Chuyện đời xưa kể lại
Đời xưa ở nước Đức có một ông Grimm. Trong vòng mười một năm
vợ ông là Dorothea sanh liên tiếp chín đứa con, đều mang họ Grimm. Chẳng may,
ba đứa trong đàn con ấy chết yểu. Lại chẳng may nữa, ông Grimm qua đời bỏ lại lũ
con còn nhỏ xíu. Đứa lớn nhứt là Jacob mới 11 tuổi. Đứa tiếp theo là Wilhelm 10
tuổi. Hai đứa này về sau lớn lên nổi tiếng khắp thế giới nhờ tài kể chuyện đời
xưa.
Bởi vì sinh thời ông Grimm cha là một luật sư giàu có nên
anh em Jacob và Wilhelm Grimm đều được
giáo dục tử tế để nối nghiệp cha. Cả hai đều học ngành luật ở trường đại học
Marburg. Vận rủi không tha, bà Grimm qua đời. Jacob và Wilhelm phải nghỉ học đi
làm nhân viên thư viện để nuôi các em. Cũng may cho hậu thế, hai anh
em đã tận dụng điều kiện làm việc giữa kho tàng sách báo mà soạn ra bộ Kinder- und Hausmärchen (quyển
1 in năm 1812, quyển 2 in năm 1814). Bộ sách này tập hợp những câu chuyện đời
xưa được lưu truyền trong dân gian, tên sách là Truyện kể cho trẻ em và trong gia đình,
khi được dịch ra 169 ngôn ngữ trên thế giới đều có chung tựa là Truyện cổ
tích của anh em Grimm. Tính từ ngày xuất bản đầu tiên đến nay bộ sách đã sống
tròn hai thế kỷ.
Sự nghiệp của
anh em Grimm bao gồm nhiều tác phẩm mang
tính học thuật như Lịch sử ngôn ngữ Đức, Văn phạm Đức, huyền thoại Đức, Tự
điển Đức… Nhưng dễ hiểu là chỉ những ai quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa Đức
mới đọc những tác phẩm đó, còn đại chúng, nhứt là trẻ con khắp thế giới thì chỉ
biết đến những câu chuyện đời xưa của anh em nhà Grimm. Thực ra, nếu anh em Grimm không làm công việc kể lại những câu
chuyện đó thì ắt có người khác làm. Mà thực tế là trước Grimm cũng đã có người
làm một việc tương tự, chẳng hạn vào năm 1805 Achim von Arnim và Clemens
Brentano đã xuất bản tuyển tập thơ ca dân gian Des Knaben Wunderhorn (Chiếc
sừng nhiệm mầu của tuổi trẻ).
Nhưng công của
anh em Grimm không nhỏ. Trong suốt nửa
thế kỷ (một đời làm việc của hai anh em)
từ bản thảo đầu tiên với 53 truyện gởi cho nhà xuất bản (1810) không được in và
cũng không được trả lại bản thảo, đến quyển sách đầu tiên được in (1812) với 78
truyện, bộ truyện đời xưa của anh em
Grimm liên tục được bổ sung, chỉnh sửa qua nhiều lần tái bản, đến bản in năm
1857 thì có tổng cộng 200 truyện đời xưa kèm 10 huyền thoại cho trẻ em. Lúc này
anh em Grimm đã trở thành hai cụ Grimm
và lần lượt qua đời ở tuổi bảy mươi mấy.
Hầu hết các bản dịch phổ biến trên thế giới đều dịch từ bản in năm 1857
Cùng thời, ở Đan Mạch
cũng xuất hiện một người kể chuyện đời xưa
tên là Hans Christian Andersen, vốn là nhà thơ chứ không “học viện” như
anh em Grimm. Andersen không có anh chị
em gì cả, phải tự bươn chải kiếm sống từ thời trẻ bằng nghề ca hát, diễn kịch.
Những tác phẩm được xuất bản đầu tiên của ông là một tập truyện ngắn, một vở
hài kịch, một tập thơ, tiếp theo là ba cuốn tiểu thuyết. Người đương thời biết
đến ông nhờ mấy cuốn tiểu thuyết , trong khi bộ sách ba tập Truyện thần tiên
thì hơi bị ế khi mới ra đời (1835). Andersen cũng viết nhiều sách du ngoạn, vì
ông đi lung tung khắp châu Âu, giao du rộng, yêu đương nhiều, ăn chơi không ít.
Văn thơ Andersen phóng khoáng, lãng mạn, gợi hứng. Truyện thần tiên của ông
cũng mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân chứ không phải là tập hợp những truyện kể
dân gian nhiều tác giả mà anh em Grimm cố
gắng “trung thành với bản gốc” khi kể lại.
Khoảng thời gian Truyện
cổ tích của anh em Grimm tái bản và
bổ sung lần thứ 3 và Truyện thần tiên của Hans Christian Andersen đã xuất bản đủ 3 tập
(1837) thì ở một nơi rất xa châu Âu, thuộc về
miền “viễn đông”, một nơi gọi là ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh
Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ
Lách, tỉnh Bến Tre), chào đời một đứa bé được
đặt tên là Trương Chánh Ký. Chẳng may, mới 8 tuổi Ký
đã mồ côi cha. Cũng may, biết thân phận mồ côi, Ký siêng năng hiếu học, nên được
các nhà truyền đạo cho đi du học ở nước ngoài từ năm 11 tuổi. Nhờ vậy, Ký biết
nhiều ngoại ngữ và có cơ hội giao tiếp với
nhiều nền văn hóa khác nhau. Khi trở về quê hương năm 21 tuổi, Trương Chánh Ký
đã cải theo đạo công giáo, có tên là Jean-Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký, gọi tắt
là Pétrus Ký. Lúc ấy, mẹ của ông bệnh mất, nước của ông bị Pháp đánh chiếm.
Bốn mươi năm tiếp
theo trong cuộc đời của Pétrus Ký đầy thăng trầm trên hoạn lộ, đầy hoạt động
trong nhiều lĩnh vực văn hóa mà ông đóng vai trò tiên phong. Người đời sau biết
đến ông nhiều nhứt như một học giả, nhà báo, nhà ngôn ngữ, nhà văn hóa, nhưng
tôi biết đến ông như người kể chuyện. Ông để lại cho đời khoảng 100 tác phẩm đã
xuất bản, gồm có sáng tác, dịch thuật,
phiên âm, biên khảo, sưu tầm, trong đó
có cuốn Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài là tập hợp những truyện
kể trong dân gian, mà theo Sơn Nam thì “lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bây
giờ” cho đến nay “hãy
còn được nhắc nhở”.
Hỗm nay đem sách của ba ông kể chuyện đời xưa ra đọc lại,
tôi nổi hứng muốn kể lại chuyện đời xưa. Từ hồi đó cho tới giờ người ta luôn kể
lại những câu chuyện đời xưa mà người ta đã đọc hay nghe hay xem (tranh, phim ảnh)
qua cảm nhận và trí tưởng tượng của mình. Ngay cả “bản gốc” của anh em Grimm cũng đã được nhà xuất bản biên tập
và chính anh em Grimm chỉnh sửa qua mỗi
lần tái bản. Khó mà truy được “gốc” thực sự của một câu chuyện đời xưa trong
dân gian. Nhưng có cần thiết? Chuyện đời xưa là chuyện được liệt vào hàng tài sản
văn hóa công cộng, ai cũng có thể kể lại, và tài sản đó được lưu truyền mãi nhờ
luôn được tái sanh trong những câu chuyện được mọi người kể lại.