Hái dâu “U-pick”
Khoái quá: hôm nay trời nắng bèn đi hái dâu. Từ cả tháng trước,
siêu thị đã bày bán dâu tây (strawberries) trồng ở California hoặc Mexico, theo
nhãn dán trên hộp. Những hộp dâu này chứa những trái dâu to, màu đỏ sậm, thấy phát
thèm phải mua, nhưng ăn mà không thấy
ngon lắm. Phần vì phải rửa kỹ nên trái dâu hơi bầm giập, phần vì dâu vận chuyển
từ xa lại tồn trữ trong kho lạnh nhiều ngày, nên hương vị không được mỹ
mãn. Phải ăn trái dâu “chín cây” vừa hái
ngoài đồng mới thưởng thức được hương vị chân chính của nó. Nên phải “U-pick”,
là đi tới trang trại trồng dâu, tự mình hái rồi cân mà trả tiền.
Năm kia đi hái dâu với bạn vui lắm, bạn cũng như mình, vừa
hái vừa ăn, lựa trái vừa đúng cỡ vừa đẹp vừa chín tới mới hái. Lại vừa hái vừa
chơi, vui quá chừng. Nay đi hái dâu với chồng, ổng không cho ăn, bảo là người
ta phun rất nhiều thuốc trừ sâu chống mốc, phải đem về nhà rửa sạch rồi mới ăn
(Hùm, còn gì là khoái!). Ổng cũng chẳng đi lang thang ngắm hoa cỏ, chỉ đi tới
đúng cái luống dâu mà người của trang trại chỉ, và hái tất tần tật dâu chín
trong luống đó, bất kể dâu mới hườm hườm hay đã chín rục, bất kể trái lớn quá cỡ
hay trái nhỏ đẹt câm. Đã vậy còn rầy vợ
hái sót dâu! Ổng nói luống dâu nào mình hái rồi, trang trại sẽ để nó “nghỉ” cho
đến khi đợt dâu khác chín mới cho người
khác hái, nếu mình hái sót trái dâu chín thúi lây bệnh cho cả luống. Mình cải lại là sau khi đám người hái dâu tài
tử “U-pick” càn qua đám nào thì thợ hái chuyên nghiệp sẽ rà lại đám đó, vừa dọn
vệ sinh luống dâu, vừa hái hết dâu chín còn sót lại. Ổng bảo là không, không ai
rảnh làm vậy, lao động ở đây mắc lắm.
Mình bảo có, một người quen là di dân hiện đang làm công việc đó, lương rẻ mạt!
Bỗng tụi này giật mình nhìn quanh ngượng ngùng im lặng. Luống
dâu nào cũng có người đang hái, tuy ai cũng cúi lom khom có vẻ chăm chú làm
công việc của mình, nhưng đồng trống âm thanh vang xa, chắc họ đang thắc mắc tại
sao hai người này dắt nhau ra giữa đồng cải lộn! Thế là cụt hứng. Ổng lạnh lùng
hái dâu, hái kiểu như ổng thì loáng một cái là đầy một xô, rồi tuyên bố nhiêu
đó đủ rồi. Cái xô của tôi mới đầy một phần ba nên tôi lầm lũi một mình hái tiếp.
Vừa hái vừa nghĩ đến người quen.
Tôi vô tình, gặp chị đi mua sắm trong thương xá, ăn mặc chải
chuốt, giày cao gót, son phấn kỹ càng, tôi làm quen rồi rủ chị : “Mùa hè ở đây
có cái thú đi hái dâu U-pick. Tháng 6 hái strawberries, tháng 7 raspberries, tháng
8 blueberries…” Chị nói công việc cụp xương sống chứ thú vị gì! Chị hái mướn
năm sáu ngày một tuần, bữa nay chủ nhật chỉ đi nhà thờ và shopping. Tôi đành lập lờ nói lảng qua chuyện khác.
Nhưng chị không bận lòng chuyện tôi coi công việc kiếm sống của chị là một thú
vui, còn mach tôi là dâu ở trang trại G
ngọt hơn dâu bên B.
