Kinh nghiệm cá nhân
Khi tôi bắt đầu viết về đại học chất lượng cao và miễn phí
trên mạng thì đã có nhiều bạn trẻ Việt Nam biết và theo học những khóa đó từ
trước. (Tự khai: chính nhờ một trong những bạn trẻ ấy mà tôi quyết định tìm hiểu
và viết về cách học này. Cám ơn T.) Một
số bạn khác đã dò theo những đường link tôi dẫn trong các bài viết mà vào
website của các học viện trên mạng và bắt đầu ghi danh một số lớp. Tôi cũng nhận
được những câu hỏi như: “Cháu muốn học,
nhưng không biết làm sao?”. (Thành thật: nếu câu này được hỏi trước mặt,
thì phản ứng tức thì của tôi là khỏ đầu người hỏi. Bộ cháu chưa bao giờ “lướt
web” hay xài internet sao?) Nhưng nghĩ lại hoàn cảnh giáo dục xứ mình, thì thấy
đó cũng là một câu hỏi.
Theo học các lớp này là chuyện cực kỳ đơn giản. Vào website
của Udacity.com hay Coursera.org hay edX.org xem những khóa học nào gợi được
trí tò mò, óc ham hiểu biết của mình, bấm vào đó để xem giới thiệu về chương
trình học, thời lượng và giảng viên. Nhắm mình học nổi, hoặc thấy thích học
thôi cũng được, thì ghi danh. Chỉ cần một
địa chỉ email để thầy liên lạc và để mình đăng nhập vào trang web của lớp học.
Bạn phải cam kết với “honor code” (điều
lệ danh dự) của các học viện này là chỉ dùng một tài khoản (không tạo nhiều
account ma), tự làm bài vỡ, không nhờ người khác giúp và cũng không giúp người
khác trong bài tập và kiểm tra. Trong phần khai lí lịch, người học nghiêm túc
và muốn lấy chứng chỉ sau khi hoàn tất khóa học thì nên khai đúng, vì những chi
tiết đó sẽ được ghi vào bằng cấp. Nếu không muốn khai, cũng không ai biết ai là
ai.
Một câu hỏi thứ phát: mấy
website đó bằng tiếng Anh, cháu không hiểu hết! Trong trường hợp này có lẽ nên theo học những lớp tiếng Anh trước. (Vô
đây để học từ căn bản nếu chửa biết gì: http://learnenglish.britishcouncil.org/en/
hay http://learningenglish.voanews.com/
) Nếu đã biết võ vẽ chút đỉnh thì cứ học tiếng Anh ngay trong những khóa học, bất
cứ môn nào. Tất cả bài giảng qua video đều có phụ chú tiếng Anh, và một số ngôn
ngữ khác, người xem có thể điều chỉnh tốc độ nói nhanh chậm, lập lại, dừng lại…
Cũng có thể mở toàn văn bản bài giảng ra mà đọc với hổ trợ của một chương trình
dịch (Google, Bing…) nếu chưa có sẵn phụ đề tiếng Việt trong video. Tôi đã kiểm
tra, thấy máy “dịch là phản”, nhưng nếu là các bộ môn khoa học kỷ thuật thì
không đến nỗi nào. Có những nhóm bạn trẻ đã xung phong dịch những bài giảng
trên mạng sang tiếng Việt như nhóm HTT ( http://htt.fotech.org/ ). Tham gia
dịch là cách tốt nhứt để hiểu bài giảng đồng thời trau giồi tiếng Anh. Và giúp đỡ đồng hương.
Những khóa học trên mạng nhắm vào người học trên khắp thế giới
nên luôn có những đề xuất giải quyết những rào cản ngôn ngữ. Dĩ nhiên bản thân
người học cũng phải có động tác cố gắng về phần mình để vượt qua những rào cản
này. Chắc chắn bạn không phải là người duy nhứt ú ớ cái tiếng không phải tiếng
mẹ đẻ của mình. Chắc chắn bạn tìm được đồng minh để chia sẻ và giúp đỡ nhau
trên các diễn đàn thảo luận, nhóm học tập, hay chỗ tụ tập giải lao (như
Hangout, ứng dụng mới đưa ra của Google được áp dung trong các lớp của edX.) Nên rủ rê nhiều người cùng ngôn ngữ với mình học
chung một lớp, chơi chung một nhóm, có nhiều cái lợi.
