một cái siêu thị. Bà con bây giờ ăn mặc còn sành điệu hơn tôi, đi “tua” đó đây cũng nhiều, những chỗ
“láng e” đã từng tới, và không thể hiểu sao
tôi về “quê” bằng xe buýt, xài cái điện thoại không biết chụp hình.
Bỏ qua chuyện linh tinh,
tôi xác nhận quan điểm của tôi là
ủng hộ quê mình lên cấp thành phố. Người ta ai cũng có cái quyền chính đáng là
sống một cuộc đời phong phú và tiện nghi. Người đông đất chật, tập trung ở đô
thị là cách chia sẻ đỡ tốn kém hơn, vì năng lượng và tài nguyên trong trời đất
dùng để phục vụ một triệu người sống tập trung đỡ hao hơn một triệu người sống
rải rác. Nếu “thành phố mới” được tổ chức và quản lý tốt, có hệ thống xử lý chất
thải và nước thải, thì tốt cho môi trường trái đất hơn là để mặc cho thiên hạ
ăn ở tràn lan, bạ đâu hư đó. Người ở thành phố sẽ phải tuân thủ những luật lệ nguyên
tắc bắt buộc của cách sống đô thị, như
không thể nghênh ngang đánh xe bò
đi giữa đường, mà phải tuân theo luật giao thông có đèn xanh đèn đỏ, nếu
lột vỏ chuối liệng ra đường thì bị phạt, hoặc bị nhìn như kẻ “nhà quê”.
Nghe nói bây giờ trên trái đất, do biến đổi khí hậu, những
nơi thuận tiện cho con người sinh sống ngày càng thu hẹp. Nhiều yếu tố hiện đại khác, như toàn cầu hóa,
cũng khiến cuộc sinh tồn của cá nhân đơn
độc hay cộng đồng nhỏ lẻ trở nên khó
khăn, thua thiệt. Không phải cách sống tự tại tự túc nơi thôn dã không hay,
nhưng phải có nội lực thâm hậu lắm mới khả dĩ tồn tại độc lập, mới có thể kháng
cự những cuồng phong trong thời mạnh vì vũ khí bạo vì tiền. Bà con tôi đâu phải ai cũng khoái lên đời làm dân thành
phố. Nhưng căn nhà nhỏ giữa mấy sào vườn của họ như sợi lông tơ bay biến ngoài
khả năng nắm giữ của kẻ thấp cổ bé miệng. Thành phố được coi là môi trường nhân
tạo có thể cung cấp nơi trú ngụ tương đối an toàn, nơi người ta có bầy có đàn,
cùng nhau lao vào cuộc mưu sinh tiêu thụ, tự an ủi người ta sao mình vậy.
Ở nơi xa quê, thỉnh thoảng
tôi vào bản đồ Google tìm đến làng cũ của mình qua hình chụp từ vệ tinh,
mở độ lớn hết cỡ thì có thể nhìn thấy con đường làng sau khi tráng nhựa thành một
vạch thẳng , hai bên chi chít những vật thể màu xám, dễ đoán được là nóc
nhà. Tôi đọ bản đồ với ký ức về làng quê
mình, đoán chỗ này là nhà ông bà ngoại, vệt ngoằn ngoèo này là lối mòn đi lên
gò mã, những bệt xám nham nhỡ vây quanh nghĩa địa là khu nhà trọ cất vội vàng tạm
bợ cho công nhân khu công nghiệp sát bên. Và nguyên dãy đồi ngày xưa mình thả
diều nay xám xịt những nhà máy.
Nếu trí nhớ không đánh lừa
tôi thì hồi nhỏ tôi chiêm bao nhiều
màu sắc lắm. Tôi không thể nhớ lại những
giấc mơ khi lên tám lên mười. Tôi chỉ biết
chắc là khoảng thời gian sau khi mẹ mất
tôi ở với bà ngoại. Tôi hay mớ
trong giấc ngủ, khi thức dậy thì kể chuyện chiêm bao cho ngoại nghe. Ngoại ghi nhớ những lời trẻ con mớ
lẫn những lời tôi kể. Khi tôi trưởng thành, ngoại nhắc lại là tôi thường
gặp mẹ trong mơ, có khi mẹ mặc áo đỏ, có khi mặc áo hồng, gánh hàng bông ra chợ,
mướp xanh một thúng, cà tím một thúng.
Bà ngoại tôi chơn chất, nhưng đứa
nhỏ tám tuổi là tôi rất có khả năng bịa
ra những giấc mơ của mình.
Căn cứ vào một đoạn nhật ký hồi tôi mười sáu tuổi thì bầu trời trong chiêm
bao của tôi cũng có màu sắc. Tôi đã ghi ra giấy tâm trạng của mình trong một
giấc mơ: ngây ngất trước cầu vồng, chạy mãi trên con đường đất đỏ băng qua rừng
cao su xanh rì đến một giòng sông lấp lóa ánh nắng bạc. Không biết tại sao bây giờ chỉ còn những giấc
mơ xam xám.