Ông chồng tôi bảo chỗ đó hơi xa, lái xe đi lái xe về mất một
tiếng, thêm một tiếng hái dâu, cộng thêm tiền xăng và thì giờ công sức bỏ ra,
giá thành mắc gấp mấy lần giá ngoài siêu thị. Nhưng dĩ nhiên vui là chính, tôi
nhấn mạnh, và tươi ngon. Không hẳn điều này thuyết phục ổng, mà ổng có lý do
chính đáng hơn để chở vợ đi mấy chục cây số hái 5 ký dâu, ấy là ủng hộ nông dân
địa phương. Những trang trại nhỏ này
trông cậy vào khách vãng lai đến hái và tiêu thụ nông phẩm. Nhờ mấy phong trào
như ăn địa phương (eat local), biết nguồn gốc thực phẩm của mình (know your
food) , trở về với tự nhiên, với nông thôn… mà các nông trại gần thành phố có
thêm dịch vụ đón khách đến tham quan, tìm hiểu và tham gia công việc nhà
nông.
Nhớ đâu mười năm trước, những dịch vụ này còn đậm chất “nhà
quê”: giữa cánh đồng dâu chỉ có một cái quầy dựng tạm để tính tiền và một cái
nhà vệ sinh tạm. Rồi dần dần người ta mở rộng cái quầy, xây kiên cố hơn, bày
bán thêm các nông sản khác. Nhiều người chỉ tính đi hái dâu, rồi sẵn thấy dưa
mua dưa, thấy bắp đâm thèm bắp, thấy mấy chậu treo hoa đủ màu sắc khoái con mắt
quá mua luôn. Khách trẻ con chiếm tỷ lệ lớn trong số khách vãng lai, vì là mùa
hè chúng được nghỉ học. Mà có trẻ con thì phải có chỗ cho chúng chơi.
Nhiều gia đình coi đó như một chuyến đi chơi dã ngoại, cụ bị
sẵn thịt thà, ghé vô trang trại hái thêm rau trái tươi, rồi đi tìm công viên,
chỗ cắm trại. Tại sao không “chơi” luôn ở trang trại? Thế là bác nông dân “qui
hoạch” lại cơ ngơi: chỗ nào cho khách đậu xe, vườn dâu phải cạnh đó để ra khỏi
xe là có thể bước vô vườn hái luôn. Chỗ trẻ con chơi và gia đình ăn picnic xa
xa một chút, có cảnh trí đẹp, như bờ sông, hồ nước, bóng cây to, đặt sẵn lò nướng
ngoài trời. Thế rồi, do nhu cầu của khách hoặc sáng kiến của chủ, trang trại bán cả trứng gà, gà, heo, bò làm sẵn,
thịt xay… có cả bơ, phó mát chế biến tại nhà, bánh bông lan do bà chủ trại mới
nướng (để ăn với dâu mới hái thì ngon tuyệt trần ai!) Cho nên ngày cuối tuần đẹp
trời, vợ chồng con cái chỉ việc lên xe lái một cái èo tới nông trại, rồi tự ra
vườn hái rau trái hoặc lại quầy mua đồ đã hái sẵn, còn tươi hay đã được chế biến,
thứ gì cũng có (kể cả gia vị), rồi bày ra ăn tại chỗ, trong khung cảnh đồng
quê.
Chiều về, xe chạy trên những con “đường làng” băng qua những
cánh đồng chỗ xanh tươi những luống dâu thẳng tắp, chỗ đồng cỏ mênh mông có đàn
bò đen (đặc sản Black Angus) lững thững đi qua đi lại, chỗ hoang vu với chuồng
trại đứng chơ vơ không còn gia súc, bên đường cắm tấm bảng rao bán đất. Tôi nói
có tiền mình mua miếng đất này trồng dâu chăn dê. Ông chồng bình thản lái xe,
đáp mà không nhìn tôi : tưởng dễ!