Udacity là học viện “mở” nhứt, ai cũng có thể xem các bài giảng
không cần ghi danh, chỉ phải đăng nhập để làm bài hay thảo luận. Bài học ở đây
rất sinh động nhưng chủ yếu là về khoa học máy tính. Coursera có nội dung phong
phú hơn, từ khoa học xã hội, nhân văn, đến
khoa học cơ bản toán lý hóa, kỷ thuật, mỹ thuật. Bên edX hiện nay cũng thiên về
khoa học kỷ thuật. Khan Academy và TED-Ed (http://ed.ted.com/
) chủ yếu cung cấp những video giải thích / giải đáp một vấn đề cụ thể, xếp
theo hệ thống chủ để, đề tài, chứ không thành khóa học. Chúng còn ở dạng “học
liệu” để bất kỳ người nào cũng có thể sử dụng cho bài dạy hay bài học theo yêu
cầu riêng.
Ai cũng có thể nhập học bất cứ lúc nào trong suốt thời gian khóa
học mở. Các bài giảng ở dạng video và tài liệu ở dạng slideshow, fpd, text đều
có thể được tải về máy tính cá nhân và tự động truyền (sync) vào các thiết bị
điện tử khác của người học, nên rất tiện cho cách học du kích: trong lúc chờ xe
hay chờ bồ, đi tới chỗ hẹn hay đi bộ tập thể dục, lúc ngâm mình trong bồn tắm
hay ngồi trên bồn cầu đều có thể nghe/nhìn bài giảng (trên dưới 10 phút mỗi
bài) qua điện thoại, máy tính bảng, hay máy đọc sách. Sau khi khóa học kết thúc,
website của khóa đó thường đóng lại. (Cho nên đang lúc bài giảng còn thấy đó thì
cứ tải luôn về máy của mình cho chắc ăn).
Mỗi khóa có giao diện lớp học riêng. Các khóa bên Coursera
thì mỗi tuần có chừng bảy tám bài giảng (video), mỗi bài chừng 10 phút, kèm bài
tập. Tuy bạn có thể hiển thị văn bản (tiếng Anh) hoặc phụ đề tiếng khác, nhưng
tôi thấy không nên làm vậy, mà hãy cố tập trung XEM thầy/cô giảng. (Có nhiều thứ
khác như hành ảnh, bản vẽ…. trên màn hình chứ không chỉ mỗi gương mặt người giảng),
sau đó hãy đọc văn bản rồi xem lại video nếu cần. Trong suốt tuần, học viên rảnh
lúc nào thì xem bài giảng lúc đó, xem bao nhiêu lần cũng được, có thắc mắc thì
cứ gởi câu hỏi lên diễn đàn hay nhóm học tập, bài tập cũng có thể làm lại nhiều
lần cho tới khi vừa ý, đúng trăm phần trăm (được phép làm lại tới 100 lần!). Nhưng
bài thi chỉ làm một lần và phải nộp bài đúng hạn, bài nộp trễ không được chấm
điểm.
Thiết kế lớp học rất tiện dụng, cứ thử hết các nút (icon)
trên giao diện của lớp học, thế nào bạn cũng ngạc nhiên vì sự thông minh của những
người thiết kế. Mỗi tuần học viên nhận được email báo cho biết bài giảng và bài
tập của tuần đó đã được đưa lên lớp, với lời giới thiệu sơ lược và tóm tắt tình
hình lớp học đang diễn tiến. Ban đầu các bài giảng được đưa lên vào đầu tuần.
Sau này, thuận theo ý kiến của người học là họ đều bận đủ thứ khác trong tuần,
chỉ những ngày nghỉ cuối tuần mới rảnh để lên mạng học, nên các bài giảng mới
thường được đưa lên mạng vào chiều thứ sáu. Bài giảng của Coursera và Udacity được
thu hình có dàn dựng biên tập. Bên edX thì bài giảng là video thu hình trong lớp
học thực tế ở trường Harvard, MIT, hay UC Berkerley, dài 70-80 phút, xem hơi
ngán. Nhưng như những sinh viên ngồi trong giảng đường, thỉnh thoảng bỏ ra
hangout để kiếm bạn tán dóc, vô diễn đàn để thảo luận chuyện liên quan hoặc
không liên quan gì đến bài giảng, hay ra hành lang làm chuyện vớ vẩn gí đó. Hay nhứt là sau khi “ra chơi” rồi trở vô lớp
thì thấy bài giảng tiếp tục đúng chỗ mình bỏ đi ra.
Chắc còn nhiều điều mới lạ, từ từ bạn sẽ khám phá ra và tìm
cách ứng dụng thích hợp với mình, sao cho kinh nghiệm học trên mạng là một trải
nghiệm thoải mái và hữu dụng. À, (câu hỏi lạc đề) làm sao tôi biết được những điều này? Bật mí: tôi đã nhào vô học ở tất cả các học viện
nêu trên, mỗi nơi một hai lớp. Học cho biết. Có tốn đồng xu nào đâu?